Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đời tôi thay đổi nhờ học biết lý do Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau

Đời tôi thay đổi nhờ học biết lý do Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau

Tự Truyện

Đời tôi thay đổi nhờ học biết lý do Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau

DO HARRY PELOYAN KỂ LẠI

Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau? Câu hỏi đó cứ lẩn quẩn trong tôi kể từ khi còn nhỏ. Cha mẹ tôi là người thật thà, làm việc chăm chỉ và quan tâm đến gia đình. Nhưng cha tôi thì không phải là người sùng đạo và mẹ thì không quan tâm nhiều đến tôn giáo. Vì thế, cha mẹ đã không giúp tôi tìm được lời giải đáp.

VÀO thời Thế Chiến II và sau đó, khi tôi tham gia vào Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ trong hơn ba năm, tôi càng suy nghĩ về câu hỏi ấy nhiều hơn. Sau chiến tranh, tôi phục vụ trên một chiếc tàu với nhiệm vụ mang hàng cứu trợ đến Trung Hoa. Ở đất nước này gần một năm, tôi chứng kiến sự đau khổ gây thiệt hại cho rất nhiều người.

Người Trung Hoa cần cù và thông minh. Nhưng sự nghèo đói và bạo động do Thế Chiến II gây ra đã buộc nhiều người phải chịu cảnh khó khăn tột cùng. Tôi thật sự mủi lòng khi nhìn thấy những đứa trẻ đáng thương, nhiều đứa bị suy dinh dưỡng, ăn mặc rách rưới, phải chạy theo xin ăn khi chúng tôi rời tàu.

Tại sao?

Tôi sinh vào năm 1925 và lớn lên ở California, Hoa Kỳ. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những cảnh như thế nên nhiều lần tự hỏi: ‘Nếu quả thật có một Đấng Tạo Hóa toàn năng, tại sao Ngài cho phép những cảnh như thế làm nhiều người khổ sở, đặc biệt là những trẻ em vô tội?’

Tôi cũng thầm nghĩ rằng nếu Đức Chúa Trời thật sự hiện hữu, tại sao Ngài cho phép sự hủy diệt, nạn thảm sát hàng loạt, sự chết chóc và đau khổ xảy đến cho nhân loại trong nhiều thế kỷ—đặc biệt là suốt Thế Chiến II, hơn 50 triệu người đã mất mạng. Hơn nữa, suốt cuộc chiến đó, tại sao những người cùng tôn giáo, được chính hàng giáo phẩm ban phước, lại đi giết hại lẫn nhau chỉ vì họ khác quốc gia?

Kính thiên văn

Khi Thế Chiến II bùng nổ vào năm 1939 và cuộc thảm sát hàng loạt diễn ra trên bình diện rộng lớn, tôi cảm thấy rằng Đức Chúa Trời không hề hiện hữu. Lúc đó, trong lớp khoa học của tôi ở trường phổ thông, mỗi học sinh được giao nhiệm vụ chế tạo một cái gì đó mang tính khoa học. Vì thích thiên văn học nên tôi làm một kính thiên văn lớn với đường kính 20 centimét.

Để chế tạo ống kính này, tôi mua một tấm kính dày 2,5 centimét, rộng 20 centimét và nhờ thợ cắt nó thành hình tròn. Rồi tôi bắt đầu công việc khó khăn là mài lõm mặt kiếng bằng tay. Nó chiếm hết thời gian rảnh của tôi trong suốt cả học kỳ. Khi làm xong, tôi lắp nó vào ống kim loại dài, gắn thêm những thị kính để điều chỉnh độ phóng to và thu nhỏ của kính.

Vào một đêm quang đãng không trăng, lần đầu tiên tôi mang ống kính vừa hoàn tất ra ngoài và ngắm nhìn các vì sao và hành tinh trong thái dương hệ. Tôi kinh ngạc khi nhìn thấy không biết bao nhiêu thiên thể và cách mọi thứ được sắp xếp khéo léo như thế nào. Sau này, tôi được biết rằng vài “vì sao” trong số đó thật ra là các thiên hà, giống như dải Ngân Hà của chúng ta. Tôi càng kinh ngạc khi biết mỗi thiên hà có đến hàng tỉ ngôi sao.

Tôi tự nhủ: ‘Hẳn là tất cả những điều này không thể tự nhiên mà có. Không gì ngẫu nhiên mà có tổ chức được. Vũ trụ được sắp xếp quá đỗi trật tự, như thể nó được tạo ra bởi một thiên tài. Lẽ nào rốt cuộc cũng không có Đức Chúa Trời sao?’ Quan sát bầu trời bằng kính thiên văn này khiến cho quan điểm vô thần mà tôi ngoan cố giữ trước kia bị lung lay.

Tôi lại tự hỏi: ‘Nếu thật sự có một Đức Chúa Trời quyền năng và khôn ngoan đến độ tạo dựng nên vũ trụ kỳ diệu, chẳng lẽ Ngài lại không thể thay đổi tình trạng đau buồn trên trái đất này sao? Tại sao Ngài lại cho phép cảnh khốn khó xảy ra và lan tràn như thế này?’ Khi tôi hỏi điều đó với những người có đạo, họ không thể trả lời thỏa đáng.

Tốt nghiệp trung học và sau vài năm học đại học, tôi gia nhập Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ. Ngay cả sĩ quan tuyên úy cũng không thể thật sự giải đáp những thắc mắc của tôi. Những người có đạo thường nói rằng: “Chúa làm mọi điều một cách mầu nhiệm”.

Tiếp tục tìm kiếm

Sau khi rời Trung Hoa, thắc mắc về lý do Đức Chúa Trời cho phép sự đau khổ vẫn còn đeo đẳng tôi, nhất là khi tôi nhìn thấy những nghĩa trang quân đội trên các đảo thuộc biển Thái Bình Dương, nơi chúng tôi ghé qua trên đường về. Hầu hết các ngôi mộ đều là của những chiến sĩ trẻ chỉ ở độ tuổi mới vào đời.

Khi trở về Hoa Kỳ và giải ngũ, tôi hoàn tất một năm học tại trường Đại Học Harvard, ở Cambridge, bang Massachusetts. Sau năm đó, tôi tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân, nhưng tôi không về quê nhà California. Tôi quyết định ở lại vùng duyên hải phía Đông một thời gian và cố tìm ra lời giải đáp cho thắc mắc của mình. Tôi quyết tâm đến Thành Phố New York, nơi tập trung nhiều tôn giáo, với mục đích tham dự các nghi lễ để biết họ dạy điều gì.

Tại New York, dì tôi là Isabel Kapigian mời tôi ở lại nhà. Dì và hai con gái, Rose và Ruth, là Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì nghĩ mình sẽ không thích niềm tin tôn giáo của họ, nên tôi bắt đầu tham dự các nghi lễ, thảo luận với nhiều người và đọc tài liệu của các đạo khác. Tôi thường hỏi những người trong các tôn giáo này lý do nào Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau, nhưng họ cũng không có lời giải đáp khá hơn. Cuối cùng, tôi kết luận rằng chắc chẳng có Đức Chúa Trời nào hiện hữu cả.

Tìm thấy lời giải đáp

Rồi tôi hỏi dì và các em họ xem tôi có thể đọc các ấn phẩm về niềm tin của Nhân Chứng Giê-hô-va không. Khi đọc các ấn phẩm này, tôi nhanh chóng nhận ra rằng Nhân Chứng khác hẳn với các tôn giáo khác. Những lời giải đáp của họ đến từ Kinh Thánh và chúng rất thỏa đáng. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi thắc mắc của tôi về lý do Đức Chúa Trời cho phép sự đau khổ đều được giải đáp.

Không chỉ có thế, tôi còn nhận thấy Nhân Chứng Giê-hô-va hành động hòa hợp với những gì họ giải đáp dựa trên Kinh Thánh. Chẳng hạn, tôi đã hỏi dì rằng Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức làm gì trong Thế Chiến II, họ có tham gia lực lượng vũ trang, nói lời tung hô “Heil Hitler!” và chào lá cờ Quốc Xã không? Dì trả lời là không. Vì vị thế trung lập, họ bị đưa đến các trại tập trung, nơi nhiều người phải bỏ mạng. Dì giải thích rằng trong suốt cuộc chiến, Nhân Chứng Giê-hô-va ở khắp nơi đều giữ một vị thế giống nhau: trung lập. Ngay cả tại những nước dân chủ, các thanh niên là Nhân Chứng Giê-hô-va cũng bị bắt bỏ tù vì giữ vị thế trung lập.

Rồi dì mời tôi đọc Giăng 13:35, ở đó nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. Nét đặc trưng của tín đồ thật Đấng Christ là tình yêu thương, và họ thể hiện điều này trên bình diện thế giới. Họ không bao giờ bênh vực các phe chống nghịch lẫn nhau trong chiến tranh, giết hại người khác chỉ vì người đó khác quốc gia với mình! Dì hỏi tôi: “Con có tưởng tượng được Chúa Giê-su và môn đồ ngài thuộc hai phe đối lập trong những cuộc chiến của La Mã và giết hại lẫn nhau không?”

Dì cũng hướng tôi chú ý đến câu 1 Giăng 3:10-12: “Bởi đó, người ta nhận biết con-cái Đức Chúa Trời và con-cái ma-quỉ: ai chẳng làm điều công-bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy... Chúng ta phải yêu-thương lẫn nhau. Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma-quỉ, đã giết em mình”.

Lời Kinh Thánh nói thật rõ ràng. Tín đồ thật của Đấng Christ yêu thương lẫn nhau, cho dù họ sống ở quốc gia nào. Vì thế, người ta chưa từng thấy họ giết hại anh em đồng đức tin hoặc ai khác. Đó là lý do Chúa Giê-su có thể nói về môn đồ ngài: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”.—Giăng 17:16.

Lý do có sự đau khổ

Tôi sớm biết rằng Kinh Thánh tiết lộ lý do tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau. Kinh Thánh giải thích, khi tạo nên cặp vợ chồng đầu tiên, Đức Chúa Trời tạo nên họ là người hoàn toàn và đặt họ trong một vườn địa đàng. (Sáng-thế Ký 1:26; 2:15) Ngài cũng cho họ một món quà đáng quý—sự tự do ý chí. Tuy nhiên, họ phải dùng khả năng này với tinh thần trách nhiệm. Nếu vâng lời Đức Chúa Trời và luật pháp Ngài, họ sẽ tiếp tục hưởng tình trạng hoàn toàn trong địa đàng. Họ có thể mở rộng ranh giới vườn địa đàng ra khắp đất, và con cháu họ cũng sẽ là những người hoàn toàn. Cuối cùng, trái đất sẽ trở thành một địa đàng tuyệt đẹp đầy dẫy những người hoàn toàn và hạnh phúc.—Sáng-thế Ký 1:28.

Tuy nhiên, nếu A-đam và Ê-va chọn theo con đường độc lập, xa cách Đức Chúa Trời, thì Ngài không cho phép họ tiếp tục đời sống hoàn toàn nữa. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Đáng tiếc cho nhân loại, tổ phụ đầu tiên của chúng ta đã lạm dụng quyền tự do ý chí và chọn đi theo con đường độc lập với Đức Chúa Trời. Một tạo vật thần linh phản nghịch, sau này được nhận diện là Sa-tan Ma-quỉ, đã xúi giục họ. Hắn thèm muốn được độc lập khỏi Đức Chúa Trời và sự thờ phượng lẽ ra thuộc về một mình Ngài mà thôi.—Sáng-thế Ký 3:1-19; Khải-huyền 4:11.

Do đó, Sa-tan đã trở thành “chúa đời nầy”. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Kinh Thánh cho biết: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Chúa Giê-su gọi Sa-tan là “vua-chúa thế-gian nầy”. (Giăng 14:30) Bởi Sa-tan và cặp vợ chồng đầu tiên bất tuân, cả nhân loại phải lãnh chịu sự bất toàn, bạo động, sự chết, buồn phiền và đau khổ.—Rô-ma 5:12.

Đường của loài người chẳng do nơi họ”

Để cho thấy việc lờ đi luật pháp của Đấng Tạo Hóa đưa gia đình nhân loại đến đâu, Đức Chúa Trời cho phép hậu quả quyết định của họ kéo dài nhiều ngàn năm. Giai đoạn này cho cả nhân loại nhiều cơ hội nhận biết tính chính xác của câu Kinh Thánh này: “Đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình. Hỡi Đức Giê-hô-va, vậy xin hãy sửa-trị tôi”.—Giê-rê-mi 10:23, 24.

Giờ đây, sau hàng thế kỷ, chúng ta có thể thấy sự cai trị độc lập khỏi Đức Chúa Trời rõ ràng thật tai hại. Vì thế, ý định Đức Chúa Trời là không cho phép nhân loại tiếp tục tự cai trị mà không màng đến Ngài và luật pháp của Ngài nữa.

Một tương lai huy hoàng

Kinh Thánh tiên tri Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt hệ thống xấu xa và độc ác này trong một ngày gần đây: “Một chút nữa kẻ ác không còn... Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:10, 11.

Lời tiên tri nơi Đa-ni-ên 2:44 tuyên bố: “Trong đời các vua nầy [tất cả những thể chế cai trị đang tồn tại], Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”. Loài người sẽ không bao giờ được nắm quyền cai trị nữa. Nước Trời sẽ cai trị toàn thể trái đất. Dưới sự lãnh đạo của nước này, cả trái đất sẽ biến thành địa đàng, và nhân loại được tiến dần đến tình trạng hoàn toàn để sống đời đời trong hạnh phúc. Kinh Thánh hứa: “[Đức Chúa Trời] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”. (Khải-huyền 21:4) Đức Chúa Trời dành sẵn cho chúng ta một tương lai huy hoàng làm sao!

Một đời sống khác

Tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng đã thay đổi đời tôi. Kể từ dạo đó, tôi muốn phụng sự Đức Chúa Trời và giúp người khác tìm được lý do tại sao Ngài cho phép khổ đau. Tôi hiểu tầm quan trọng của 1 Giăng 2:17: “Vả thế-gian [hệ thống hiện tại Sa-tan đang cai trị] với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. Tôi rất mong muốn được sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Tôi quyết định sống tại New York và kết hợp với hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở đấy, và cũng có nhiều kinh nghiệm thú vị khi chia sẻ với người khác sự hiểu biết mà tôi nhận được.

Năm 1949, tôi gặp Rose Marie Lewis. Cô ấy và mẹ là Sadie, cùng sáu chị em đều là Nhân Chứng Giê-hô-va. Rose phụng sự Đức Chúa Trời trong công việc rao giảng trọn thời gian. Cô ấy có nhiều đức tính tốt, và điều đó nhanh chóng thu hút tôi. Chúng tôi kết hôn vào tháng 6 năm 1950 và sống ở New York. Chúng tôi luôn hạnh phúc trong công việc và vui mừng nơi hy vọng được sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.

Vào năm 1957, tôi và Rose Marie được mời làm việc trọn thời gian tại trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York. Đến tháng 6 năm 2004, chúng tôi đã sống hạnh phúc bên nhau được 54 năm, trong đó, hết 47 năm là tại trụ sở trung ương Brooklyn. Đó là những năm tháng đầy ân phước trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va và chung vai làm việc cùng với hàng ngàn anh em đồng đức tin.

Nỗi đau đớn tột cùng

Buồn thay, vào đầu tháng 12 năm 2004, bác sĩ chẩn đoán là Rose Marie bị một khối u ung thư trong phổi. Các bác sĩ đều nhất trí rằng khối u này phát triển rất nhanh và phải cắt bỏ. Cuộc phẫu thuật được thực hiện vào cuối tháng 12. Khoảng một tuần sau, khi tôi đang ở trong phòng của Rose tại bệnh viện, bác sĩ phẫu thuật bước vào và thông báo: “Rose Marie ơi, bà về nhà đi! Bà khỏi bệnh rồi!”

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi về nhà, Rose Marie bắt đầu bị đau kinh khủng nơi vùng bụng và một số chỗ khác. Cơn đau cứ kéo dài nên Rose phải trở lại bệnh viện để xét nghiệm thêm. Các bác sĩ tìm ra nguyên nhân là vì lý do nào đó, một số cơ quan trọng yếu trong cơ thể Rose đã tạo ra những cục máu đông. Chúng cản đường và khiến các cơ quan này không thể hấp thụ đủ lượng oxy. Bác sĩ đã làm mọi cách trong khả năng để chống lại hiện tượng này, nhưng vô hiệu. Chỉ vài tuần lễ sau, vào ngày 30-1-2005, tôi phải đương đầu với nỗi đau tột cùng của cuộc đời. Người vợ yêu dấu của tôi đã qua đời.

Khi đó, tôi đã gần 80 tuổi và cả đời, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh khổ của người xung quanh. Nhưng lần này khác hẳn. Như Kinh Thánh nói, tôi và Rose Marie là “một”. (Sáng-thế Ký 2:24) Tôi đã từng nhìn thấy sự đau khổ của người khác và chính tôi cũng trải qua nỗi đau khi mất bạn bè và bà con. Nhưng nỗi đau khi vợ tôi qua đời thì nhức nhối và dai dẳng hơn nhiều. Giờ đây, tôi thật sự cảm nghiệm sự mất mát to lớn mà cái chết của người thân yêu để lại cho gia đình nhân loại hằng biết bao lâu.

Tuy nhiên, tôi không tuyệt vọng nhờ hiểu biết về nguồn gốc của sự đau khổ và cách nó sẽ chấm dứt. Thi-thiên 34:18 cho biết: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”. Bí quyết để chịu đựng nỗi đau này là hiểu biết những điều Kinh Thánh dạy về sự sống lại trong tương lai, lúc mà những người ở trong mồ mả đều ra khỏi và có cơ hội sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Công-vụ 24:15 nói: “Sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. Rose Marie vô cùng yêu mến Đức Chúa Trời, và tôi chắc chắn là Ngài cũng yêu thương Rose như vậy. Ngài sẽ nhớ đến Rose và cho cô ấy sống lại theo đúng kỳ định, hy vọng rằng trong tương lai rất gần đây.—Lu-ca 20:38; Giăng 11:25.

Mất đi người thân yêu là nỗi đau buồn lớn, nhưng niềm vui đoàn tụ khi họ sống lại sẽ lớn hơn rất nhiều. Lời Đức Chúa Trời hứa: “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống”. (Ê-sai 26:19) Nhiều người trong vòng những “người công-bình” được đề cập đến trong Công-vụ 24:15 dường như sẽ được sống lại trước. Lúc đó thật tuyệt vời biết bao! Trong số đó sẽ có Rose Marie. Những người thân yêu sẽ chào đón cô ấy nồng nhiệt! Lúc ấy, thật thỏa lòng làm sao khi được sống trong một thế giới không còn khổ đau!

[Các hình nơi trang 9]

Tôi chứng kiến cảnh khổ khi đóng quân ở Trung Hoa

[Các hình nơi trang 10]

Từ năm 1957, tôi phụng sự tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn

[Hình nơi trang 12]

Tôi kết hôn với Rose Marie vào năm 1950

[Hình nơi trang 13]

Kỷ niệm 50 năm ngày cưới của chúng tôi, năm 2000