Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người chăn “làm gương tốt cho cả bầy”

Người chăn “làm gương tốt cho cả bầy”

Người chăn “làm gương tốt cho cả bầy”

“Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em; làm việc đó... vui lòng,... hết lòng..., làm gương tốt cho cả bầy”.—1 PHI-E-RƠ 5:2, 3.

1, 2. (a) Chúa Giê-su giao phó cho sứ đồ Phi-e-rơ đặc ân nào, và tại sao lòng tin đó không đặt sai chỗ? (b) Đức Giê-hô-va nghĩ gì về những người được bổ nhiệm để chăn bầy?

TRƯỚC Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN một thời gian, Phi-e-rơ và sáu môn đồ khác đang dùng bữa ăn sáng mà Chúa Giê-su đã chuẩn bị trên bờ biển Ga-li-lê. Đây không phải là lần đầu Phi-e-rơ được thấy Chúa Giê-su phục sinh, và ông hẳn rất vui sướng khi biết ngài đã sống lại. Nhưng Phi-e-rơ có lẽ cũng lo âu. Lý do là vì trước đó vài ngày, ông đã tuyên bố không hề biết Chúa Giê-su. (Lu-ca 22:55-60; 24:34; Giăng 18:25-27; 21:1-14) Chúa Giê-su có quở trách Phi-e-rơ vì ông đã thiếu đức tin không? Không. Ngược lại, ngài còn giao phó cho Phi-e-rơ đặc ân chăn giữ và chăm sóc “những chiên con” của ngài. (Giăng 21:15-17) Như Kinh Thánh cho thấy qua lời tường thuật về lịch sử hội thánh đạo Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su đã không lầm khi đặt lòng tin nơi Phi-e-rơ. Cùng với những sứ đồ khác và các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem, Phi-e-rơ đã chăn giữ hội thánh Đấng Christ qua một thời kỳ đầy thử thách gay go đồng thời cũng có sự gia tăng nhanh chóng.—Công-vụ 1:15-26; 2:14; 15:6-9.

2 Ngày nay, qua Chúa Giê-su Christ, Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm những anh hội đủ điều kiện phục vụ với tư cách những người chăn bầy về phương diện thiêng liêng, để dẫn dắt chiên Ngài qua thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử nhân loại. (Ê-phê-sô 4:11, 12; 2 Ti-mô-thê 3:1) Lòng tin đó có đặt sai chỗ không? Tình anh em hòa thuận của tín đồ Đấng Christ trên khắp thế giới chứng tỏ lòng tin đó không đặt sai chỗ. Giống như Phi-e-rơ, những người chăn bầy đều có thể phạm lỗi. (Ga-la-ti 2:11-14; Gia-cơ 3:2) Dù vậy, Đức Giê-hô-va vẫn tin tưởng giao cho họ chăm sóc bầy chiên mà “Ngài đã mua bằng chính huyết Con mình”. (Công-vụ 20:28, NW) Đức Giê-hô-va hết sức yêu mến những người chăn chiên này, xem họ là đáng “kính-trọng bội-phần”.—1 Ti-mô-thê 5:17.

3. Làm thế nào những người chăn bầy thiêng liêng có thể duy trì một tinh thần vui vẻ và hết lòng?

3 Làm thế nào những người chăn bầy duy trì một tinh thần vui vẻ và hết lòng, hầu làm gương tốt cho bầy? Giống như Phi-e-rơ và những người chăn chiên khác vào thế kỷ thứ nhất, họ tin cậy vào thánh linh của Đức Chúa Trời, là nguồn truyền sức mạnh mà họ cần để gánh vác trách nhiệm của mình. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Thánh linh cũng giúp họ phát triển bông trái, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, tốt lành, đức tin, mềm mại và tự chủ. (Ga-la-ti 5:22, 23, NW) Chúng ta hãy xem xét một số cách mà người chăn chiên có thể nêu gương trong việc thể hiện bông trái này khi chăn bầy của Đức Chúa Trời.

Yêu cả bầy lẫn từng con chiên

4, 5. (a) Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su tỏ lòng yêu thương đối với bầy chiên như thế nào? (b) Người chăn chiên biểu lộ tình yêu thương đối với bầy qua những cách nào?

4 Đức tính được đề cập trước tiên trong bông trái của thánh linh Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Đức Giê-hô-va biểu lộ tình yêu thương đối với bầy chiên của Ngài khi cung cấp dư dật đồ ăn thiêng liêng. (Ê-sai 65:13, 14; Ma-thi-ơ 24:45-47) Thế nhưng, Ngài không chỉ chăn nuôi bầy mà còn ân cần quan tâm đến từng con chiên. (1 Phi-e-rơ 5:6, 7) Chúa Giê-su cũng yêu mến bầy chiên. Ngài vì chiên phó sự sống mình, và ngài biết rõ từng con chiên một.—Giăng 10:3, 14-16.

5 Những người chăn bầy noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Họ thể hiện tình yêu thương đối với bầy của Đức Chúa Trời bằng cách ‘chăm-chỉ dạy-dỗ’ hội thánh. Qua những bài giảng dựa trên Kinh Thánh, họ chăn và che chở bầy, và mọi người đều có thể thấy rõ công khó của họ về khía cạnh này. (1 Ti-mô-thê 4:13, 16) Điều mà người khác không thấy đó là thời gian mà những người chăn dành ra để ghi giữ sổ sách, giải quyết thư từ, sắp xếp chương trình và lo rất nhiều việc khác. Nhờ đó, họ có thể bảo đảm các buổi họp hội thánh cũng như các hoạt động khác diễn ra “cho phải phép và theo thứ-tự”. (1 Cô-rinh-tô 14:40) Phần lớn những việc họ làm thì người khác không thấy và cũng ít người biết đến. Đây quả là việc làm vì lòng yêu thương.—Ga-la-ti 5:13.

6, 7. (a) Người chăn có thể biết rõ chiên bằng cách nào? (b) Tại sao đôi khi nên tâm sự với trưởng lão?

6 Những người chăn đầy lòng yêu thương cố gắng tỏ lòng quan tâm đến mỗi chiên trong hội thánh. (Phi-líp 2:4) Một cách để người chăn biết rõ mỗi chiên là đi rao giảng với họ. Chúa Giê-su thường đi rao giảng với các môn đồ và khích lệ họ vào những dịp đó. (Lu-ca 8:1) Một người chăn giàu kinh nghiệm nói: “Tôi thấy một trong những cách tốt nhất để quen biết và khích lệ một anh chị là đi rao giảng với họ”. Nếu gần đây bạn chưa có dịp đi rao giảng với một trưởng lão, sao không mau chóng làm điều này?

7 Tình yêu thương thúc đẩy Chúa Giê-su chia sẻ niềm vui nỗi buồn của các môn đồ. Chẳng hạn, khi thấy 70 môn đồ vui vẻ trở về sau một chuyến rao giảng, Chúa Giê-su đã “nức lòng”. (Lu-ca 10:17-21) Thế nhưng, khi thấy nỗi đau khổ của Ma-ri và người nhà cùng bạn bè của bà trước cái chết của La-xa-rơ, “Chúa Jêsus khóc”. (Giăng 11:33-35) Cũng vậy, ngày nay, người chăn nhân từ không lạnh lùng, xa cách chiên. Vì yêu thương chiên, họ “vui với kẻ vui” và “khóc với kẻ khóc”. (Rô-ma 12:15) Nếu bạn vui hay buồn về một điều gì đó trong cuộc sống, đừng ngần ngại đến tâm sự với những người chăn tín đồ Đấng Christ. Nghe được chuyện vui của bạn, họ sẽ được khích lệ. (Rô-ma 1:11, 12) Khi biết được nỗi gian nan của bạn, họ có thể khuyến khích và an ủi bạn.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6; 3:1-3.

8, 9. (a) Một trưởng lão đã bày tỏ tình yêu thương đối với vợ như thế nào? (b) Việc người chăn biểu lộ tình yêu thương đối với gia đình quan trọng như thế nào?

8 Tình yêu thương của một người chăn đối với bầy đặc biệt được thấy rõ qua cách anh đối xử với gia đình mình. (1 Ti-mô-thê 3:1, 4) Nếu đã lập gia đình, thì việc anh bày tỏ lòng yêu thương và tôn trọng vợ là một gương cho những người chồng khác noi theo. (Ê-phê-sô 5:25; 1 Phi-e-rơ 3:7) Hãy nghe lời phát biểu của một chị tên là Linda. Chồng chị phục vụ với tư cách giám thị hơn 20 năm cho đến khi anh qua đời. Chị nói: “Chồng tôi luôn bận rộn lo cho hội thánh. Nhưng anh làm tôi cảm thấy mình có phần trong công việc đó. Anh thường bày tỏ lòng biết ơn về sự ủng hộ của tôi, và dành thì giờ rảnh rỗi cho tôi. Vì thế, tôi cảm thấy mình được yêu thương chứ không bị bỏ rơi khi anh dành thì giờ phục vụ hội thánh”.

9 Nếu người chăn chiên của đạo Đấng Christ có con cái, cách anh yêu thương sửa dạy và thường xuyên khen ngợi con trẻ là một gương cho các bậc cha mẹ khác noi theo. (Ê-phê-sô 6:4) Thật vậy, khi biểu lộ tình yêu thương đối với gia đình, anh cho thấy mình sống xứng đáng với sự tín nhiệm dành cho người được thánh linh bổ nhiệm.—1 Ti-mô-thê 3:4, 5.

Nói chuyện giúp gia tăng niềm vui và sự bình an

10. (a) Điều gì có thể ảnh hưởng đến sự vui mừng và bình an của hội thánh? (b) Vấn đề nào có nguy cơ gây mất sự bình an của hội thánh vào thế kỷ thứ nhất, và vấn đề đó đã được giải quyết ra sao?

10 Thánh linh có thể mang lại niềm vui và sự bình an cho cá nhân tín đồ Đấng Christ, cho hội đồng trưởng lão và cho hội thánh nói chung. Tuy nhiên, ít trò chuyện cởi mở có thể ảnh hưởng đến niềm vui và sự bình an. Vua Sa-lô-môn thời xưa nhận xét: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế”. (Châm-ngôn 15:22) Ngược lại, nói chuyện thẳng thắn và lịch sự giúp gia tăng niềm vui và sự bình an. Thí dụ, khi vấn đề cắt bì có thể là nguy cơ gây mất sự bình an của hội thánh vào thế kỷ thứ nhất, hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem tìm sự hướng dẫn của thánh linh. Họ cũng phát biểu những quan điểm bất đồng về vấn đề cần giải quyết. Sau khi thảo luận sôi nổi, họ đi đến kết luận. Khi hội đồng lãnh đạo thông báo cho các hội thánh biết quyết định mà họ đã nhất trí, các anh em “mừng-rỡ vì được lời yên-ủi”. (Công-vụ 15:6-23, 25, 31; 16:4, 5) Sự vui mừng và bình an đã được đẩy mạnh.

11. Làm thế nào các trưởng lão giúp gia tăng niềm vui và sự bình an trong hội thánh?

11 Ngày nay cũng thế, người chăn bầy tạo niềm vui và bình an trong hội thánh bằng cách khéo nói chuyện. Khi có vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự bình an của hội thánh, họ họp lại và thẳng thắn bày tỏ cảm nghĩ. Họ tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các anh em cùng chăn bầy. (Châm-ngôn 13:10; 18:13) Sau khi cầu xin có thánh linh, họ đưa ra quyết định dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh và sự hướng dẫn mà “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45-47; 1 Cô-rinh-tô 4:6) Một khi hội đồng trưởng lão đi đến quyết định dựa trên Kinh Thánh thì mỗi trưởng lão sẽ vâng theo sự hướng dẫn của thánh linh bằng cách ủng hộ quyết định đó, dù ý kiến riêng của anh không được đa số tán thành. Thái độ khiêm nhường như thế giúp gia tăng niềm vui và sự bình an, đồng thời nêu gương tốt cho chiên về cách bước đi với Đức Chúa Trời. (Mi-chê 6:8) Bạn có khiêm nhường làm theo những quyết định dựa trên Kinh Thánh của những người chăn chiên trong hội thánh không?

Hãy nhịn nhục và nhân từ

12. Tại sao Chúa Giê-su cần phải nhịn nhục và nhân từ khi đối xử với các sứ đồ?

12 Chúa Giê-su thể hiện lòng nhịn nhục và nhân từ khi đối xử với các sứ đồ, dù họ thường xuyên phạm lỗi. Thí dụ, Chúa Giê-su nhiều lần dạy họ là phải khiêm nhường. (Ma-thi-ơ 18:1-4; 20:25-27) Thế mà vào đêm cuối cùng trong cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su, sau khi ngài vừa dạy họ phải khiêm nhường bằng cách rửa chân cho họ, “môn-đồ lại cãi-lẫy nhau, cho biết ai sẽ được tôn là lớn hơn hết trong đám mình”. (Lu-ca 22:24; Giăng 13:1-5) Chúa Giê-su có la rầy các sứ đồ không? Không, ngài nhân từ lý luận với họ: “Một người ngồi ăn với một người hầu việc, ai là lớn hơn? Có phải là kẻ ngồi ăn không? Nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy”. (Lu-ca 22:27) Tính nhịn nhục và nhân từ của Chúa Giê-su—cùng với gương tốt của ngài—cuối cùng đã động đến lòng các sứ đồ.

13, 14. Khi nào thì người chăn bầy phải đặc biệt tỏ lòng nhân từ?

13 Cũng vậy, người chăn bầy có thể cần khuyên bảo một người nhiều lần về một khuyết điểm nào đó. Người chăn có thể trở nên bực tức. Tuy nhiên, nếu nhớ những khuyết điểm của cá nhân mình khi “răn-bảo những kẻ ăn-ở bậy-bạ”, người chăn sẽ thể hiện được tính nhịn nhục và nhân từ đối với người anh em đó. Như thế anh noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su vì hai ngài thể hiện những đức tính này đối với tất cả tín đồ Đấng Christ, kể cả người chăn bầy.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14; Gia-cơ 2:13.

14 Đôi khi người chăn cần nghiêm khắc khuyên răn người đã phạm tội trọng. Nếu người đó không ăn năn, những người chăn phải trừ bỏ người phạm tội khỏi hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 5:11-13) Dù vậy, cách họ đối xử với người đó cho thấy họ ghét tội lỗi chứ không ghét người phạm tội. (Giu-đe 23) Cách xử sự nhân từ của người chăn có thể khiến con chiên lầm lạc dễ trở lại với bầy sau này.—Lu-ca 15:11-24.

Làm điều thiện vì đức tin

15. Bằng cách nào người chăn bầy có thể noi theo sự tốt lành của Đức Giê-hô-va, và điều gì thúc đẩy họ làm thế?

15 “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người” ngay cả những người không biết ơn về những gì Ngài làm cho họ. (Thi-thiên 145:9; Ma-thi-ơ 5:45) Sự tốt lành của Đức Giê-hô-va đặc biệt được thể hiện rõ qua việc Ngài phái dân Ngài đi rao giảng ‘tin-lành về nước Đức Chúa Trời’. (Ma-thi-ơ 24:14) Người chăn bầy phản ánh sự tốt lành của Đức Chúa Trời bằng cách dẫn đầu trong công việc rao giảng này. Điều gì thúc đẩy họ tiếp tục nỗ lực mà không mệt mỏi? Đó là đức tin vững mạnh nơi Đức Giê-hô-va và các lời hứa của Ngài.—Rô-ma 10:10, 13, 14.

16. Bằng cách nào người chăn có thể “làm điều thiện” cho chiên?

16 Ngoài việc làm “điều thiện cho mọi người” bằng cách rao giảng, người chăn còn có trách nhiệm làm điều thiện ‘nhứt là cho anh em trong đức-tin’. (Ga-la-ti 6:10) Một cách để làm điều này là thăm viếng nhằm khích lệ chiên. Một trưởng lão nói: “Tôi thích đi thăm chiên. Đó là cơ hội để khen một anh hay chị nào đó về nỗ lực của họ và giúp họ biết rằng công khó của họ rất đáng quý”. Đôi khi, người chăn bầy đề nghị những cách để một người có thể làm tốt hơn trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, người chăn khôn ngoan noi gương sứ đồ Phao-lô. Hãy xem cách ông kêu gọi anh em tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Về phần anh em, chúng tôi có lòng tin-cậy trong Chúa rằng anh em đương làm và sẽ làm những việc chúng tôi dặn-biểu”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:4) Lời nói đầy tin tưởng như thế thúc đẩy khuynh hướng tốt nơi chiên, khiến họ thấy dễ “vâng lời kẻ dắt-dẫn”. (Hê-bơ-rơ 13:17) Khi được người chăn thăm viếng và bạn cảm thấy khích lệ, sao không bày tỏ lòng biết ơn họ?

Cần có sự tự chủ để mềm mại

17. Phi-e-rơ học được bài học nào từ Chúa Giê-su?

17 Chúa Giê-su cư xử nhu mì, ngay cả khi bị khiêu khích. (Ma-thi-ơ 11:29) Khi bị phản bội và bắt giữ, Chúa Giê-su phản ứng mềm mại, từ tốn và rất tự chủ. Vì thiếu suy nghĩ, Phi-e-rơ rút gươm ra trả đũa. Nhưng Chúa Giê-su nhắc ông: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập-tức cho ta hơn mười hai đạo thiên-sứ sao?” (Ma-thi-ơ 26:51-53; Giăng 18:10) Phi-e-rơ hiểu được bài học đó và sau này nhắc nhở các tín đồ Đấng Christ: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài;... Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa”.—1 Phi-e-rơ 2:21-23.

18, 19. (a) Khi nào thì người chăn bầy đặc biệt cần thể hiện tính mềm mại và tự chủ? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài tới?

18 Cũng thế, nếu muốn đạt được hiệu quả, người chăn phải mềm mại từ tốn ngay cả khi bị đối xử bất công. Thí dụ, một số người trong hội thánh mà họ tìm cách giúp đỡ có thể không đáp ứng. Có khi một người bị đau ốm về thiêng liêng và cần giúp đỡ, nhưng khi được khuyên bảo thì người đó có thể đáp lại bằng “lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm”. (Châm-ngôn 12:18) Tuy nhiên, như Chúa Giê-su, người chăn không phản ứng bằng lời gay gắt hoặc hành động trả thù. Thay vì thế, họ tự kiềm chế và vẫn thể hiện lòng thương xót; điều này có thể là một phước lành cho người cần giúp đỡ. (1 Phi-e-rơ 3:8, 9) Bạn có học từ gương các trưởng lão và thể hiện tính mềm mại và tự chủ khi nhận được lời khuyên không?

19 Chắc chắn, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su rất quý công khó của hàng ngàn người chăn, những người sẵn lòng chăm sóc bầy chiên trên khắp đất. Đức Giê-hô-va và Con Ngài cũng rất yêu mến hàng ngàn tôi tớ thánh chức, những người ủng hộ các trưởng lão trong nỗ lực “hầu việc các thánh-đồ”. (Hê-bơ-rơ 6:10) Vậy thì tại sao một số anh đã báp têm lại ngần ngại không vươn tới “việc tốt-lành” này? (1 Ti-mô-thê 3:1) Và bằng cách nào Đức Giê-hô-va huấn luyện những người Ngài bổ nhiệm làm người chăn bầy? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi này trong bài tới.

Bạn có nhớ không?

• Người chăn thể hiện tình yêu thương đối với bầy qua những cách nào?

• Làm thế nào tất cả mọi người trong hội thánh có thể góp phần làm gia tăng niềm vui và sự bình an?

• Tại sao người chăn cần thể hiện tính nhịn nhục và nhân từ khi khuyên bảo chiên?

• Trưởng lão thể hiện sự tốt lành và đức tin như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Trưởng lão phục vụ hội thánh vì tình yêu thương

[Các hình nơi trang 18]

Họ cũng dành thì giờ cho gia đình trong cả việc giải trí...

... lẫn thánh chức rao giảng

[Hình nơi trang 20]

Việc khéo nói chuyện giữa các trưởng lão giúp gia tăng niềm vui và sự bình an trong hội thánh