Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tình cảnh người cao tuổi

Tình cảnh người cao tuổi

Tình cảnh người cao tuổi

KHI đi tuần, người trực đêm không ngờ mình sẽ thấy một cảnh tượng rùng rợn. Đằng kia, bên ngoài tòa nhà cao tầng sang trọng, ông chợt thấy thi thể của một cặp vợ chồng cao tuổi đã tự tử bằng cách nhảy qua cửa sổ nhà họ ở tầng thứ tám. Việc tự tử này vốn đã làm cho người ta sửng sốt, nhưng nguyên nhân của nó thậm chí còn gây choáng váng hơn. Tờ giấy nhỏ trong túi áo người chồng ghi rằng: “Chúng tôi tự kết liễu đời mình vì sự ngược đãi và thái độ hắt hủi thường xuyên của vợ chồng con trai”.

Tình tiết của câu chuyện này có lẽ khác thường, nhưng vấn đề tiềm ẩn thì trở nên thông thường đến độ đáng ngại. Thật vậy, hầu như khắp nơi trên thế giới đều tiêm nhiễm lối cư xử tồi tệ với người cao tuổi. Hãy xem xét những điểm sau đây:

• Theo báo cáo của một cuộc nghiên cứu, 4 phần trăm người cao tuổi ở Canada bị ngược đãi hoặc bị lợi dụng, thường là từ thành viên trong gia đình. Dù vậy, nhiều người cao tuổi không cho người khác biết hoàn cảnh đáng thương của mình vì quá ngượng hoặc quá sợ hãi. Theo các chuyên gia, tỉ lệ thật của vấn đề có thể gần 10 phần trăm.

• Theo lời tường thuật của tạp chí India Today: “Ấn Độ, với vẻ ngoài là quốc gia có mối quan hệ gia đình mật thiết, thật ra mối quan hệ này đang đổ vỡ vì tình trạng con cái không màng đến cha mẹ già trên đà gia tăng”.

• Theo ước tính có được, một trung tâm quốc gia về việc bảo vệ người cao tuổi (National Center on Elder Abuse) cho biết: “Từ 1 đến 2 triệu người Mỹ ở độ tuổi 65 trở lên đã bị tổn thương, bị lợi dụng hoặc chịu nhiều hình thức đối xử tồi tệ khác của những người lý ra phải chăm sóc hoặc che chở họ”. Phó biện lý của một quận thuộc thành phố San Diego, California, gọi trường hợp những người cao tuổi bị ngược đãi là “một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà ngày nay các cơ quan thực thi luật pháp phải đương đầu”. Ông nói thêm: “Vấn đề sẽ gia tăng trong những năm tới”.

• Ở Canterbury, New Zealand, người ta ngày càng lo âu về tình trạng người cao tuổi là nạn nhân của những thành viên trong gia đình, đặc biệt là người nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc mê bài bạc. Số báo cáo về trường hợp đối xử tồi tệ với người cao tuổi ở Canterbury tăng đột ngột từ 65 vụ vào năm 2002 đến 107 vụ vào năm 2003. Theo lời người điều hành một cơ quan được thành lập nhằm ngăn chận sự ngược đãi, con số đó có thể chỉ là “phần nhỏ so với thực trạng”.

• Theo tờ The Japan Times, Liên Đoàn Luật Sư Nhật Bản cho biết: “Nạn nhân cao tuổi cần được quan tâm nhiều hơn ngay cả nạn nhân trẻ em bị ngược đãi hoặc những trường hợp bạo hành khác trong gia đình”. Tại sao? Một lý do mà tờ Times đưa ra là “so với việc trẻ em hoặc người hôn phối bị ngược đãi, việc đối xử tồi tệ với người cao tuổi thường khó phát hiện, một phần vì người cao tuổi cảm thấy mình chịu trách nhiệm về sự việc, nhất là sự bạo hành do con cháu gây ra. Ngoài ra, còn vì chính quyền và nhà chức trách địa phương tới nay vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề”.

Vài trường hợp điển hình về vấn đề này đang xảy ra trên thế giới khiến chúng ta tự hỏi: Tại sao có nhiều người cao tuổi bị bỏ bê, bị đối xử tồi tệ đến thế? Có hy vọng nào để cải thiện vấn đề không? Có nguồn an ủi nào cho người cao tuổi không?