Áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh đem lại sự mãn nguyện
Áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh đem lại sự mãn nguyện
BẠN có lẽ đã từng thấy một em bé bình thản nằm ngủ trong vòng tay âu yếm của người mẹ sau khi bú sữa no nê. Đó hẳn là một hình ảnh của sự mãn nguyện. Có được sự mãn nguyện như em bé đó thật tốt đẹp biết bao! Tuy nhiên, đối với nhiều người thì sự mãn nguyện nằm ngoài tầm tay và nếu có thì chỉ tạm thời mà thôi. Tại sao vậy?
Vì bất toàn chúng ta thường phạm lỗi và cũng phải đối phó với những sự thiếu sót của người khác. Ngoài ra, chúng ta đang sống trong giai đoạn mà Kinh Thánh gọi là “ngày sau-rốt”, đánh dấu bởi “thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Dù quý những kỷ niệm êm đềm và đẹp đẽ của tuổi thơ, hầu hết mọi người chúng ta đều gặp rất nhiều áp lực của “thời-kỳ khó-khăn” này. Chúng ta có thể nào tìm được sự mãn nguyện vào thời buổi này không?
Hãy lưu ý Kinh Thánh nói thời kỳ này khó khăn nhưng không nói là không thể đối phó được. Chúng ta có thể đối phó với thời kỳ khó khăn bằng cách áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. Không phải lúc nào chúng ta cũng giải quyết được vấn đề của mình, nhưng chúng ta có thể được mãn nguyện phần nào. Chúng ta hãy xem xét ba nguyên tắc như thế.
Có quan điểm thực tế về chính mình
Để được mãn nguyện, chúng ta cần có quan điểm thực tế về giới hạn của mình và của người khác. Trong lá thư gửi cho tín đồ ở thành Rô-ma, Phao-lô cho biết: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 3:23) Sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va có nhiều khía cạnh vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Một thí dụ là sự kiện giản dị được ghi nơi Sáng-thế Ký 1:31: “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành”. Mỗi khi Đức Giê-hô-va nhìn lại những việc Ngài đã làm, Ngài luôn luôn có thể nói là “rất tốt-lành”. Không ai có thể tuyên bố như vậy. Nhận biết giới hạn của mình là bước đầu dẫn đến sự mãn nguyện. Tuy nhiên, còn điều khác nữa. Chúng ta cần phải hiểu và chấp nhận quan điểm của Đức Giê-hô-va về mọi sự việc.
Chữ Hy Lạp được dịch là “tội-lỗi” bắt nguồn từ gốc có nghĩa “trật mục tiêu”. (Rô-ma 3:9) Để ví dụ: Hãy tưởng tượng một người bắn cung hy vọng nhắm trúng mục tiêu để đoạt giải. Ông có ba mũi tên. Ông bắn mũi tên đầu và trật mục tiêu khoảng một mét. Ông nhắm khá hơn nhưng mũi tên thứ hai vẫn trật khoảng 30 centimét. Ông nhắm thật kỹ, buông mũi tên cuối cùng ra và lần này chỉ trật hai centimét. Mũi tên cắm sát đích, nhưng vẫn trật.
Tất cả chúng ta cũng thất vọng như người bắn tên đó. Đôi khi chúng ta dường như “trật mục tiêu” một khoảng xa. Những lúc khác, chúng ta gần sát mục tiêu, nhưng vẫn trật. Chúng ta cảm thấy bực mình vì đã cố hết sức,
nhưng vẫn không đạt được kết quả. Giờ đây, chúng ta hãy trở lại với người bắn cung.Ông thất vọng, quay bước bỏ đi vì ông rất muốn đoạt được giải. Bỗng nhiên, người giám khảo gọi ông lại, trao cho ông giải thưởng và nói: “Tôi muốn trao giải này cho ông vì tôi quý ông, và tôi thấy ông đã cố hết sức”. Người bắn cung thật vui biết bao!
Thật vui biết bao! Bất cứ ai cũng cảm thấy như vậy khi được Đức Chúa Trời ban cho sự sống hoàn toàn và đời đời. (Rô-ma 6:23) Từ đó trở đi, bất cứ điều gì họ làm đều được tốt đẹp, nghĩa là họ sẽ không bao giờ trật mục tiêu nữa. Họ sẽ hoàn toàn mãn nguyện. Trong khi chờ đợi, nếu chúng ta có quan điểm này, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái với chính mình và những người chung quanh.
Nhận biết rằng mọi việc đều đòi hỏi thời gian
Thực tế cho thấy là mọi việc đều đòi hỏi thời gian. Dù vậy, bạn có thấy là rất khó mãn nguyện khi phải chờ đợi điều gì đó lâu hơn là mình nghĩ hay khi một tình huống không tốt đẹp cứ kéo dài, lâu hơn là mình định? Tuy nhiên, một số người đã có thể giữ được sự mãn nguyện trong những trường hợp như thế. Hãy xem xét gương của Chúa Giê-su.
Trước khi xuống thế, Chúa Giê-su là một gương sáng về sự vâng lời. Tuy nhiên, ngay trên trái đất này ngài “học-tập vâng lời”. Như thế nào? “Bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu”. Trước đó, ngài thấy nhiều sự đau khổ nhưng chính mình chưa hề bị khổ. Khi còn ở trên đất, đặc biệt là từ lúc báp têm ở Sông Giô-đanh cho đến lúc chết tại Gô-gô-tha, ngài phải trải qua nhiều tình huống gay go. Chúng ta không biết mọi chi tiết Chúa Giê-su được “làm nên trọn-vẹn” như thế nào về phương diện này, nhưng chúng ta biết tiến trình này đòi hỏi thời gian.—Hê-bơ-rơ 5:8, 9.
Chúa Giê-su đã thành công vì ngài suy ngẫm về “sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình”, tức phần thưởng cho sự trung thành. (Hê-bơ-rơ 12:2) Tuy nhiên, có lúc ngài “đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin”. (Hê-bơ-rơ 5:7) Chúng ta đôi khi cũng cầu nguyện như vậy. Đức Giê-hô-va coi việc này như thế nào? Câu Kinh Thánh đó cũng cho thấy Đức Giê-hô-va “nhậm lời” Chúa Giê-su cầu nguyện. Đức Chúa Trời cũng nhậm lời chúng ta. Tại sao?
Vì Đức Giê-hô-va biết giới hạn của chúng ta, và Ngài nâng đỡ chúng ta. Mỗi người chỉ chịu đựng đến một mức nào đó. Dân Benin bên Phi Châu có câu: “Nước dâng lên quá nhiều, thậm chí cóc nhái cũng chết đuối”. Đức Giê-hô-va biết khi nào chúng ta sắp hết sức chịu đựng dù chính mình không biết. Với lòng yêu thương, Ngài ‘thương-xót và ban ơn để giúp chúng ta trong lúc cần’. (Hê-bơ-rơ 4:16) Ngài đã làm điều này cho Chúa Giê-su và cho vô số người khác. Hãy xem Monika đã cảm nghiệm được điều này như thế nào.
Monika lớn lên là người vô tư lự, sôi nổi đầy nghị lực và có tính tình vui vẻ. Vào năm 1968, trong khi mới ở tuổi đôi mươi, chị sửng sốt vô cùng khi biết mình bị bệnh đa xơ cứng, một thứ bệnh đưa người ta đến chỗ bị liệt một phần thân thể. Điều này thay đổi hoàn toàn đời sống của chị và khiến chị phải có những sự
điều chỉnh lớn lao trong thánh chức trọn thời gian. Monika biết rằng bệnh này sẽ kéo dài lâu năm. Mười sáu năm sau, chị nói: “Bệnh của tôi vẫn chưa trị được và rất có thể không trị được cho đến khi hệ thống mới của Đức Chúa Trời làm mới lại muôn vật”. Chị công nhận đây không phải là một điều dễ dàng đối với chị. Chị nói: “Mặc dù nhiều người bạn nói rằng tôi vẫn còn có tính vui tươi và lúc nào cũng thấy tôi vui... nhưng các bạn thân của tôi biết là đôi khi nước mắt tôi cứ tuôn trào”.Tuy nhiên, chị nhận xét: “Tôi học được tính kiên nhẫn và khi thấy sức khỏe khá hơn một chút là tôi cũng thấy mừng rồi. Nhìn thấy con người phải chịu bó tay khi tìm cách chống lại bệnh tật, tôi cảm thấy càng gần gũi với Đức Giê-hô-va hơn. Chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể hoàn toàn chữa trị hết bệnh tật, ốm đau”. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chị Monika vẫn giữ được sự mãn nguyện và giờ đây chị phục vụ trọn thời gian được hơn 40 năm.
Đành rằng hoàn cảnh như của chị Monika không phải dễ đối phó. Nhưng chắc chắn bạn sẽ bằng lòng chấp nhận nếu bạn nhận biết rằng một số sự việc nào đó cần nhiều thời gian hơn là bạn nghĩ để giải quyết. Như chị Monika, bạn cũng có thể chắc chắn là Đức Giê-hô-va sẽ ‘giúp chúng ta trong lúc cần’.
Không nên so sánh—Đặt mục tiêu hợp lý
Bạn là một người duy nhất, không ai giống như bạn. Tiếng Gun của Phi Châu có câu tục ngữ giản dị diễn tả điều này: “Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn”. So sánh ngón này với ngón kia là điều dại dột. Bạn không muốn Đức Giê-hô-va so sánh bạn với người khác, và Ngài không bao giờ làm điều này. Tuy nhiên, giữa người ta với nhau thường có khuynh hướng so sánh và có thể làm mất đi sự mãn nguyện. Khi đọc Ma-thi-ơ 20:1-16, chúng ta hãy xem Chúa Giê-su minh họa hùng hồn về điều này như thế nào.
Chúa Giê-su nói về người “chủ” cần người làm công trong vườn nho. Ông tìm thấy mấy người không có việc và mướn họ vào “tảng sáng”, có lẽ vào lúc 6 giờ sáng. Họ đồng ý làm với tiền lương một ngày vào thời đó là một đơ-ni-ê và làm 12 giờ một ngày. Những người đó hẳn rất vui vì có việc làm và được trả lương. Sau đó, người chủ tìm được những nhóm khác cũng không có việc và cho họ việc vào lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và ngay cả vào lúc 5 giờ chiều tối nữa. Không một người nào trong những nhóm này làm trọn ngày. Riêng về tiền công, người chủ hứa là sẽ “trả tiền công phải cho”, và những người làm công đồng ý.
Đến cuối ngày, người chủ gọi người giữ việc trả công cho thợ. Ông bảo là gọi những người làm công lại và bắt đầu với những người làm sau rốt. Những người này chỉ làm có một giờ, nhưng điều ngạc nhiên là họ được trả công cho cả ngày. Chúng ta có thể tưởng tượng cuộc bàn cãi sôi nổi diễn ra sau đó. Những người đã làm trọn cả 12 giờ kết luận là chắc họ sẽ được thêm. Tuy nhiên, họ cũng nhận được cùng số tiền đó.
Họ phản ứng ra sao? “Khi lãnh rồi, lằm-bằm cùng chủ nhà, mà rằng: Những người rốt ấy chỉ làm một giờ, mà chủ đãi cũng như chúng tôi, là kẻ đã chịu mệt-nhọc cả ngày và giang nắng”.
Tuy nhiên, người chủ nghĩ khác. Ông cho họ biết là ông không trả thiếu, nhưng trả đủ số tiền công mà họ đồng ý. Còn những người khác, ông quyết định cho họ tiền công trọn ngày, rõ ràng là hơn số tiền công mà họ nghĩ là họ sẽ được trả. Trên thực tế, không người nào bị bớt lương; ngược lại, nhiều người còn được trả hơn. Để kết thúc, người chủ nêu lên câu hỏi: “Ta há không có phép dùng của-cải ta theo ý-muốn ta sao?”
Giờ đây hãy tưởng tượng nếu người giữ việc khởi đầu trả tiền công cho nhóm người đầu tiên thì họ đã mãn nguyện đi về. Sự bất mãn chỉ xảy ra khi nhóm người này thấy những người khác làm ít hơn nhưng cũng được trả cùng số tiền công. Điều này làm họ tức giận đến độ lằm bằm cùng chủ, là người mà lúc đầu họ rất biết ơn vì đã mướn họ.
Minh họa này cho thấy rõ điều gì xảy ra khi chúng ta so sánh. Nếu suy ngẫm về mối quan hệ cá nhân với Đức Giê-hô-va và quý trọng những ân phước mà Ngài ban cho thì bạn sẽ mãn nguyện. Không nên so sánh tình huống của mình với tình huống của người khác. Nếu thấy Đức Giê-hô-va có vẻ ban thêm điều gì đó cho người khác, chúng ta nên mừng cho họ và vui với họ.
Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va muốn một điều nơi bạn. Điều đó là gì? Ga-la-ti 6:4 (Tòa Tổng Giám Mục) cho biết: “Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, và bấy giờ sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình”. Nói cách khác, bạn hãy đặt mục tiêu thích hợp cho chính mình. Dự trù những gì mình thực sự có thể làm được, và rồi làm cho đến cùng. Nếu mục tiêu vừa tầm tay thì khi đạt được, bạn sẽ “có lý do để hãnh diện”. Bạn sẽ cảm nghiệm được sự mãn nguyện.
Sẽ có phần thưởng
Ba nguyên tắc mà chúng ta vừa xem xét cho thấy việc áp dụng các nguyên tắc của Kinh Thánh có thể thật sự giúp chúng ta tìm được sự mãn nguyện ngay trong những ngày sau rốt, dù rằng chúng ta hiện còn bất toàn. Trong lúc đọc Kinh Thánh hàng ngày, sao bạn không tìm những nguyên tắc như thế, những nguyên tắc hoặc được ghi rõ ràng hoặc hàm chứa trong lời tường thuật và trong minh họa?
Nếu bạn cảm thấy mình càng ngày càng ít mãn nguyện, hãy cố tìm ra nguyên nhân tại sao. Rồi tìm nguyên tắc mà bạn có thể áp dụng để sửa đổi tình thế. Thí dụ, bạn có thể tra sách mỏng “Cả Kinh-thánh”—Xác thực và hữu ích (2 Sử-ký–Ê-sai), trang 22-24. * Những trang này bàn về sách Châm-ngôn, và bạn sẽ thấy nhiều nguyên tắc và lời khuyên được liệt kê dưới 12 tiểu đề. The Watch Tower Publications Index (Danh mục ấn phẩm Hội Tháp Canh)* và Watchtower Library (Thư viện Tháp Canh) trong CD-ROM* cũng là những nguồn tài liệu hữu ích. Bằng cách dùng những tài liệu đó thường xuyên, bạn sẽ trở nên thông thạo khi tìm kiếm những nguyên tắc thích hợp để áp dụng.
Gần đến lúc Đức Giê-hô-va ban cho những người xứng đáng được sống đời đời với tình trạng hoàn toàn trong địa đàng. Họ sẽ được mãn nguyện trọn đời.
[Chú thích]
^ đ. 30 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Câu nổi bật nơi trang 12]
“Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 3:23
[Câu nổi bật nơi trang 13]
Chúa Giê-su “học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu”.—Hê-bơ-rơ 5:8, 9
[Câu nổi bật nơi trang 15]
“Người sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác”.—Ga-la-ti 6:4, TTGM