Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ai giữ theo lời quở-trách trở nên khôn-khéo”

“Ai giữ theo lời quở-trách trở nên khôn-khéo”

“Ai giữ theo lời quở-trách trở nên khôn-khéo”

CHÂM-NGÔN 23:12 nói: “Hãy chuyên lòng về sự khuyên-dạy, và lắng tai nghe các lời tri-thức”. Trong câu này, chữ “khuyên-dạy”, hoặc dạy dỗ về đạo đức, bao gồm cả tinh thần kỷ luật tự giác lẫn lời người khác khiển trách chúng ta. Muốn khuyên dạy như thế, một người phải có tri thức, hoặc phải biết sự sửa phạt nào là cần thiết và sửa phạt như thế nào. Vì thế, điều cần thiết là “tri-thức” phải đến từ nguồn đáng tin cậy.

Sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh là một nguồn chứa đựng những lời khôn ngoan. Những câu châm ngôn ghi trong đó “khiến cho người ta hiểu-biết sự khôn-ngoan và điều khuyên-dạy... để nhận-lãnh điều dạy-dỗ theo sự khôn-ngoan, sự công-bình, lý-đoán, và sự chánh-trực”. (Châm-ngôn 1:1-3) Chúng ta khôn ngoan “lắng tai nghe” những lời đó. Châm-ngôn chương 15 cho những lời khuyên đáng tin cậy về việc kiềm chế tính nóng giận, cách nói năng, và truyền đạt tri thức hoặc sự hiểu biết. Chúng ta hãy xem xét vài câu trong chương này.

Điều gì “làm nguôi cơn-giận”?

Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên xưa cho thấy lời nói có ảnh hưởng thế nào đến cơn giận hay cơn thạnh nộ: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận; còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm”. (Châm-ngôn 15:1) “Cơn-giận” là từ dùng để miêu tả một cảm xúc hoặc một phản ứng mạnh khi bực tức. “Thạnh-nộ” được định nghĩa là “nổi giận, giận dữ ghê gớm”. Làm thế nào câu châm ngôn này có thể giúp chúng ta đối phó với cơn giận của người khác cũng như kiềm chế cơn giận của chính mình?

Những lời khắc nghiệt làm người khác đau lòng và có thể làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn. Trái lại, lời đáp êm nhẹ thường làm nguôi cơn giận. Dù thế, dùng lời êm nhẹ để đáp lại người đang nóng giận không phải lúc nào cũng dễ. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm được nếu hiểu nguyên nhân khiến người đó nóng giận. Kinh Thánh nói: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận; và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm”. (Châm-ngôn 19:11) Phải chăng người đó nóng giận vì thiếu tự tin hay muốn được người khác để ý đến mình? Nguyên nhân thật sự khiến người đó nóng giận có thể không liên quan gì đến lời nói hoặc hành động của chúng ta. Có lúc chúng ta gặp người nóng giận trong thánh chức rao giảng, nhưng chẳng phải điều này thường xảy ra vì chủ nhà không hiểu rõ về niềm tin của chúng ta hoặc có quan niệm sai lầm về chúng ta hay sao? Chúng ta có nên nghĩ rằng người đó nổi giận với cá nhân mình để rồi đáp lại một cách cộc cằn không? Ngay cả khi không biết lý do, việc nói nặng lời với người đó cho thấy chúng ta không biết kiềm chế cảm xúc của mình. Chúng ta nên tránh có những phản ứng như thế.

Lời khuyên dùng “lời đáp êm- nhẹ” cũng rất quý báu trong việc giúp chúng ta kiềm chế tính nóng giận. Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên đó bằng cách tập bày tỏ cảm xúc của mình sao cho người nghe không cảm thấy khó chịu. Khi cư xử với những người trong gia đình, thay vì dùng những lời cay nghiệt hay mắng nhiếc, chúng ta có thể cố bình tĩnh bày tỏ cảm xúc. Những lời hung hăng thường khiêu khích người kia trả đũa lại. Khi từ tốn cho người khác biết cảm nghĩ của mình thì người đó không cảm thấy bị chỉ trích và người đó có thể sửa đổi.

“Lưỡi người khôn-ngoan truyền ra sự tri-thức cách phải”

Việc kiềm chế cảm xúc ảnh hưởng đến cách nói cũng như lời lẽ của chúng ta. Vua Sa-lô-môn nói: “Lưỡi người khôn-ngoan truyền ra sự tri-thức cách phải; nhưng miệng kẻ ngu-muội chỉ buông điều điên-cuồng”. (Châm-ngôn 15:2) Khi phát triển lòng ao ước giúp đỡ người khác và nói với họ về ý định của Đức Chúa Trời và những điều tuyệt vời mà Đức Chúa Trời ban cho, chẳng phải chúng ta đang “truyền ra sự tri-thức” một cách hữu ích hay sao? Kẻ ngu muội không làm điều này vì thiếu tri thức.

Trước khi hướng dẫn thêm về cách dùng miệng lưỡi, Sa-lô-môn đưa ra một ý tưởng tương phản đáng suy nghĩ. “Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, xem-xét kẻ gian-ác và người lương-thiện”. (Châm-ngôn 15:3) Chúng ta vui mừng về điều này vì Kinh Thánh cam đoan: “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. (2 Sử-ký 16:9) Đức Chúa Trời biết khi chúng ta làm điều lành. Ngài cũng để ý đến những người thực hành điều ác và buộc họ phải chịu trách nhiệm.

Sa-lô-môn còn nhấn mạnh giá trị của lưỡi êm dịu: “Lưỡi hiền-lành giống như một cây sự sống; song lưỡi gian-tà làm cho hư-nát tâm-thần”. (Châm-ngôn 15:4) Thành ngữ “cây sự sống” nói lên tính chất dinh dưỡng và chữa bệnh của cây. (Khải-huyền 22:2) Lời nói êm dịu, hiền lành của người khôn ngoan khiến người nghe được sảng khoái tinh thần. Lời nói này giúp người nghe dễ biểu lộ những đức tính tốt. Trái lại, lưỡi dối trá hoặc gian tà làm người nghe bị sầu não.

Nhận sự sửa phạt và “rải sự tri-thức ra”

Vị vua khôn ngoan nói tiếp: “Kẻ ngu-dại khinh sự khuyên-dạy của cha mình; còn ai giữ theo lời quở-trách trở nên khôn-khéo”. (Châm-ngôn 15:5) Làm thế nào một người “giữ theo lời quở trách” nếu không ai quở trách người đó? Chẳng phải câu Kinh Thánh này có ý nói rằng sự sửa phạt là cần thiết hay sao? Trong gia đình, cha mẹ, nhất là người cha, có trách nhiệm sửa phạt con cái, và con cái có bổn phận chấp nhận sự sửa phạt. (Ê-phê-sô 6:1-3) Tuy nhiên, tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va đều được sửa trị bằng cách này hoặc cách khác. Hê-bơ-rơ 12:6 nói: “Chúa sửa-phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt”. Cách chúng ta phản ứng trước sự sửa phạt cho thấy chúng ta khôn ngoan hay dại dột.

Sa-lô-môn đưa ra một sự tương phản khác và nói: “Môi người khôn-ngoan rải sự tri-thức ra; nhưng lòng kẻ ngu-muội chẳng làm như vậy”. (Châm-ngôn 15:7) Rải sự tri thức ra giống như rải hạt giống. Vào thời xưa, người nông dân không rải tất cả hạt giống vào một chỗ. Ông rải khắp thửa ruộng, nhưng mỗi lần rải, ông chỉ rải mỗi chỗ vài hạt. Công việc rải sự tri thức ra cũng vậy. Thí dụ, khi gặp một người trong lúc rao giảng, chúng ta nói liền một lúc tất cả những gì mình biết về Kinh Thánh là điều thiếu khôn ngoan. Thay vì làm thế, người khôn ngoan phải biết thận trọng trong lời nói, từ từ “rải” sự tri thức ra, dạy từng lẽ thật một, rồi dựa vào điều người nghe đã hiểu để dạy thêm điều mới và để ý xem người đó phản ứng ra sao. Đấng gương mẫu của chúng ta là Chúa Giê-su Christ đã làm vậy khi nói với người đàn bà Sa-ma-ri.—Giăng 4:7-26.

Truyền đạt tri thức bao hàm việc nói những điều để dạy dỗ và có ích cho người nghe. Cần suy nghĩ trước khi chỉ dẫn và khuyến khích người khác. Vì thế, “lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”. (Châm-ngôn 15:28) Điểm quan trọng là lời nói phải như những giọt mưa lất phất thấm dần xuống đất, giúp cây cối đâm bông kết trái, chứ không phải như cơn mưa lũ cuốn trôi mọi vật đi hết!

‘Thánh trong cách ăn ở’

Rải tri thức về Đức Giê-hô-va cùng với ý định của Ngài và dâng lên Ngài “bông-trái của môi-miếng” như là ‘của tế-lễ bằng lời ngợi-khen’ thì đó chắc chắn là đường lối khôn ngoan. (Hê-bơ-rơ 13:15) Tuy nhiên, để của tế lễ đó được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chúng ta phải “thánh trong mọi cách ăn-ở mình”. (1 Phi-e-rơ 1:14-16) Dùng hai câu đối nhau trong sách Châm-ngôn, Sa-lô-môn muốn chúng ta lưu ý đến lẽ thật tối quan trọng này. Ông nói: “Của tế-lễ kẻ gian-ác lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va; song lời cầu-nguyện của người ngay-thẳng được đẹp lòng Ngài. Đường-lối kẻ ác lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va; nhưng Ngài thương-mến người nào theo sự công-bình”.Châm-ngôn 15:8, 9.

Những người bỏ con đường sự sống nghĩ gì về việc quở trách và chuyện gì sẽ xảy ra cho họ? (Ma-thi-ơ 7:13, 14) “Hình-phạt nặng-nề dành cho kẻ bỏ chánh-lộ; và kẻ ghét lời quở-trách sẽ chết mất”. (Châm-ngôn 15:10) Thay vì nghe lời những anh có trách nhiệm trong hội thánh khuyên bảo để sửa đổi và thành thật ăn năn, một số người quyết định bỏ đường lối công bình và tiếp tục theo con đường sai trái. Thật dại dột biết bao!

Nếu một người bề ngoài có vẻ nghe lời khuyên bảo, nhưng trong lòng rất ghét lời khuyên đó thì sao? Điều này cũng thiếu khôn ngoan. Vị vua của Y-sơ-ra-ên nói: “Âm-phủ và chốn trầm-luân còn ở trước mặt Đức Giê-hô-va thay, phương chi lòng của con-cái loài người!” (Châm-ngôn 15:11) Theo nghĩa bóng, không nơi nào có thể xa Đức Chúa Trời hơn âm phủ, là nơi của người chết. Dù thế, nó vẫn ở trước mặt Ngài. Ngài biết lai lịch và tính tình của tất cả những người ở đó và Ngài có thể làm họ sống lại. (Thi-thiên 139:8; Giăng 5:28, 29) Biết được những gì trong lòng con người thật là điều dễ dàng biết bao đối với Đức Giê-hô-va! Sứ đồ Phao-lô viết: “[Mọi vật] đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”. (Hê-bơ-rơ 4:13) Những trò giả vờ có thể đánh lừa con người, nhưng không thể lừa Đức Chúa Trời được.

Người bác bỏ lời khuyên dạy không những ghét lời quở trách mà còn khinh rẻ người quở trách mình nữa. Sa-lô-môn nói: “Kẻ nhạo-báng không ưa người ta quở-trách mình”. Đưa ra một ý tưởng tương tự để đào sâu hơn, Sa-lô-môn nói thêm: “Hắn không muốn đến cùng người khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 15:12) Người đó khó có hy vọng đi được trong con đường ngay thẳng!

Quan điểm tích cực

Khi tra cứu chữ “lòng”, chúng ta thấy từ này có liên quan đến ba câu kế trong sách Châm-ngôn của Sa-lô-môn. Vị vua khôn ngoan miêu tả ảnh hưởng của cảm xúc thể hiện trên khuôn mặt: “Lòng khoái-lạc làm cho mặt mày vui-vẻ; nhưng tại lòng buồn-bã trí bèn bị nao-sờn”.Châm-ngôn 15:13.

Điều gì gây đau lòng? Kinh Thánh nói: “Sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn”. (Châm-ngôn 12:25) Làm thế nào chúng ta có thể tránh để những điều tiêu cực trong đời sống làm mình chán nản? Thay vì thường xuyên nghĩ đến những hoàn cảnh mà mình không thay đổi được, chúng ta có thể nghĩ đến những ân phước dồi dào về thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta hiện nay và những gì mà Ngài sẽ làm cho chúng ta trong tương lai. Làm thế sẽ giúp chúng ta đến gần Ngài hơn. Thật vậy, đến gần “Đức Chúa Trời hạnh-phước” sẽ giúp chúng ta vui vẻ, vơi đi những mối ưu phiền.—1 Ti-mô-thê 1:11.

Ngoài ra, thông điệp của Kinh Thánh là một nguồn vui và an ủi rất tốt. Người viết Thi-thiên nói rõ người có phước là người “lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm”. (Thi-thiên 1:1, 2) Ngay cả khi buồn khổ, chúng ta sẽ được khích lệ nếu đọc và suy ngẫm những điều trong Kinh Thánh. Hơn nữa, chúng ta còn có thánh chức mà Đức Chúa Trời giao phó. Chúng ta được cam đoan là ‘kẻ nào gieo giống mà rơi lệ, sẽ gặt-hái cách vui-mừng’.—Thi-thiên 126:5.

Sa-lô-môn nói: “Lòng người thông-sáng tìm-kiếm sự tri-thức; còn lỗ miệng kẻ ngu-muội nuôi lấy mình bằng sự điên-cuồng”. (Châm-ngôn 15:14) Câu châm ngôn này cho chúng ta thấy sự khác biệt rõ rệt giữa lời khuyên của người khôn ngoan và lời khuyên của người dại dột. Trước khi khuyên, người có lòng thông sáng tìm kiếm tri thức. Người đó chăm chú lắng nghe, hiểu đầy đủ mọi sự kiện, và tìm trong Kinh Thánh để biết chắc luật lệ cũng như nguyên tắc nào thích hợp với tình huống đó. Lời khuyên của người khôn ngoan hoàn toàn dựa vào Lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, người dại dột không tìm hiểu các sự kiện liên quan đến tình huống và ăn nói bộp chộp, thốt ra những lời thiếu suy nghĩ. Vậy, khi cần ý kiến, điều khôn ngoan là tìm đến những người thành thục và hiểu biết, thay vì đến gặp những người có khuynh hướng nói những điều thuận tai chúng ta. Đức Chúa Trời ban cho hội thánh đạo Đấng Christ “các ơn” dưới hình thức người, là những người “tìm-kiếm sự tri-thức” trước khi cho lời khuyên. Thật là một ân phước khi có những người này trong hội thánh!—Ê-phê-sô 4:8.

Câu châm ngôn kế tiếp nói rõ lợi ích khi có quan điểm tích cực. Vua của Y-sơ-ra-ên nói: “Các ngày kẻ bị hoạn-nạn đều là gian-hiểm; song lòng vui-mừng dự yến-tiệc luôn luôn”. (Châm-ngôn 15:15) Đời sống có lúc thăng trầm, vui buồn lẫn lộn. Nếu lúc nào cũng nghĩ đến những điều không hay, thì trong tâm tư chúng ta sẽ chỉ toàn là những điều buồn phiền, và đời sống sẽ chán chường. Tuy nhiên, nếu thường xuyên suy nghĩ về những ân phước và hy vọng mà Đức Chúa Trời ban cho cá nhân mình, thì những nỗi đau buồn của cuộc sống sẽ lu mờ đi, và chúng ta sẽ cảm thấy được niềm vui nội tâm. Quan điểm tích cực sẽ giúp chúng ta vui hưởng “yến-tiệc luôn luôn”.

Vậy, chúng ta hãy quyết tâm coi trọng sự khuyên dạy. Mong sao chúng ta để những lời khuyên dạy tác động không những đến cảm xúc, lời nói và hành động mà còn cả quan điểm của chúng ta.

[Hình nơi trang 13]

“Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận”

[Hình nơi trang 15]

Cha mẹ có trách nhiệm khuyên dạy con cái

[Hình nơi trang 15]

“Môi người khôn-ngoan rải sự tri-thức ra”