Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự gia tăng trong vòng dân tộc đa dạng Uganda

Sự gia tăng trong vòng dân tộc đa dạng Uganda

Sự gia tăng trong vòng dân tộc đa dạng Uganda

NẰM trên cả hai bên xích đạo và giữa hai nhánh của vùng Great Rift Valley thuộc Đông Phi, Uganda là một xứ được phú cho vẻ đẹp thiên nhiên lạ kỳ. Đất nước này có phong cảnh đa dạng, cây cối sum suê và một thế giới động vật kỳ thú. Vì nằm trên cao nguyên Phi Châu rộng lớn, Uganda có khí hậu ôn hòa và cảnh đồi núi ngoạn mục trải dài hàng trăm kilômét.

Không mấy xứ giống như Uganda, có phong cảnh thay đổi từ băng giá đến nhiệt đới trong một vùng nhỏ. Đất nước này trải dài từ các đỉnh phủ tuyết của dãy núi Moon, Ruwenzori, ở phía tây đến vùng nửa khô hạn ở phía đông. Chúng ta có thể thấy voi, trâu và sư tử trên vùng đồng bằng. Núi và rừng rậm là nơi cư trú của khỉ đột, hắc tinh tinh và hơn 1.000 loài chim. Phần lớn lục địa Phi Châu bị hạn hán và đói kém, nhưng Uganda may mắn có được nhiều sông hồ, chẳng hạn như Hồ Victoria, là hồ nước ngọt lớn thứ hai trên thế giới. Cửa phía bắc của Hồ Victoria chảy ra Sông Nile. Thảo nào nhà chính trị lão thành người Anh Winston Churchill gọi xứ này là “hạt ngọc Phi Châu”!

Ngày nay “hạt ngọc” chiếu sáng

Tuy nhiên, điều đặc biệt thu hút của Uganda là người dân ở đó—thân thiện, hiếu khách và đa dạng. Phần đông dân chúng theo “đạo Đấng Christ”. Xứ này có thể được tả là nơi tụ cư của nhiều nhóm sắc tộc và nền văn hóa khác nhau. Ngày nay, người ta vẫn có thể phân biệt được qua truyền thống và y phục của họ.

Gần đây, ngày càng có nhiều người ở Uganda hưởng ứng tin mừng của Kinh Thánh về thời kỳ sẽ có hòa bình vĩnh cửu trên khắp đất. (Thi-thiên 37:11; Khải-huyền 21:4) Mang thông điệp này đến cho mọi người trong một xứ lớn gần bằng nước Anh là cả một thách đố.

Năm 1955, tại Hồ Victoria, người dân địa phương đầu tiên đã làm báp têm với tư cách Nhân Chứng dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Từ sự khởi đầu nhỏ bé đó, “kẻ rất nhỏ” cuối cùng đã trở nên một ngàn vào năm 1992. Mỗi năm đều có sự gia tăng kể từ dạo đó. Điều này phù hợp với lời đầy khích lệ của Đức Chúa Trời: “Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nôn-nả làm điều ấy trong kỳ nó”.—Ê-sai 60:22.

Vượt qua hàng rào ngôn ngữ

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức và rất thông dụng, nhất là trong nền giáo dục, thế nhưng không phải là tiếng mẹ đẻ của phần lớn dân Uganda. Vì thế, khi cố gắng rao giảng tin mừng cho người khác, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng để ý đến những ngôn ngữ chính khác. Điều này quả cần thiết vì trong số 25 triệu dân của xứ này, có hơn 80 phần trăm sống ở những vùng nông thôn hoặc các thị trấn nhỏ. Họ thường dùng tiếng mẹ đẻ khi giao tiếp hàng ngày. Các Nhân Chứng phải cố gắng nhiều để rao giảng trong những ngôn ngữ đó và đáp ứng nhu cầu tâm linh của người ta.

Tuy nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va đã nỗ lực làm điều đó bằng cách rao giảng cho người dân trong tiếng mẹ đẻ của họ, đồng thời chuẩn bị các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong nhiều thứ tiếng. Tại văn phòng chi nhánh ở thủ đô Kampala, các ban dịch phục vụ trong bốn thứ tiếng: Acholi, Lhukonzo, Luganda và Runyankore. Ngoài ra, các hội nghị đạo Đấng Christ được tổ chức trong nhiều thứ tiếng khác nhau trên cả nước và có rất đông người tham dự, hơn gấp đôi số Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều này cho thấy rõ nỗ lực rao giảng cho những nhóm người nói thứ tiếng khác nhau là một yếu tố dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về thiêng liêng. Nhưng còn có những yếu tố khác nữa.

Các tiên phong dẫn đầu công việc

Các hội thánh sẵn sàng ủng hộ những đợt rao giảng đặc biệt hàng năm, kéo dài khoảng ba tháng, nhằm mục đích làm chứng ở những khu vực hẻo lánh. (Công-vụ 16:9) Ngày càng có nhiều người tiên phong trẻ tuổi, tức người truyền giáo trọn thời gian, sốt sắng dẫn đầu công việc này. Họ đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh, trong đó có những nơi mà người ta chưa bao giờ được nghe tin mừng.

Hai Nhân Chứng được chỉ định làm tiên phong đặc biệt trong ba tháng ở Bushenyi, một thị trấn nhỏ ở miền tây Uganda. Kết hợp với một Nhân Chứng duy nhất trong khu vực đó, họ rao giảng và tổ chức các buổi họp đạo Đấng Christ. Trong vòng một tháng, hai tiên phong này đều đặn điều khiển các cuộc thảo luận Kinh Thánh với 40 người, 17 người trong số đó bắt đầu tham dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Hai người tiên phong kể: “Trong số những người chúng tôi đã để lại sách Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta? *, có một số người đã đến nhà chúng tôi vài ngày sau. Họ đã viết ra câu trả lời cho các câu hỏi của sách trên nhiều tờ giấy. Họ muốn biết câu trả lời của họ có đúng không”. Ngày nay, có một hội thánh với Phòng Nước Trời riêng trong thị trấn đó.

Hai người tiên phong tiếp tục đi đến một khu vực ở miền tây Uganda, nơi mà tin mừng chưa từng được rao giảng. Họ viết: “Người ta quả đang khao khát lẽ thật Kinh Thánh. Trong ba tháng ở đây, chúng tôi đã bắt đầu điều khiển 86 cuộc học hỏi Kinh Thánh”. Chẳng bao lâu, một nhóm Nhân Chứng được chính thức thành lập trong khu vực đó.

Những người rao giảng sốt sắng khác

Trong số những tiên phong sốt sắng có một số người đã phụng sự nhiều năm. Trước khi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, anh Patrick chơi kèn clarinet trong đội nhạc không quân của nhà cai trị Uganda là Idi Amin. Sáu tháng sau khi làm báp têm vào năm 1983, anh Patrick gia nhập hàng ngũ những người truyền giáo trọn thời gian. Giờ đây, anh là giám thị lưu động, đi thăm viếng và khích lệ các hội thánh.

Chị Margaret làm báp têm năm 1962. Dù đã gần 80 tuổi và có vấn đề nơi xương hông nên không đi lại được thoải mái, nhưng mỗi tháng chị vẫn dành ra khoảng 70 tiếng để chia sẻ hy vọng dựa trên Kinh Thánh với người lân cận. Chị trưng bày các ấn phẩm trên một ghế dài trước nhà và bắt chuyện với bất cứ khách qua đường nào muốn nghe tin mừng về một thế giới mới hòa bình.

Anh Simon, một nông dân ở miền đông Uganda, đã tìm kiếm lẽ thật 16 năm cho đến năm 1995, anh tình cờ thấy vài ấn phẩm do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Đọc những sách báo đó khiến anh muốn biết nhiều hơn về Nước Trời và mục đích tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va dành cho trái đất. Không có Nhân Chứng nào ở Kamuli, nơi anh sống, nên anh phải đi khoảng 140 kilômét đến Kampala để tìm họ. Ngày nay, có một hội thánh trong làng của anh.

“Chúng ta sẽ ở đây luôn”

Cũng như những nơi khác ở Phi Châu, nhiều người đòi hỏi một nhóm tôn giáo phải có nơi thờ phượng thích hợp. Đối với một số hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va, điều này dường như là một vấn đề nan giải vì họ không có tài chính để xây Phòng Nước Trời thích hợp. Không lời nào có thể diễn tả hết lòng biết ơn của anh em khi, cuối năm 1999, một chương trình đẩy mạnh việc xây cất Phòng Nước Trời được bắt đầu trên khắp thế giới. Trong 5 năm sau đó, có 40 Phòng Nước Trời được xây dựng ở Uganda. Ngày nay, hầu như tất cả các hội thánh đều có Phòng Nước Trời, tuy khiêm tốn nhưng thích hợp. Hoạt động xây cất đó chứng tỏ cho các cộng đồng ở địa phương thấy rằng “chúng ta sẽ ở đây luôn”. Việc này góp phần vào sự gia tăng.

Một hội thánh nhỏ ở miền bắc Uganda từng tổ chức các buổi họp dưới những cây xoài rậm lá. Khi anh em mua được một miếng đất, công việc nhanh chóng được tiến hành. Các anh trong đội xây cất, cùng làm việc với Nhân Chứng địa phương, bắt đầu xây Phòng Nước Trời. Một cựu chính khách trong vùng tỏ ra rất khâm phục khi thấy công việc này. Ông đề nghị họ dùng nhà để xe của ông cho các buổi họp trong thời gian xây dựng Phòng Nước Trời. Ông cũng chấp nhận học Kinh Thánh với một anh làm việc tình nguyện trong công trình xây dựng. Giờ đây ông đã làm báp têm và là người công bố sốt sắng, vui mừng thờ phượng Đức Giê-hô-va trong Phòng Nước Trời mới và khang trang đó!

Tại một công trình xây dựng Phòng Nước Trời ở miền đông nam nước này, một thợ nề hết sức cảm kích trước sự thân mật, tinh thần yêu thương và hợp tác mà các anh em thể hiện, nên ông đã tình nguyện phụ giúp trong công việc. Đến phần cuối công trình này, ông thậm chí đã làm suốt đêm để anh em có Phòng Nước Trời sẵn sàng cho lễ khánh thành sáng hôm sau. Ông phát biểu: “Các anh chị là những người duy nhất thật sự yêu thương nhau, không chỉ bằng lời nói mà thôi”.

Triển vọng gia tăng trong tình trạng bất an

Vì nhiều khu vực mới bắt đầu được rao giảng ở Uganda, nên số Nhân Chứng gia tăng đều đặn, và có nhiều người chú ý kết hợp với hội thánh. Tuy nhiên, điều cần quan tâm cấp thiết là số người tị nạn đông đảo đã tràn đến Uganda. Nội chiến ở các xứ lân cận cũng ảnh hưởng đến dân Đức Giê-hô-va. Nhân Chứng trong các trại tị nạn thể hiện lòng tin cậy đáng chú ý nơi Đức Giê-hô-va. Một cựu viên chức cao cấp của một nước gần đó, trước kia đã ngược đãi Nhân Chứng khi hoạt động của họ bị cấm ở xứ đó, nhớ lại lối sống sung túc của ông. Sau khi học Kinh Thánh trong một trại tị nạn và trở thành Nhân Chứng, ông bình luận: “Sự giàu sang và địa vị cao trong thế gian này không có giá trị thật sự. Mặc dù giờ đây tôi nghèo và bị bệnh, đời sống tôi tốt hơn lúc trước rất nhiều. Tôi được biết Đức Giê-hô-va và biết ơn về đặc ân cầu nguyện. Tôi có hy vọng chắc chắn về tương lai, đồng thời biết được tại sao ngày nay chúng ta phải chịu đựng khó khăn. Vì thế tôi có được bình an nội tâm mà trước đây chưa từng có”.

Người ta nói rằng nếu cắm một cái que xuống đất màu mỡ của Uganda vào ban đêm, sáng hôm sau nó sẽ bén rễ. Sự gia tăng về thiêng liêng ở xứ này cũng cho thấy rằng đây cũng là vùng đất thiêng liêng màu mỡ. Chúng ta cám ơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho thêm thời gian để ngày càng có nhiều người trong số dân đa dạng của Uganda học biết về Nước của Ngài. Chúa Giê-su ví tính chất quý báu của Nước đó với “hột châu quí giá”. Ngày càng có nhiều người ở Uganda bắt đầu hiểu điều này.—Ma-thi-ơ 13:45, 46.

[Chú thích]

^ đ. 13 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Bản đồ nơi trang 8]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

SUDAN

UGANDA

Sông Nile

Kamuli

Tororo

Kampala

Bushenyi

Hồ Victoria

KENYA

TANZANIA

RWANDA

[Hình nơi trang 9]

Ba trong số nhiều người truyền giáo tiên phong sốt sắng

[Hình nơi trang 10]

Anh Patrick

[Hình nơi trang 10]

Chị Margaret

[Hình nơi trang 10]

Anh Simon

[Hình nơi trang 10]

Đại hội địa hạt ở Tororo

[Nguồn tư liệu nơi trang 8]

Nền: © Uganda Tourist Board