Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va rao “sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên”

Đức Giê-hô-va rao “sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên”

Đức Giê-hô-va rao “sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên”

“Ta đã rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên”.—Ê-SAI 46:10.

1, 2. Điều gì đáng chú ý về những sự kiện liên quan đến việc Ba-by-lôn bị lật đổ, và điều đó cho thấy gì về Đức Giê-hô-va?

TRONG đêm khuya tĩnh mịch, quân địch rón rén đi dọc theo lòng sông Ơ-phơ-rát, tiến về phía mục tiêu: thành trì kiên cố của Ba-by-lôn. Khi họ đến gần cửa thành, một cảnh lạ lùng đập vào mắt họ. Các cánh cửa khổng lồ của tường thành Ba-by-lôn hoàn toàn bỏ ngỏ! Họ lên khỏi lòng sông và tiến vào thành. Trong chớp nhoáng thành trì thất thủ. Si-ru, người lãnh đạo, nhanh chóng nắm quyền kiểm soát vùng đất vừa chinh phục, và sau đó ra chiếu chỉ thả những người Y-sơ-ra-ên đã bị bắt làm phu tù. Hàng ngàn người bị lưu đày trở về quê hương để phục hưng sự thờ phượng Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem.—2 Sử-ký 36:22, 23; E-xơ-ra 1:1-4.

2 Ngày nay các sử gia đều chứng nhận những sự kiện nói trên đã xảy ra từ năm 539-537 TCN. Điều đáng chú ý là những sự kiện đó được nói trước khoảng 200 năm. Đức Giê-hô-va đã soi dẫn nhà tiên tri Ê-sai miêu tả sự sụp đổ của Ba-by-lôn từ rất lâu như thế. (Ê-sai 44:24–45:7) Đức Chúa Trời không những cho biết tình huống liên quan đến việc Ba-by-lôn bị lật đổ mà còn cho biết tên của vị vua chiến thắng. * Đức Giê-hô-va phán với dân Y-sơ-ra-ên, những nhân chứng của Ngài lúc bấy giờ: “Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta. Ta đã rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên”. (Ê-sai 46:9, 10a) Đức Giê-hô-va quả thực là một Đức Chúa Trời có khả năng biết trước những việc sẽ xảy ra.

3. Chúng ta sẽ xem xét câu trả lời cho những câu hỏi nào?

3 Đức Chúa Trời biết trước về tương lai đến mức nào? Đức Giê-hô-va có biết trước mỗi người chúng ta sẽ làm gì không? Phải chăng tương lai chúng ta đã được định trước? Trong bài này và bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét câu trả lời của Kinh Thánh cho những câu hỏi này cũng như những câu hỏi có liên quan.

Đức Giê-hô-va—Đức Chúa Trời có khả năng tiên tri

4. Ai là Nguồn của các lời tiên tri ghi trong Kinh Thánh?

4 Vì có khả năng biết trước tương lai, Đức Giê-hô-va soi dẫn các tôi tớ Ngài vào thời Kinh Thánh để ghi lại nhiều lời tiên tri. Nhờ vậy chúng ta biết trước những gì Đức Giê-hô-va có ý định làm. Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Nầy, những sự đầu-tiên đã ứng-nghiệm rồi, nay ta lại rao cho các ngươi sự mới; ta làm cho các ngươi biết trước khi nó nổ ra”. (Ê-sai 42:9) Dân của Đức Chúa Trời quả thật có đặc ân lớn!

5. Trách nhiệm nào đi kèm với việc biết trước điều Đức Giê-hô-va sẽ làm?

5 Nhà tiên tri A-mốt bảo đảm với chúng ta: “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín-nhiệm Ngài ra trước cho tôi-tớ Ngài, là các đấng tiên-tri”. Kèm theo việc biết trước này là trách nhiệm. Hãy lưu ý minh họa rất hữu hiệu mà A-mốt nêu ra sau đó: “Khi sư-tử gầm-thét, thì ai mà chẳng sợ?” Khi nghe tiếng gầm thét của sư tử, cả người lẫn thú vật ở gần đó phản ứng ngay lập tức. Cũng thế, các nhà tiên tri như A-mốt nhanh chóng công bố lời phán của Đức Giê-hô-va. “Khi Chúa Giê-hô-va đã phán-dạy, thì ai mà chẳng nói tiên-tri?”—A-mốt 3:7, 8.

“Lời” Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ thành sự thật

6. Liên quan đến sự sụp đổ của Ba-by-lôn, “mưu” của Đức Giê-hô-va được thành tựu như thế nào?

6 Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va phán: “Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý”. (Ê-sai 46:10b) “Mưu” tức là ý muốn hay ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến Ba-by-lôn, bao gồm việc gọi Si-ru ra từ Phe-rơ-sơ để chinh phục và lật đổ Ba-by-lôn. Đức Giê-hô-va đã tuyên bố trước ý định đó từ lâu. Như được đề cập ở trên, lời tiên tri ấy ứng nghiệm chính xác vào năm 539 TCN.

7. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng “lời” Đức Giê-hô-va sẽ luôn luôn thành sự thật?

7 Gần bốn thế kỷ trước khi Si-ru chinh phục Ba-by-lôn, Vua Giô-sa-phát của Giu-đa đối đầu với hai đội quân phối hợp là Am-môn và Mô-áp. Ông tin tưởng cầu nguyện: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ-phụ chúng tôi! Ngài há chẳng phải là Chúa ở trên các từng trời sao? Há chẳng phải Đấng quản-trị muôn dân muôn nước sao? Ở nơi tay Chúa có quyền-thế năng-lực, chẳng ai chống-trả Chúa cho nổi”. (2 Sử-ký 20:6) Ê-sai cũng bày tỏ lòng tin cậy đó khi nói: “Đức Giê-hô-va vạn-quân đã toan-định, thì ai bãi đi được? Tay Ngài đã dang ra, thì ai day lại được?” (Ê-sai 14:27) Về sau, khi được phục hồi trí khôn sau một thời gian mất trí, Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn khiêm nhường thừa nhận: “Chẳng ai có thể cản tay [Đức Chúa Trời] và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?” (Đa-ni-ên 4:35) Đúng thế, Đức Giê-hô-va bảo đảm với dân Ngài: “Lời nói của ta... chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó”. (Ê-sai 55:11) Chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc rằng “lời” Đức Giê-hô-va sẽ luôn luôn trở thành sự thật. Ý định của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ hoàn thành.

“Ý định đời đời” của Đức Chúa Trời

8. “Ý định đời đời” của Đức Chúa Trời là gì?

8 Trong lá thư viết cho tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô nói Đức Chúa Trời có “ý định đời đời”. (Ê-phê-sô 3:11) Đây không phải chỉ là một kế hoạch hành động như thể Đức Chúa Trời phải dự tính cách tiến hành công việc. Thật ra, điều này liên quan đến việc Đức Giê-hô-va cương quyết thực hiện ý định ban đầu của Ngài dành cho loài người và trái đất. (Sáng-thế Ký 1:28) Để giúp chúng ta hiểu rõ tính chắc chắn của ý định Ngài, hãy xem lời tiên tri đầu tiên ghi trong Kinh Thánh.

9. Sáng-thế Ký 3:15 liên quan thế nào đến ý định của Đức Chúa Trời?

9 Lời hứa nơi Sáng-thế Ký 3:15 cho thấy rằng ngay sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, Đức Giê-hô-va quyết định người nữ tượng trưng của Ngài sẽ sinh ra một dòng dõi, tức một con trai. Đức Giê-hô-va cũng thấy trước kết quả của sự thù nghịch giữa người nữ này và Sa-tan, cũng như giữa hai dòng dõi đối địch. Mặc dù Đức Giê-hô-va cho phép Dòng Dõi của người nữ bị cắn gót chân, nhưng vào kỳ định của Ngài, Dòng Dõi ấy sẽ giày đạp đầu con rắn, tức Sa-tan Ma-quỉ. Trong thời gian đó, qua dòng giống được chọn, Đức Giê-hô-va dần dần thực hiện ý định của Ngài cho đến khi Chúa Giê-su xuất hiện với tư cách Đấng Mê-si được hứa từ trước.—Lu-ca 3:15, 23-38; Ga-la-ti 4:4.

Những điều Đức Giê-hô-va đã định trước

10. Đức Giê-hô-va có định trước từ ban đầu là A-đam và Ê-va sẽ phạm tội không? Hãy giải thích.

10 Nói về vai trò của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “[Đấng Christ] đã định sẵn trước buổi sáng-thế [tức là sáng lập thế gian], và hiện ra trong cuối các thời-kỳ vì cớ anh em”. (1 Phi-e-rơ 1:20) Liệu Đức Giê-hô-va có định trước từ ban đầu là A-đam và Ê-va sẽ phạm tội và cần Chúa Giê-su hy sinh để làm giá chuộc không? Không. Ý ‘sáng lập’ dịch từ chữ Hy Lạp có nghĩa đen là “gieo hạt giống”. Việc “gieo hạt giống”, tức bắt đầu sinh con cái, có xảy ra trước khi A-đam và Ê-va phạm tội không? Không. Sau khi bất tuân, A-đam và Ê-va mới sinh con. (Sáng-thế Ký 4:1) Vậy, sau cuộc phản nghịch nhưng trước khi A-đam và Ê-va bắt đầu có con, Đức Giê-hô-va mới định trước về “dòng-dõi”. Cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su là sự sắp đặt đầy yêu thương về giá chuộc, nhờ đó tội lỗi di truyền và tất cả nỗ lực của Sa-tan sẽ bị phá diệt.—Ma-thi-ơ 20:28; Hê-bơ-rơ 2:14; 1 Giăng 3:8.

11. Đức Giê-hô-va đã định trước sự việc nào trong quá trình thực hiện ý định Ngài?

11 Đức Chúa Trời định trước một sự việc khác sẽ diễn ra trong quá trình thực hiện ý định Ngài. Điều này được đề cập qua lời Phao-lô viết cho tín đồ ở Ê-phê-sô, ấy là Đức Chúa Trời sẽ “hội-hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất”. Tiếp theo đó, khi nói đến “vật ở trên trời”, tức những người được chọn để đồng kế tự với Đấng Christ, Phao-lô giải thích: “Như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết-đoán”. (Ê-phê-sô 1:10, 11) Đúng thế, Đức Giê-hô-va định trước là một số người có hạn định sẽ tạo thành một phần phụ thuộc dòng dõi người nữ của Đức Chúa Trời, và cùng Đấng Christ áp dụng lợi ích của giá chuộc cho nhiều người. (Rô-ma 8:28-30) Sứ đồ Phi-e-rơ gọi những người này là “dân thánh”. (1 Phi-e-rơ 2:9) Qua một sự hiện thấy, sứ đồ Giăng có đặc ân biết được con số những người sẽ đồng kế tự với Đấng Christ là 144.000. (Khải-huyền 7:4-8; 14:1, 3) Hợp nhất với Vua là Đấng Christ, họ phục vụ vì “sự vinh-hiển của [Đức Chúa Trời]”.—Ê-phê-sô 1:12-14.

12. Làm sao chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không định trước về mỗi cá nhân trong số 144.000 người?

12 Việc định trước về 144.000 người không có nghĩa là một số người nào đó đã được tiền định để trung thành phụng sự Đức Chúa Trời theo cách nói trên. Thật vậy, lời khuyên trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp được viết chủ yếu nhằm hướng dẫn và giúp những người xức dầu được vững mạnh, nhờ đó giữ lòng trung kiên và sống sao cho xứng đáng với ơn kêu gọi lên trời. (Phi-líp 2:12; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5, 11; 2 Phi-e-rơ 1:10, 11) Đức Giê-hô-va biết trước là 144.000 người sẽ hội đủ điều kiện để thực hiện ý định Ngài. Họ có thật sự được ơn kêu gọi lên trời hay không là tùy thuộc vào lối sống mỗi cá nhân lựa chọn, điều mà mỗi người trong số họ phải tự quyết định.—Ma-thi-ơ 24:13.

Những điều Đức Giê-hô-va biết trước

13, 14. Cách Đức Giê-hô-va dùng khả năng biết trước phù hợp với điều gì, và tại sao?

13 Vì Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có khả năng tiên tri và có ý định, vậy Ngài dùng khả năng biết trước như thế nào? Trước hết, chúng ta biết chắc rằng tất cả đường lối của Đức Chúa Trời đều chân thật, công bằng và yêu thương. Khi viết cho các tín đồ Hê-bơ-rơ vào thế kỷ thứ nhất CN, sứ đồ Phao-lô xác nhận rằng lời thề và lời hứa của Đức Chúa Trời là “hai điều chẳng thay-đổi... và về hai điều ấy Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối”. (Hê-bơ-rơ 6:17, 18) Trong lá thư gửi cho môn đồ Tít, Phao-lô cũng nói rõ ý này khi viết rằng Đức Chúa Trời “không thể nói dối”.—Tít 1:2.

14 Hơn nữa, mặc dù có quyền năng vô hạn, Đức Giê-hô-va không bao giờ hành động bất công. Môi-se tả Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va làm đều phù hợp với cá tính tuyệt diệu của Ngài. Các hành động của Ngài cho thấy sự hài hòa tuyệt đối giữa các đức tính chính của Ngài, bao gồm yêu thương, khôn ngoan, công bình và quyền năng.

15, 16. Đức Giê-hô-va cho A-đam thấy rõ viễn cảnh nào trong vườn Ê-đen?

15 Hãy xem tất cả điều này liên hệ thế nào đến những sự kiện trong vườn Ê-đen. Là người Cha đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va cung cấp mọi thứ mà loài người cần. Ngài phú cho A-đam khả năng suy nghĩ, suy luận và đi đến kết luận. Khác với thú vật là loài phần lớn sống theo bản năng, A-đam có khả năng lựa chọn. Sau sự sáng tạo này, Đức Chúa Trời từ ngai trên trời nhìn xuống và thấy “các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành”.—Sáng-thế Ký 1:26-31; 2 Phi-e-rơ 2:12.

16 Khi ra lệnh cho A-đam không được ăn trái “cây biết điều thiện và điều ác”, Đức Giê-hô-va chỉ dẫn đầy đủ để A-đam có thể quyết định điều mình làm. Ngài cho phép A-đam ăn “hoa-quả các thứ cây trong vườn” chỉ trừ ra một cây, và Ngài báo trước về hậu quả tai hại của việc ăn trái cấm đó. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Ngài cho A-đam thấy rõ hậu quả của hành động mình. A-đam sẽ làm gì?

17. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-hô-va chỉ chọn biết trước một số điều nào đó?

17 Đức Giê-hô-va có lẽ đã chọn không thấy trước điều A-đam—và Ê-va—sẽ làm, dù Ngài có khả năng biết trước mọi việc. Vì thế vấn đề không phải là Đức Giê-hô-va có khả năng thấy trước tương lai hay không, mà là Ngài có muốn thấy trước không. Hơn nữa, chúng ta có thể lập luận rằng vì Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của sự yêu thương, Ngài không chủ tâm và tàn nhẫn định trước là sẽ có cuộc phản nghịch—cùng với những hậu quả đau buồn. (Ma-thi-ơ 7:11; 1 Giăng 4:8) Vì thế, về việc sử dụng khả năng thấy trước, Đức Giê-hô-va chỉ chọn biết trước một số điều nào đó.

18. Tại sao việc Đức Giê-hô-va chỉ chọn biết trước một số điều không phải là vì Ngài bất toàn?

18 Phải chăng việc Đức Giê-hô-va chỉ chọn biết trước một số điều nào đó có nghĩa là Ngài khiếm khuyết, bất toàn về mặt nào đó? Hoàn toàn không! Môi-se tả Đức Giê-hô-va là “Hòn-Đá” và ‘công-việc Ngài là trọn-vẹn’. Không ai có thể quy cho Ngài trách nhiệm về hậu quả của tội lỗi loài người. Hậu quả tai hại mà tất cả chúng ta phải chịu ngày nay bắt nguồn từ hành động bất chính, không vâng lời của A-đam. Sứ đồ Phao-lô lập luận rõ ràng: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5; Rô-ma 5:12; Giê-rê-mi 10:23.

19. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài kế tiếp?

19 Qua những gì vừa thảo luận, chúng ta thấy rằng Đức Giê-hô-va không hề bất công. (Thi-thiên 33:5) Ngược lại, các khả năng, đức tính và tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va đều hòa hợp với ý định Ngài. (Rô-ma 8:28) Là Đức Chúa Trời có khả năng tiên tri, Đức Giê-hô-va rao “sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên”. (Ê-sai 46:9, 10) Chúng ta cũng thấy rằng Ngài chỉ chọn để biết trước một số điều. Vậy điều này ảnh hưởng chúng ta như thế nào? Làm sao chúng ta có thể biết chắc những quyết định của mình phù hợp với ý định đầy yêu thương của Đức Chúa Trời? Và làm thế sẽ mang lại ân phước nào cho chúng ta? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi này trong bài kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 2 Xin xem sách mỏng Cuốn sách cho muôn dân, trang 27, 28, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có thể giải thích không?

• Những sự kiện nào vào thời xưa chứng thực “lời” Đức Chúa Trời luôn luôn thành sự thật?

• Đức Giê-hô-va đã định trước những điều gì liên quan đến “ý định đời đời” của Ngài?

• Đức Giê-hô-va sử dụng khả năng biết trước như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 22]

Giô-sa-phát tin cậy Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 23]

Đức Chúa Trời báo trước Chúa Giê-su sẽ chết và sống lại

[Hình nơi trang 24]

Phải chăng Đức Giê-hô-va đã định trước những gì A-đam và Ê-va sẽ làm?