Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trung thành hầu việc vị Vua Giê-su Christ

Trung thành hầu việc vị Vua Giê-su Christ

Trung thành hầu việc vị Vua Giê-su Christ

“Người được ban cho quyền-thế, vinh-hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc người”.—ĐA-NI-ÊN 7:14.

1, 2. Làm thế nào chúng ta biết rằng Đấng Christ không nắm toàn quyền Nước Trời vào năm 33 CN?

NHÀ LÃNH ĐẠO nào đã chấp nhận hy sinh tính mạng cho thần dân nhưng rồi được sống lại để cai trị với tư cách một vị vua? Vị vua nào đã chấp nhận sống trên đất, tạo dựng lòng tin cậy và sự trung thành nơi thần dân, rồi cai trị từ trên trời? Người duy nhất có thể làm điều này—và nhiều điều khác—là Chúa Giê-su. (Lu-ca 1:32, 33) Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sau khi Chúa Giê-su chết, sống lại và lên trời, Đức Chúa Trời “ban cho Đấng Christ làm đầu Hội-thánh”. (Ê-phê-sô 1:20-22; Công-vụ 2:32-36) Như vậy, Đấng Christ đã bắt đầu cai trị nhưng theo nghĩa giới hạn. Những thần dân đầu tiên là các tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh; họ hình thành dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, tức “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”.—Ga-la-ti 6:16; Cô-lô-se 1:13.

2 Gần 30 năm sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN đó, sứ đồ Phao-lô khẳng định rằng Đấng Christ chưa lên nắm toàn quyền Nước Trời, nhưng ngài ở “bên hữu Đức Chúa Trời, từ rày về sau đương đợi những kẻ thù-nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chân Ngài”. (Hê-bơ-rơ 10:12, 13) Sau đó, gần cuối thế kỷ thứ nhất CN, qua một sự hiện thấy, sứ đồ lão thành Giăng nhìn thấy Đấng Tối Thượng Hoàn Vũ là Đức Giê-hô-va tấn phong Chúa Giê-su làm Vua của Nước mới thiết lập ở trên trời. (Khải-huyền 11:15; 12:1-5) Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy bằng chứng rõ ràng xác nhận Đấng Christ đã bắt đầu cai trị với tư cách Vua Mê-si ở trên trời vào năm 1914. *

3. (a) Tin mừng về Nước Trời bắt đầu bao gồm khía cạnh mới nào kể từ năm 1914? (b) Chúng ta có thể tự hỏi điều gì?

3 Đúng thế, kể từ năm 1914 tin mừng về Nước Trời bao gồm thêm một khía cạnh mới đầy phấn khích. Đấng Christ bắt đầu tích cực cai trị với tư cách Vua Nước Đức Chúa Trời ở trên trời, “giữa các thù-nghịch [ngài]”. (Thi-thiên 110:1, 2; Ma-thi-ơ 24:14; Khải-huyền 12:7-12) Ngoài ra, trên khắp đất, thần dân của ngài đang sốt sắng phục tùng uy quyền ngài bằng cách tham gia một chương trình giáo dục Kinh Thánh toàn cầu chưa từng có trong lịch sử loài người. (Đa-ni-ên 7:13, 14; Ma-thi-ơ 28:18) Các tín đồ Đấng Christ được xức dầu, tức “con cái nước thiên-đàng”, hầu việc với tư cách “khâm-sai của Đấng Christ”. Họ được các “chiên khác” của Đấng Christ trung thành ủng hộ; nhóm này gia tăng ngày một đông và hoạt động với tư cách công sứ Nước Trời. (Ma-thi-ơ 13:38; 2 Cô-rinh-tô 5:20; Giăng 10:16) Tuy vậy, chúng ta cần phân tích xem mình có phải là những người thật sự công nhận uy quyền của Đấng Christ không. Chúng ta có kiên tâm trung thành với ngài không? Bằng cách nào chúng ta có thể tỏ lòng trung thành đối với một vị Vua cai trị ở trên trời? Nhưng trước hết hãy xem chúng ta có những lý do nào để trung thành với Đấng Christ.

Vị Vua xứng đáng cho thần dân trung thành

4. Với tư cách Vua được chỉ định, Chúa Giê-su đã thực hiện điều gì trong thánh chức trên đất?

4 Chúng ta trung thành với Đấng Christ vì biết ơn về những gì ngài đã làm cũng như về những đức tính nổi bật của ngài. (1 Phi-e-rơ 1:8) Khi ở trên đất, với tư cách người được chọn làm Vua, Chúa Giê-su cho thấy trên một bình diện nhỏ những gì ngài sẽ làm trên khắp đất, với tư cách Vua cai trị, vào đúng kỳ định của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cung cấp thức ăn cho những người đói. Ngài chữa lành những người bệnh, mù, tàn tật, câm và điếc. Ngài còn làm một số người chết sống lại. (Ma-thi-ơ 15:30, 31; Lu-ca 7:11-16; Giăng 6:5-13) Ngoài ra, hiểu về đời sống trên đất của Chúa Giê-su giúp chúng ta biết được những đức tính của ngài với tư cách Đấng Cai Trị trái đất trong tương lai—đáng chú ý nhất là tình yêu thương bất vị kỷ. (Mác 1:40-45) Về điều này, người ta cho rằng Napoléon Bonaparte đã nói: “A-léc-xan-đơ, Sê-sa, Charlemagne và chính tôi đây đã dựng nên các đế quốc, nhưng chúng tôi đã dựa trên nền tảng gì để đạt được những công trạng to lớn đó? Trên võ lực. Chỉ một mình Giê-su Christ đã dựng nên Nước ngài dựa trên sự yêu thương, và cho đến nay có tới hằng triệu người sẵn sàng chịu chết vì ngài”.

5. Tại sao nhân cách của Chúa Giê-su thu hút người khác?

5 Vì Chúa Giê-su có tính nhu mì và khiêm nhường, những người bị nhiều căng thẳng và nặng gánh cảm thấy được yên nghỉ nhờ sự dạy dỗ bổ ích và tính nhân từ của ngài. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Trẻ em cảm thấy thoải mái khi gần ngài. Những người khiêm nhường và biết suy xét sẵn sàng trở thành môn đồ ngài. (Ma-thi-ơ 4:18-22; Mác 10:13-16) Cách cư xử ân cần, hòa nhã của ngài khiến nhiều phụ nữ tin kính đã trung thành với ngài; một số người này đóng góp thì giờ, công sức và của cải để giúp ngài thi hành thánh chức.—Lu-ca 8:1-3.

6. Khi La-xa-rơ chết, Chúa Giê-su đã biểu lộ tình cảm tha thiết nào?

6 Khi bạn thân là La-xa-rơ chết, Chúa Giê-su biểu lộ những tình cảm tha thiết nhất. Vô cùng xúc động trước nỗi đau khổ của Ma-ri và Ma-thê, ngài không cầm lòng được nên đã “khóc”. Ngài vẫn “đau lòng” dù biết rằng mình sắp làm La-xa-rơ hồi sinh. Vì lòng yêu thương và niềm trắc ẩn, Chúa Giê-su dùng quyền phép do Đức Chúa Trời ban cho để cứu La-xa-rơ sống lại.—Giăng 11:11-15, 33-35, 38-44.

7. Tại sao Chúa Giê-su đáng cho chúng ta trung thành? (Cũng xem khung nơi trang 31).

7 Chúng ta cảm thấy kính phục Chúa Giê-su vì ngài yêu chuộng điều phải đồng thời ghê tởm đạo đức giả và sự gian ác. Ngài đã hai lần dũng cảm đuổi các con buôn tham lam ra khỏi đền thờ. (Ma-thi-ơ 21:12, 13; Giăng 2:14-17) Hơn nữa, khi làm người ở trên đất, ngài trải qua đủ mọi nghịch cảnh, qua đó ngài trực tiếp cảm nghiệm những áp lực và vấn đề mà chúng ta phải đương đầu. (Hê-bơ-rơ 5:7-9) Chúa Giê-su cũng từng là nạn nhân của sự thù ghét và bất công. (Giăng 5:15-18; 11:53, 54; 18:38–19:16) Cuối cùng, ngài can đảm chấp nhận cái chết đau đớn cùng cực để hoàn thành ý muốn Cha ngài và mang lại sự sống vĩnh cửu cho thần dân. (Giăng 3:16) Những đức tính kể trên của Đấng Christ chẳng khiến bạn muốn tiếp tục trung thành hầu việc ngài hay sao? (Hê-bơ-rơ 13:8; Khải-huyền 5:6-10) Nhưng cần phải hội đủ điều kiện nào để làm thần dân của vị Vua Giê-su Christ?

Hội đủ điều kiện để làm thần dân

8. Thần dân của Đấng Christ phải hội đủ điều kiện nào?

8 Hãy xem một thí dụ. Muốn trở thành công dân một nước khác, người ta thường phải hội đủ một số điều kiện cơ bản. Những công dân tương lai có thể phải chứng tỏ là người có tiếng tốt và đáp ứng một số tiêu chuẩn về sức khỏe. Cũng vậy, thần dân của Đấng Christ cần duy trì một tiêu chuẩn cao về đạo đức và sức khỏe tốt về thiêng liêng.—1 Cô-rinh-tô 6:9-11; Ga-la-ti 5:19-23.

9. Bằng cách nào chúng ta cho thấy mình trung thành với Đấng Christ?

9 Chúa Giê-su cũng có quyền đòi hỏi thần dân là phải trung thành với ngài và Nước của ngài. Họ thể hiện sự trung thành đó bằng cách sống phù hợp với những gì ngài dạy khi ở trên đất với tư cách người được chọn làm Vua. Chẳng hạn, họ đặt quyền lợi Nước Trời và ý muốn Đức Chúa Trời lên trên lợi ích vật chất. (Ma-thi-ơ 6:31-34) Họ cũng hết lòng cố gắng phản ánh nhân cách giống Đấng Christ, ngay cả trong tình huống khó khăn nhất. (1 Phi-e-rơ 2:21-23) Ngoài ra, thần dân của Đấng Christ noi gương ngài bằng cách chủ động làm điều lành cho người khác.—Ma-thi-ơ 7:12; Giăng 13:3-17.

10. Bằng cách nào chúng ta thể hiện lòng trung thành với Đấng Christ trong (a) gia đình và (b) hội thánh?

10 Môn đồ Chúa Giê-su cũng thể hiện lòng trung thành với ngài bằng cách phản ánh các đức tính của ngài trong gia đình. Thí dụ, người chồng thể hiện lòng trung thành với vị Vua trên trời qua việc đối xử với vợ con theo đường lối Đấng Christ. (Ê-phê-sô 5:25, 28-30; 6:4; 1 Phi-e-rơ 3:7) Người vợ thể hiện lòng trung thành với Đấng Christ qua cách ăn ở thanh sạch và biểu lộ “tâm-thần dịu-dàng im-lặng”. (1 Phi-e-rơ 3:1-4; Ê-phê-sô 5:22-24) Con cái trung thành với Đấng Christ khi noi theo gương ngài vâng lời cha mẹ. Khi còn nhỏ, Chúa Giê-su vâng phục cha mẹ, dù họ bất toàn. (Lu-ca 2:51, 52; Ê-phê-sô 6:1) Thần dân của Đấng Christ trung thành, cố gắng bắt chước ngài bằng cách thể hiện “lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em” và “có lòng nhân-từ”. Họ cố gắng trở nên giống Đấng Christ, ‘khiêm-nhượng, không lấy ác trả ác, cũng không lấy rủa-sả trả rủa-sả’.—1 Phi-e-rơ 3:8, 9; 1 Cô-rinh-tô 11:1.

Thần dân tôn trọng luật pháp

11. Thần dân Đấng Christ vâng phục luật pháp nào?

11 Tương tự trường hợp những người muốn trở thành công dân của một nước đều phải tôn trọng luật pháp của nước đó, thần dân của Đấng Christ vâng phục “luật-pháp của Đấng Christ” bằng cách sống phù hợp với tất cả điều dạy dỗ và mệnh lệnh của Chúa Giê-su. (Ga-la-ti 6:2) Nói một cách cụ thể, họ trung thành sống theo “luật của Vua” về tình yêu thương. (Gia-cơ 2:8; Bản Dịch Mới) Những luật này bao hàm điều gì?

12, 13. Bằng cách nào chúng ta trung thành vâng phục “luật-pháp của Đấng Christ”?

12 Thần dân của Đấng Christ đều bất toàn và có khuyết điểm. (Rô-ma 3:23) Vì thế, họ cần tiếp tục vun trồng “lòng yêu-thương anh em cách thật-thà” để “yêu nhau sốt-sắng hết lòng”. (1 Phi-e-rơ 1:22) “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác”, thì người tín đồ đó trung thành áp dụng luật pháp của Đấng Christ là “nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau”. Tuân theo luật pháp này giúp họ tiếp tục bỏ qua các khiếm khuyết và tìm ưu điểm của anh em để thương yêu nhau. Chẳng phải bạn biết ơn được ở gần những người vì trung thành vâng phục vị Vua nhân từ nên đã mặc lấy lòng yêu thương, là “dây liên-lạc của sự trọn-lành” hay sao?—Cô-lô-se 3:13, 14.

13 Ngoài ra, Chúa Giê-su giải thích rằng tình yêu thương mà ngài dạy cao thượng hơn tình yêu thương mà người ta thường biểu lộ với nhau. (Giăng 13:34, 35) Nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì “có lạ gì hơn ai”? Như thế tình yêu thương của chúng ta không đầy đủ và khiếm khuyết. Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta hãy noi gương Cha ngài bằng cách có lòng yêu thương dựa trên nguyên tắc ngay cả đối với những kẻ thù ghét và ngược đãi chúng ta. (Ma-thi-ơ 5:46-48) Tình yêu thương này thúc đẩy thần dân Nước Trời trung thành kiên trì trong công việc chính của họ. Công việc đó là gì?

Lòng trung thành bị thử thách

14. Tại sao công việc rao giảng rất quan trọng?

14 Thần dân Nước Đức Chúa Trời hiện nay có công việc trọng đại là ‘làm chứng về nước Đức Chúa Trời’. (Công-vụ 28:23) Làm công việc này rất quan trọng vì Nước của Đấng Mê-si sẽ biện minh quyền tối thượng hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. (1 Cô-rinh-tô 15:24-28) Khi chúng ta rao giảng tin mừng, người ta có cơ hội để trở thành thần dân Nước Đức Chúa Trời. Hơn nữa, cách người ta phản ứng khi nghe thông điệp là một tiêu chuẩn mà Đấng Christ, Vua Nước Trời, dựa vào để phán xét loài người. (Ma-thi-ơ 24:14; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10) Vì thế, cách chính yếu để chúng ta bày tỏ lòng trung thành với Đấng Christ là vâng theo mệnh lệnh của ngài—loan báo cho người khác biết về Nước Trời.—Ma-thi-ơ 28:18-20.

15. Tại sao lòng trung thành của tín đồ Đấng Christ bị thử thách?

15 Dĩ nhiên, Sa-tan sẽ làm mọi cách để chống lại công việc rao giảng, và ngoài ra các nhà cai trị không thừa nhận uy quyền mà Đức Chúa Trời ban cho Đấng Christ. (Thi-thiên 2:1-3, 6-8) Bởi vậy, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Đầy-tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi”. (Giăng 15:20) Vì thế, môn đồ Đấng Christ đang ở trong một cuộc chiến thiêng liêng thử thách lòng trung thành của họ.—2 Cô-rinh-tô 10:3-5; Ê-phê-sô 6:10-12.

16. Bằng cách nào thần dân của Nước Trời trả lại cho ‘Đức Chúa Trời vật chi của Đức Chúa Trời’?

16 Tuy nhiên, thần dân Nước Trời vẫn trung thành với Vua vô hình của họ, đồng thời họ cũng tôn trọng các nhà cầm quyền thế gian. (Tít 3:1, 2) Chúa Giê-su nói: “Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời”. (Mác 12:13-17) Vì vậy, thần dân của Đấng Christ vâng theo những luật pháp nào của chính quyền mà không mâu thuẫn với luật pháp Đức Chúa Trời. (Rô-ma 13:1-7) Tuy nhiên, khi tòa án tối cao của người Do Thái đi ngược lại luật pháp Đức Chúa Trời và ra lệnh cho môn đồ Chúa Giê-su phải ngưng rao giảng, thì họ trả lời dứt khoát nhưng lễ độ là họ “thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.—Công-vụ 1:8; 5:27-32.

17. Tại sao chúng ta có thể can đảm đương đầu với thử thách về sự trung thành?

17 Dĩ nhiên, thần dân của Đấng Christ cần phải rất can đảm để tiếp tục trung thành với Vua của họ khi bị bắt bớ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm”. (Ma-thi-ơ 5:11, 12) Các môn đồ thời ban đầu của Đấng Christ cảm nghiệm được sự thật của lời này. Ngay cả khi bị đánh đòn vì cứ tiếp tục rao giảng về Nước Trời, họ hớn hở vì “đã được kể là xứng-đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus. Ngày nào cũng vậy, tại trong đền-thờ hoặc từng nhà, sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về Tin-lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”. (Công-vụ 5:41, 42) Bạn đáng được khen ngợi vì thể hiện cùng một tinh thần trung thành đó khi chịu đựng gian khổ, bệnh tật, mất người thân hoặc bị chống đối.—Rô-ma 5:3-5; Hê-bơ-rơ 13:6.

18. Lời Chúa Giê-su nói với Bôn-xơ Phi-lát cho thấy điều gì?

18 Khi đã được chọn làm vua nhưng chưa đăng quang, Chúa Giê-su giải thích với Quan Tổng Đốc La Mã Bôn-xơ Phi-lát: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế-gian nầy, thì tôi-tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ-giới”. (Giăng 18:36) Vì thế, thần dân của Nước Trời không dùng vũ khí chống ai và cũng không đứng về phía nào trong các cuộc xung đột của loài người. Vì trung thành với “Chúa Bình-an”, họ giữ sự trung lập triệt để trong các vấn đề phe phái của thế gian.—Ê-sai 2:2-4; 9:5, 6.

Phần thưởng đời đời dành cho các thần dân trung thành

19. Tại sao thần dân của Đấng Christ có thể nhìn về tương lai với lòng tin chắc?

19 Thần dân trung thành của Đấng Christ, “Vua của các vua”, nhìn về tương lai với lòng tin chắc. Họ trông mong biến cố sắp đến khi ngài biểu dương quyền lực siêu nhiên với tư cách một vị vua. (Khải-huyền 19:11–20:3; Ma-thi-ơ 24:30) Là “con-cái nước thiên-đàng”, những người được xức dầu trung thành còn sót lại mong chờ nhận được cơ nghiệp quý giá là làm vua với Đấng Christ ở trên trời. (Ma-thi-ơ 13:38; Lu-ca 12:32) Các “chiên khác” của Đấng Christ mong mỏi chờ đợi được vua của họ chấp nhận khi ngài tuyên bố: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc [phần địa đàng] dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”. (Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 25:34, Tòa Tổng Giám Mục) Vậy, mong sao tất cả thần dân Nước Trời quyết tâm trung thành hầu việc vị Vua Giê-su Christ.

[Chú thích]

Bạn có thể giải thích không?

• Tại sao Đấng Christ xứng đáng cho chúng ta trung thành?

• Thần dân của Đấng Christ thể hiện lòng trung thành với ngài như thế nào?

• Tại sao chúng ta muốn trung thành với vị Vua Giê-su Christ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 31]

NHỮNG ĐỨC TÍNH NỔI BẬT KHÁC CỦA ĐẤNG CHRIST

Không thiên vịGiăng 4:7-30.

Thương xótMa-thi-ơ 9:35-38; 12:18-21; Mác 6:30-34.

Yêu thương bất vị kỷGiăng 13:1; 15:12-15.

Trung thànhMa-thi-ơ 4:1-11; 28:20; Mác 11:15-18.

Thấu cảmMác 7:32-35; Lu-ca 7:11-15; Hê-bơ-rơ 4:15, 16.

Phải lẽMa-thi-ơ 15:21-28.

[Hình nơi trang 29]

Khi thể hiện tình yêu thương đối với nhau, chúng ta trung thành vâng theo “luật-pháp của Đấng Christ”

[Hình nơi trang 31]

Các đức tính của Đấng Christ có khiến bạn muốn trung thành hầu việc ngài không?