Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sử dụng quyền hành theo gương Đấng Christ

Sử dụng quyền hành theo gương Đấng Christ

Sử dụng quyền hành theo gương Đấng Christ

NHIỀU năm trước đây, một cuộc nghiên cứu về hành vi con người đã đưa đến những kết quả đáng ngạc nhiên. Những đối tượng nghiên cứu được chia thành hai nhóm. Một nhóm được giao làm lính gác, còn nhóm kia làm tù nhân. Điều gì đã xảy ra?

Báo cáo cho biết: “Chỉ sau vài ngày, phần đông [lính gác] bắt đầu chửi rủa và thường xuyên hành hung tù nhân bằng đủ thứ hình phạt. Trong khi đó, các tù nhân thì trở nên sợ hãi và khúm núm”. Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: Hầu như ai cũng có thể rơi vào cám dỗ lạm dụng quyền hành.

Sử dụng hay lạm dụng quyền hành?

Dĩ nhiên, những người sử dụng quyền hành cách đúng đắn sẽ ảnh hưởng tốt đến người khác. Họ có thể đưa ra đường lối chỉ đạo hợp lý, nhờ đó mang lại lợi ích cả về thể chất, tinh thần và tâm linh. (Châm-ngôn 1:5; Ê-sai 48:17, 18) Tuy nhiên, như nghiên cứu trên cho thấy, con người rất dễ bị rơi vào cám dỗ lạm dụng quyền hạn của mình. Kinh Thánh vạch rõ nguy cơ này khi nói: “Khi kẻ ác cai-trị, dân-sự lại rên-siết”.—Châm-ngôn 29:2; Truyền-đạo 8:9.

Việc lạm quyền, ngay dù với ý tốt, cũng đưa đến hậu quả tai hại. Chẳng hạn, gần đây một dòng tu ở Ireland đã phải công khai xin lỗi về việc một số thầy dòng đã lạm dụng quyền đối với học sinh. Chắc chắn, nhiều người trong số họ làm thế vì mục đích cao quý nhưng phương pháp họ sử dụng lại vô cùng tai hại. Một tờ báo tường thuật: “Nhiều học sinh đã bị tổn thương cách này hay cách khác bởi phương pháp khắt khe và hung dữ thái quá của nhiều thầy”. (Tờ The Irish Times) Vậy, nên sử dụng quyền hành thế nào để khuyến khích người khác phát huy hết khả năng của họ, thay vì làm họ tổn thương hay xa lánh bạn, dù bằng lời nói hay việc làm?—Châm-ngôn 12:18.

“Hết cả quyền” được giao cho Chúa Giê-su Christ

Hãy xem xét gương của Chúa Giê-su Christ. Khi sắp lên trời, ngài nói với môn đồ: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta”. (Ma-thi-ơ 28:18) Câu nói đó có khiến các môn đồ lo sợ không? Họ có nghĩ rằng giờ đây Chúa Giê-su sẽ biểu lộ tinh thần như các hoàng đế La Mã, nổi tiếng thẳng tay dập tắt những cuộc nổi loạn hoặc chống đối không?

Kinh Thánh khẳng định: Không! Chúa Giê-su sử dụng quyền hành như cách của Cha Ngài, Đức Giê-hô-va. Tuy là Đấng có quyền thống trị chính đáng trên khắp hoàn vũ, Đức Giê-hô-va mong muốn thần dân phụng sự Ngài với tinh thần tự nguyện, chứ không phải một cách máy móc, hoặc do sợ hãi hay bị ép buộc. (Ma-thi-ơ 22:37) Đức Giê-hô-va không bao giờ lạm dụng uy quyền của Ngài. Sự hiện thấy uy nghi của nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên nói lên điều này.

Ông Ê-xê-chi-ên nhìn thấy bốn thiên sứ ủng hộ quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Mỗi vị có bốn mặt. Ông mô tả: “Còn như hình mặt nó, thì bốn con đều có mặt người; bốn con đều có mặt sư-tử ở bên hữu; bốn con đều có mặt bò ở bên tả; và bốn con đều có mặt chim ưng”. (Ê-xê-chi-ên 1:10) Bốn gương mặt này tượng trưng cho các đức tính chính của Đức Chúa Trời, kết hợp với nhau rất hài hòa. Lời Ngài xác định rõ những đức tính đó là: yêu thương, được tượng trưng bởi mặt người; công bình, mặt sư tử; khôn ngoan, mặt chim ưng. Ba đức tính đó được thể hiện cách hài hòa với đức tính thứ tư—quyền năng, được tượng trưng bởi mặt bò. Tất cả điều này có nghĩa gì? Nó cho thấy Đức Giê-hô-va không bao giờ sử dụng quyền năng và quyền lực vô hạn một cách trái với các đức tính chính khác của Ngài.

Noi gương Cha ngài, Chúa Giê-su luôn sử dụng quyền hành với lòng yêu thương, sự khôn ngoan và công bình. Các môn đồ đều thấy vui thích phụng sự dưới quyền của ngài. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Đức tính nổi bật nhất của cả Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ là tình yêu thương, chứ không phải quyền năng hay quyền lực!—1 Cô-rinh-tô 13:13; 1 Giăng 4:8.

Bạn sử dụng quyền hành ra sao?

Bạn làm tốt ra sao về phương diện này? Chẳng hạn trong gia đình, bạn có dùng quyền để định đoạt mọi việc, thậm chí áp đặt ý riêng của mình không? Những người khác trong gia đình vâng phục bạn vì sợ hay vì yêu thương? Phải chăng họ chỉ vâng phục vì bạn có quyền cao hơn? Đó là những câu hỏi mà người chủ gia đình có thể xem xét để duy trì trật tự trong gia đình theo đúng nguyên tắc của Đức Chúa Trời.—1 Cô-rinh-tô 11:3.

Còn nếu bạn được giao một quyền hạn nào đó trong hội thánh đạo Đấng Christ thì sao? Để biết mình có đang sử dụng quyền hạn một cách đúng đắn hay không, bạn hãy tự xét dựa trên các nguyên tắc sau đây. Đó là những nguyên tắc do Giê-hô-va Đức Chúa Trời soi dẫn, và được Chúa Giê-su Christ áp dụng cách hoàn hảo.

“Tôi-tớ của Chúa... phải ở tử-tế với mọi người,... nhịn-nhục, dùng cách mềm-mại mà sửa-dạy những kẻ chống-trả”.—2 Ti-mô-thê 2:24, 25.

Một số người trong hội thánh thời ban đầu có nhiều thẩm quyền. Chẳng hạn, Ti-mô-thê đã “răn-bảo những người kia đừng truyền-dạy một đạo-giáo khác”. (1 Ti-mô-thê 1:3) Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng ông đã thể hiện những đức tính như Đức Chúa Trời trong mọi việc, vì ông hẳn đã làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lôsửa dạy cách “mềm-mại” và “ở tử-tế với mọi người” khi chu toàn trách nhiệm coi sóc hội thánh. Hơn nữa, vì còn khá trẻ nên ông cần cư xử như một người con lễ độ đối với những người lớn tuổi hơn, và như một người anh biết quan tâm với những người nhỏ hơn. (1 Ti-mô-thê 5:1, 2) Với sự chăm sóc yêu thương như thế, hội thánh sẽ giống như một gia đình đầm ấm, yêu thương chứ không phải như một công ty lạnh lẽo, tàn nhẫn.—1 Cô-rinh-tô 4:14; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8.

“Các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền-thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi”.—Ma-thi-ơ 20:25, 26.

Các bạo chúa và nhà cai trị độc tài của thế gian “ép dân phải phục” bằng cách áp đặt ý chí của họ trên người dân, buộc người dân phải theo một khuôn khổ nào đó, và dọa xử phạt nếu bất tuân. Còn Chúa Giê-su thì nhấn mạnh đến việc phục vụ, chứ không phải gây áp lực cho người khác. (Ma-thi-ơ 20:27, 28) Ngài luôn đối xử với môn đồ một cách yêu thương, ân cần. Khi bạn noi theo Chúa Giê-su, người khác sẽ dễ dàng hợp tác với bạn hơn. (Hê-bơ-rơ 13:7, 17) Nếu điều kiện cho phép, thậm chí họ sẽ sẵn sàng và vui vẻ làm hơn cả những gì bạn yêu cầu.—Ma-thi-ơ 5:41.

“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em... Đừng lấy quyền mà thống trị [họ], nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên”.—1 Phi-e-rơ 5:2, 3, “Tòa Tổng Giám Mục”.

Các giám thị ngày nay ý thức rằng họ phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiêng liêng của mọi người trong hội thánh. Họ xem đây là một trách nhiệm quan trọng. Họ cố gắng chăm sóc bầy của Đức Chúa Trời với tinh thần sẵn lòng, sốt sắng và yêu thương. Giống như sứ đồ Phao-lô, họ gắng hết sức xây dựng và củng cố, chứ không cai trị đức tin anh em.—2 Cô-rinh-tô 1:24.

Khi cần giúp người lầm lỗi sửa đổi hoặc giúp anh em tiến bộ về thiêng liêng, các trưởng lão sẽ khuyên một cách mềm mại. Họ luôn ghi nhớ lời nhắc nhở của sứ đồ Phao-lô: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình-cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh-Linh, hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ-dành chăng”.—Ga-la-ti 6:1; Hê-bơ-rơ 6:1, 9-12.

“Hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau... Phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”.—Cô-lô-se 3:13, 14.

Bạn đối xử thế nào với những người không luôn luôn cư xử phù hợp với tiêu chuẩn đạo Đấng Christ? Bạn có thông cảm với sự thiếu sót của họ như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su không? (Ê-sai 42:2-4) Hay bạn luôn nhất định phải giải quyết sự việc đúng theo từng chữ của luật pháp? (Thi-thiên 130:3) Hãy nhớ, điều tối ưu là tử tế mỗi khi có thể được, và cứng rắn chỉ khi cần thiết. Hành động cách yêu thương sẽ củng cố lòng tin giữa bạn với những người dưới quyền.

Nếu được giao bất kỳ quyền hạn nào, hãy cố gắng noi theo gương Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ. Hãy nhớ bức tranh tuyệt tác mà người viết Thi-thiên đã vẽ nên khi mô tả cách Đức Giê-hô-va hành quyền trên dân Ngài. Đa-vít hát: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì. Ngài khiến tôi an-nghỉ nơi đồng-cỏ xanh-tươi, dẫn tôi đến mé nước bình-tịnh. Ngài bổ lại linh-hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công-bình, vì cớ danh Ngài”. Tương tự thế, chúng ta đọc thấy về Chúa Giê-su: “Ta là người chăn hiền-lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta, cũng như Cha biết ta, và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình”. Còn có gương mẫu nào tốt hơn về việc sử dụng quyền hành cách yêu thương?—Thi-thiên 23:1-3; Giăng 10:14, 15.

[Câu nổi bật nơi trang 18]

Đức Giê-hô-va luôn sử dụng quyền hành cách phù hợp hoàn toàn với tính công bình, khôn ngoan và yêu thương của Ngài

[Hình nơi trang 18]

Các trưởng lão đôi khi phải ân cần khuyên bảo những người lầm lỗi

[Hình nơi trang 19]

Phao-lô khuyên Ti-mô-thê nên cư xử như một người con lễ độ và một người anh biết quan tâm

[Hình nơi trang 20]

Chúa Giê-su Christ sử dụng quyền hành cách khôn ngoan, công bình và yêu thương