Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để quyết định phù hợp đường lối Đức Chúa Trời?

Làm sao để quyết định phù hợp đường lối Đức Chúa Trời?

Làm sao để quyết định phù hợp đường lối Đức Chúa Trời?

TẠI Hoa Kỳ, một người đàn ông đến ngân hàng với tấm ngân phiếu trị giá 25.000 Mỹ kim. Ông định gửi tiền vào quỹ tiết kiệm. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng khuyên ông nên đầu tư vào thị trường chứng khoán, vì xét về lâu dài, thị trường này không bao giờ mất giá. Người đàn ông quyết định nghe theo lời khuyên. Sau đó không lâu, cuộc đầu tư của ông bị lỗ nặng.

Kinh nghiệm này cho thấy không dễ để có một quyết định khôn ngoan. Vậy, nói sao về những quyết định khác trong đời sống chúng ta? Nhiều quyết định có thể dẫn đến thành công hoặc thất bại—và không sớm thì muộn, dẫn đến sự sống hoặc cái chết. Vậy, làm sao chúng ta có thể tin chắc rằng mình có những quyết định khôn ngoan?

“Nầy là đường đây”

Hàng ngày, chúng ta quyết định về việc ăn gì, mặc gì, đi đâu v.v... Một số quyết định có vẻ tầm thường nhưng có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, quyết định đốt điếu thuốc lá đầu tiên có thể dẫn đến tật hút thuốc đeo đẳng cả đời. Chúng ta đừng bao giờ xem thường những quyết định có vẻ không quan trọng.

Khi quyết định, dù quyết định ấy có vẻ tầm thường, chúng ta biết tìm nơi đâu sự hướng dẫn? Thật tuyệt diệu làm sao khi có một cố vấn đáng tin cậy cho chúng ta lời khuyên về một vấn đề khó quyết định! Bạn có thể tìm ra một cố vấn như thế. Một cuốn sách tuy cổ nhưng vẫn thiết thực cho ngày nay, nói: “Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21) Ai nói những lời này? Làm sao bạn có thể chắc chắn rằng sự hướng dẫn của nguồn ấy là đáng tin cậy?

Lời trấn an trên được tìm thấy trong Kinh Thánh, cuốn sách mà hàng triệu người đã tìm hiểu và nhận biết rằng do Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, soi dẫn. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Đức Giê-hô-va biết rõ về con người chúng ta, thế nên Ngài là nguồn hướng dẫn tốt nhất. Ngài cũng có thể thấy trước tương lai vì là Đấng “đã rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên”. Ngài là Đấng phán rằng: “Mưu của ta sẽ lập”. (Ê-sai 46:10) Do đó, một trong những người viết Thi-thiên biểu lộ sự tin cậy nơi Lời của Đức Giê-hô-va: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường-lối tôi”. (Thi-thiên 119:105) Nhưng, làm sao Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đi đúng hướng trong thế gian xáo động ngày nay? Làm thế nào chúng ta quyết định phù hợp với đường lối Ngài?

Áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh

Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban những nguyên tắc giúp tín đồ Đấng Christ có thể quyết định cách sáng suốt. Việc học biết và áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh ví như việc học và nói một ngôn ngữ. Một khi đã thông thạo ngôn ngữ ấy, bạn thường nhận ra lỗi văn phạm trong cấu trúc câu của một người, vì nghe không được đúng lắm. Có lẽ bạn không thể cho biết chính xác sai ở điểm nào, nhưng bạn biết câu đó không ổn. Khi học và thấm nhuần các nguyên tắc Kinh Thánh, bạn thường có thể biết một quyết định nào đó là không đúng, không phù hợp với nguyên tắc của Đức Chúa Trời.

Ví dụ, một thanh niên trẻ có thể khó xử trong việc chọn kiểu tóc. Kinh Thánh không lên án cụ thể về một kiểu tóc nào. Dù vậy, chúng ta hãy xem xét một nguyên tắc trong Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ta cũng muốn rằng những người đàn-bà ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình, không dùng những tóc-gióc, vàng, châu-ngọc và áo-quần quí-giá, nhưng dùng việc lành, theo lẽ đương-nhiên của người đàn-bà tin-kính Chúa”. (1 Ti-mô-thê 2:9, 10) Qua câu này, tuy Phao-lô bàn về cách phục sức của người nữ nhưng nguyên tắc được áp dụng cho cả nam lẫn nữ. Nguyên tắc nào? Ngoại diện của chúng ta nên phản ánh tính khiêm tốn và biết suy xét. Vậy, thanh niên ấy có thể tự hỏi: ‘Kiểu tóc tôi định chọn liệu có phản ánh tính khiêm tốn, hợp với một tín đồ Đấng Christ không?’

Qua lời sau đây của môn đồ Gia-cơ, một người trẻ có thể rút ra nguyên tắc hữu ích nào nữa? “Hỡi bọn tà-dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế-gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch-thù cùng Đức Chúa Trời vậy”. (Gia-cơ 4:4) Tín đồ Đấng Christ ghét tư tưởng làm bạn với thế gian, vì thế gian thù nghịch với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu anh chọn kiểu tóc mà bạn bè đồng lứa yêu thích, người khác nhìn vào sẽ thấy anh giống bạn của Đức Chúa Trời hay giống bạn của thế gian? Trong việc chọn kiểu tóc, anh có thể áp dụng các nguyên tắc dựa trên Kinh Thánh để có một quyết định khôn ngoan. Đúng vậy, các nguyên tắc Kinh Thánh giúp chúng ta quyết định. Khi có thói quen quyết định dựa trên các nguyên tắc của Đức Chúa Trời, chúng ta dễ đi đến những quyết định khôn ngoan và tránh được hậu quả không hay.

Chúng ta có thể tìm thấy nhiều nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, đôi khi chúng ta không tìm được câu Kinh Thánh nói cụ thể về trường hợp của mình. Dù vậy, qua Kinh Thánh, chúng ta có thể biết kết cuộc của những người đã nghe theo sự hướng dẫn, và hậu quả của một số người cố tình lờ đi lời cảnh báo của Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 4:6, 7, 13-16; Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:15-20; 1 Cô-rinh-tô 10:11) Đọc và phân tích những kết cuộc ấy, chúng ta nhận ra các nguyên tắc giúp chúng ta có những quyết định làm hài lòng Đức Chúa Trời.

Hãy lấy ví dụ về cuộc trò chuyện ngắn giữa Chúa Giê-su Christ và sứ đồ Phi-e-rơ. Những người thu thuế của đền thờ đòi hai đồng bạc, hỏi Phi-e-rơ: “Thầy ngươi có nộp tiền thuế chăng?” Phi-e-rơ trả lời: “Có”. Không lâu sau, Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ: “Các vua thế-gian thâu lương lấy thuế ai? Thâu của con trai mình hay là của người ngoài?” Khi Phi-e-rơ thưa: “Người ngoài”, Chúa Giê-su phán: “Vậy thì các con trai được miễn thuế! Song le, để chúng ta khỏi làm gương xấu cho họ, thì ngươi hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào dính câu trước hết, banh miệng nó ra, sẽ thấy một đồng bạc ở trong. Hãy lấy đồng bạc đó, và đem nộp thuế cho ta với ngươi”. (Ma-thi-ơ 17:24-27) Chúng ta tìm được nguyên tắc nào qua lời tường thuật này?

Bằng cách nêu một loạt câu hỏi, Chúa Giê-su hướng dẫn Phi-e-rơ lý luận: Vì là Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su được miễn thuế. Dù lúc đầu Phi-e-rơ không hiểu điều này, Chúa Giê-su đã tử tế giúp ông. Khi người khác phạm lỗi, noi gương Chúa Giê-su, chúng ta đối xử nhân từ thay vì nghiêm khắc vạch ra lỗi lầm hoặc lên án họ.

Bấy giờ Phi-e-rơ đã biết lý do phải nộp thuế—để không gây vấp phạm cho người khác. Từ lời tường thuật này, chúng ta rút ra thêm một nguyên tắc: Để ý đến lương tâm người khác quan trọng hơn là khăng khăng bênh vực quyền lợi của mình.

Động lực nào thôi thúc chúng ta quyết định sao cho biểu lộ lòng tôn trọng đối với lương tâm người khác? Tình yêu thương đối với người lân cận. Chúa Giê-su Christ đã dạy ‘Hãy yêu người lân cận như mình’, là điều răn quan trọng thứ nhì, chỉ đứng sau điều răn phải yêu Đức Chúa Trời hết linh hồn. (Ma-thi-ơ 22:39) Tuy nhiên, chúng ta sống trong thế gian cổ vũ tinh thần chỉ nghĩ đến mình, và bản chất bất toàn khiến chúng ta có khuynh hướng vị kỷ. Do đó, để biểu lộ tình yêu thương đối với người lân cận như chính mình, một người phải thay đổi quan điểm.—Rô-ma 12:2.

Nhiều người đã làm thế. Khi quyết định điều gì, dù lớn hay nhỏ, họ đều nghĩ đến người khác. Phao-lô viết: “Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự-do, song chớ lấy sự tự-do đó làm dịp cho anh em ăn-ở theo tánh xác-thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu-thương làm đầy-tớ lẫn nhau”. (Ga-la-ti 5:13) Chúng ta có thể làm thế bằng cách nào? Hãy xem xét trường hợp một chị Nhân Chứng trẻ dọn đến vùng nông thôn để giúp người ta học biết về Lời Đức Chúa Trời. Khi tiếp xúc, chị nhận thấy trang phục của chị tuy giản dị đối với dân thành phố nhưng lại là đề tài bàn tán của cư dân ở đây. Dù cách phục sức của chị biểu lộ sự khiêm tốn rồi, thế nhưng chị quyết định ăn mặc giản dị hơn nữa “hầu cho đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê-bai nào”.—Tít 2:5.

Vậy bạn phản ứng ra sao nếu phải quyết định về cách phục sức hoặc những vấn đề thuộc sở thích cá nhân? Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hài lòng khi bạn có những quyết định phản ánh lòng quan tâm đến lương tâm người khác.

Có tầm nhìn xa

Khi quyết định, ngoài các nguyên tắc Kinh Thánh và lương tâm người khác, chúng ta có thể suy xét thêm điều gì? Con đường tín đồ Đấng Christ đi theo dù hẹp và gập ghềnh nhưng trong khuôn khổ do Đức Chúa Trời đặt ra, Ngài vẫn cho chúng ta nhiều sự lựa chọn. (Ma-thi-ơ 7:13, 14) Vậy, cần xét xem những quyết định của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến lợi ích lâu dài về mặt tâm linh, tinh thần, cảm xúc và thể chất.

Giả sử bạn đang suy nghĩ về một việc làm, nên nhận hay không. Có lẽ bản chất công việc không có gì là trái đạo đức hoặc không đúng. Bạn sẽ có thời gian để tham dự các buổi họp và đại hội của đạo Đấng Christ. Tiền lương cao hơn bạn mong đợi. Chủ đánh giá cao khả năng của bạn và muốn bạn phát huy hết khả năng ấy. Hơn nữa, bạn yêu thích công việc đó. Liệu có điều gì ngăn trở bạn nhận lời đề nghị? Giá như bạn có thể thấy trước mối nguy cơ của nỗi đam mê công việc thì sao? Dù không bị ép buộc làm thêm ngoài giờ, liệu bạn sẽ tự ý vùi đầu vào công việc để chu toàn trách nhiệm không? Chuyện làm thêm ngoài giờ như thế có xảy ra thường xuyên không? Liệu bạn có bị công việc cuốn hút khỏi gia đình và cuối cùng cũng bỏ bê các hoạt động về mặt thiêng liêng mà lẽ ra bạn không nên thiếu sót?

Hãy xem xét cách anh Jim đã có một quyết định quan trọng về việc làm của anh. Anh miệt mài làm việc và đã thăng tiến trong nghề nghiệp. Cuối cùng, anh là giám đốc điều hành khu vực phương Đông của công ty, tổng giám đốc chi nhánh ở Hoa Kỳ, và thành viên của hội đồng quản trị phụ trách công việc ở Châu Âu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Nhật Bản suy sụp, anh nhận thấy việc theo đuổi tiền tài và quyền lực thật phù du làm sao! Tiền bạc mà anh đã bỏ nhiều công sức để tích lũy nhanh chóng mọc cánh bay xa. Anh mất phương hướng trong cuộc đời. Anh tự hỏi: ‘Từ nay cho đến mười năm nữa tôi biết làm gì đây?’ Anh nhận thấy vợ và các con theo đuổi một đời sống có ý nghĩa hơn. Họ đã sinh hoạt chung với Nhân Chứng Giê-hô-va trong những năm qua. Anh Jim cũng muốn được hạnh phúc và thỏa lòng như vợ con. Vì vậy, anh bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh.

Chẳng bao lâu anh Jim có thể nghiệm ra rằng lối sống hiện nay cản trở anh theo đuổi đời sống đầy ý nghĩa của tín đồ Đấng Christ. Liên tục đi lại giữa Châu Á, Châu Âu và Hoa Kỳ, anh không có đủ thời gian để tìm hiểu Kinh Thánh và sinh hoạt chung với những người có cùng niềm tin. Anh phải quyết định: ‘Liệu tôi sẽ tiếp tục lối sống mà tôi theo đuổi trong hơn 50 năm qua, hoặc tôi sẽ chọn một lối sống mới?’ Anh thành tâm cầu nguyện với Đức Chúa Trời, cân nhắc kết quả lâu dài, và quyết định chỉ giữ lại một công việc, bỏ hết các chức vụ khác để có thời gian theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng. (1 Ti-mô-thê 6:6-8) Nhờ quyết định như thế, anh hạnh phúc hơn và dành nhiều thời gian cho các hoạt động của tín đồ Đấng Christ.

Dù lớn hay nhỏ, các quyết định của bạn đều quan trọng. Quyết định của bạn ngày nay có thể dẫn đến thành công hoặc thất bại, ngay cả dẫn đến sự sống hoặc cái chết trong tương lai. Nếu xem xét các nguyên tắc Kinh Thánh, để ý đến lương tâm người khác và cân nhắc hiệu quả lâu dài, bạn có thể quyết định khôn ngoan. Hãy quyết định phù hợp với đường lối Đức Chúa Trời.

[Hình nơi trang 13]

Dù có vẻ tầm thường, quyết định của bạn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng

[Hình nơi trang 14]

Làm thế nào các nguyên tắc Kinh Thánh giúp chị quyết định khôn ngoan?

[Hình nơi trang 15]

Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ một cách nhân từ