Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một nỗ lực dũng cảm nhằm phổ biến Kinh Thánh

Một nỗ lực dũng cảm nhằm phổ biến Kinh Thánh

Một nỗ lực dũng cảm nhằm phổ biến Kinh Thánh

Thân bại, danh liệt, ông trút hơi thở cuối cùng tại vùng thảo nguyên băng giá ở miền đông Siberia. Ít ai còn nhớ ông là một trong những nhân vật chính đã góp phần vào sự tiến bộ về tín ngưỡng của đồng bào Hy Lạp. Người đi tiên phong bị quên lãng này có tên là Seraphim. Nỗ lực dũng cảm của ông nhằm phổ biến Kinh Thánh là một nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông.

SERAPHIM sống vào thời kỳ Hy Lạp thuộc về Đế Quốc Ottoman. Theo học giả Chính Thống Giáo Hy Lạp George Metallinos, đó là một thời kỳ “không đủ trường học” và “phần đông người ta thất học”, kể cả giới giáo phẩm.

Có sự khác biệt rất lớn giữa tiếng Koine (phổ thông) Hy Lạp, ngôn ngữ của Kinh Thánh phần Hy Lạp, và tiếng Hy Lạp gồm nhiều phương ngữ mà dân chúng nói vào thời Seraphim. Nếu chưa từng đi học thì người ta không thể hiểu được tiếng Koine. Sau một thời gian tranh luận, giáo hội quyết định ủng hộ Koine Hy Lạp, thứ tiếng khó hiểu.

Chính trong bối cảnh đó, Stephanos Ioannis Pogonatus đã chào đời trong một gia đình được nhiều người biết đến trên đảo Lesbos, Hy Lạp, khoảng năm 1670. Dân trên đảo đa số rất nghèo và thất học. Vì thiếu trường học nên Stephanos buộc phải đến một tu viện ở địa phương để học các lớp sơ cấp. Khi còn trẻ, ông đã được phong chức trợ tế trong Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và được đặt tên là Seraphim.

Khoảng năm 1693, do khao khát kiến thức, Seraphim đến Constantinople (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Với thời gian, nhờ có khả năng, ông được giới quyền thế Hy Lạp kính trọng. Chẳng bao lâu, ông được nhóm phong trào ái quốc Hy Lạp bí mật phái đến gặp Nga Hoàng Peter Đại Đế. Qua chuyến đi Moscow, Seraphim đến nhiều nơi ở Âu Châu và thấy được những chiều hướng cải cách về tôn giáo và tri thức. Năm 1698, Seraphim đến nước Anh và được tiếp xúc với vài nhân vật quan trọng ở London và Oxford. Ông được gặp Tổng Giám Mục địa phận Canterbury là người đứng đầu Nhà Thờ Anh Giáo. Mối quan hệ này ít lâu sau chứng tỏ rất hữu ích cho Seraphim.

Xuất bản Kinh Thánh

Khi ở Anh, Seraphim đi đến kết luận là dân Hy Lạp rất cần một bản “Tân Ước” (phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp) mới và dễ hiểu. Dùng bản tu sĩ Maximus dịch hơn nửa thế kỷ trước, Seraphim bắt đầu công việc in ấn một bản Kinh Thánh mới, không có lỗi và dễ hiểu hơn. Ông hăng hái bắt tay vào việc nhưng chẳng bao lâu thì cạn kiệt tài chính. Triển vọng có vẻ tốt hơn khi Tổng Giám Mục địa phận Canterbury hứa giúp đỡ về tài chính. Seraphim phấn khởi trước sự ủng hộ đó, ông mua giấy in và thương lượng với một chủ nhà in.

Tuy nhiên, công việc in ấn chỉ tiến hành đến phân nửa sách Phúc Âm của Lu-ca thì tình hình chính trị ở Anh thay đổi, khiến Tổng Giám Mục địa phận Canterbury ngưng tài trợ. Không nản lòng, Seraphim tìm sự bảo trợ của một số người giàu có và cuối cùng ông phát hành bản nhuận chính vào năm 1703. Một phần chi phí là do Hội Truyền Bá Phúc Âm Nước Ngoài đài thọ.

Bản dịch xưa hơn của Maximus gồm hai tập, có cả phần nguyên ngữ Hy Lạp. Bản dịch đó lớn và nặng. Còn bản nhuận chính của Seraphim được in bằng chữ nhỏ hơn, chỉ có phần dịch tiếng Hy Lạp hiện đại và mỏng hơn đồng thời rẻ hơn.

Châm dầu thêm vào cuộc tranh luận

Học giả George Metallinos nói: “Chắc chắn, ấn phẩm mới này đáp ứng nhu cầu của quần chúng. Tuy nhiên, Seraphim nắm cơ hội đó để công kích một nhóm người thuộc hàng giáo phẩm chống đối việc dịch [Kinh Thánh]”. Hàng giáo phẩm phẫn nộ vì trong phần mở đầu, Seraphim nói rằng ông phát hành bản dịch đó ‘đặc biệt dành cho một số tu sĩ và trưởng lão không hiểu tiếng [Koine] Hy Lạp để mong với sự giúp đỡ của Thánh Linh, họ có thể đọc và hiểu phần nào bản gốc, nhờ đó có thể truyền lại cho giáo dân’. (The Translation of the Bible Into Modern Greek—During the 19th Century) Qua hành động đó, Seraphim đã lao vào cuộc tranh cãi về vấn đề dịch Kinh Thánh đang diễn ra trong Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp.

Một bên là những người nhận thức rằng sự phát triển của dân chúng về tín ngưỡng và đạo đức phụ thuộc vào việc hiểu biết Kinh Thánh. Họ cũng cảm thấy thành viên hàng giáo phẩm cần trau dồi sự hiểu biết về Kinh Thánh. Ngoài ra, những người ủng hộ việc dịch Kinh Thánh cho rằng các lẽ thật Kinh Thánh có thể được diễn đạt bằng bất cứ ngôn ngữ nào.—Khải-huyền 7:9.

Còn những người phản đối việc dịch Kinh Thánh thì viện cớ là bất cứ cách dịch nào cũng làm sai lạc nội dung và lấn quyền của giáo hội trong việc diễn giải và trong vấn đề tín lý. Nhưng điều mà họ thật sự lo sợ là Phái Tin Lành muốn dùng việc dịch Kinh Thánh để dần dần mở rộng ảnh hưởng của mình trên lãnh thổ của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Nhiều tu sĩ nghĩ rằng họ có bổn phận phải chống lại bất cứ xu hướng nào khiến người ta có thiện cảm với Phái Tin Lành, kể cả những nỗ lực nhằm giúp thường dân hiểu Kinh Thánh. Vì thế việc dịch Kinh Thánh trở thành đề tài sôi nổi trong cuộc xung đột giữa hai phái Tin Lành và Chính Thống.

Mặc dù không nghĩ đến việc bỏ Chính Thống Giáo, Seraphim thẳng thắn vạch trần sự ngu dốt và thái độ cố chấp của những tu sĩ chống đối ông. Trong lời mở đầu của bản “Tân Ước”, ông viết: “Tất cả tín đồ Đấng Christ biết kính sợ Đức Chúa Trời đều cần phải đọc Kinh Thánh” để “biết noi gương Đấng Christ và vâng theo lời chỉ dạy [của ngài]”. Seraphim khẳng định rằng việc cấm nghiên cứu Kinh Thánh là do Ma-quỉ xui khiến.

Làn sóng bắt bớ

Khi bản nhuận chính của Seraphim phát hành ở Hy Lạp, giới quyền uy tôn giáo rất tức giận. Bản Kinh Thánh mới đó bị cấm. Sách bị thiêu hủy, và bất cứ ai có hoặc đọc nó thì bị đe dọa bằng hình phạt rút phép thông công. Giáo Chủ Gabriel III cấm không cho lưu hành bản của Seraphim, nói rằng nó không cần thiết và vô bổ.

Dù không mất hy vọng, nhưng Seraphim thấy cần phải thận trọng. Tuy giáo hội cấm, một số tu sĩ và giáo dân vẫn tiếp nhận bản dịch của ông. Seraphim phổ biến rộng rãi bản dịch này. Tuy nhiên, mối bất đồng giữa ông và những người chống đối đầy quyền lực chỉ mới bắt đầu.

Những yếu tố dẫn đến cái chết của Seraphim

Ngoài nỗ lực phổ biến Kinh Thánh, Seraphim còn tham gia những phong trào cải cách và ái quốc. Để đeo đuổi mục tiêu này, ông trở lại Moscow vào mùa hè năm 1704. Ông trở thành bạn tín cẩn của Peter Đại Đế và làm giáo sư tại Học Viện Hoàng Gia Nga một thời gian. Tuy nhiên, vì lo về những gì có thể xảy ra cho bản dịch của ông, Seraphim trở về Constantinople vào năm 1705.

Khi in lại bản dịch của ông trong năm đó, Seraphim rút lại lời mở đầu phê phán trước đây. Ông thêm vào một lời giới thiệu đơn giản khuyến khích người ta đọc Kinh Thánh. Lần xuất bản này có số lượng lưu hành rộng rãi, và không có tài liệu nào nói đến sự chống đối của giáo chủ.

Tuy nhiên, vào năm 1714 một lữ khách Hy Lạp tên là Alexander Helladius đã chống lại việc dịch Kinh Thánh và giáng cho Seraphim một đòn chí tử. Trong sách Status Præsens Ecclesiæ Græcæ (Hiện trạng của Giáo Hội Hy Lạp), ông công kích dữ dội những người dịch cũng như các bản dịch Kinh Thánh. Helladius viết nguyên một chương về Seraphim, miêu tả ông như một tên trộm, kẻ bịp bợm và kẻ lừa đảo thất học, vô đạo đức. Những lời buộc tội đó có xác đáng không? Tác giả Stylianos Bairaktaris nói lên quan điểm có cơ sở của nhiều học giả khi cho rằng Seraphim là ‘một người cần mẫn làm việc và người tiên phong thông sáng’ đã bị công kích vì có tầm hiểu biết vượt hẳn người đương thời. Song, cuốn sách của Helladius là một yếu tố dẫn đến cái chết của Seraphim.

Bị nghi ngờ

Khi Seraphim trở lại nước Nga vào năm 1731, thì Peter Đại Đế đã qua đời. Vì thế, vị trợ tế Hy Lạp không còn được hưởng sự bảo vệ của chính quyền. Nữ Hoàng đương kim Anna Ivanovna rất thận trọng về bất cứ điều gì có thể gây bất ổn trong vương quốc của bà. Vào tháng Giêng năm 1732, có lời đồn ở St. Petersburg là một gián điệp Hy Lạp đang gây nguy hại cho quyền lợi của đế chế. Kẻ bị tình nghi là Seraphim. Ông bị bắt giữ và đưa đến tu viện Nevsky để thẩm vấn. Trong tu viện có cuốn sách của Helladius, gán cho Seraphim nhiều tội ác. Trong ba bài phản luận, vị trợ tế cố chống lại lời buộc tội. Cuộc thẩm vấn kéo dài khoảng năm tháng, và Seraphim khó đánh tan được sự nghi ngờ.

Vì không có bằng chứng rõ ràng để kết tội Seraphim nên ông thoát án tử hình. Tuy nhiên, vì những lời bôi nhọ của Helladius, nhà cầm quyền do dự không muốn trả tự do cho Seraphim. Vị trợ tế Hy Lạp bị kết án lưu đày vĩnh viễn ở Siberia. Lời tuyên án nói rằng bản cáo trạng dựa trên những lời buộc tội trong “bài tiểu luận của tác giả Hy Lạp Helladius”. Tháng 7 năm 1732, Seraphim bị giải đến miền đông Siberia, bị xiềng xích và giam vào nhà tù khét tiếng Okhotsk.

Khoảng ba năm sau, Seraphim qua đời, bị bỏ rơi và lãng quên. Đôi khi cách nhận định và phương pháp của ông lầm lẫn và thiếu khôn ngoan, nhưng bản dịch của ông là một trong nhiều bản dịch Kinh Thánh hiện được phát hành trong tiếng Hy Lạp hiện đại. * Trong số đó, bản dịch New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới) là bản dễ hiểu, và cũng được phát hành trong một số thứ tiếng khác nữa. Chúng ta thật biết ơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã bảo tồn Lời Ngài để mọi người ở khắp nơi có cơ hội “hiểu-biết lẽ thật”!—1 Ti-mô-thê 2:3, 4.

[Chú thích]

^ đ. 26 Xin xem bài “Phấn đấu để có được cuốn Kinh Thánh trong tiếng Hy Lạp hiện đại” trong Tháp Canh, ngày 15-11-2002, trang 26-29.

[Hình nơi trang 12]

Peter Đại Đế

[Nguồn tư liệu nơi trang 10]

Hình: Courtesy American Bible Society