Quan tâm đến người nghèo theo gương Chúa Giê-su
Quan tâm đến người nghèo theo gương Chúa Giê-su
TÌNH TRẠNG nghèo khó và áp bức hầu như đã có từ xưa. Mặc dù Luật Pháp của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa nhằm che chở và làm giảm nỗi khổ của người nghèo, nhưng thường thì dân không vâng giữ Luật Pháp ấy. (A-mốt 2:6) Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên từng lên án việc họ đối xử tàn tệ với người nghèo. Ông nói: “Dân trong đất làm sự bạo-ngược, phạm sự trộm-cướp, khuấy-rối kẻ nghèo-nàn thiếu-thốn, và ức-hiếp người trú-ngụ cách trái phép”.—Ê-xê-chi-ên 22:29.
Tình trạng này vẫn không thay đổi khi Chúa Giê-su sống trên đất. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy hoàn toàn thiếu lòng quan tâm đến người nghèo và người thiếu thốn. Kinh Thánh miêu tả họ là “kẻ ham tiền-tài”, “nuốt gia-tài của đàn-bà góa”, lo giữ lời truyền khẩu hơn là chăm sóc người già và người thiếu thốn. (Lu-ca 16:14; 20:47; Ma-thi-ơ 15:5, 6) Điều đáng chú ý là trong dụ ngôn của Chúa Giê-su về người Sa-ma-ri nhân lành, có một thầy tế lễ và một người Lê-vi thấy một người bị thương nằm bên lề đường, nhưng làm ngơ đi qua, không đến giúp.—Lu-ca 10:30-37.
Chúa Giê-su quan tâm đến người nghèo
Lời tường thuật trong các sách Phúc Âm về cuộc đời Chúa Giê-su cho thấy ngài hiểu thấu đáo những nỗi khó khăn và nhu cầu của người nghèo, và đồng cảm sâu sắc với họ. Dù từng sống ở trên trời, Chúa Giê-su đã từ bỏ thân thể thần linh để xuống trái đất làm người, và ‘vì chúng ta mà tự làm nên nghèo’. (2 Cô-rinh-tô 8:9) Thấy đám dân đông, Chúa Giê-su “động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:36) Lời tường thuật của Kinh Thánh về bà góa nghèo cho thấy Chúa Giê-su không đánh giá cao sự đóng góp rộng rãi của người giàu, là những người “lấy của dư” làm của dâng, nhưng ngài quý sự đóng góp rất nhỏ của bà góa này. Hành động của bà đã làm Chúa Giê-su cảm động, vì bà “đã dâng hết của mình có để nuôi mình”.—Lu-ca 21:4.
Không những động lòng trắc ẩn đối với người nghèo, Chúa Giê-su còn đích thân quan tâm đến nhu cầu của họ. Ngài và các sứ đồ có một quỹ chung, dùng để giúp đồng bào thiếu thốn. (Ma-thi-ơ 26:6-9; Giăng 12:5-8; 13:29) Chúa Giê-su khuyến khích những người muốn trở thành môn đồ ngài hãy ý thức bổn phận giúp đỡ người thiếu thốn. Ngài bảo một vị quan trẻ giàu có: “Hãy bán hết gia-tài mình, phân-phát cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của-cải ở trên trời; bấy giờ hãy đến mà theo ta”. Việc vị quan đó không sẵn lòng bỏ hết gia sản đã cho thấy ông yêu của cải nhiều hơn yêu Đức Chúa Trời và người đồng loại. Vì vậy, ông không hội đủ những đức tính để trở thành môn đồ Chúa Giê-su.—Lu-ca 18:22, 23.
Môn đồ Chúa Giê-su quan tâm đến người nghèo
Sau cái chết của Chúa Giê-su, các sứ đồ và những người theo ngài đều biểu lộ lòng quan tâm đối với người nghèo xung quanh họ. Khoảng năm 49 CN, sứ đồ Phao-lô gặp Gia-cơ, Phi-e-rơ và Giăng để bàn về nhiệm vụ mà Chúa Giê-su Christ đã giao cho ông là đi rao giảng tin mừng. Ba người này tán thành việc Phao-lô và Ba-na-ba đi đến “dân ngoại”, tập trung vào việc rao giảng cho những người không phải là Do Thái. Tuy nhiên, họ khuyên Phao-lô và Ba-na-ba “phải nhớ đến kẻ nghèo-nàn”. Và đó là điều mà Phao-lô “đã ân-cần làm”.—Ga-la-ti 2:7-10.
Trong thời Hoàng Đế Cơ-lốt trị vì, một cơn đói kém dữ dội đã xảy ra trong nhiều miền thuộc Đế Quốc La Mã. Đáp ứng nhu cầu lúc bấy giờ, tín đồ Đấng Christ ở thành An-ti-ốt “bèn định, mỗi người tùy sức riêng mình, gởi một món tiền bố-thí cho anh em ở trong xứ Giu-đê; môn-đồ cũng làm thành việc đó, nhờ tay Ba-na-ba và Sau-lơ, gởi tiền ấy cho các trưởng-lão”.—Công-vụ 11:28-30.
Ngày nay, tín đồ Đấng Christ chân chính cũng ý thức rằng môn đồ của Chúa Giê-su phải biểu lộ sự quan tâm đến người nghèo và người thiếu thốn, nhất là trong vòng anh em cùng đức tin. (Ga-la-ti 6:10) Vì vậy, họ thể hiện lòng quan tâm chân thành với những người thiếu thốn về vật chất. Chẳng hạn vào năm 1998, một trận hạn hán trầm trọng đã tàn phá nhiều vùng thuộc đông bắc xứ Brazil. Hoa màu như lúa, đậu và ngô thất thu gây đói kém lan tràn—đó là nạn đói tệ hại nhất trong 15 năm qua tại nước này. Tại vài nơi, ngay cả nước sạch cũng khan hiếm. Nhân Chứng Giê-hô-va ở những vùng khác trong nước lập tức tổ chức các ủy ban cứu trợ. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã quyên góp được hàng tấn thực phẩm và trả luôn chi phí vận chuyển hàng.
Các Nhân Chứng hỗ trợ cho việc cứu trợ này viết: “Chúng tôi rất vui khi có thể góp phần giúp anh em, nhất là vì chúng tôi tin rằng mình đã làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Chúng tôi ghi nhớ lời nơi Gia-cơ 2:15, 16”. Câu Kinh Thánh này ghi: “Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình-an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần-dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?”
Tại một hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở thành phố São Paulo, có một chị Nhân Chứng khiêm tốn và sốt sắng, chị ấy nghèo và thường thiếu trước hụt sau. Chị cho biết: “Dù sống trong cảnh nghèo khó, thông điệp của Kinh Thánh đã mang đến ý nghĩa thật sự cho cuộc đời tôi. Tôi không biết mình sẽ ra sao nếu không có sự trợ giúp của anh chị em Nhân Chứng”. Một thời gian trước đây, nữ tín đồ cần cù này phải qua một cuộc phẫu thuật nhưng lại không có khả năng chi trả. Trong trường hợp đặc biệt ấy, anh chị em ở hội thánh đã trả chi phí phẫu thuật giùm chị. Tín đồ Đấng Christ chân chính trên khắp thế giới biểu lộ tinh thần giúp đỡ đối với anh em cùng đức tin trong cơn khốn khó.
Tuy nhiên, dù những kinh nghiệm ấy làm ấm lòng đến đâu, rõ ràng là các nỗ lực chân thành như thế sẽ không giải quyết được tận gốc rễ nạn nghèo khó. Ngay cả các chính phủ có thế lực, cũng như các tổ chức và hiệp hội cứu trợ có tầm cỡ quốc tế, tuy đạt được một số thành quả đáng kể, nhưng vẫn không thể loại trừ vấn nạn dai dẳng này. Vì vậy, câu hỏi được nêu lên như sau: Đâu là giải pháp dứt điểm cho tình trạng nghèo đói và các vấn đề gây đau khổ cho nhân loại?
Kinh Thánh—Nguồn trợ giúp lâu dài
Lời tường thuật trong các sách Phúc Âm cho thấy Chúa Giê-su thường làm điều tốt cho người nghèo hoặc người có vấn đề khác. (Ma-thi-ơ 14:14-21) Nhưng, ngài dành ưu tiên cho hoạt động nào? Vào một dịp nọ, sau khi đã giúp những người bất hạnh, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung-quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa”. Tại sao Chúa Giê-su tạm ngưng công việc giúp người bệnh và người thiếu thốn để tiếp tục hoạt động rao giảng? Ngài giải thích: “Vì ấy là cốt tại việc đó [việc rao giảng] mà ta đã đến”. (Mác 1:38, 39; Lu-ca 4:43) Mặc dù làm điều tốt cho những người bất hạnh là quan trọng đối với Chúa Giê-su, nhưng sứ mạng hàng đầu của ngài là rao giảng về Nước Đức Chúa Trời.—Mác 1:14.
Kinh Thánh khuyên tín đồ Đấng Christ “noi dấu chân [Chúa Giê-su]”. Do đó, trong nỗ lực giúp người khác thì các tín đồ ngày nay có sự hướng dẫn rõ ràng để biết nên đặt ưu tiên cho công việc nào. (1 Phi-e-rơ 2:21) Như Chúa Giê-su, họ giúp đỡ người thiếu thốn. Tuy nhiên, cũng như Chúa Giê-su, họ xem việc loan báo thông điệp tin mừng về Nước Trời và dạy dỗ người ta về Kinh Thánh là công việc quan trọng nhất trong đời sống. (Ma-thi-ơ 5:14-16; 24:14; 28:19, 20) Nhưng, tại sao việc rao truyền thông điệp trong Lời của Đức Chúa Trời lại quan trọng hơn các hoạt động khác để giúp người ta?
Qua những câu chuyện có thật trên toàn cầu cho thấy, một khi người ta hiểu và làm theo lời khuyên thực tiễn của Kinh Thánh thì họ được chuẩn bị kỹ để đối phó với những khó khăn trong đời sống, kể cả cảnh nghèo đói. Hơn nữa, thông điệp của Kinh Thánh về Nước Trời được Nhân Chứng 1 Ti-mô-thê 4:8) Hy vọng ấy là gì?
Giê-hô-va ngày nay rao truyền, mang lại hy vọng cho tương lai. Niềm hy vọng này làm cho đời sống có ý nghĩa, ngay cả trong những hoàn cảnh cùng cực. (Lời Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta về tương lai: “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”. (2 Phi-e-rơ 3:13) Đôi khi Kinh Thánh dùng từ “đất” để ám chỉ con người sống trên đất. (Thi-thiên 96:1) Thế nên “đất mới” công bình được hứa là xã hội gồm những người được Đức Chúa Trời chấp nhận. Lời Đức Chúa Trời hứa thêm rằng dưới sự cai trị của Đấng Christ, những người được Đức Chúa Trời chấp nhận sẽ có phần thưởng là sự sống vĩnh cửu, và họ sẽ sống thỏa nguyện trên trái đất bấy giờ trở thành địa đàng. (Mác 10:30) Tương lai tuyệt diệu ấy trong tầm tay mọi người, kể cả người nghèo. Trong “đất mới”, nạn nghèo đói sẽ được giải quyết dứt điểm.
[Khung/Hình nơi trang 7]
CHÚA GIÊ-SU SẼ “GIẢI KẺ THIẾU-THỐN” NHƯ THẾ NÀO?—Thi-thiên 72:12
CÔNG LÝ: “Người sẽ đoán-xét kẻ khốn-cùng của dân, cứu con-cái người thiếu-thốn, và chà nát kẻ hà-hiếp”. (Thi-thiên 72:4) Trong thời Đấng Christ cai trị trái đất, sẽ có công lý cho mọi người. Sẽ không còn tham nhũng, một vấn nạn làm giảm tiềm năng phát triển của những nước nghèo.
BÌNH AN: “Trong ngày vua ấy, người công-bình sẽ hưng-thịnh, cũng sẽ có bình-an dư-dật cho đến chừng mặt trăng không còn”. (Thi-thiên 72:7) Tình trạng nghèo đói tại nhiều nơi trên thế giới là hậu quả của những cuộc xung đột và chiến tranh. Đấng Christ sẽ mang lại nền hòa bình thật sự cho trái đất, qua đó loại trừ được một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng nghèo đói.
LÒNG TRẮC ẨN: “Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn. Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo; cũng sẽ xem huyết họ là quí-báu”. (Thi-thiên 72:12-14) Người từng khốn cùng, thiếu thốn, và bị hà hiếp, bấy giờ sẽ là thành viên của một gia đình nhân loại hạnh phúc và hợp nhất dưới sự lãnh đạo của Vua Giê-su Christ.
THỊNH VƯỢNG: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất”. (Thi-thiên 72:16) Dưới triều đại của Đấng Christ, sẽ có sự thịnh vượng về phương diện vật chất. Người ta sẽ không còn đau khổ vì sự khan hiếm thực phẩm và nạn đói, là những nguyên nhân thường gây ra tình trạng nghèo khó ngày nay.
[Hình nơi trang 4, 5]
Chúa Giê-su đích thân quan tâm đến nhu cầu của người nghèo
[Hình nơi trang 6]
Thông điệp của Kinh Thánh mang lại hy vọng thật