Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nguồn hướng dẫn chắc chắn để mưu cầu hạnh phúc

Nguồn hướng dẫn chắc chắn để mưu cầu hạnh phúc

Nguồn hướng dẫn chắc chắn để mưu cầu hạnh phúc

“MƯU CẦU Hạnh Phúc” là quyền của mọi người. Các nhà soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ có quan điểm như thế. Tuy nhiên, mưu cầu là một chuyện, đạt được mục tiêu lại là chuyện khác. Dù nhiều người trẻ theo đuổi sự nghiệp trong ngành giải trí và thể thao, bạn biết có bao nhiêu người thật sự thành công và thỏa nguyện ước mơ? Một ca sĩ nổi tiếng từng phấn đấu để trở thành nhà soạn nhạc thành đạt cho biết: “Có thể bạn sẽ không thành công”.

Trong việc tìm kiếm hạnh phúc, nếu bạn cũng cảm thấy khó thành công thì không nên nản lòng. Nếu mưu cầu hạnh phúc đúng cách, bạn sẽ đạt được. Làm sao có thể nói như thế? Bài trước đã đề cập đến “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, Đức Giê-hô-va. (1 Ti-mô-thê 1:11) Đức Chúa Trời cung cấp sự hướng dẫn qua Kinh Thánh, nhờ thế bạn sẽ không thất vọng trong việc mưu cầu hạnh phúc. Đức Giê-hô-va có thể giúp bạn vượt qua những nguyên nhân thông thường gây ra tình trạng buồn rầu. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến nguồn an ủi Ngài mang lại khi người mà bạn yêu thương qua đời.

Khi người thân yêu qua đời

Có điều gì tốt để nói về sự chết không? Sự chết cướp đi cha mẹ khỏi con cái và ngược lại. Nó chia cách bạn thân và mang lại cảm giác bất an cho cộng đồng gắn bó với nhau. Khi sự chết ập đến, gia đình hạnh phúc giờ đây tràn ngập nỗi buồn.

Ai cũng biết chết là một bi kịch. Tuy nhiên, một số người phủ nhận thực tế này và miêu tả nó như một ân phước. Hãy xem xét những gì xảy ra sau khi Bão Katrina ập qua Vịnh Mexico tháng 8 năm 2005. Tại buổi tang lễ của một nạn nhân, mục sư đã phát biểu: “Katrina không giết ông. Đức Chúa Trời gọi ông trở về thiên đàng”. Trong trường hợp khác, với thiện ý, nữ thư ký của bệnh viện bảo với con gái của người quá cố đừng lo lắng, vì Đức Chúa Trời đã đem mẹ cô lên thiên đàng. Cô gái bật khóc: “Tại sao, tại sao ông Trời mang mẹ của tôi đi?”

Rõ ràng, những ý tưởng sai lầm như thế về sự chết thường không an ủi được gì cho thân nhân người quá cố. Tại sao? Bởi vì những ý tưởng ấy không nói lên lẽ thật về sự chết. Tệ hơn nữa, chúng miêu tả Đức Chúa Trời là Đấng giật lấy những người thân yêu khỏi vòng tay của gia đình, của bạn hữu bằng những cách kinh khủng và đau lòng thể ấy. Trong bi kịch của sự chết, thay vì là nguồn của sự an ủi, Đức Chúa Trời được miêu tả như một nhân vật hung ác. Nhưng Lời của Đức Chúa Trời cho biết sự thật về cái chết.

Kinh Thánh gọi sự chết là kẻ thù. Kinh Thánh ví sự chết như một vị vua cai trị loài người. (Rô-ma 5:17; 1 Cô-rinh-tô 15:26) Sự chết là kẻ thù nguy hiểm có sức mạnh không ai có thể kháng cự được. Khi người thân yêu của chúng ta qua đời, sự chết lại có thêm một nạn nhân trong vô số nạn nhân của nó. Lẽ thật của Kinh Thánh giải thích rõ nguyên nhân gây ra nỗi đau buồn và tuyệt vọng mà chúng ta cảm nhận khi mất người thân. Kinh Thánh xác nhận những xúc cảm ấy là bình thường. Tuy nhiên, có phải Đức Chúa Trời dùng kẻ thù là sự chết để đem người thân yêu của chúng ta lên thiên đàng không? Hãy để Kinh Thánh trả lời câu hỏi đó.

Truyền-đạo 9:5, 10 cho biết: “Kẻ chết chẳng biết chi hết... dưới Âm-phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”. Âm phủ là gì? Đó là mồ mả chung của nhân loại, khi chết con người ở đó. Trong mồ mả, người chết bất động hoàn toàn: không cử động, không cảm giác, không suy nghĩ về bất cứ điều gì. Họ đang ở trong trạng thái giống như giấc ngủ sâu. * Như vậy, rõ ràng Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời không đem người thân quá cố của chúng ta lên trời để ở với Ngài. Hậu quả của sự chết khiến họ trở thành vô thức trong mồ mả.

Chúa Giê-su củng cố lẽ thật này sau khi bạn ngài là La-xa-rơ chết. Ngài ví sự chết như giấc ngủ. Nếu La-xa-rơ đã lên thiên đàng để ở bên cạnh Đức Chúa Trời Toàn Năng, thì việc Chúa Giê-su đem ông trở về sống trên đất để cuối cùng ông lại chết lần nữa, quả là một việc thiếu nhân từ. Lời tường thuật được soi dẫn cho biết khi đứng trước mộ, Chúa Giê-su kêu lớn tiếng: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!” Kinh Thánh nói tiếp: “Người chết đi ra”. La-xa-rơ sống lại. Chúa Giê-su biết La-xa-rơ không rời khỏi trái đất. Ông là một thi hài vô thức nằm trong mộ.—Giăng 11:11-14, 34, 38-44.

Lời tường thuật này trong Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu Đức Chúa Trời không dùng sự chết như phương cách để chuyển con người từ trái đất lên thiên đàng. Như vậy, chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời, biết rằng Ngài không gây nỗi đau buồn cho chúng ta. Chúng ta cũng có thể tin Ngài hiểu rõ sự phiền muộn và tai hại mà kẻ thù là sự chết gây ra. Lẽ thật của Kinh Thánh về tình trạng người chết xác nhận rằng họ không chịu đau đớn trong hỏa ngục hoặc nơi luyện tội, họ là những thi hài vô thức nằm trong mộ. Do đó, kỷ niệm về những người thân yêu của chúng ta không bị hoen ố bởi nỗi khiếp sợ Đức Chúa Trời hoặc nỗi lo ngại về điều chúng ta không biết. Hơn nữa, trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cung cấp thêm cho chúng ta nguồn an ủi.

Hy vọng dẫn đến hạnh phúc

Những câu Kinh Thánh chúng ta đã bàn cho thấy hy vọng là phần trọng yếu của hạnh phúc thật. Trong Kinh Thánh, từ “hy vọng” ngụ ý vững lòng chờ đợi một điều tốt. Để biết làm thế nào hy vọng có thể dẫn đến hạnh phúc ngay bây giờ, chúng ta hãy bàn thêm về việc Chúa Giê-su làm cho La-xa-rơ sống lại.

Ít nhất có hai lý đo khiến Chúa Giê-su thực hiện phép lạ này. Một là để xóa tan nỗi buồn của Ma-thê và Ma-ri, cũng như của các bằng hữu. Họ lại có được niềm vui trong tình bạn với người họ yêu mến. Nhưng Chúa Giê-su lưu ý Ma-thê đến lý do thứ hai, quan trọng hơn: “Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời sao?” (Giăng 11:40) Bản The New Testament in Modern English của J. B. Phillips dịch phần cuối là “điều kỳ diệu mà Đức Chúa Trời làm”. Khi làm La-xa-rơ sống lại, Chúa Giê-su cho thấy trước điều mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể và sẽ thực hiện trong tương lai. Sau đây là những chi tiết về “điều kỳ diệu mà Đức Chúa Trời làm”.

Nơi Giăng 5:28, 29, Chúa Giê-su phán: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi”. Điều này có nghĩa là tất cả những người chết ở trong âm phủ, kể cả những người thân yêu của chúng ta, sẽ được sống lại. Sách Công-vụ 24:15 cho biết thêm về sự kiện trọng đại này: “Sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. Thế nên, ngay cả ‘người không công-bình’, những người không biết và chưa phụng sự Đức Giê-hô-va, trong tương lai sẽ có cơ hội nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời.

Sự sống lại này sẽ xảy ra ở nơi nào? Thi-thiên 37:29 ghi: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. Hãy nghĩ xem điều đó có nghĩa gì? Gia đình và bạn bè bị chia cách bởi sự chết sẽ được đoàn tụ trên trái đất này. Khi nghĩ về thời gian đoàn tụ vui vẻ với những người mà bạn từng yêu quý, hẳn điều đó khiến lòng bạn trào dâng niềm hạnh phúc.

Đức Giê-hô-va muốn bạn hạnh phúc

Chúng ta đã xem xét hai cách Đức Giê-hô-va giúp bạn gia tăng niềm hạnh phúc bất kể nhiều vấn đề. Thứ nhất, qua Kinh Thánh, Ngài cung cấp sự hiểu biết và sự hướng dẫn giúp bạn thành công khi đối mặt với những nghịch cảnh. Ngoài việc giúp chúng ta đương đầu với nỗi buồn về sự chết, Kinh Thánh cũng có thể giúp chúng ta đối phó những vấn đề về kinh tế và sức khỏe. Kinh Thánh cho bạn sức mạnh để chịu đựng những bất công trong xã hội và tình hình chính trị bất ổn. Nếu áp dụng những hướng dẫn của Kinh Thánh vào đời sống, bạn có thể đối phó với những vấn đề cá nhân khác.

Thứ nhì, bằng cách học hỏi Kinh Thánh, bạn có được niềm hy vọng vượt hơn hẳn bất cứ điều gì mà xã hội loài người cung hiến. Sự sống lại của bạn bè và người thân trong gia đình là một phần của niềm hy vọng mà Kinh Thánh đề cập đến. Sách Khải-huyền 21:3, 4 cho biết thêm chi tiết: “Chính Đức Chúa Trời sẽ ở với [loài người]. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”. Điều này có nghĩa là mọi nguyên nhân gây đau buồn trong đời sống bạn chẳng bao lâu nữa sẽ biến mất vĩnh viễn. Những lời Kinh Thánh hứa sẽ thành sự thật, và bạn có thể cảm nghiệm được niềm vui ấy. Chỉ cần biết có một thời kỳ tốt hơn đang ở trước mắt cũng đủ mang lại sự an ủi. Biết rằng không phải đối mặt với nỗi đau bất tận sau cái chết của người thân là lý do để bạn cảm thấy hạnh phúc.

Để minh họa: Vài năm trước, chị Maria chứng kiến cái chết đau đớn của chồng vì căn bệnh ung thư. Nỗi buồn chưa nguôi ngoai thì vấn đề tài chính buộc chị và ba con gái phải rời khỏi căn nhà thân yêu. Hai năm sau, chị Maria phát hiện mình bị ung thư. Chị trải qua hai lần đại phẫu và chịu đau đớn mỗi ngày. Bất kể những vấn đề này, lối suy nghĩ tích cực thôi thúc chị khích lệ người khác. Làm thế nào chị giữ được niềm hạnh phúc của mình?

Chị Maria nói: “Khi gặp vấn đề, tôi cố không nghĩ nhiều đến bản thân. Tôi tránh đặt những câu hỏi như: ‘Tại sao lại là tôi? Tại sao tôi phải khổ như thế này? Tại sao tôi mắc bệnh?’ Lối suy nghĩ tiêu cực làm hao mòn sinh lực của chúng ta. Thay vì thế, tôi dùng sinh lực mình để phụng sự Đức Giê-hô-va và giúp người khác. Điều này mang đến cho tôi niềm hạnh phúc”.

Hy vọng đóng vai trò nào trong đời sống của chị Maria? Chị đặt hy vọng vào tương lai, khi Đức Giê-hô-va sẽ xóa hết bệnh tật và những vấn đề khác của nhân loại. Khi đến bệnh viện để chữa trị, chị chia sẻ niềm hy vọng ấy với các bệnh nhân bị ung thư, những người có lẽ không có hy vọng. Hy vọng đóng vai trò quan trọng thế nào đối với chị Maria? Chị cho biết: “Tôi thường nghĩ về câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 6:19, nơi đó sứ đồ Phao-lô miêu tả hy vọng như cái neo của linh hồn. Không có cái neo, bạn sẽ trôi giạt như con thuyền mất phương hướng trong cơn bão. Nếu gắn bó với cái neo đó, bạn sẽ được an toàn bất kể phải đối mặt với giông bão thể nào”. “Trông-cậy sự sống đời đời, là sự sống mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa” giúp chị Maria giữ được niềm hạnh phúc. Hy vọng ấy cũng có thể giúp bạn như thế.—Tít 1:2.

Qua việc học hỏi Kinh Thánh, bạn có thể tìm được hạnh phúc thật bất kể vấn đề của bạn là gì. Dù vậy, bạn có thể thắc mắc về những khía cạnh thực tiễn của việc học Kinh Thánh. Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ vui lòng cho bạn xem những câu Kinh Thánh cần biết để bạn tìm kiếm hạnh phúc thật. Trong khi chờ đợi Đức Giê-hô-va hoàn thành hy vọng mà Ngài hứa, bạn có thể ở giữa những người được miêu tả như sau: “Họ sẽ được sự vui-vẻ mừng-rỡ, mà sự buồn-bực than-vãn sẽ trốn đi”.—Ê-sai 35:10.

[Chú thích]

^ đ. 9 Quyển Encyclopædia Britannica (Bách khoa tự điển Anh Quốc, ấn bản năm 2003) miêu tả âm phủ là “nơi không có đau đớn cũng không có sự vui thích, không có sự trừng phạt cũng không có phần thưởng”.

[Hình nơi trang 5]

Chỉ có lẽ thật của Kinh Thánh làm khuây khỏa nỗi đau buồn

[Hình nơi trang 7]

Hy vọng về sự sống lại được đề cập trong Kinh Thánh có thể mang lại cho bạn niềm hạnh phúc