Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong quyển thứ hai của sách Thi-thiên

Những điểm nổi bật trong quyển thứ hai của sách Thi-thiên

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong quyển thứ hai của sách Thi-thiên

LÀ TÔI TỚ của Đức Giê-hô-va, chúng ta biết rằng mình sẽ gặp thử thách. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:12) Điều gì sẽ giúp chúng ta chịu đựng thử thách và ngược đãi, qua đó chứng tỏ chúng ta trung kiên với Đức Chúa Trời?

Quyển thứ hai trong bộ sưu tập các bài Thi-thiên sẽ giúp chúng ta. Thi-thiên 42 đến 72 cho thấy rằng nếu muốn chịu đựng được thử thách, chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va và chờ đợi Ngài giải cứu. Quả là bài học quý giá cho chúng ta biết bao! Như các phần khác của Kinh Thánh, thông điệp trong quyển thứ hai của sách Thi-thiên quả thật là “lời sống và linh-nghiệm”, ngay cả cho ngày nay.—Hê-bơ-rơ 4:12.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ “NƠI NƯƠNG-NÁU VÀ SỨC-LỰC” CỦA CHÚNG TA

(Thi-thiên 42:1–50:23)

Một người Lê-vi bị lưu đày. Buồn rầu vì không thể đến đền thờ của Đức Giê-hô-va để thờ phượng, ông tự an ủi mình với những lời này: “Hỡi linh-hồn ta, vì sao ngươi sờn-ngã và bồn-chồn trong mình ta? Hãy trông-cậy nơi Đức Chúa Trời”. (Thi-thiên 42:5, 11; 43:5) Câu này lặp đi lặp lại và nối ba đoạn thơ của Thi-thiên 42 và 43 thành một bài thơ. Thi-thiên 44 là lời cầu xin cho Giu-đa—một xứ bị sầu não, có lẽ vì bị A-si-ri đe dọa xâm lăng vào thời Vua Ê-xê-chia.

Thi-thiên 45, bài ca về đám cưới của một vị vua, là lời tiên tri về Vua Mê-si. Ba bài Thi-thiên kế tiếp miêu tả Đức Giê-hô-va là “nơi nương-náu và sức-lực”, là “Vua lớn trên cả trái đất”. (Thi-thiên 46:1; 47:2; 48:3) Thi-thiên 49 thật chí lý biết bao khi cho thấy không ai có thể “chuộc được anh em mình”! (Thi-thiên 49:7) Tám bài đầu của quyển thứ hai là do các con cháu Cô-rê soạn. Bài thứ chín, tức Thi-thiên 50, là tác phẩm của A-sáp.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

44:19—“Chỗ chó rừng” là gì? Người viết Thi-thiên có lẽ ám chỉ bãi chiến trường, nơi xác chết làm mồi cho chó rừng.

45:13, 14a—Ai là “công-chúa” được “ra mắt vua”? Công chúa đó là con vị “Vua của muôn đời”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 15:3) Công chúa đó tượng trưng cho hội thánh đầy vinh hiển gồm 144.000 tín đồ Đấng Christ, những người mà Đức Chúa Trời nhận làm con khi xức dầu cho họ bằng thánh linh. (Rô-ma 8:16) “Công-chúa” của Đức Giê-hô-va, “sửa-soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang-sức cho chồng mình”, sẽ được dẫn đến tân lang là Vua Mê-si.—Khải-huyền 21:2.

45:14b, 15—“Các nữ đồng-trinh” tượng trưng cho ai? Họ là đám đông “vô-số người” gồm những người thờ phượng thật. Họ kết hợp và ủng hộ nhóm người xức dầu còn sót lại. Vì sống sót “ra khỏi cơn đại-nạn” nên họ sẽ ở trên đất khi đám cưới của vị Vua Mê-si hoàn tất ở trên trời. (Khải-huyền 7:9, 13, 14) Vào dịp đó, họ sẽ “vui-vẻ và khoái-lạc”.

45:16—Các con trai sẽ thay cho tổ phụ của vua theo nghĩa nào? Chúa Giê-su có tổ phụ khi sinh ra trên đất. Tuy nhiên, họ sẽ trở thành con của Chúa Giê-su khi ngài cứu họ sống lại trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Một số sẽ có mặt trong vòng những người được lập làm “quan-trưởng trong khắp thế-gian”.

50:2—Tại sao Giê-ru-sa-lem được gọi là “tốt-đẹp toàn-vẹn”? Điều này không phải là vì vẻ đẹp bề ngoài của thành, nhưng đó là vì Đức Giê-hô-va dùng thành ấy và làm cho nguy nga tráng lệ bằng cách chọn nó làm địa điểm của đền thờ và thủ đô của những vị vua được xức dầu.

Bài học cho chúng ta:

42:1-3. Như con nai cái ở vùng khô cằn thèm khát nước, người Lê-vi này cũng nóng lòng trông mong Đức Giê-hô-va. Vì không thể thờ phượng Đức Giê-hô-va tại đền thờ Ngài nên ông buồn rầu đến nỗi ‘nước mắt làm đồ-ăn ông ngày và đêm’. Ông không thiết ăn uống gì cả. Chẳng phải chúng ta cũng nên nuôi dưỡng lòng quý trọng sự thờ phượng Đức Giê-hô-va cùng với anh em đồng đạo sao?

42:4, 5, 11; 43:3-5. Nếu vì lý do ngoài ý muốn, chúng ta phải tạm lìa xa hội thánh, những kỷ niệm vui vẻ với anh chị em có thể nâng đỡ chúng ta. Thoạt đầu, điều này có thể khiến chúng ta cảm thấy rất cô đơn, nhưng nó cũng nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời là nơi ẩn náu và chúng ta cần phải đợi Ngài trợ giúp.

46:1-3. Khi gặp bất cứ tai họa nào, chúng ta phải tin chắc rằng “Đức Chúa Trời là nơi nương-náu và sức-lực” của chúng ta.

50:16-19. Bất cứ người nào lừa dối và làm ác thì không có quyền đại diện Đức Chúa Trời.

50:20. Thay vì nói cho nhiều người biết về những lỗi lầm của người khác, chúng ta nên bỏ qua.—Cô-lô-se 3:13.

“HỠI LINH-HỒN TA, HÃY NGHỈ-AN NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI”

(Thi-thiên 51:1–71:24)

Loạt bài Thi-thiên này bắt đầu với Đa-vít thành tâm cầu nguyện sau khi phạm tội với Bát-Sê-ba. Thi-thiên 52 đến 57 cho thấy Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu những ai trao gánh nặng cho Ngài và chờ đợi Ngài cứu. Như Thi-thiên 58 đến 64 diễn tả, trong lúc gian truân, Đa-vít đều nương náu nơi Đức Giê-hô-va. Ông hát: “Hỡi linh-hồn ta, hãy nghỉ-an nơi Đức Chúa Trời; vì sự trông-cậy ta ở nơi Ngài”.—Thi-thiên 62:5.

Chúng ta nên để tình bạn thân thiết với Đấng Giải Cứu thúc đẩy chúng ta “hát ra sự vinh-hiển của danh Ngài”. (Thi-thiên 66:2) Đức Giê-hô-va được ca ngợi là Đấng cung cấp rộng rãi trong Thi-thiên 65, là Đức Chúa Trời có những hành động giải cứu trong Thi-thiên 67 và 68, và cũng là Đấng Giải Cứu trong Thi-thiên 70 và 71.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

51:12—Đa-vít xin được nâng đỡ bằng “thần-linh sẵn lòng” của ai? Đây không nói đến sự sẵn lòng của Đức Chúa Trời để giúp Đa-vít, nhưng nói đến khuynh hướng tâm thần của chính Đa-vít. Ông xin Đức Chúa Trời ban cho ông có ước muốn làm điều đúng.

53:1—Kẻ nói chẳng có Đức Chúa Trời là “ngu-dại” theo nghĩa nào? Ngu dại ở đây không có nghĩa là thiếu thông minh. Chúng ta thấy người đó ngu dại về đạo đức khi xem xét hậu quả của sự suy đồi về luân lý mà Thi-thiên 53:1-4 miêu tả.

58:3-5—Kẻ ác giống như con rắn theo nghĩa nào? Những lời gian dối họ nói về người khác giống như nọc độc của rắn. Những lời đó hủy hoại thanh danh của nạn nhân. “Tợ như rắn hổ-mang điếc lấp tai lại”, kẻ ác không nghe lời chỉ dẫn hoặc sửa trị.

58:7—Kẻ ác “tan ra như nước chảy” như thế nào? Đa-vít hẳn đã nghĩ đến nước ở thung lũng hay trũng nào đó trong Đất Hứa. Nước lũ có thể làm mực nước dâng lên cao ở một trũng như thế, nhưng nước sẽ trôi rất nhanh và mau chóng chảy đi hết. Đa-vít cầu xin cho những kẻ ác biến mất nhanh chóng.

68:13—Làm thế nào “cánh bồ-câu bọc bạc, và lông nó bọc vàng xanh”? Có những loại chim bồ câu xám và xanh sẫm. Lông của chúng có những chỗ óng ánh giống như kim loại dưới ánh sáng mặt trời. Đa-vít có lẽ ví những chiến sĩ Y-sơ-ra-ên thắng trận trở về như con chim bồ câu đó: đôi cánh khỏe mạnh và bộ lông óng ánh. Theo vài học giả, lời miêu tả đó cũng phù hợp cho một công trình nghệ thuật, một chiến lợi phẩm. Dù sao đi nữa, Đa-vít nói đến những cuộc chiến thắng quân thù mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Ngài.

68:18—Ai là “lễ-vật giữa loài người”? Đó là những người đàn ông ở trong số tù binh của Y-sơ-ra-ên trong cuộc chinh phục Đất Hứa. Những người này về sau được giao cho nhiệm vụ giúp việc người Lê-vi.—E-xơ-ra 8:20.

68:30—Lời yêu cầu “xin hãy mắng thú trong lau-sậy” có nghĩa gì? Dùng những lời có nghĩa bóng, Đa-vít coi kẻ thù của dân Đức Giê-hô-va như thú rừng. Ông xin Đức Chúa Trời quở trách hoặc kiềm chế họ để họ không có sức mạnh gây tai hại.

69:23—‘Làm cho lưng kẻ thù run’ có nghĩa gì? Lưng rất cần để làm công việc nặng nhọc, như nâng và khiêng những đồ vật nặng. Lưng run rẩy có nghĩa là sức mạnh bị mất đi. Đa-vít cầu xin cho kẻ thù của ông mất đi sức mạnh.

Bài học cho chúng ta:

51:1-4, 17. Phạm tội không nhất thiết khiến chúng ta xa cách Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nếu ăn năn, chúng ta có thể tin chắc vào lòng thương xót của Ngài.

51:5, 7-10. Nếu phạm tội, chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ vì tội di truyền. Chúng ta cũng nên cầu xin Ngài rửa sạch tội lỗi, phục hồi chúng ta về thiêng liêng, giúp chúng ta loại ra khỏi tâm trí những khuynh hướng tội lỗi và ban cho chúng ta một tâm thần ngay thẳng.

51:18. Tội lỗi của Đa-vít ảnh hưởng đến hạnh phúc của cả dân sự. Bởi thế ông cầu xin Đức Chúa Trời lấy lòng lành và ý tốt mà đối xử với Si-ôn. Khi chúng ta phạm tội nặng, điều này thường làm ô danh Đức Giê-hô-va và hội thánh. Chúng ta cần phải cầu xin Đức Chúa Trời sửa chữa lại những tai hại mà chúng ta gây ra.

52:8. Bằng cách vâng lời và sẵn sàng chấp nhận sự sửa phạt, chúng ta có thể giống như “cây ô-li-ve xanh-tươi trong nhà Đức Chúa Trời”, theo nghĩa được gần Đức Giê-hô-va và đạt kết quả tốt đẹp trong việc phụng sự Ngài.—Hê-bơ-rơ 12:5, 6.

55:4, 5, 12-14, 16-18. Đa-vít hết sức đau đớn vì chính con ông là Áp-sa-lôm âm mưu cướp ngôi và vì A-hi-tô-phe, mưu sĩ mà ông tín cẩn phản bội ông. Tuy nhiên, những điều đó không làm Đa-vít bớt tin cậy Đức Giê-hô-va. Chúng ta không nên để sự đau lòng làm yếu đi lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời.

55:22. Chúng ta trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va như thế nào? Bằng cách (1) trình bày mối lo âu với Ngài qua lời cầu nguyện, (2) tìm sự hướng dẫn và ủng hộ qua Lời Ngài cũng như tổ chức của Ngài và (3) làm những gì chúng ta có thể làm để tình thế bớt căng thẳng.—Châm-ngôn 3:5, 6; 11:14; 15:22; Phi-líp 4:6, 7.

56:8. Đức Giê-hô-va không những biết hoàn cảnh của chúng ta mà còn biết nó ảnh hưởng đến cảm xúc chúng ta như thế nào.

62:11. Đức Chúa Trời không phụ thuộc vào nguồn năng lực nào khác. Ngài chính là nguồn của sức mạnh. “Quyền-năng thuộc về Đức Chúa Trời”.

63:3. ‘Sự nhân-từ Đức Chúa Trời tốt hơn mạng-sống’, vì nếu không có sự yêu thương nhân từ của Ngài, đời sống trở nên vô nghĩa và không có mục đích. Chúng ta nên khôn ngoan nuôi dưỡng tình bạn với Đức Giê-hô-va.

63:6. Vì ban đêm yên tĩnh và không có gì chi phối chúng ta nên đó có thể là lúc rất tốt để suy ngẫm.

64:2-4. Chuyện tầm phào có hại có thể bôi nhọ thanh danh của người vô tội. Chúng ta không nên nghe hoặc lặp lại những chuyện tầm phào như thế.

69:4. Để giữ hòa khí, đôi khi điều khôn ngoan là chúng ta “bồi-thường” bằng cách xin lỗi, dù chúng ta không tin là mình đã làm điều trái.

70:1-5. Đức Giê-hô-va nghe những lời kêu cầu khẩn thiết của chúng ta. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17; Gia-cơ 1:13; 2 Phi-e-rơ 2:9) Đức Chúa Trời có thể để cho sự thử thách tiếp tục xảy ra, nhưng Ngài cho chúng ta sự khôn ngoan để đối phó với tình huống đó và sức mạnh để chịu đựng. Ngài sẽ không để chúng ta bị cám dỗ quá sức mình.—1 Cô-rinh-tô 10:13; Hê-bơ-rơ 10:36; Gia-cơ 1:5-8.

71:5, 17. Đa-vít có được sự can đảm và sức mạnh nhờ tin cậy vào Đức Giê-hô-va từ khi còn trẻ tuổi, ngay cả trước khi phải đương đầu với người Phi-li-tin khổng lồ là Gô-li-át. (1 Sa-mu-ên 17:34-37) Những người trẻ khôn ngoan nên nương tựa vào Đức Giê-hô-va trong mọi sự.

“Nguyện khắp trái đất được đầy sự vinh-hiển của Ngài!”

Bài cuối trong quyển thứ hai của sách Thi-thiên là bài 72. Bài này nói về sự cai trị của Sa-lô-môn. Sự cai trị này là hình bóng cho những tình trạng dưới sự cai trị của Đấng Mê-si. Tình trạng đó được miêu tả như sau: bình an dư dật, áp bức và hung bạo không còn nữa, ngũ cốc dư dật trên đất. Thật tuyệt vời biết bao! Chúng ta sẽ có mặt trong số những người vui hưởng những ân phước đó và cả những điều khác nữa mà Nước Trời đem lại không? Chúng ta sẽ có mặt nếu vui lòng chờ đợi Đức Giê-hô-va, chọn Ngài làm nơi ẩn náu và sức mạnh của mình giống như người viết Thi-thiên.

“Các bài cầu-nguyện của Đa-vít” kết thúc với những lời sau: “Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, chỉ một mình Ngài làm những sự lạ-lùng! Đáng ngợi-khen danh vinh-hiển Ngài đến đời đời! Nguyện khắp trái đất được đầy sự vinh-hiển của Ngài! A-men! A-men!” (Thi-thiên 72:18-20) Cũng thế, chúng ta hãy hết lòng chúc tụng Đức Giê-hô-va và ngợi khen danh vinh hiển của Ngài.

[Hình nơi trang 9]

Bạn biết “công-chúa” tượng trưng cho ai không?

[Hình nơi trang 10, 11]

Giê-ru-sa-lem được gọi là “tốt-đẹp toàn-vẹn”. Bạn biết tại sao không?