Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vâng, bạn có thể tìm được hạnh phúc

Vâng, bạn có thể tìm được hạnh phúc

Vâng, bạn có thể tìm được hạnh phúc

HẠNH PHÚC—thật sự, lâu dài—đôi khi khó tìm được. Lý do là vì nhiều người cứ mãi đi tìm hạnh phúc không đúng chỗ. Giá mà họ có một người bạn tin cẩn và đủ tư cách để chỉ cho họ biết hướng nào là đúng!

Kinh Thánh là nguồn hướng dẫn cần thiết đó. Hãy xem xét chỉ một sách trong Kinh Thánh, đó là sách Thi-thiên. Sách này là một bộ sưu tập gồm 150 bài thánh ca dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, khoảng nửa số bài này là do Vua Đa-vít của xứ Y-sơ-ra-ên xưa soạn. Biết tác giả những bài ca đó là điều quan trọng, nhưng điều còn quan trọng hơn là việc biết tác giả viết theo sự soi dẫn của Đức Giê-hô-va, người Bạn vĩ đại nhất của con người. Vậy chúng ta có thể chắc chắn là sách này chứa đựng sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời để giúp ích chúng ta và cho biết cách để tìm được hạnh phúc.

Những người viết sách Thi-thiên đoan chắc rằng hạnh phúc là kết quả của việc có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời. Người viết Thi-thiên ghi: “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 112:1) Không mối quan hệ giữa con người, của cải và thành quả cá nhân nào có thể mang lại niềm hạnh phúc mà một người có được khi thuộc về “dân... có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình”. (Thi-thiên 144:15) Ngày nay, đời sống của rất nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời chứng thực điều này.

Chị Susanne, tuổi ngoài 40, là một gương đó. * Chị nói: “Ngày nay, nhiều người gia nhập những nhóm nào đó để thực hiện mục tiêu hoặc chia sẻ lợi ích chung. Tuy nhiên, ít khi nào họ xem tất cả mọi người trong nhóm là bạn. Nhưng dân Đức Giê-hô-va thì khác. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta thương mến nhau. Giữa dân Đức Chúa Trời, dù ở đâu chúng ta cũng cảm thấy thoải mái. Sự hợp nhất này làm đời sống chúng ta phong phú hơn rất nhiều. Có ai khác có thể nói rằng mình có bạn bè thuộc các tầng lớp xã hội, gốc gác và nhiều dân tộc hoàn toàn khác nhau? Tôi có thể toàn tâm toàn ý nói rằng thuộc về dân Đức Giê-hô-va là điều mang lại hạnh phúc”.

Chị Maree, sinh ở Scotland, cũng nhận biết rằng mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va là thiết yếu nếu muốn tìm được hạnh phúc. Chị kể: “Trước khi biết lẽ thật Kinh Thánh, tôi thích xem phim kinh dị. Nhưng đến đêm tôi không ngủ được trừ khi cầm thánh giá trong tay để đuổi những con ma và ma cà rồng mà tôi thường thấy trong phim. Thế nhưng khi biết lẽ thật và không xem những phim đó nữa, mối quan hệ của tôi với Đức Giê-hô-va giúp tôi hết còn sợ hãi khi đi ngủ, tôi sung sướng được phụng sự một Đức Chúa Trời mạnh hơn các quỉ hoặc những ma cà rồng trong tưởng tượng”.

Hạnh phúc nhờ tin cậy Đức Giê-hô-va

Chúng ta không có lý do nào để nghi ngờ tính toàn năng và sự khôn ngoan vô hạn của Đấng Tạo Hóa. Vì biết rằng mình có thể hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va và nương náu nơi Ngài, Đa-vít viết: “Phước cho người nào để lòng tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 40:4.

Chị Maria cho biết: “Qua những kinh nghiệm ở Tây Ban Nha và những nơi khác, tôi nhận thức rằng khi đi theo đường lối của Đức Giê-hô-va dù lòng mình muốn làm điều ngược lại, chúng ta có được kết quả tốt nhất. Điều này mang lại hạnh phúc vì đường lối của Đức Giê-hô-va luôn luôn là tốt nhất”.

Anh Andreas, một trưởng lão đạo Đấng Christ đã phục vụ ở nhiều nước Âu Châu, cũng học được qua kinh nghiệm cá nhân là chúng ta có thể tin cậy Đức Giê-hô-va. Anh nói: “Khi tôi còn trẻ, anh tôi, người không có cùng tín ngưỡng với tôi, ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Anh khuyến khích tôi theo đuổi một nghề có lương cao. Anh vô cùng thất vọng khi tôi nhận công việc rao giảng trọn thời gian và không dựa vào cái gọi là đời sống bảo đảm nhờ có quỹ hưu trí. Trong thánh chức trọn thời gian, tôi chưa bao giờ túng thiếu, và tôi nhận được nhiều ân phước mà người khác hằng mơ ước”.

Năm 1993, anh Felix được mời đến giúp trong công trình xây cất nhằm mở rộng trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Selters, Đức. Khi công việc hoàn tất, anh được mời làm thành viên chính thức của gia đình Bê-tên ở đó. Anh phản ứng ra sao? “Tôi nhận lời mời dù có vài nghi ngại. Nhưng nay tôi đã ở đây gần mười năm, và tôi tin chắc là Đức Giê-hô-va đã đáp lời cầu nguyện của tôi. Ngài biết điều gì là tốt nhất cho tôi. Khi tôi đặt lòng tin cậy hoàn toàn nơi Ngài và để Ngài hướng dẫn, thì Ngài có cơ hội chỉ cho tôi thấy Ngài muốn tôi làm gì”.

Chị Susanne, được đề cập ở trên, muốn phục vụ với tư cách người rao giảng trọn thời gian, tức người tiên phong, nhưng chị thấy khó tìm được việc làm bán thời gian. Sau một năm chờ đợi việc làm, chị hành động với lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Chị kể: “Tôi nộp đơn xin làm tiên phong đều đều. Tôi đã để dành đủ tiền để trả các chi phí trong đời sống bình thường cho khoảng một tháng. Tháng đó tôi cảm thấy phấn khởi và hồi hộp làm sao! Thánh chức của tôi là nguồn vui lớn, nhưng các cuộc phỏng vấn xin việc đều không thành. Tuy nhiên, như Đức Giê-hô-va đã hứa, Ngài không bỏ tôi. Vào ngày cuối của tháng đó, tôi đã ký được một hợp đồng làm việc. Giờ thì tôi biết rằng mình quả thực có thể tin cậy Đức Giê-hô-va! Kinh nghiệm đầu tiên này trong thánh chức trọn thời gian giúp tôi có được một đời sống hạnh phúc và thỏa nguyện”.

Hạnh phúc hơn nhờ chấp nhận lời khuyên của Đức Chúa Trời

Vua Đa-vít đã phạm một số tội nghiêm trọng. Đôi khi ông cần lời khuyên khôn ngoan. Chúng ta có giống Đa-vít, sẵn sàng chấp nhận lời khuyên và chỉ dạy không?

Chị Aida ở Pháp có lần nhận thức là mình đã phạm một lỗi nghiêm trọng. Chị kể: “Điều tôi quan tâm chính yếu là phục hồi mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Tôi không lo về điều gì khác”. Chị đến gặp các trưởng lão để được giúp đỡ. Nay đã phụng sự hơn 14 năm trong thánh chức trọn thời gian, chị nói: “Thật mãn nguyện làm sao khi biết Đức Giê-hô-va tha thứ lỗi lầm của tôi!”

Sẵn sàng nhận lời khuyên của Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta tránh phạm lỗi lầm ngay từ đầu. Chị Judith giải thích: “Lúc 20 tuổi, tôi phải lòng một đồng nghiệp người Đức; anh ta cố hết sức để chinh phục tôi. Anh ấy được người ta kính trọng, thành công trong sự nghiệp, và đã có gia đình! Tôi nhận thức rằng mình phải lựa chọn giữa việc vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va hoặc không màng gì đến Ngài nữa. Tôi giãi bày tâm sự với cha mẹ. Cha tôi thẳng thắn nhắc tôi về những gì Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi tôi. Cha không nói mập mờ—đây đúng là điều tôi cần! Dù thế, lòng tôi vẫn cố tìm cách bào chữa cho mình. Trong nhiều tuần, mẹ tôi dành ra buổi tối để nói chuyện với tôi về luật pháp Đức Chúa Trời quan trọng và cứu mạng như thế nào. Tôi thật biết ơn là lòng tôi dần dần hướng về Đức Giê-hô-va. Được Ngài sửa dạy đã mang lại cho tôi ân phước lớn—nhiều năm thỏa nguyện trong thánh chức trọn thời gian, cùng với một người chồng tín đồ Đấng Christ tốt, yêu thương tôi và hết lòng yêu mến Đức Giê-hô-va”.

Rõ ràng, những kinh nghiệm như trên nhấn mạnh lời của Đa-vít: “Phước thay cho người nào được tha sự vi-phạm mình, được khỏa-lấp tội-lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian-ác cho”.—Thi-thiên 32:1, 2.

Hạnh phúc nhờ quan tâm đến người khác

Đa-vít viết: “Phước cho người nào đoái đến kẻ khốn-cùng! Trong ngày tai-họa Đức Giê-hô-va sẽ giải-cứu người. Đức Giê-hô-va sẽ gìn-giữ người, bảo-tồn mạng-sống người: Người sẽ được phước trên đất”. (Thi-thiên 41:1, 2) Lòng quan tâm ân cần mà Đa-vít đã bày tỏ đối với Mê-phi-bô-sết, người con tàn tật của Giô-na-than, bạn thân Đa-vít, là một thí dụ về thái độ đúng đối với người khốn cùng.—2 Sa-mu-ên 9:1-13.

Chị Marlies đã làm giáo sĩ 47 năm, được đặc ân rao giảng cho những người phải chạy trốn các vùng có khủng hoảng ở Phi Châu, Á Châu và Đông Âu. Chị nói: “Họ có nhiều vấn đề và thường cảm thấy không được hoàn toàn chấp nhận, thậm chí bị phân biệt đối xử. Giúp đỡ những người đó luôn mang lại niềm vui cho tôi”.

Chị Marina, ngoài 40 tuổi, viết: “Là người độc thân, tôi hiểu rõ việc có người giúp đỡ mình là niềm an ủi như thế nào. Vì thế tôi cố gắng khuyến khích người khác bằng cách gọi điện thoại hoặc viết thư cho họ. Nhiều người đã bày tỏ lòng biết ơn. Giúp đỡ người khác mang lại hạnh phúc cho tôi”.

Anh Dimitar, khoảng 25 tuổi, nói: “Mẹ tôi một mình nuôi tôi. Khi còn nhỏ, tôi vui sướng được anh giám thị Buổi Học Cuốn Sách Hội Thánh dẫn đi mỗi tuần để huấn luyện rao giảng. Tôi vẫn còn biết ơn sự kiên trì của anh. Tôi biết rằng việc khuyến khích tôi không phải lúc nào cũng dễ”. Vì biết ơn về sự giúp đỡ anh từng nhận được, giờ đây Dimitar giúp người khác: “Ít nhất một lần mỗi tháng, tôi cố gắng mời một người trẻ và một anh chị lớn tuổi đi rao giảng với tôi”.

Sách Thi-thiên cũng nói đến những điều khác mang lại hạnh phúc. Một trong những điều đó là tầm quan trọng của việc nương cậy nơi sức mạnh của Đức Giê-hô-va thay vì sức riêng của mình: “Phước cho người nào được sức-lực trong Chúa”.—Thi-thiên 84:5.

Chị Corinna hiểu rõ điều này. Chị dọn đến một nước có nhiều nhu cầu rao giảng. “Tôi phải tiếp xúc với ngôn ngữ mới, văn hóa mới và lối suy nghĩ mới. Tôi cảm thấy như mình đến một hành tinh khác. Tôi rất căng thẳng khi nghĩ đến việc rao giảng ở một môi trường xa lạ. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, và nhờ sức mạnh của Ngài nên tôi có thể rao giảng suốt ngày trong khu vực hẻo lánh. Với thời gian, việc này xem ra rất bình thường. Tôi bắt đầu nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh và hiện vẫn được lợi ích qua kinh nghiệm này. Tôi học được rằng với sức mạnh của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể vượt qua cả những trở ngại có vẻ như không khắc phục được”.

Đúng thế, có nhiều yếu tố góp phần mang lại hạnh phúc, chẳng hạn như vun trồng tình bạn với Đức Chúa Trời và dân Ngài, hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va, chấp nhận lời khuyên của Ngài và quan tâm đến người khác. Khi đi theo đường lối Đức Giê-hô-va và tuân thủ luật pháp của Ngài, chúng ta có thể vui sướng hưởng được nhiều ân huệ của Ngài.—Thi-thiên 89:15; 106:3; 112:1; 128:1, 2.

[Chú thích]

^ đ. 5 Một số tên đã được đổi.

[Hình nơi trang 12]

Chị Maria

[Hình nơi trang 13]

Chị Maree

[Hình nơi trang 13]

Chị Susanne và anh Andreas

[Hình nơi trang 15]

Chị Corinna

[Hình nơi trang 15]

Anh Dimitar