Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đi tìm ánh sáng

Đi tìm ánh sáng

Đi tìm ánh sáng

“TRI THỨC bao giờ cũng tốt hơn sự thiếu hiểu biết”. Đó là lời phát biểu của Laura Fermi, vợ nhà vật lý nổi tiếng Enrico Fermi. Một số người có thể không đồng tình, cho rằng sự thiếu hiểu biết là vô hại. Tuy nhiên, theo đa số thì nhận xét trên là đúng, không những chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn trong những lĩnh vực khác của đời sống. Sự thiếu hiểu biết, theo nghĩa là không biết chân lý, đã để mặc nhiều người đi quờ quạng về mặt trí tuệ, đạo đức và chịu đựng sự tối tăm về tâm linh trong nhiều thế kỷ.—Ê-phê-sô 4:18.

Đó là lý do khiến những người có suy nghĩ đi tìm ánh sáng. Họ muốn biết tại sao chúng ta hiện hữu và chúng ta sẽ đi về đâu. Họ đã theo những con đường khác nhau để đi tìm ánh sáng. Vậy, chúng ta hãy xem xét ngắn gọn vài con đường ấy.

Con đường tôn giáo?

Theo truyền thống Phật Giáo, nỗi đau khổ và sự chết của con người đã khiến thái tử Siddhārtha Gautama (Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm), người sáng lập đạo Phật, vô cùng bối rối. Để tìm ra “chân lý”, ông nhờ những tu sĩ Ấn Độ Giáo giúp. Một số tu sĩ ấy đã khuyên ông theo con đường thiền định và tu khổ hạnh. Cuối cùng, thái tử chọn thiền quán là con đường dẫn đến ánh sáng thật.

Những người khác thì dùng thuốc gây ảo giác để đi tìm ánh sáng. Chẳng hạn, ngày nay các thành viên của Giáo Hội Native American cho rằng cây peyote—loại xương rồng Mexico chứa một chất gây ảo giác—là “sự khám phá của tri thức giấu kín”.

Ông Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học Pháp vào thế kỷ 18, tin rằng bất cứ người nào chân thành tìm kiếm thì sẽ được Thượng Đế soi sáng tâm linh. Như thế nào? Bằng cách lắng nghe “những gì Thượng Đế nói vào lòng”. Sau đó, điều mà bạn cảm thấy—điều mà xúc cảm và lương tâm của bạn mách bảo—sẽ trở thành “sự hướng dẫn chắc chắn trong vô vàn quan điểm phức tạp của loài người”, ông Rousseau đã nói thế.—History of Western Philosophy (Lịch sử triết học Tây Phương).

Khả năng suy luận?

Nhiều người đương thời với ông Rousseau phản đối kịch liệt cách tiếp cận tri thức qua con đường tôn giáo. Chẳng hạn, một người Pháp tên Voltaire cho rằng trong nhiều thế kỷ, tôn giáo chẳng những không soi sáng cho con người mà còn là nhân tố chính khiến Châu Âu chìm đắm trong sự ngu dốt, mê tín, và không khoan dung. Một số sử gia gọi thời kỳ đó là Thời Đại Đen Tối.

Ông Voltaire trở thành thành viên của phong trào chủ nghĩa duy lý ở Châu Âu, được gọi là Phong Trào Ánh Sáng. Những người theo phong trào này trở về với tư tưởng của người Hy Lạp xưa, cho rằng lý trí con người và khoa học kiểm chứng là yếu tố trọng yếu của ánh sáng thật. Một thành viên khác của phong trào chủ nghĩa duy lý, ông Bernard de Fontenelle, cho rằng chính lý trí con người sẽ dẫn nhân loại đến “một thế kỷ ngày càng được soi sáng hơn, và tất cả những thế kỷ trước nếu so sánh với thế kỷ này thì dường như chỉ là tăm tối, thiếu trí hiểu”.—Encyclopædia Britannica.

Đây chỉ là một vài trong rất nhiều tư tưởng mâu thuẫn về việc làm sao để nhận được ánh sáng. Liệu có “sự hướng dẫn chắc chắn” nào thật sự giúp chúng ta tìm ra chân lý không? Bài tiếp theo sẽ bàn về nguồn ánh sáng đáng tin cậy.

[Các hình nơi trang 3]

Sĩ-đạt-ta (Phật Thích Ca), Rousseau, và Voltaire theo những con đường khác nhau để đi tìm ánh sáng