Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chớ sợ, Đức Giê-hô-va ở cùng bạn!

Chớ sợ, Đức Giê-hô-va ở cùng bạn!

Chớ sợ, Đức Giê-hô-va ở cùng bạn!

CÁCH đây hơn 50 năm, ít lâu sau khi quả bom nguyên tử đầu tiên nổ, Harold C. Urey, một khoa học gia đoạt giải Nobel, đã phát biểu cảm tưởng của mình về tương lai: “Chúng ta sẽ ăn trong sợ hãi, ngủ trong sợ hãi và chết trong sợ hãi”. Quả thật, ngày nay thế giới tràn ngập sự sợ hãi, và điều này cũng dễ hiểu! Hàng ngày, báo chí đều đăng tải những tin khủng khiếp về khủng bố, tội ác hung tợn và những căn bệnh khó hiểu.

Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta biết những tình trạng đó có nghĩa gì. Những điều đó chứng tỏ chúng ta đang sống trong “ngày sau-rốt” của hệ thống gian ác mà Kinh Thánh báo trước là “những thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Vì thế chúng ta càng tin tưởng rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời sắp sửa đem lại một thế giới mới, nơi sự công bình sẽ ngự trị. (2 Phi-e-rơ 3:13) Tuy nhiên trong thời gian này, chúng ta có tránh khỏi sự sợ hãi không?

Quan điểm của tôi tớ Đức Chúa Trời về sợ hãi

Những tôi tớ Đức Chúa Trời như Gia-cốp, Đa-vít và Ê-li đã có lúc cảm thấy sợ hãi khi ở trong tình huống nguy hiểm. (Sáng-thế Ký 32:6, 7; 1 Sa-mu-ên 21:11, 12; 1 Các Vua 19:2, 3) Những người này không thiếu đức tin, ngược lại, họ tin cậy vững vàng nơi Đức Giê-hô-va. Tuy vậy, vì Gia-cốp, Đa-vít và Ê-li đều là con người nên không tránh khỏi cảm xúc sợ hãi. Môn đồ Gia-cơ viết: “Ê-li vốn là người yếu-đuối như chúng ta”.—Gia-cơ 5:17.

Có thể chúng ta cũng cảm thấy lo sợ khi nghĩ đến những trở ngại đang phải đương đầu hay phải đối phó trong tương lai. Cảm giác sợ hãi như thế là điều dễ hiểu. Nói cho cùng, Kinh Thánh cho biết rằng Sa-tan Ma-quỉ quyết tâm “tranh-chiến” với những người “vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 12:17) Tuy những lời ấy đặc biệt áp dụng cho các tín đồ được xức dầu, nhưng Phao-lô viết: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:12) Dù vậy, không nên để cho sự sợ hãi làm chúng ta tê liệt khi gặp vấn đề khó khăn. Tại sao?

“Đức Chúa Trời giải-cứu”

Soạn giả Thi-thiên là Đa-vít đã viết: “Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời giải-cứu chúng tôi”. (Thi-thiên 68:20) Đức Giê-hô-va nhiều lần tỏ quyền năng giải cứu dân Ngài, hoặc bằng cách cứu họ khỏi tình thế nguy hiểm hay bằng cách cho họ sức mạnh để chịu đựng. (Thi-thiên 34:17; Đa-ni-ên 6:22; 1 Cô-rinh-tô 10:13) Qua việc học hỏi Kinh Thánh, bạn nhớ được bao nhiêu hành động “giải-cứu” của Ngài?

Dùng “Bảng mục lục các bài trong Tháp Canh” ngày 15 tháng 12 mỗi năm, bạn hãy tra cứu những biến cố có thật, chẳng hạn như trận Nước Lụt toàn cầu thời Nô-ê, việc giải cứu Lót và các con gái ông khỏi Sô-đôm và Gô-mô-rơ, cuộc xuất hành của dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô và băng qua Biển Đỏ, hoặc việc phá hủy mưu đồ của Ha-man nhằm tận diệt dân Do Thái. Đọc và suy ngẫm những lời tường thuật ly kỳ đó sẽ củng cố đức tin bạn nơi Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời giải cứu. Làm thế cũng sẽ giúp bạn can đảm khi phải đương đầu với sự thử thách đức tin.

Gương mẫu thời nay

Bạn có thể nghĩ đến gương nhịn nhục nào thời nay của anh chị tại địa phương mình không? Có thể là gương của một anh chị bị tù vì trung thành với Đức Chúa Trời. Có thể bạn biết đến một tín đồ lớn tuổi vẫn đang phụng sự Đức Giê-hô-va dù sức khỏe kém. Hoặc hãy nghĩ đến những người trẻ giữ mình tách biệt với thế gian dù bị áp lực nặng nề của bạn bè. Ngoài ra, còn có những người cha hay mẹ đơn chiếc nuôi con, hoặc những người còn độc thân dù cảm thấy cô đơn nhưng vẫn cố gắng phụng sự Đức Chúa Trời. Bạn có thể học được gì từ những người này? Ngẫm nghĩ về lối sống trung thành của họ có thể giúp bạn chịu đựng và giữ lòng can đảm khi đối phó với bất cứ thử thách nào xảy đến cho mình.

Chúng ta cần phải can đảm không những khi đối phó với sự chống đối và bắt bớ, mà ngay cả khi bắt đầu nghi ngờ Đức Giê-hô-va không còn yêu thương mình nữa. Chúng ta cần vun đắp lòng tin chắc là giá chuộc của Đấng Christ áp dụng cho mỗi người chúng ta. (Ga-la-ti 2:20) Như thế, chúng ta có thể đến gần Đức Giê-hô-va mà không sợ hãi. Nếu cảm thấy không xứng đáng với lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va, chúng ta nên nhớ lại lời Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”.—Ma-thi-ơ 10:29-31.

Tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! thường đăng những kinh nghiệm về lòng can đảm đối phó với thử thách của các Nhân Chứng thời nay. Không phải là họ không cảm thấy buồn hay lo lắng khi ở trong cảnh ngộ khó khăn. Nhưng họ không để những cảm xúc ấy cản trở họ phụng sự Đức Giê-hô-va. Câu chuyện của họ cũng có thể giúp bạn can đảm nhịn nhục. Chúng ta hãy xem xét hai trường hợp sau đây.

Tai nạn làm thay đổi đời sống

Tạp chí Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ra ngày 22-4-2003 có đăng bài “Tai nạn làm thay đổi đời sống tôi”. Trong bài này, anh Stanley Ombeva, một Nhân Chứng Giê-hô-va ở Kenya, nói về những thử thách anh phải đương đầu khi bị xe đụng. Khi sức khỏe suy giảm, anh mất việc làm cũng như tất cả quyền lợi của nhân viên công ty. Anh Ombeva kể lại: “Đứng trước thực tế phũ phàng như thế, tôi cảm thấy chán nản, chú trọng quá nhiều về mình và hay cáu kỉnh. Đôi khi tôi tức giận và cay đắng”. Nhưng dù gặp hoạn nạn, người tín đồ này vẫn can đảm. Anh không để nỗi thất vọng chế ngự mình và khiến anh hoàn toàn bỏ cuộc. Thay vì vậy, anh tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Anh Ombeva nói: “Ngài luôn luôn nâng đỡ tôi trong mọi khó khăn, nhiều đến độ mà có lúc tôi cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Tôi quyết tâm đọc và suy ngẫm những câu Kinh Thánh mà tôi biết là sẽ an ủi mình”.

Những lời thẳng thắn của anh Ombeva giúp nhiều người can đảm chịu đựng thử thách. Một chị tín đồ Đấng Christ nói: “Tôi đã khóc khi đọc bài này. Tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va dùng bài này để an ủi và chăm sóc tôi một cách yêu thương nồng ấm”. Một Nhân Chứng khác viết: “Những bài như thế là nguồn khích lệ lớn cho những người trải qua cảnh ngộ tương tự và đang âm thầm chịu đựng đau khổ”.

Đối phó với căng thẳng về cảm xúc

Một kinh nghiệm cảm động khác do anh Herbert Jennings thuật lại trong bài “Ngày mai sẽ ra thế nào, chúng ta chẳng biết”. * Anh Jennings đối phó với bệnh rối loạn thần kinh lưỡng cực. Nghĩ lại lúc mới bị bệnh, anh nói: “Phải cố gắng lắm tôi mới dự được các buổi họp. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng nơi giá trị của sự kết hợp thiêng liêng. Để đối phó với vấn đề này, tôi thường vào Phòng Nước Trời sau khi đám đông ngồi vào ghế và tôi rời chỗ ngay trước khi mọi người đứng dậy lúc tan họp”.

Anh cũng cảm thấy khó đi rao giảng. Anh Jennings kể lại: “Đôi khi, ngay cả đến nhà người ta rồi, tôi còn không có can đảm bấm chuông. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc vì nhận biết rằng thánh chức này đem lại sự cứu rỗi cho chính mình và bất cứ người nào hưởng ứng theo. (1 Ti-mô-thê 4:16) Phải đợi một lát sau, tôi mới có thể kiềm được cảm xúc, đến nhà kế tiếp, và cố gắng lại. Bằng cách tiếp tục tham gia vào thánh chức, tôi duy trì được sức khỏe thiêng liêng vừa phải và điều này cho tôi thêm khả năng đối phó”.

Lời tự thuật chân thành của anh Jennings đã giúp nhiều độc giả có lòng can đảm tương tự khi đối phó với thử thách. Chẳng hạn, một chị tín đồ Đấng Christ viết: “Tôi là độc giả của tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! trong suốt 28 năm qua, nhưng chưa lần nào tôi xúc động mãnh liệt như khi đọc bài này. Vì hoàn cảnh, tôi phải ngưng công việc phụng sự trọn thời gian và mang mặc cảm tội lỗi, nghĩ rằng nếu mình có đức tin mạnh hơn thì chắc là còn tiếp tục. Khi đọc bài của anh Jennings, biết rằng anh phải rời nhiệm sở để về chăm sóc sức khỏe, tôi có được cái nhìn thăng bằng về cảnh ngộ của mình. Đúng là lời cầu nguyện của tôi đã được đáp lại!”

Tương tự, một anh tín đồ Đấng Christ viết: “Sau mười năm làm trưởng lão trong hội thánh, tôi phải từ bỏ đặc ân này vì bệnh tâm thần. Mặc cảm thất bại thường khiến cho tôi chán nản đến độ không dám đọc những bài tự truyện, vì các bài đó thường nhắc lại những thành quả phi thường của dân Đức Giê-hô-va. Nhưng sự bền chí của anh Jennings đã làm tôi lên tinh thần. Tôi đã đọc bài của anh nhiều lần”.

Tiến tới với lòng tin chắc

Như anh Ombeva và anh Jennings, nhiều Nhân Chứng tiếp tục can đảm thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời dù gặp những trở ngại làm nản lòng. Nếu bạn trong số những người ấy thì bạn thật đáng khen. Bạn có thể tin chắc rằng “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”.—Hê-bơ-rơ 6:10.

Thời xưa Đức Giê-hô-va đã giúp dân tộc trung thành của Ngài chiến thắng kẻ thù, thì ngày nay Ngài cũng có thể giúp bạn vượt qua những trở ngại trong đời sống. Do đó, hãy ghi nhớ những lời Đức Giê-hô-va phán qua nhà tiên tri Ê-sai: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh-khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi, lấy tay hữu công-bình ta mà nâng-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:10.

[Chú thích]

[Các hình nơi trang 16]

Như anh Stanley Ombeva (trên) và anh Herbert Jennings (phải), nhiều người đang can đảm phụng sự Đức Giê-hô-va

[Nguồn tư liệu nơi trang 14]

USAF photo