Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy chọn sự sống để được sống’

‘Hãy chọn sự sống để được sống’

‘Hãy chọn sự sống để được sống’

“Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước-lành và sự rủa-sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi... được sống”.—PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 30:19.

1, 2. Con người được tạo nên như hình Đức Chúa Trời về phương diện nào?

“CHÚNG TA hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta”. Đó là lời Đức Chúa Trời phán và được ghi lại trong chương đầu của Kinh Thánh. Và sau đó, lời tường thuật nơi Sáng-thế Ký 1:26, 27 cho biết: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời”. Do đó, người đầu tiên khác hẳn tất cả tạo vật khác trên đất. Ông giống Đấng tạo ra mình, có thể phản ánh quan điểm của Đức Chúa Trời trong cách suy luận, thể hiện lòng yêu thương, sự công bình, khôn ngoan và quyền năng. Ông có một lương tâm để giúp ông đi đến quyết định có lợi cho mình và làm hài lòng Cha trên trời. (Rô-ma 2:15) Tóm lại, A-đam có tự do ý chí. Khi quan sát công trình sáng tạo người con trên đất, Đức Giê-hô-va đánh giá công việc của Ngài là “rất tốt-lành”.—Sáng-thế Ký 1:31; Thi-thiên 95:6.

2 Là con cháu A-đam, chúng ta cũng được tạo theo hình của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta có thật sự được chọn lựa những điều mình làm không? Mặc dù Đức Giê-hô-va có khả năng biết trước những gì sẽ xảy ra, Ngài không định trước hành động và vận mệnh của mỗi người. Ngài không bao giờ để cho sự tiền định chi phối đời sống con cái Ngài trên đất. Để hiểu tầm quan trọng của việc dùng tự do ý chí để có quyết định đúng, trước tiên chúng ta hãy rút ra một bài học từ dân Y-sơ-ra-ên.—Rô-ma 15:4.

Dân Y-sơ-ra-ên có quyền tự do lựa chọn

3. Điều đầu tiên trong Mười Điều Răn là gì, và những người Y-sơ-ra-ên trung thành chọn vâng theo như thế nào?

3 Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức là khỏi nhà nô-lệ”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:6) Năm 1513 TCN, dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát một cách thần diệu khỏi cảnh nô lệ ở Ê-díp-tô, cho nên họ không có lý do gì để nghi ngờ những lời đó. Qua phát ngôn viên Môi-se, Đức Giê-hô-va phán về điều đầu tiên trong Mười Điều Răn: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1, 3) Vào dịp đó, dân Y-sơ-ra-ên chọn vâng theo điều răn này. Họ tự nguyện thờ phượng chỉ một mình Đức Giê-hô-va mà thôi.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; Dân-số Ký 25:11.

4. (a) Môi-se đặt trước mặt dân Y-sơ-ra-ên sự chọn lựa nào? (b) Ngày nay chúng ta có sự chọn lựa nào?

4 Khoảng 40 năm sau, Môi-se nhắc nhở mạnh mẽ một thế hệ khác của dân Y-sơ-ra-ên về quyết định mà họ phải chọn. Ông tuyên bố: “Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước-lành và sự rủa-sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19) Ngày nay cũng vậy, chúng ta có sự lựa chọn. Đúng thế, chúng ta có thể chọn trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va với triển vọng sống vĩnh cửu, hoặc có thể chọn không vâng theo Ngài và gánh chịu hậu quả. Hãy xem hai gương của những người có sự chọn lựa trái ngược nhau.

5, 6. Giô-suê đã chọn điều gì, và kết quả ra sao?

5 Năm 1473 TCN, Giô-suê dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Trong lời khuyên mạnh mẽ trước khi qua đời, Giô-suê khẩn khoản kêu gọi toàn thể dân sự: “Nếu chẳng thích cho các ngươi phục-sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục-sự, hoặc các thần mà tổ-phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở”. Sau đó, nói về gia đình ông, Giô-suê tuyên bố: “Ta và nhà ta sẽ phục-sự Đức Giê-hô-va”.—Giô-suê 24:15.

6 Trước đó, Đức Giê-hô-va khuyến giục Giô-suê hãy vững lòng bền chí, bảo ông chớ lìa xa Luật Pháp của Ngài. Nếu đọc và suy ngẫm quyển sách Luật Pháp ngày và đêm, Giô-suê sẽ thành công trong con đường mình. (Giô-suê 1:7, 8) Và ông đã làm theo lời răn bảo ấy. Sự chọn lựa của ông dẫn đến nhiều ân phước. Ông tuyên bố: “Trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng-nghiệm hết”.—Giô-suê 21:45.

7. Vào thời Ê-sai, một số người Y-sơ-ra-ên đã chọn điều gì, và hậu quả ra sao?

7 Ngược lại, hãy xem bối cảnh ở Y-sơ-ra-ên khoảng 700 năm sau. Lúc bấy giờ, nhiều người Y-sơ-ra-ên đi theo phong tục ngoại giáo. Thí dụ, vào ngày cuối năm, dân chúng tụ họp xung quanh một bàn bày nhiều thức ăn ngon và rượu ngọt. Đây không đơn giản chỉ là một bữa tiệc gia đình, mà là nghi lễ tôn vinh hai thần ngoại giáo. Nhà tiên tri Ê-sai ghi lại quan điểm của Đức Chúa Trời về hành động bất trung này: “Các ngươi, là kẻ đã bỏ Đức Giê-hô-va, đã quên núi thánh ta, đã đặt một bàn cho Gát, và rót chén đầy kính Mê-ni”. Họ tin rằng mùa màng trong năm không phải do ân phước của Đức Giê-hô-va mà là nhờ họ làm vừa lòng thần “Gát”, tức thần Vận May, và thần “Mê-ni”, tức thần Số Mệnh. Nhưng trên thực tế, đường lối phản nghịch và sự lựa chọn có chủ tâm ấy đã dẫn đến hậu quả của họ sau này. Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta định cho các ngươi phải gươm-dao, các ngươi thảy đều cúi xuống và bị giết; vì ta đã kêu, các ngươi không đáp lại; ta đã nói, các ngươi không lắng nghe, nhưng các ngươi đã làm điều ta ghét, và đã chọn điều ta chẳng đẹp lòng!” (Ê-sai 65:11, 12, cước chú) Vì chọn lựa thiếu khôn ngoan, họ bị hủy diệt, và hai thần Vận May cũng như thần Số Mệnh không giúp gì được cho họ.

Chọn lựa đúng

8. Theo Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:20, việc lựa chọn đúng bao hàm điều gì?

8 Khi khuyên dân Y-sơ-ra-ên hãy chọn sự sống, Môi-se cho thấy họ cần thực hiện ba bước: “Thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu-mến [“gắn bó với”, Tòa Tổng Giám Mục] Ngài”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:20) Chúng ta hãy xem xét từng bước một để có thể chọn lựa đúng.

9. Chúng ta thể hiện lòng thương mến Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

9 Thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời: Chúng ta chọn phụng sự Đức Giê-hô-va vì chúng ta thương mến Ngài. Để ý đến những gương cảnh cáo trong thời Y-sơ-ra-ên giúp chúng ta chống lại mọi cám dỗ phạm tội vô luân, và tránh xa lối sống có thể cuốn hút chúng ta vào tinh thần chuộng vật chất của thế gian này. (1 Cô-rinh-tô 10:11; 1 Ti-mô-thê 6:6-10) Chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va và giữ các luật lệ Ngài. (Giô-suê 23:8; Thi-thiên 119:5, 8) Trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, Môi-se khuyên răn họ: “Nầy đây, ta đã dạy các ngươi những mạng-lịnh và luật-lệ y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta đã phán dặn ta, để các ngươi làm theo ở giữa xứ mình sẽ vào đặng nhận lấy. Vậy, các ngươi phải giữ làm theo các mạng-lịnh và luật-lệ nầy; vì ấy là sự khôn-ngoan và sự thông-sáng của các ngươi trước mặt các dân-tộc; họ nghe nói về các luật-lệ nầy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:5, 6) Bây giờ là lúc chúng ta cần thể hiện lòng thương mến Đức Giê-hô-va bằng cách đặt ý muốn Ngài lên hàng đầu trong đời sống. Chắc chắn chúng ta sẽ được ban phước nếu chọn làm thế.—Ma-thi-ơ 6:33.

10-12. Chúng ta rút tỉa được bài học nào khi xem xét những điều xảy ra vào thời Nô-ê?

10 Vâng theo tiếng phán của Đức Chúa Trời: Nô-ê là “thầy giảng đạo công-bình”. (2 Phi-e-rơ 2:5) Hầu hết mọi người sống trong thế gian trước Nước Lụt đã lơ là không để ý đến lời cảnh báo của Nô-ê. Hậu quả là gì? “Nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”. Chúa Giê-su cảnh báo rằng trong thời chúng ta, thời kỳ “Con người đến”, cũng giống như vậy. Những gì xảy ra vào thời Nô-ê là lời cảnh cáo mạnh mẽ cho những ai ngày nay chọn không tin thông điệp của Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 24:39.

11 Những người chế giễu lời cảnh báo do các tôi tớ thời nay của Đức Chúa Trời rao truyền cần nhận thức rõ hậu quả của việc không nghe lời cảnh báo ấy. Sứ đồ Phi-e-rơ nói về những người chế giễu đó: “Chúng nó có ý quên lửng đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, thế-gian bấy giờ cũng bị hủy-phá như vậy, là bị chìm-đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác”.—2 Phi-e-rơ 3:3-7.

12 Hãy đối chiếu sự lựa chọn của họ với sự chọn lựa của Nô-ê và gia đình ông. “Bởi đức-tin, Nô-ê được Chúa mách-bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành-tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu”. Nhờ làm theo lời cảnh báo đó, ông cứu được gia đình mình. (Hê-bơ-rơ 11:7) Mong sao chúng ta mau mắn lắng nghe và vâng theo thông điệp của Đức Chúa Trời.—Gia-cơ 1:19, 22-25.

13, 14. (a) Tại sao việc ‘gắn bó với Đức Giê-hô-va’ rất quan trọng? (b) Chúng ta để Đức Giê-hô-va, ‘thợ gốm chúng ta’, uốn nắn bằng cách nào?

13 Gắn bó với Đức Giê-hô-va: Để ‘chọn sự sống và được sống’, chúng ta không những phải thương mến Đức Giê-hô-va và nghe lời Ngài mà còn phải ‘gắn bó với Đức Giê-hô-va’, nghĩa là kiên trì làm theo ý muốn Ngài. Chúa Giê-su nói: “Nhờ sự nhịn-nhục của các ngươi mà giữ được linh-hồn mình”. (Lu-ca 21:19) Thật vậy, sự lựa chọn của chúng ta về phương diện này cho thấy những điều trong lòng chúng ta. Châm-ngôn 28:14 nhận xét: “Người nào hằng kính-sợ luôn luôn lấy làm có phước thay; còn ai cứng lòng mình sẽ sa vào tai-nạn”. Pha-ra-ôn của Ai Cập cổ đại là một trường hợp điển hình. Mỗi khi một trong Mười Tai Vạ giáng xuống Ai Cập thì Pha-ra-ôn lại cứng lòng thay vì tỏ lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va không ép buộc Pha-ra-ôn phải đi theo đường lối bất phục tùng nhưng cho phép người cai trị kiêu ngạo này chọn lựa. Dù thế nào đi nữa, ý muốn Đức Giê-hô-va đã được thực hiện, như sứ đồ Phao-lô giải thích quan điểm của Đức Giê-hô-va về Pha-ra-ôn: “Nầy là cớ vì sao ta đã dấy ngươi lên, ấy là để tỏ quyền-phép ta ra trong ngươi, hầu cho danh ta được truyền ra khắp đất”.—Rô-ma 9:17.

14 Nhiều thế kỷ sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi sự kiểm soát của Pha-ra-ôn, nhà tiên tri Ê-sai tuyên bố: “Hỡi Đức Giê-hô-va, dầu vậy, bây giờ Ngài là Cha chúng tôi! Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm chúng tôi; chúng tôi thảy là việc của tay Ngài”. (Ê-sai 64:8) Khi để Đức Giê-hô-va uốn nắn chúng ta qua việc học hỏi và áp dụng Lời Ngài, chúng ta dần dần mặc lấy nhân cách mới. Chúng ta trở nên nhu mì và dễ uốn nắn hơn, nhờ đó chúng ta dễ trung thành và gắn bó với Đức Giê-hô-va vì thành thật muốn làm vui lòng Ngài.—Ê-phê-sô 4:23, 24; Cô-lô-se 3:8-10.

‘Phải dạy những điều đó’

15. Theo Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:9, Môi-se đã nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về hai trách nhiệm nào?

15 Khi dân Y-sơ-ra-ên sắp tiến vào Đất Hứa, Môi-se nói với hội chúng: “Chỉ hãy giữ lấy ngươi, lo canh cẩn-thận linh-hồn mình, e ngươi quên những điều mà mắt mình đã thấy, hầu cho chẳng một ngày nào của đời ngươi những điều đó lìa khỏi lòng ngươi: phải dạy cho các con và cháu ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:9) Để được ân phước của Đức Giê-hô-va và thành công trong xứ mà họ sắp được hưởng, dân sự phải chu toàn hai trách nhiệm đối với Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của họ. Họ không được quên những điều tuyệt diệu mà Đức Giê-hô-va đã làm trước mắt họ, và họ phải dạy những điều đó cho các thế hệ sau. Là dân Đức Chúa Trời ngày nay, chúng ta cũng phải làm như thế nếu muốn ‘chọn sự sống và được sống’. Chúng ta thấy được những điều nào mà Đức Giê-hô-va đã làm vì lợi ích của chúng ta?

16, 17. (a) Các giáo sĩ được huấn luyện tại Trường Ga-la-át đã thực hiện được điều gì trong công việc rao giảng về Nước Trời? (b) Bạn biết những gương nào về lòng sốt sắng bền bỉ?

16 Chúng ta thật phấn khích khi thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Từ khi Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh bắt đầu vào năm 1943, các giáo sĩ dẫn đầu công việc đào tạo môn đồ ở nhiều xứ. Từ đó đến nay, những người tốt nghiệp thời ban đầu của trường này vẫn sốt sắng đối với việc rao giảng về Nước Trời, dù họ đã lớn tuổi và một số bị giới hạn vì sức khỏe kém. Chị Mary Olson là một gương tốt. Chị tốt nghiệp trường Ga-la-át năm 1944 và phụng sự với tư cách giáo sĩ—trước tiên ở Uruguay, kế đến Colombia và hiện nay ở Puerto Rico. Mặc dù bị giới hạn phần nào về thể chất vì tuổi già, chị Olson vẫn hăng hái trong việc rao giảng. Chị biết nói tiếng Tây Ban Nha nên mỗi tuần chị sắp xếp đi rao giảng với những người công bố ở địa phương.

17 Chị Nancy Porter, tốt nghiệp Trường Ga-la-át năm 1947, giờ đây góa chồng nhưng vẫn còn phục vụ ở Bahamas. Chị cũng là một giáo sĩ luôn bận rộn trong việc rao giảng. Chị Porter kể trong tự truyện: “Dạy người khác về lẽ thật Kinh Thánh luôn là một nguồn vui mừng đặc biệt. Điều này tạo một lề thói về thiêng liêng khiến cho đời tôi có nề nếp và ổn định”. * Khi nhìn lại quá khứ, chị Porter và các tôi tớ trung thành khác không quên những gì Đức Giê-hô-va đã làm. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết ơn khi nghĩ đến cách Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc Nước Trời trong khu vực mình không?—Thi-thiên 68:11.

18. Chúng ta học được gì khi đọc tự truyện của các giáo sĩ?

18 Chúng ta hãnh diện về những gì mà các anh chị kỳ cựu này đã và vẫn đang thực hiện. Đọc tự truyện của họ là một nguồn khích lệ cho chúng ta vì khi biết những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho các anh chị trung thành này, chúng ta càng quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va. Bạn có thường xuyên đọc và suy ngẫm về những lời tường thuật đầy phấn khích đó trong Tháp Canh không?

19. Làm thế nào các bậc cha mẹ đạo Đấng Christ có thể tận dụng những tự truyện đăng trong Tháp Canh?

19 Môi-se nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên chớ quên mọi điều mà Đức Giê-hô-va đã làm cho họ và chớ để những điều này lìa khỏi lòng họ trong suốt cuộc đời. Rồi ông nêu ra thêm một bước khác nữa: “[Ngươi] phải dạy cho các con và cháu ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:9) Những tự truyện có sức thu hút đặc biệt. Những người trẻ đang lớn cần có những gương tốt. Các chị độc thân có thể học từ gương trung thành của những chị lớn tuổi được tường thuật ở phần tự truyện đăng trong Tháp Canh. Rao giảng trong khu vực nói ngoại ngữ ở nước nhà là cơ hội cho cả anh lẫn chị để rao giảng tin mừng nhiều hơn. Hỡi các bậc cha mẹ đạo Đấng Christ, sao các bạn không dùng kinh nghiệm của những giáo sĩ trường Ga-la-át vẫn giữ lòng trung thành và những người khác, để khuyến khích con cái chọn lối sống phụng sự trọn thời gian?

20. Chúng ta phải làm gì để “chọn sự sống”?

20 Vậy thì mỗi người chúng ta “chọn sự sống” như thế nào? Bằng cách dùng món quà tuyệt diệu là tự do ý chí để cho Đức Giê-hô-va thấy chúng ta thương mến Ngài, và cũng bằng cách tiếp tục cố gắng hết sức mình trong thánh chức cho đến chừng nào Ngài cho phép. Như Môi-se tuyên bố: “Vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20.

[Chú thích]

^ đ. 17 Xin xem bài “Vui mừng và đầy biết ơn bất kể sự mất mát đau lòng”, trong Tháp Canh ngày 1-6-2001, trang 23-27.

Bạn còn nhớ không?

• Bạn học được gì từ những gương về sự chọn lựa trái ngược nhau mà chúng ta đã xem xét?

• Chúng ta phải thực hiện những bước nào để “chọn sự sống”?

• Chúng ta được khuyến khích chu toàn hai trách nhiệm nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

“Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết”

[Hình nơi trang 29]

Nhờ vâng theo tiếng phán của Đức Chúa Trời, Nô-ê và gia đình ông được cứu

[Hình nơi trang 30]

Chị Mary Olson

[Hình nơi trang 30]

Chị Nancy Porter