Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có chuẩn bị để được sống sót không?

Bạn có chuẩn bị để được sống sót không?

Bạn có chuẩn bị để được sống sót không?

“Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu, vì về đời nầy ta thấy ngươi là công-bình ở trước mặt ta”.—SÁNG-THẾ KÝ 7:1.

1. Vào thời Nô-ê, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt điều gì để giúp người ta sống sót?

DÙ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA “sai nước lụt phạt đời gian-ác nầy” trong thời của Nô-ê, nhưng Ngài cũng đưa ra những sự sắp đặt để giúp người ta sống sót. (2 Phi-e-rơ 2:5) Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn rõ ràng cho người công bình Nô-ê biết những chi tiết để đóng tàu, hầu ông có thể bảo tồn mạng sống qua trận Nước Lụt toàn cầu. (Sáng-thế Ký 6:14-16) Đúng như suy nghĩ của chúng ta về một tôi tớ tận tâm của Đức Giê-hô-va, “Nô-ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”. Thật vậy, Nô-ê đã làm y theo lời dặn bảo của Đức Chúa Trời. Một phần nào đó nhờ sự vâng lời của Nô-ê mà ngày nay chúng ta được sống.—Sáng-thế Ký 6:22.

2, 3. (a) Những người đương thời với Nô-ê phản ứng thế nào khi thấy những gì ông làm? (b) Khi vào tàu, trong lòng Nô-ê tin tưởng điều gì?

2 Đóng tàu không phải là việc dễ dàng. Rất có thể nhiều người ngạc nhiên về những gì Nô-ê và gia đình ông đã thực hiện được. Tuy nhiên, điều đó không đủ để thuyết phục người ta tin rằng sự cứu rỗi tùy thuộc vào việc họ vào tàu. Cuối cùng, Đức Chúa Trời không còn kiên nhẫn với thế gian hung ác đó nữa.—Sáng-thế Ký 6:3; 1 Phi-e-rơ 3:20.

3 Sau khi Nô-ê cùng gia đình làm việc vất vả trong nhiều thập niên, Đức Giê-hô-va phán bảo Nô-ê: “Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu, vì về đời nầy ta thấy ngươi là công-bình ở trước mặt ta”. Với đức tin và lòng tin tưởng nơi lời Đức Giê-hô-va, “Nô-ê vào tàu cùng vợ, các con trai và các dâu mình”. Rồi Đức Giê-hô-va đóng cửa tàu lại để che chở những người thờ phượng Ngài. Khi Nước Lụt đến, chiếc tàu đã chứng tỏ là công cụ đáng tin cậy mà Đức Chúa Trời dùng để cứu mạng gia đình Nô-ê.—Sáng-thế Ký 7:1, 7, 10, 16.

Những điểm tương đồng giữa thời nay và thời Nô-ê

4, 5. (a) Chúa Giê-su so sánh thời kỳ ngài hiện diện với thời kỳ nào? (b) Có sự tương đồng nào giữa thời Nô-ê và thời chúng ta?

4 “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy”. (Ma-thi-ơ 24:37) Qua những lời này, Chúa Giê-su cho biết rằng thời kỳ ngài hiện diện cách vô hình cũng tương tự như thời của Nô-ê, và điều đó đã thật sự diễn ra. Nhất là vào năm 1919, một thông điệp cảnh báo tương tự với thông điệp của Nô-ê đã được giảng ra cho mọi dân. Nói chung, phản ứng của người ta giống như phản ứng của những người thời Nô-ê.

5 Qua trận Nước Lụt, Đức Giê-hô-va trừng phạt thế gian “đầy-dẫy điều hung-hăng”. (Sáng-thế Ký 6:13) Những người vào thời ấy thấy Nô-ê và gia đình ông không tham gia vào những điều hung bạo, mà trái lại ai cũng thấy họ bình thản đóng tàu. Về mặt này, chúng ta cũng thấy điểm tương đồng với thời nay. Ngày nay những người có lòng thành thật có thể “phân-biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác, giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài”. (Ma-la-chi 3:18) Người ngoài cảm thấy khâm phục những đức tính như lương thiện, tử tế, hòa thuận và siêng năng của Nhân Chứng Giê-hô-va và nhờ đó họ cũng thấy được sự khác biệt giữa dân của Đức Chúa Trời và những người trong thế gian nói chung. Nhân Chứng bác bỏ mọi hình thức bạo động và để thánh linh của Đức Giê-hô-va tác động đến lòng họ. Đó là lý do tại sao họ sống bình an và theo đuổi đường lối công bình.—Ê-sai 60:17.

6, 7. (a) Những người trong thời Nô-ê không quý trọng điều gì, và thời nay có sự tương đồng nào? (b) Qua những gương nào người ta thường thấy Nhân Chứng khác với người không theo tiêu chuẩn Kinh Thánh?

6 Những người đương thời với Nô-ê đã không nhận biết ông có sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời và ông đang hành động theo sự hướng dẫn của Ngài. Vì vậy, họ xem thường thông điệp Nô-ê rao giảng và không hành động theo lời cảnh báo của ông. Còn ngày nay thì sao? Dù nhiều người thán phục công việc và hạnh kiểm của Nhân Chứng Giê-hô-va, đa số xem thường tin mừng và những lời cảnh báo của Kinh Thánh. Những người hàng xóm, chủ nhân hay người thân trong gia đình có thể khen những đức tính tốt của tín đồ Đấng Christ nhưng rồi lại than: “Phải chi họ không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va thì hay biết mấy!” Điều mà những người đó không thấy được là: chính nhờ thánh linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn mà Nhân Chứng biểu lộ những đức tính như yêu thương, bình an, nhân từ, hiền lành, trung tín và tự chủ. (Ga-la-ti 5:22-25) Hạnh kiểm của Nhân Chứng đáng lý phải khiến cho người khác tin thông điệp của họ hơn.

7 Chẳng hạn ở Nga, trong lúc Nhân Chứng Giê-hô-va đang xây một Phòng Nước Trời, thì một người nọ dừng lại hỏi chuyện một anh đang làm việc. Ông ấy nhận xét: “Địa điểm xây cất này thật là lạ—không ai hút thuốc, ăn nói thô tục, và không người nào say rượu cả! Anh có phải là Nhân Chứng Giê-hô-va không?” Anh nhân công hỏi lại ông: “Nếu tôi nói không, thì ông tin tôi không?” Người ấy liền đáp: “Chắc không”. Trong một thành phố khác ở Nga, ông thị trưởng có ấn tượng tốt khi thấy Nhân Chứng xây một Phòng Nước Trời mới. Ông nói rằng lúc trước ông nghĩ tất cả các đạo đều như nhau, nhưng sau khi thấy Nhân Chứng thật sự biểu lộ tinh thần bất vị kỷ bằng hành động, ông không còn nghĩ như thế nữa. Đây chỉ là hai trường hợp cho thấy dân của Đức Giê-hô-va khác với những người không theo tiêu chuẩn Kinh Thánh.

8. Muốn sống sót qua sự kết liễu của thế gian hung ác này, chúng ta cần làm gì?

8 Trong giai đoạn cuối cùng trước khi “thế-gian xưa” bị tiêu hủy trong trận Nước Lụt, Nô-ê là “thầy giảng đạo công-bình”. (2 Phi-e-rơ 2:5) Trong những ngày cuối cùng của hệ thống hiện tại, dân tộc Đức Giê-hô-va đang cho mọi người biết tiêu chuẩn công bình của Ngài và công bố tin mừng về triển vọng sống sót trong thế giới mới. (2 Phi-e-rơ 3:9-13) Giống như Nô-ê và gia đình tin kính của ông đã được bảo tồn mạng sống trong chiếc tàu, những người thời nay muốn sống sót thì phải có đức tin và trung thành kết hợp với tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va.

Cần có đức tin để sống sót

9, 10. Tại sao chúng ta cần có đức tin để sống sót qua sự kết liễu hệ thống của Sa-tan?

9 Một người phải làm gì để được sống sót qua sự hủy diệt sắp đến của thế gian dưới quyền Sa-tan? (1 Giăng 5:19) Trước hết người ấy phải nhận biết mình cần được che chở và rồi phải tận dụng sự che chở ấy. Những người thời Nô-ê vẫn thản nhiên tiếp tục công việc thường ngày của họ và thấy không cần được che chở trong hoạn nạn sắp đến. Họ thiếu một điều, đó là đức tin nơi Đức Chúa Trời.

10 Trái lại, Nô-ê cùng gia đình nhận biết họ cần được che chở và giải cứu. Họ cũng thực hành đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Chúa Tối Thượng Hoàn Vũ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. Ông nói thêm: “Bởi đức-tin, Nô-ê được Chúa mách-bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành-tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế-gian, và trở nên kẻ kế-tự của sự công-bình đến từ đức-tin vậy”.—Hê-bơ-rơ 11:6, 7.

11. Chúng ta học được gì về việc Đức Giê-hô-va cung cấp sự che chở vào thời xưa?

11 Để sống sót qua sự kết liễu của hệ thống gian ác hiện tại, chúng ta không những cần phải tin rằng hệ thống này sẽ bị hủy diệt, mà còn phải thực hành đức tin và tận dụng những sắp đặt của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, chúng ta cần thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su. (Giăng 3:16, 36) Song, chúng ta nên nhớ rằng chỉ có những người thật sự ở trong chiếc tàu của Nô-ê mới sống sót qua trận Nước Lụt. Tương tự, vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Chúa Trời cung cấp những thành ẩn náu cho những người vô tình giết người. Họ được che chở chỉ khi nào chạy đến những thành ấy, và ở đó cho tới khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời. (Dân-số Ký 35:11-32) Trong thời của Môi-se, khi tai vạ thứ mười giáng trên dân Ê-díp-tô thì các con đầu lòng của người Ê-díp-tô bị giết, nhưng các con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên được sống. Tại sao? Đức Giê-hô-va đã căn dặn Môi-se: “Họ [dân Y-sơ-ra-ên] sẽ lấy huyết [chiên con của Lễ Vượt Qua] đem bôi trên hai cây cột và mày cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó. Rồi... trong các ngươi chớ ai ra khỏi cửa nhà mình cho đến sáng mai”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:7, 22) Có người con đầu lòng nào của dân Y-sơ-ra-ên dám lờ đi lời Đức Chúa Trời chỉ dẫn và ra khỏi nhà có bôi huyết như Ngài đã dặn bảo không?

12. Mỗi người chúng ta nên tự hỏi điều gì, và tại sao?

12 Vì vậy, chúng ta có lý do để suy nghĩ kỹ về hoàn cảnh cá nhân của mình. Chúng ta có thật sự đi theo sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để được che chở về thiêng liêng không? Khi hoạn nạn lớn đến, nước mắt sẽ tràn trên khuôn mặt những người tìm được sự che chở đó vì biết ơn và vui mừng. Còn những người khác thì khóc vì đau buồn và tiếc nuối.

Dần dần có những cải tiến để chuẩn bị cho chúng ta

13. (a) Những cải tiến trong tổ chức nhằm mục đích nào? (b) Hãy giải thích một số cải tiến trong tổ chức.

13 Đức Giê-hô-va dần dần cải tiến tổ chức trên đất của Ngài. Những điểm cải tiến này nhằm mục đích tô điểm, làm ổn định và củng cố sự sắp đặt của Ngài để che chở chúng ta về thiêng liêng. Từ thập niên 1870 đến năm 1932, hội thánh bầu các trưởng lão và chấp sự. Vào năm 1932, hội thánh không còn bầu trưởng lão nữa nhưng bầu một ủy ban công tác để giúp đỡ anh giám đốc công tác do hội bổ nhiệm. Vào năm 1938, có sự sắp đặt để bổ nhiệm tất cả các tôi tớ trong hội thánh theo cách thần quyền. Dưới sự hướng dẫn của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, kể từ năm 1972, hội đồng trưởng lão đề cử những người hội đủ điều kiện, và nếu họ được chấp thuận thì hội thánh sẽ nhận được thư bổ nhiệm giám thị và tôi tớ thánh chức theo thể thức thần quyền. Với thời gian, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương có thêm trách nhiệm, và có những thay đổi để công việc được tiến hành dễ dàng hơn.

14. Vào năm 1959, có chương trình huấn luyện nào?

14 Vào năm 1950, sau khi xem xét kỹ câu Thi-thiên 45:16, các anh đã đưa ra chương trình huấn luyện liên tục. Câu này nói: “Các con trai Ngài sẽ thay cho tổ-phụ Ngài; Ngài sẽ lập họ làm quan-trưởng trong khắp thế-gian”. Các trưởng lão hiện đang dẫn đầu hội thánh được huấn luyện để thi hành các nhiệm vụ trong thời kỳ này và sau Ha-ma-ghê-đôn. (Khải-huyền 16:14, 16) Trường Thánh Chức Nước Trời bắt đầu năm 1959. Bấy giờ, có khóa học một tháng, chủ yếu dành cho các tôi tớ hội thánh, tên gọi giám thị chủ tọa thời bấy giờ. Hiện nay khóa học này được nới rộng để huấn luyện tất cả các giám thị và tôi tớ thánh chức. Rồi những anh này dẫn dầu trong việc huấn luyện mỗi Nhân Chứng Giê-hô-va trong hội thánh của họ. Qua đó, tất cả những người công bố tin mừng về Nước Trời được giúp đỡ về thiêng liêng để trở nên hữu hiệu hơn trong thánh chức.—Mác 13:10.

15. Hội thánh Đấng Christ được che chở qua hai cách nào?

15 Những người muốn là thành viên của hội thánh Đấng Christ phải hội đủ một số điều kiện. Tất nhiên là những kẻ nhạo báng thời nay không được gia nhập hội thánh, cũng như những kẻ nhạo báng thời xưa không được vào chiếc tàu của Nô-ê. (2 Phi-e-rơ 3:3-7) Nhất là từ năm 1952, Nhân Chứng Giê-hô-va ngày càng ủng hộ sự sắp đặt nhằm che chở hội thánh, ấy là khai trừ những người phạm tội không ăn năn. Dĩ nhiên, những người phạm tội nhưng thật sự ăn năn thì sẽ được giúp đỡ một cách yêu thương để “làm đường thẳng cho chân” của họ.—Hê-bơ-rơ 12:12, 13; Châm-ngôn 28:13; Ga-la-ti 6:1.

16. Dân của Đức Giê-hô-va có tình trạng thiêng liêng như thế nào?

16 Tình trạng thịnh vượng về thiêng liêng của dân Đức Giê-hô-va không phải tự nhiên hay tình cờ mà có. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va phán: “Nầy, các tôi-tớ ta sẽ ăn, còn các ngươi thì đói; nầy, tôi-tớ ta sẽ uống, còn các ngươi thì khát; nầy, tôi-tớ ta sẽ được vui-vẻ, còn các ngươi thì bị nhuốc-nhơ; nầy, tôi-tớ ta sẽ hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ, còn các ngươi thì khóc-lóc vì lòng buồn-bực, kêu-than vì tâm thần phiền-não”. (Ê-sai 65:13, 14) Đức Giê-hô-va tiếp tục cung cấp cho chúng ta dư dật đồ ăn thiêng liêng bổ dưỡng và đúng giờ để giúp chúng ta vững mạnh về thiêng liêng.—Ma-thi-ơ 24:45.

Chuẩn bị để được sống sót

17. Điều gì giúp chúng ta chuẩn bị để được sống sót?

17 Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc để “coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau”. (Hê-bơ-rơ 10:23-25) Khi gần gũi và tích cực hoạt động với một trong số hơn 98.000 hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta được giúp chuẩn bị để sống sót. Chúng ta sẽ có sự ủng hộ của các anh em đồng đức tin khi cố gắng thể hiện “người mới”, tức nhân cách mới, và hết lòng cố gắng giúp đỡ người khác học biết về sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va nhằm giúp họ được sống sót.—Ê-phê-sô 4:22-24; Cô-lô-se 3:9, 10; 1 Ti-mô-thê 4:16.

18. Tại sao bạn cương quyết gần gũi với hội thánh Đấng Christ?

18 Sa-tan và thế gian độc ác của hắn rất muốn cám dỗ chúng ta xa cách hội thánh tín đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, chúng ta có thể tiếp tục ở trong hội thánh ấy và sống sót khi hệ thống gian ác hiện tại bị kết liễu. Mong sao tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và lòng biết ơn về những sự sắp đặt đầy yêu thương của Ngài thúc đẩy chúng ta càng cương quyết hơn bao giờ hết để ngăn cản nỗ lực của Sa-tan. Suy ngẫm về những ân phước hiện tại sẽ củng cố lòng quyết tâm của chúng ta. Một số những ân phước này sẽ được bàn luận trong bài kế tiếp.

Bạn trả lời thế nào?

• Thời kỳ chúng ta tương đồng với thời Nô-ê như thế nào?

• Cần có đức tính nào để được sống sót?

• Những điểm cải tiến nào đã củng cố sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va nhằm che chở chúng ta?

• Cá nhân chúng ta có thể chuẩn bị như thế nào để được sống sót?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 22]

Những người đương thời với Nô-ê xem thường lời cảnh báo của ông

[Hình nơi trang 23]

Thông điệp cảnh báo của Đức Chúa Trời đáng cho chúng ta xem trọng

[Hình nơi trang 24]

Mục đích của Trường Thánh Chức Nước Trời là gì?

[Hình nơi trang 25]

Bây giờ là lúc để gần gũi với hội thánh Đấng Christ