“Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao!”
“Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao!”
“Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy”.—THI-THIÊN 119:97.
1, 2. (a) Người được soi dẫn để viết bài Thi-thiên 119 đương đầu với tình cảnh nào? (b) Ông phản ứng thế nào, và tại sao?
NGƯỜI viết bài Thi-thiên 119 đương đầu với thử thách gay go. Những kẻ thù kiêu ngạo, coi thường luật pháp Đức Chúa Trời, đã nhạo báng và đặt lời vu cáo ông. Vua chúa lập mưu hại và bắt bớ ông. Kẻ ác bao vây ông và mạng sống ông bị đe dọa. Bởi thế, ông “ưu-sầu, chảy tuôn giọt-lệ”. (Thi-thiên 119:9, 23, 28, 51, 61, 69, 85, 87, 161) Dù gặp thử thách như thế, người viết Thi-thiên vẫn hát: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy”.—Thi-thiên 119:97.
2 Chúng ta có thể thắc mắc: ‘Làm thế nào luật pháp của Đức Chúa Trời có thể là nguồn an ủi cho người viết Thi-thiên?’ Điều giúp ông giữ vững được tinh thần là nhờ ông tin chắc Đức Giê-hô-va quan tâm đến ông. Vì biết rõ lợi ích của luật pháp mà Đức Chúa Trời đã yêu thương cung cấp, người viết Thi-thiên vui sướng, bất chấp những gian khổ mà kẻ thù nghịch gây ra cho ông. Ông nhận thức mình được Đức Giê-hô-va hậu đãi. Hơn nữa, nhờ áp dụng sự hướng dẫn của luật pháp Đức Chúa Trời, ông khôn ngoan hơn kẻ thù và thậm chí được bảo toàn mạng sống. Vâng theo luật pháp giúp ông có sự bình an và lương tâm trong sạch.—Thi-thiên 119:1, 9, 65, 93, 98, 165.
3. Tại sao sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh là một thách thức đối với tín đồ Đấng Christ ngày nay?
3 Ngày nay, một số tôi tớ của Đức Chúa Trời cũng trải qua những thử thách gay go về đức tin. Tuy không phải đương đầu với nỗi khủng hoảng mạng sống bị đe dọa như trường hợp người viết Thi-thiên, nhưng chúng ta sống trong “những thời-kỳ khó-khăn”. Nhiều người mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày không quý chuộng các giá trị thiêng liêng—họ theo đuổi những mục tiêu ích kỷ và thiên về vật chất, họ có thái độ kiêu ngạo và bất kính. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Những tín đồ trẻ thường phải đối phó với thử thách về đạo đức. Trong môi trường như thế, có thể khó giữ được lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và lòng quý chuộng lẽ phải. Bằng cách nào chúng ta có thể tự bảo vệ?
4. Bằng cách nào người viết Thi-thiên cho thấy ông quý trọng luật pháp Đức Chúa Trời, và tín đồ Đấng Christ cũng nên làm thế không?
4 Một điều đã giúp người viết Thi-thiên chống lại áp lực, đó là nhờ ông dành ra thì giờ để nghiền ngẫm luật pháp Đức Chúa Trời. Bằng cách ấy, ông biết yêu mến luật pháp Ngài. Đúng vậy, hầu như mỗi câu trong bài Thi-thiên 119 đều đề cập đến một khía cạnh nào đó của luật pháp Đức Giê-hô-va. * Ngày nay, tín đồ Đấng Christ không buộc phải tuân thủ Luật Pháp Môi-se mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa. (Cô-lô-se 2:14) Tuy nhiên, các nguyên tắc nằm trong Luật Pháp đó vẫn có giá trị. Những nguyên tắc này là nguồn an ủi cho người viết Thi-thiên, và cũng có thể an ủi tôi tớ của Đức Chúa Trời là những người đang gắng sức đối phó với các khó khăn của đời sống hiện đại.
5. Chúng ta sẽ xem xét những khía cạnh nào của Luật Pháp Môi-se?
5 Hãy xem chúng ta có thể nhận được sự khích lệ nào khi xem xét chỉ ba khía cạnh của Luật Pháp Môi-se: sự sắp đặt về ngày Sa-bát, về việc mót thổ sản và điều răn chớ tham lam. Trong mỗi khía cạnh, chúng ta sẽ thấy rằng việc hiểu rõ nguyên tắc nằm trong những điều luật này là điều trọng yếu để giúp chúng ta đối phó với các thử thách thời nay.
Đáp ứng nhu cầu thiêng liêng
6. Mọi người đều có những nhu cầu cơ bản nào?
6 Loài người được tạo ra với một số nhu cầu. Thí dụ, thức ăn, nước uống và chỗ ở là những điều cần thiết để duy trì sức khỏe. Thế nhưng, con người cũng phải chăm sóc “nhu cầu thiêng liêng”. Nếu không, người ấy sẽ không thật sự hạnh phúc. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Đức Giê-hô-va xem việc đáp ứng nhu cầu bẩm sinh này là điều cơ bản, nên Ngài ban lệnh cho dân sự ngưng việc sinh hoạt bình thường trọn một ngày mỗi tuần để chăm lo vấn đề thiêng liêng.
7, 8. (a) Đức Chúa Trời phân biệt ngày Sa-bát với các ngày khác như thế nào? (b) Ngày Sa-bát được lập ra nhằm đáp ứng mục đích nào?
7 Sự sắp đặt về ngày Sa-bát nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động thiêng liêng. Lần đầu tiên khi được nói đến trong Kinh Thánh, từ “Sa-bát” có liên quan đến sự sắp đặt về ma-na ở đồng vắng. Dân Y-sơ-ra-ên được chỉ dạy rằng trong sáu ngày họ phải nhặt loại bánh kỳ diệu này. Vào ngày thứ sáu, họ phải nhặt “lương-thực đủ hai ngày”, vì ngày thứ bảy sẽ không có bánh để nhặt. Ngày thứ bảy sẽ là “ngày Sa-bát thánh cho Đức Giê-hô-va” và mỗi người phải ở yên chỗ mình. (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:13-30) Một trong những điều luật của Mười Điều Răn ra lệnh không được làm việc trong ngày Sa-bát. Đó là ngày thánh. Ai vi phạm phải bị xử tử.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11; Dân-số Ký 15:32-36.
8 Luật ngày Sa-bát cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến sự an lạc của dân Ngài, cả về thể chất lẫn thiêng liêng. Chúa Giê-su phán: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát”. (Mác 2:27) Luật này không chỉ cho phép dân Y-sơ-ra-ên nghỉ ngơi mà còn cho họ cơ hội đến gần và biểu lộ lòng yêu mến đối với Đấng Tạo Hóa của mình. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:12) Đó là ngày dành riêng cho hoạt động thiêng liêng, chẳng hạn như cùng gia đình thờ phượng, cầu nguyện và suy ngẫm về Luật Pháp Đức Chúa Trời. Sự sắp đặt này nhằm che chở dân Y-sơ-ra-ên khỏi sa vào lối sống dành hết thì giờ và sức lực cho việc đeo đuổi mục tiêu vật chất. Ngày Sa-bát nhắc nhở họ rằng mối quan hệ của họ với Đức Giê-hô-va là điều quan trọng nhất trong đời sống. Chúa Giê-su lặp lại nguyên tắc không thay đổi đó khi ngài nói: “Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 4:4.
9. Sự sắp đặt về ngày Sa-bát dạy tín đồ Đấng Christ điều gì?
9 Dân Đức Chúa Trời không còn phải giữ ngày sa-bát 24 tiếng theo nghĩa đen, nhưng sự sắp đặt về ngày Sa-bát không chỉ là một sự kiện lịch sử đáng chú ý. (Cô-lô-se 2:16) Chẳng phải ngày sa-bát nhắc nhở chúng ta cũng phải đặt các hoạt động thiêng liêng lên hàng đầu hay sao? Những lo lắng về vật chất hoặc việc giải trí không được lấn át điều thiêng liêng. (Hê-bơ-rơ 4:9, 10) Vậy chúng ta có thể tự hỏi: “Điều gì là ưu tiên trong đời sống tôi? Tôi có ưu tiên cho việc học hỏi, cầu nguyện, tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ và chia sẻ tin mừng về Nước Trời không? Hay những công việc khác đang lấn át các hoạt động đó?” Nếu chúng ta đặt vấn đề thiêng liêng lên hàng đầu, Đức Giê-hô-va bảo đảm là chúng ta sẽ không thiếu những thứ cần thiết cho đời sống.—Ma-thi-ơ 6:24-33.
10. Chúng ta được lợi ích như thế nào khi dành thì giờ cho vấn đề thiêng liêng?
10 Thời gian dành ra để học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, cũng như suy ngẫm về thông điệp trong đó, có thể giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn. (Gia-cơ 4:8) Chị Susan, người cách đây khoảng 40 năm đã bắt đầu dành ra thì giờ học hỏi Kinh Thánh đều đặn, thừa nhận rằng lúc đầu việc đó không thích thú gì cho lắm. Đó là việc khó nhọc. Nhưng càng đọc, chị càng thấy thích. Giờ đây, nếu vì lý do nào đó mà không có thì giờ học hỏi cá nhân, chị cảm thấy không vui. Chị nói: “Học hỏi giúp tôi biết rõ về Đức Giê-hô-va như một người Cha. Tôi có thể tin tưởng, nương cậy Ngài và thoải mái đến với Ngài qua lời cầu nguyện. Tôi vô cùng cảm kích khi thấy lòng yêu thương bao la của Đức Giê-hô-va đối với tôi tớ Ngài, khi thấy cách Ngài chăm sóc cá nhân tôi và hành động vì lợi ích của tôi”. Chúng ta cũng có được niềm vui lớn biết bao khi thường xuyên chăm lo nhu cầu thiêng liêng của mình!
Luật của Đức Chúa Trời về việc mót thổ sản
11. Việc mót thổ sản được sắp đặt như thế nào?
11 Quyền mót thổ sản là khía cạnh thứ hai của Luật Pháp Môi-se, điều luật này phản ánh lòng quan tâm của Đức Chúa Trời đối với hạnh phúc của dân Ngài. Đức Giê-hô-va truyền lệnh rằng khi một nông dân Y-sơ-ra-ên gặt hái hoa quả của đồng ruộng mình, những người nghèo khó phải được phép nhặt những gì bỏ sót lại. Nông dân không được gặt cho đến cuối bờ ruộng, cũng không nhặt nho hay ôliu còn sót. Nếu có ai bỏ quên những bó lúa ở ngoài đồng thì chớ trở lại lấy. Đây là sự sắp đặt đầy yêu thương để giúp người nghèo, khách lạ hay ngoại kiều, trẻ mồ côi và người góa bụa. Đành rằng việc mót thổ sản đòi hỏi họ phải chịu khó làm việc, nhưng như thế họ mới không phải ăn xin.—Lê-vi Ký 19:9, 10; Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:19-22; Thi-thiên 37:25.
12. Sự sắp đặt về việc mót thổ sản cho nông dân cơ hội nào?
12 Luật về việc mót thổ sản không quy định số lượng hoa quả mà nông dân phải để lại cho người nghèo. Nông dân tự quyết định độ rộng hẹp của dải lúa mà họ không gặt ở quanh ruộng. Như vậy, sự sắp đặt về việc mót dạy người ta tính rộng rãi, cho nông dân cơ hội biểu lộ lòng biết ơn đối với Đấng Cung Cấp mùa màng vì “ai thương-xót người bần-cùng tôn-trọng [Đấng tạo-hóa mình]”. (Châm-ngôn 14:31) Bô-ô là người đã làm điều này. Ông tử tế sắp xếp để Ru-tơ, một góa phụ mót ruộng của ông, gặt được nhiều lúa. Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho Bô-ô vì tính rộng rãi của ông.—Ru-tơ 2:15, 16; 4:21, 22; Châm-ngôn 19:17.
13. Luật thời xưa về việc mót thổ sản dạy chúng ta điều gì?
13 Nguyên tắc nằm trong luật về việc mót Lu-ca 6:38.
thổ sản vẫn không thay đổi. Đức Giê-hô-va muốn tôi tớ Ngài thể hiện tính rộng rãi, đặc biệt đối với người nghèo. Càng rộng rãi, chúng ta càng được nhiều ân phước. Chúa Giê-su nói: “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy”.—14, 15. Chúng ta có thể biểu lộ tính rộng rãi như thế nào, và có được những lợi ích nào cho cả chúng ta lẫn người chúng ta giúp?
14 Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta “hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Vì thế, chúng ta chắc chắn nên quan tâm đến việc giúp đỡ các anh chị em tín đồ Đấng Christ về mặt thiêng liêng, bất cứ khi nào họ phải đương đầu với thử thách về đức tin. Nhưng nếu họ cũng cần sự giúp đỡ thực tiễn như đến Phòng Nước Trời hoặc đi chợ thì sao? Trong hội thánh có ai lớn tuổi, ốm đau hoặc không thể ra khỏi nhà song rất muốn có người thăm viếng khích lệ hoặc giúp đỡ làm một việc nào đó không? Nếu chúng ta cố gắng nhạy bén nhận ra những nhu cầu đó, Đức Giê-hô-va có thể dùng chúng ta để đáp lời cầu nguyện của người cần giúp đỡ. Mặc dù tín đồ Đấng Christ có bổn phận chăm lo cho nhau, nhưng làm thế cũng có lợi cho chính người giúp đỡ. Thể hiện tình yêu thương chân thành đối với anh chị em đồng đạo là một nguồn vui lớn và niềm thỏa nguyện sâu xa, làm hài lòng Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 15:29.
15 Một cách quan trọng khác mà tín đồ Đấng Christ thể hiện tính vị tha, đó là dùng thì giờ và sức lực để nói về ý định của Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Bất cứ ai đã có được niềm vui giúp người khác tiến đến bước dâng mình cho Đức Giê-hô-va đều cảm nghiệm được lời nói của Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.
Tránh tính tham lam
16, 17. Điều răn thứ mười cấm gì, và tại sao?
16 Chúng ta sẽ xem xét khía cạnh thứ ba của Luật Pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên; đó là điều răn thứ mười, tức luật cấm tính tham lam. Luật Pháp nói: “Ngươi chớ tham nhà kẻ lân-cận ngươi, cũng đừng Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17) Không người nào có thể bắt người khác thi hành một điều răn như thế, vì không ai có thể đọc được lòng người khác. Tuy nhiên, điều răn đó nâng cao Luật Pháp lên trên công lý của loài người. Với điều răn đó, mỗi người Y-sơ-ra-ên biết mình chịu trách nhiệm trực tiếp đối với Đức Giê-hô-va, Đấng có thể đọc được khuynh hướng của lòng. (1 Sa-mu-ên 16:7) Hơn nữa, điều răn này nhắm vào tận gốc rễ của nhiều hành động bất chính.—Gia-cơ 1:14.
tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân-cận ngươi”. (17 Luật lên án tính tham lam khuyến khích dân của Đức Chúa Trời tránh chủ nghĩa duy vật và tính hay than thân trách phận. Luật này cũng giúp họ tránh được cám dỗ trộm cắp hoặc vô luân. Luôn luôn có những người sở hữu nhiều của cải mà chúng ta ao ước, hoặc những người có vẻ thành công hơn chúng ta về phương diện nào đó. Nếu không kiểm soát lối suy nghĩ trong những tình huống đó, chúng ta có thể mất niềm vui và ganh tị với người khác. Kinh Thánh gọi tính tham lam là biểu hiện của “lòng hư-xấu”. Tránh tính nết đó là tốt nhất.—Rô-ma 1:28-30.
18. Tinh thần nào phổ biến trong thế gian ngày nay, và nó có tác dụng xấu nào?
18 Tinh thần phổ biến trong thế gian ngày nay cổ vũ chủ nghĩa duy vật và tính ganh đua. Qua việc quảng cáo, ngành thương mại khêu gợi lòng ham muốn sản phẩm mới và thường truyền đạt ý niệm là chúng ta sẽ không vui nếu không có những thứ đó. Đây chính là tinh thần mà Luật Pháp Đức Giê-hô-va lên án. Một tinh thần tương tự là ham muốn thành công bằng bất cứ giá nào và tích lũy của cải. Sứ đồ Phao-lô cảnh cáo: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất. Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”.—1 Ti-mô-thê 6:9, 10.
19, 20. (a) Đối với người yêu mến luật pháp Đức Giê-hô-va, điều gì thật sự có giá trị? (b) Đề tài của bài kế tiếp là gì?
19 Những người yêu mến luật pháp Đức Chúa Trời biết được mối nguy hại của tinh thần duy vật và được che chở khỏi ảnh hưởng của nó. Thí dụ, người viết Thi-thiên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Xin hãy khiến lòng tôi hướng về chứng-cớ Chúa, chớ đừng hướng về sự tham-lam. Luật-pháp của miệng Chúa phán là quí cho tôi hơn hằng ngàn đồng vàng và bạc”. (Thi-thiên 119:36, 72) Khi tin chắc rằng những lời này là chân lý, chúng ta được thúc đẩy giữ sự thăng bằng cần thiết để tránh cám dỗ về vật chất, tính tham lam và sự bất mãn trong cuộc sống. “Sự tin-kính”, chứ không phải việc tích lũy của cải, là bí quyết để đạt được nguồn lợi lớn nhất.—1 Ti-mô-thê 6:6.
20 Các nguyên tắc nằm trong Luật Pháp mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa có giá trị trong thời khó khăn của chúng ta, cũng giống như vào thời Đức Giê-hô-va ban Luật Pháp đó cho Môi-se. Càng áp dụng trong đời sống, chúng ta càng hiểu rõ, càng yêu mến các nguyên tắc đó và càng hạnh phúc hơn. Luật Pháp chứa đựng nhiều bài học hữu ích cho chúng ta, và lời nhắc nhở rõ ràng về giá trị của chúng được thấy rõ qua đời sống và kinh nghiệm của các nhân vật trong Kinh Thánh. Gương của một số trong những người này sẽ được đề cập trong bài kế tiếp.
[Chú thích]
^ đ. 4 Ngoại trừ 4 câu, tất cả 172 câu khác của bài Thi-thiên này đều nói đến điều răn, mạng lịnh, luật pháp, giềng mối, luật lệ, chứng cớ, lời hoặc đường lối của Đức Giê-hô-va.
Bạn trả lời ra sao?
• Tại sao người viết bài Thi-thiên 119 yêu mến luật pháp Đức Giê-hô-va?
• Tín đồ Đấng Christ học được gì từ sự sắp đặt về ngày Sa-bát?
• Luật về việc mót thổ sản có giá trị lâu dài nào?
• Điều răn lên án tính tham lam che chở chúng ta như thế nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 21]
Luật về ngày Sa-bát nhấn mạnh điều gì?
[Hình nơi trang 23]
Luật về việc mót thổ sản dạy chúng ta điều gì?