Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va

Quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va

Tự Truyện

Quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va

DO RAIMO KUOKKANEN KỂ LẠI

Vào năm 1939, Thế Chiến II bùng nổ ở Âu Châu và quân Liên Xô tấn công Phần Lan, quê hương tôi. Cha tôi từ giã gia đình để gia nhập quân đội Phần Lan. Ít lâu sau, máy bay của Nga bắt đầu thả bom thành phố chúng tôi sinh sống. Mẹ tôi gửi tôi đến sống với bà ngoại ở nơi an toàn hơn.

VÀO năm 1971, lúc đó tôi đang làm giáo sĩ ở Uganda, Đông Phi. Một ngày nọ, trong lúc đang đi rao giảng từng nhà, bỗng nhiên tôi thấy nhiều người chạy qua mặt tôi với vẻ kinh hoàng. Tôi nghe tiếng súng nổ và cũng bắt đầu tháo chạy về nhà. Tiếng súng càng lúc càng gần hơn, tôi vội nhảy vào một cái rãnh dọc đường. Đạn bắn vèo vèo trên đầu, cứ thế tôi bò về đến nhà.

Tôi không làm sao thoát khỏi hậu quả của Thế Chiến II, nhưng sao tôi và vợ lại bị kẹt ở giữa tình trạng náo loạn như thế ở Đông Phi? Câu trả lời liên quan đến lòng quyết tâm của chúng tôi để phụng sự Đức Giê-hô-va.

Được khuyến khích nuôi lòng quyết tâm

Tôi sinh vào năm 1934 tại Helsinki, Phần Lan. Cha tôi làm nghề sơn nhà, một ngày kia cha đến sơn một tòa nhà, đó chính là trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Phần Lan. Nhân Chứng nói cho cha biết về những buổi họp của hội thánh họ. Cha về nhà kể lại cho mẹ nghe. Lúc đó, mẹ tôi không đi dự buổi họp nhưng về sau mẹ bắt đầu thảo luận Kinh Thánh với một đồng nghiệp là Nhân Chứng. Chẳng bao lâu sau mẹ bắt đầu áp dụng những điều mình học được và đến năm 1940, mẹ làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Ngay trước đó, bà ngoại đã đem tôi về nhà ngoại ở miền quê trong thời gian Thế Chiến II. Ở Helsinki, mẹ viết thư cho ngoại và dì tôi để cho họ biết về niềm tin của Nhân Chứng Giê-hô-va. Cả ngoại và dì đều rất thích những điều mẹ kể nên họ dạy lại cho tôi. Những giám thị lưu động của Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà ngoại để khuyến khích chúng tôi, nhưng lúc đó tôi chưa quyết tâm phụng sự Đức Chúa Trời.

Bắt đầu được huấn luyện về thần quyền

Khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1945, tôi trở về Helsinki. Mẹ dẫn tôi đến các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng đôi khi tôi trốn đi xem phim. Mẹ kể lại cho tôi nghe bài giảng ở buổi họp và luôn nhấn mạnh rằng Ha-ma-ghê-đôn sắp đến. Dần dần tôi tin điều đó nên bắt đầu đi dự các buổi họp đều đặn. Càng hiểu biết về lẽ thật Kinh Thánh, tôi càng mong muốn tham gia mọi hoạt động của hội thánh.

Tôi đặc biệt rất thích dự hội nghị và đại hội. Năm 1948, vào kỳ nghỉ hè ở nhà ngoại, tôi đi dự đại hội địa hạt được tổ chức gần nhà ngoại. Một người bạn của tôi sắp làm báp têm vào kỳ đại hội đó và rủ tôi làm báp têm luôn. Tôi nói là tôi không có quần tắm, bạn tôi đề nghị tôi mặc lại quần của nó sau khi nó làm báp têm. Tôi đồng ý và làm báp têm vào ngày 27-6-1948, năm đó tôi được 13 tuổi.

Sau đại hội, vài người bạn của mẹ cho mẹ biết là tôi đã làm báp têm. Lần sau gặp tôi, mẹ hỏi tại sao tôi tự mình quyết định điều hệ trọng như thế mà không hỏi ý mẹ. Tôi giải thích cho mẹ là tôi đã hiểu những lẽ thật căn bản của Kinh Thánh và biết mình phải chịu trách nhiệm về hạnh kiểm của mình trước mặt Đức Giê-hô-va.

Gia tăng lòng quyết tâm

Các anh trong hội thánh giúp tôi gia tăng lòng quyết tâm để phụng sự Đức Giê-hô-va. Họ cùng tôi đi rao giảng từng nhà và hầu như tuần nào tôi cũng có phần trong chương trình buổi họp. (Công-vụ 20:20) Năm 16 tuổi, tôi nói bài diễn văn công cộng đầu tiên. Ít lâu sau, tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ học hỏi Kinh Thánh trong hội thánh. Tất cả các hoạt động thiêng liêng này đã giúp tôi trở nên thành thục, nhưng tôi còn phải vượt qua sự sợ hãi loài người.

Vào thời đó, chúng tôi quảng cáo bài diễn văn công cộng ở đại hội địa hạt bằng những tấm biển lớn. Mỗi người chúng tôi đeo hai tấm biển, một trước ngực một sau lưng, nối với nhau bằng dây vắt qua vai che cả thân trước lẫn thân sau, nhìn giống như cặp bánh mì sandwich.

Có lần, tôi đang đứng ở một góc đường yên tĩnh, trên người đeo hai tấm biển thì một đám bạn cùng lớp tiến về phía tôi. Khi chúng đi ngang qua mặt tôi, ánh mắt của chúng làm tôi run bắn cả người. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va cho tôi sự can đảm và cứ thế tôi đứng yên với tấm biển. Lần vượt qua sự sợ loài người đó đã chuẩn bị cho tôi đương đầu với thử thách lớn hơn về việc giữ sự trung lập của tín đồ Đấng Christ.

Một thời gian sau, chính phủ ra lệnh cho tôi và một số người trẻ Nhân Chứng nhập ngũ. Chúng tôi ra trình diện tại căn cứ quân sự theo như lệnh, nhưng lễ phép từ chối mặc quân phục. Các viên sĩ quan bắt giữ chúng tôi lại, và ít lâu sau tòa tuyên án chúng tôi sáu tháng tù. Ngoài ra, chúng tôi cũng lãnh thêm tám tháng tù thế cho thời gian phải phục vụ trong quân đội. Vậy là chúng tôi phải ngồi tù tổng cộng 14 tháng vì lập trường trung lập.

Ở trại giam, mỗi ngày chúng tôi họp lại để xem xét Kinh Thánh. Trong thời gian đó, nhiều người chúng tôi đã đọc toàn bộ cuốn Kinh Thánh hai lần. Khi mãn hạn tù, hầu hết anh em chúng tôi đều quyết tâm hơn bao giờ hết để phụng sự Đức Giê-hô-va. Cho đến nay, nhiều người trong nhóm Nhân Chứng trẻ thời đó vẫn còn trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.

Sau khi ra tù, tôi trở về sống với cha mẹ. Ít lâu sau đó, tôi gặp gỡ và quen biết Veera, một Nhân Chứng mới báp têm nhưng đầy nhiệt huyết. Chúng tôi kết hôn vào năm 1957.

Một buổi tối làm thay đổi cuộc đời chúng tôi

Một buổi tối nọ, trong lúc chúng tôi thăm một vài anh có trách nhiệm thuộc trụ sở chi nhánh, một anh hỏi chúng tôi có muốn phục vụ trong công việc vòng quanh không. Về nhà, sau khi cầu nguyện cả đêm, tôi gọi điện thoại cho chi nhánh biết là chúng tôi nhận lời. Phụng sự trong thánh chức trọn thời gian có nghĩa là tôi phải bỏ việc làm lương cao, nhưng chúng tôi quyết tâm đặt Nước Trời lên trên hết trong đời sống. Chúng tôi bắt đầu công việc lưu động vào tháng 12 năm 1957, năm ấy tôi được 23 tuổi còn Veera được 19 tuổi. Trong vòng ba năm, chúng tôi vui thích đến thăm và khích lệ những hội thánh của dân Đức Giê-hô-va tại Phần Lan.

Cuối năm 1960, tôi nhận được lời mời tham dự Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh tại Brooklyn, New York. Ba anh từ Phần Lan được mời dự khóa huấn luyện đặc biệt trong vòng mười tháng về cách quản trị văn phòng chi nhánh. Vợ các anh không đi theo mà ở lại làm việc tại văn phòng chi nhánh ở Phần Lan.

Ngay trước khi khóa học kết thúc, tôi được gọi lên gặp anh Nathan H. Knorr, lúc ấy anh đang trông nom công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Anh Knorr mời vợ chồng chúng tôi làm giáo sĩ ở Cộng Hòa Malagasy, bây giờ là Madagascar. Tôi viết thư hỏi xem vợ tôi nghĩ gì về nhiệm sở đó. Veera trả lời ngay là “sẵn sàng”. Khi tôi trở về Phần Lan, chúng tôi vội vã chuẩn bị cho đời sống mới ở Madagascar.

Vui mừng lẫn thất vọng

Tháng Giêng năm 1962, tôi và Veera bay đến Antananarivo, thủ đô của Madagascar, vợ chồng tôi mặc áo choàng thật dày, đầu đội mũ lông vì lúc đó là mùa đông ở Phần Lan. Nhưng khi đặt chân đến Madagascar vào giữa khí hậu nhiệt đới nóng bức, chúng tôi liền thay đổi cách ăn mặc. Căn nhà giáo sĩ đầu tiên của chúng tôi rất nhỏ và chỉ có một phòng ngủ. Một cặp giáo sĩ khác đã ở đó trước nên tôi và Veera phải ngủ ở ngoài hàng ba.

Chúng tôi bắt đầu học tiếng Pháp, ngôn ngữ chính thức ở Madagascar. Chúng tôi gặp phải trở ngại vì người dạy là chị Carbonneau, không nói cùng ngôn ngữ với chúng tôi. Chị Carbonneau dùng tiếng Anh để dạy chúng tôi tiếng Pháp, nhưng Veera lại không nói được tiếng Anh. Thế nên tôi phải dịch lại những gì chị Carbonneau dạy sang tiếng Phần Lan cho Veera. Sau đó chúng tôi nhận thấy là Veera hiểu những khái niệm chuyên môn rõ hơn bằng tiếng Thụy Điển. Vì vậy tôi phải giải thích văn phạm Pháp ngữ bằng tiếng Thụy Điển cho Veera. Chẳng bao lâu, tiếng Pháp của chúng tôi khá lên, vì thế chúng tôi bắt đầu học tiếng Malagasy là ngôn ngữ địa phương.

Học viên Kinh Thánh đầu tiên của tôi ở Madagascar là một người đàn ông chỉ biết nói tiếng Malagasy mà thôi. Tôi tra các câu Kinh Thánh bằng tiếng Phần Lan, rồi chúng tôi cùng nhau tìm các câu đó trong Kinh Thánh tiếng Malagasy. Tôi chỉ có thể giải thích rất ít về các câu Kinh Thánh cho ông ấy, nhưng ông sớm yêu mến lẽ thật Kinh Thánh và tiến bộ đến mức làm báp têm.

Vào năm 1963, anh Milton Henschel từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn đến thăm Madagascar. Ít lâu sau, một văn phòng chi nhánh được thành lập ở Madagascar, tôi được bổ nhiệm làm giám thị chi nhánh, ngoài ra tôi còn làm giám thị vòng quanh và địa hạt. Suốt khoảng thời gian đó, Đức Giê-hô-va đã ban phước dồi dào cho chúng tôi. Từ năm 1962 đến năm 1970, số người công bố Nước Trời ở Madagascar đã gia tăng từ 85 đến 469.

Vào một ngày năm 1970, khi đi rao giảng về thì tôi thấy trước cửa có một tấm trát yêu cầu tất cả các giáo sĩ Nhân Chứng Giê-hô-va phải đến trình diện ở văn phòng của bộ trưởng nội vụ. Đến nơi thì một viên chức cho chúng tôi biết là chính phủ ra lệnh cho chúng tôi phải ra khỏi nước ngay lập tức. Tôi hỏi ông là tôi đã phạm tội gì để bị trục xuất, ông trả lời: “Ông Kuokkanen, ông chẳng làm gì sai cả”.

Tôi nói với ông: “Chúng tôi đã ở đây được tám năm rồi và xem đây là quê hương. Vợ chồng tôi không thể ra đi đột ngột như vậy được”. Bất kể những nỗ lực của chúng tôi, tất cả giáo sĩ buộc phải rời khỏi nước trong vòng một tuần. Chi nhánh bị đóng cửa và một anh Nhân Chứng địa phương bắt đầu coi sóc công việc rao giảng trong nước. Trước khi chia tay các anh em thân yêu ở Madagascar, tôi và Veera nhận được nhiệm sở mới ở Uganda.

Bắt đầu nhiệm sở mới

Sau vài ngày rời Madagascar, chúng tôi đến thủ đô của Uganda là Kampala. Chúng tôi bắt đầu học ngay tiếng Luganda, đó là một thứ tiếng nghe du dương như điệu nhạc nhưng cũng rất khó học. Trước tiên, các giáo sĩ đã giúp Veera học tiếng Anh, nhờ đó mà chúng tôi đã có thể rao giảng bằng tiếng Anh một cách hữu hiệu.

Khí hậu nóng bức và ẩm ướt đã ảnh hưởng đến sức khỏe của Veera. Vì vậy, chúng tôi được chuyển đến Mbarara, một thị trấn ở Uganda, nơi đây khí hậu ôn hòa hơn. Chúng tôi là hai Nhân Chứng đầu tiên ở đó. Ngày đầu tiên đi rao giảng, chúng tôi có được một kinh nghiệm thật khích lệ. Tôi đang nói chuyện với một người đàn ông tại nhà của ông, vợ ông bước ra khỏi bếp vì đã nghe được lời trình bày của tôi. Tên bà là Margaret, Veera bắt đầu học Kinh Thánh với bà, rồi bà tiến bộ về thiêng liêng. Margaret làm báp têm trở thành một người công bố Nước Trời sốt sắng.

Cuộc chiến ngoài đường phố

Năm 1971, nội chiến phá tan hòa bình ở Uganda. Một ngày nọ, một trận đánh diễn ra gần khu nhà giáo sĩ của chúng tôi ở Mbarara. Đó là lúc mà tôi trải qua những gì đã kể ở đầu bài.

Veera đã có mặt ở nhà giáo sĩ khi tôi bò về đến nhà trong cái rãnh dài khuất tầm mắt của lính. Ở một góc nhà, chúng tôi dựng một “pháo đài” bằng nệm và bằng đồ đạc trong nhà. Tôi và Veera ở trong nhà suốt một tuần và nghe tin tức trên đài phát thanh. Đôi lúc đạn bắn dội lại trên tường trong lúc chúng tôi núp dưới pháo đài. Ban đêm chúng tôi không mở đèn lên để người ta không biết là chúng tôi có ở nhà. Có một lần, lính đến trước cửa nhà chúng tôi và la lối om sòm. Chúng tôi nằm yên và thầm cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Sau khi trận đánh kết thúc, những người hàng xóm đến cám ơn chúng tôi vì họ tin rằng nhờ Đức Giê-hô-va che chở mà mọi người được an toàn, chúng tôi cũng nghĩ thế.

Tình hình lắng dịu cho đến một buổi sáng nọ, chúng tôi nghe đài phát thanh loan tin chính phủ Uganda ra lệnh cấm Nhân Chứng Giê-hô-va. Phát thanh viên của đài nói rằng tất cả các Nhân Chứng phải trở lại tôn giáo trước kia của họ. Tôi cố trình bày sự việc với các viên chức chính phủ nhưng không có kết quả gì. Rồi tôi đến văn phòng của Tổng Thống Idi Amin để xin hẹn gặp ông. Nhân viên tiếp tân nói là tổng thống rất bận. Tôi trở lại nhiều lần nhưng không thể nào gặp được tổng thống. Cuối cùng vào tháng 7 năm 1973, chúng tôi buộc phải rời khỏi Uganda.

Một năm trở thành mười năm

Một lần nữa, nỗi buồn rời Madagascar lại xâm chiếm tâm hồn chúng tôi khi phải chia tay với các anh em thân yêu ở Uganda. Trước khi đến nhiệm sở mới là Senegal, vợ chồng tôi bay đến Phần Lan. Khi ở Phần Lan, chúng tôi hay rằng nhiệm sở ở Phi Châu được bãi bỏ và các anh bảo chúng tôi cứ ở lại Phần Lan. Công việc giáo sĩ của tôi và Veera đến đây dường như chấm dứt. Tại Phần Lan, chúng tôi làm tiên phong đặc biệt và rồi trở lại với công việc vòng quanh.

Đến năm 1990, công việc ở Madagascar bớt bị chống đối, chúng tôi thật ngạc nhiên là trụ sở trung ương Brooklyn mời chúng tôi trở lại phục vụ một năm ở Madagascar. Vợ chồng tôi rất muốn đi nhưng vướng phải hai trở ngại lớn. Cha của tôi lớn tuổi nên cần người chăm sóc, và Veera vẫn còn nhiều vấn đề về sức khỏe. Tôi rất đau buồn về cái chết của cha vào tháng 11 năm 1990. Tuy nhiên, sức khỏe của Veera khá hơn nên chúng tôi vẫn hy vọng trở lại làm giáo sĩ. Chúng tôi lên đường đi Madagascar vào tháng 9 năm 1991.

Chúng tôi tưởng chỉ ở Madagascar một năm thôi nhưng hóa ra lại ở đến mười năm. Trong thời gian đó, số người công bố gia tăng từ 4.000 đến 11.600. Tôi vô cùng vui mừng là mình được phụng sự với tư cách giáo sĩ. Tuy nhiên, có những lúc tôi cảm thấy nản lòng, không biết là mình có bỏ bê nhu cầu tình cảm và thể chất của người vợ yêu dấu hay không. Đức Giê-hô-va tiếp sức cho vợ chồng tôi để tiếp tục công việc. Cuối cùng, vào năm 2001 chúng tôi trở về Phần Lan và phục vụ tại văn phòng chi nhánh. Lòng nhiệt thành đối với công việc Nước Trời vẫn nung nấu trong lòng chúng tôi. Tôi và Veera vẫn còn mơ về Phi Châu. Chúng tôi quyết tâm làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va, bất kể nơi nào Ngài dẫn chúng tôi đến.—Ê-sai 6:8.

[Bản đồ nơi trang 12]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

PHẦN LAN

ÂU CHÂU

[Bản đồ nơi trang 14]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

PHI CHÂU

MADAGASCAR

[Bản đồ nơi trang 15]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

PHI CHÂU

UGANDA

[Hình nơi trang 14]

Ngày cưới của chúng tôi

[Các hình nơi trang 14, 15]

Từ công việc vòng quanh ở Phần Lan, năm 1960...

... đến công việc giáo sĩ ở Madagascar, năm 1962

[Hình nơi trang 16]

Với Veera ngày nay