Ti-vi có phải là người giữ trẻ tốt không?
Ti-vi có phải là người giữ trẻ tốt không?
ĐÔI KHI cho con xem ti-vi trong lúc bạn bận rộn lo những công việc khác xem ra là điều hợp lý. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến trẻ em?
Tờ The New York Times cho biết: “Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể bị những thông tin của màn ảnh truyền hình tác động đến tâm trí”. Trong cuộc nghiên cứu gần đây, người ta cho một số trẻ em một tuổi xem những đoạn phim ngắn về những phản ứng khác nhau của một diễn viên trước món đồ chơi nào đó. Tờ Times cho biết: “Khi diễn viên ấy tỏ vẻ sợ hãi trước món đồ chơi, các em tránh không chơi với món đồ chơi đó và dễ lộ vẻ lo lắng, khó chịu, nhăn mặt hoặc khóc. Nhưng khi diễn viên tỏ ra thích thú với món đồ chơi thì các em sẵn sàng chơi với món đồ chơi đó hơn”.
Rõ ràng, máy truyền hình có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Nói gì về sự ảnh hưởng lâu dài của truyền hình đối với trẻ em? Bác Sĩ Naoki Kataoka, giáo sư khoa nhi thuộc Đại Học Y Khoa Kawasaki tại Kurashiki, Nhật Bản, đã quan sát thấy nhiều trẻ em hết sức trầm lặng, ít nói và nét mặt rất ít bộc lộ cảm xúc. Tất cả đều đã xem ti-vi hay băng video trong một thời gian dài. Một bé trai hai tuổi không có khả năng trò chuyện và có vốn từ rất hạn chế. Từ năm một tuổi, mỗi ngày em xem băng video từ sáng đến tối. Sau khi mẹ em làm theo lời khuyên của bác sĩ, ngưng không cho em xem băng video nữa và bắt đầu chơi đùa với em thì dần dần em biết nói nhiều hơn. Đúng vậy, cha mẹ phải gần gũi và trò chuyện với con cái.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng sáng lập ra gia đình, nhấn mạnh tầm quan trọng của cách gần gũi con tốt nhất. Từ xưa Ngài đã phán với dân sự của Ngài: “Khá ân-cần dạy-dỗ [lời Đức Chúa Trời] cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7) Qua lời nói và gương mẫu, cha mẹ, chứ không phải là ti-vi mới có thể dạy dỗ con trẻ cách tốt nhất “con đường nó phải theo”.—Châm-ngôn 22:6.