Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ sinh ra trong một dân tộc được Đức Chúa Trời chọn

Họ sinh ra trong một dân tộc được Đức Chúa Trời chọn

Họ sinh ra trong một dân tộc được Đức Chúa Trời chọn

“[Giê-hô-va Đức Chúa Trời] đã chọn ngươi... đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài”.—PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 7:6.

1, 2. Đức Giê-hô-va đã làm những điều phi thường nào vì dân tộc của Ngài, và dân Y-sơ-ra-ên đã có mối quan hệ nào với Đức Chúa Trời?

VÀO năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va cho các tôi tớ trên đất có mối quan hệ mới với Ngài. Vào năm ấy, Ngài hạ nhục một cường quốc thế giới và giải thoát dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vòng nô lệ. Khi làm thế, Ngài trở thành Đấng Giải Cứu và Chủ của họ. Trước khi hành động, Đức Chúa Trời phán với Môi-se: “Ngươi hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ta là Đức Giê-hô-va sẽ rút các ngươi khỏi gánh nặng mà người Ê-díp-tô đã gán cho, cùng giải-thoát khỏi vòng tôi-mọi; ta sẽ giơ thẳng tay ra, dùng sự đoán-phạt nặng mà chuộc các ngươi. Ta sẽ nhận các ngươi làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 6:6, 7; 15:1-7, 11.

2 Chẳng bao lâu sau khi ra khỏi nước Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên có mối quan hệ qua giao ước với Đức Chúa Trời của họ là Đức Giê-hô-va. Thay vì liên lạc với mỗi người, mỗi gia đình hoặc cả gia tộc, thì Đức Giê-hô-va liên lạc với cả một dân tộc được tổ chức ở trên đất. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6; 24:7) Ngài ban cho dân Ngài luật pháp để hướng dẫn đời sống thường ngày của họ, và quan trọng hơn nữa là hướng dẫn cách thờ phượng của họ. Môi-se nói với họ: “Há có dân lớn nào mà có các thần mình gần như chúng ta có Giê-hô-va Đức Chúa Trời gần chúng ta, mọi khi chúng ta cầu-khẩn Ngài chăng? Lại, há có nước lớn nào có những mạng-lịnh và luật-lệ công-bình như cả luật-pháp nầy, mà ngày nay ta đặt trước mặt các ngươi chăng?”—Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:7, 8.

Sinh ra trong một dân tộc làm chứng cho Đức Chúa Trời

3, 4. Dân tộc Y-sơ-ra-ên hiện hữu vì một lý do quan trọng nào?

3 Nhiều thế kỷ sau, qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về lý do quan trọng tại sao dân tộc ấy hiện hữu. Ê-sai nói: “Hỡi Gia-cốp! Đức Giê-hô-va là Đấng đã dựng nên ngươi, hỡi Y-sơ-ra-ên! Ngài là Đấng đã tạo-thành ngươi, phán như vầy: Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta. Vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, Cứu-Chúa ngươi... Hãy đem các con trai ta về từ nơi xa, đem các con gái ta về từ nơi đầu-cùng đất, tức là những kẻ xưng bằng tên ta, ta đã dựng nên họ vì vinh-quang ta; ta đã tạo-thành và đã làm nên họ. Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn... Ta đã làm nên dân nầy cho ta, nó sẽ hát khen-ngợi ta”.—Ê-sai 43:1, 3, 6, 7, 10, 21.

4 Là dân tộc mang danh Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên phải là những người làm chứng về quyền tối thượng của Ngài cho các dân tộc. Họ phải là một dân được ‘dựng nên vì vinh-quang của Đức Giê-hô-va’. Họ phải ‘hát khen-ngợi Đức Giê-hô-va’, kể lại những hành động giải cứu phi thường của Ngài, và qua đó làm vinh hiển danh Ngài. Tóm lại, họ phải là một dân tộc làm chứng cho Đức Giê-hô-va.

5. Y-sơ-ra-ên là một dân tộc thuộc về Đức Chúa Trời trong những khía cạnh nào?

5 Vào thế kỷ 11 TCN, Vua Sa-lô-môn nói rằng Đức Giê-hô-va đã phân cách dân Y-sơ-ra-ên với các dân khác. Qua lời cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, ông nói: “Chúa đã phân-cách họ khỏi các dân-tộc trên đất, để họ làm cơ-nghiệp Chúa”. (1 Các Vua 8:53) Mỗi người Y-sơ-ra-ên cũng có mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va. Trước đó, Môi-se bảo họ: “Các ngươi là con-cái Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi... Bởi ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:1, 2) Vì thế, những người trẻ Y-sơ-ra-ên không cần dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va. Khi sinh ra, họ là thành viên của một nước thuộc về Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 79:13; 95:7) Mỗi thế hệ mới đều được dạy về luật pháp Đức Giê-hô-va, và họ có bổn phận phải giữ luật ấy vì giao ước đã kết nối dân Y-sơ-ra-ên với Đức Giê-hô-va.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18, 19.

Tự ý chọn lựa

6. Mỗi người Y-sơ-ra-ên phải chọn làm gì?

6 Mặc dù dân Y-sơ-ra-ên sinh ra trong một nước được dâng hiến cho Đức Chúa Trời, nhưng cá nhân mỗi người phải tự quyết định phụng sự Ngài. Trước khi vào Đất Hứa, Môi-se nói với họ: “Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước-lành và sự rủa-sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống, thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu-mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu, đặng ngươi ở trên đất mà Đức Giê-hô-va đã thề ban cho các tổ-phụ ngươi, là Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20) Vì thế, mỗi người dân Y-sơ-ra-ên phải chọn thương mến Đức Giê-hô-va, nghe tiếng phán Ngài và tríu mến Ngài. Vì người Y-sơ-ra-ên có tự do ý chí, họ phải chịu trách nhiệm tùy sự lựa chọn của mình.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:16-18.

7. Điều gì đã xảy ra sau khi thế hệ của Giô-suê mất đi?

7 Thời kỳ của các Quan Xét cho chúng ta thấy rõ kết cuộc của sự trung thành và bất trung. Ngay trước thời kỳ đó, dân Y-sơ-ra-ên noi theo gương tốt của Giô-suê và họ được ban phước. “Dân-sự phục-sự Đức Giê-hô-va trong trọn đời Giô-suê và trọn đời các trưởng-lão còn sống lâu hơn Giô-suê, là những kẻ đã thấy các công-việc lớn-lao mà Đức Giê-hô-va đã làm ra vì Y-sơ-ra-ên”. Tuy nhiên, một thời gian sau khi Giô-suê qua đời, “một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhân vì Y-sơ-ra-ên. Bấy giờ dân Y-sơ-ra-ên làm ác trước mặt Đức Giê-hô-va”. (Các Quan Xét 2:7, 10, 11) Rất có thể thế hệ non nớt đó đã không quý trọng di sản được làm thành viên một dân tộc đã dâng hiến cho Đức Chúa Trời, và chính vì họ mà Ngài đã làm những điều phi thường trong quá khứ.—Thi-thiên 78:3-7, 10, 11.

Sống xứng đáng với sự dâng mình

8, 9. (a) Sự sắp đặt nào đã cho dân Y-sơ-ra-ên cơ hội chứng tỏ là họ dâng mình cho Đức Giê-hô-va? (b) Những người dâng lễ vật tự nguyện có được điều gì?

8 Đức Giê-hô-va cho dân Ngài cơ hội sống xứng đáng với sự dâng mình của cả một nước. Chẳng hạn, Luật Pháp của Ngài đưa ra một hệ thống dâng lễ vật, một số lễ vật là bắt buộc, còn một số khác thì tự nguyện. (Hê-bơ-rơ 8:3) Những lễ vật bao gồm của-lễ thiêu, của-lễ chay và của-lễ thù ân đều được dâng tự nguyện—dâng lên cho Đức Giê-hô-va để được Ngài ban ân huệ và để bày tỏ lòng cảm tạ Ngài.—Lê-vi Ký 7:11-13.

9 Những lễ vật tự nguyện ấy làm Đức Giê-hô-va đẹp lòng. Kinh Thánh nói rằng của-lễ thiêu và của-lễ chay “có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va”. (Lê-vi Ký 1:9; 2:2) Về của-lễ thù ân, huyết và mỡ của thú vật được dâng cho Đức Giê-hô-va, còn các phần thịt thì thầy tế lễ và người dâng cùng ăn với nhau. Do đó, bữa ăn ấy tượng trưng mối quan hệ hòa thuận với Đức Giê-hô-va. Luật Pháp ghi: “Khi các ngươi dâng của-lễ thù-ân cho Đức Giê-hô-va, thì phải dâng một cách cho được nhậm”. (Lê-vi Ký 19:5) Dù mọi người Y-sơ-ra-ên đã được dâng hiến cho Đức Giê-hô-va khi sinh ra trong dân tộc ấy, nhưng người nào thật sự chọn Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời của mình qua việc dâng lễ vật tự nguyện thì mới “dâng một cách cho được nhậm” và được ân phước dồi dào.—Ma-la-chi 3:10.

10. Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài phật lòng ra sao vào thời hai nhà tiên tri Ê-sai và Ma-la-chi?

10 Tuy nhiên, dù là một dân được dâng hiến cho Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên thường tỏ ra bất trung với Ngài. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va phán với họ: “Ngươi chẳng dùng chiên làm của-lễ thiêu dâng cho ta, chẳng dùng hi-sinh tôn-kính ta. Ta chẳng làm phiền ngươi mà khiến dâng lễ-vật”. (Ê-sai 43:23) Ngoài ra, dâng lễ vật một cách gượng ép và thiếu yêu thương thì không có giá trị gì dưới mắt Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, ba thế kỷ sau thời Ê-sai, vào thời nhà tiên tri Ma-la-chi, dân Y-sơ-ra-ên đã dâng những con vật bị thương tật. Vì vậy, Ma-la-chi nói với họ: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Ta chẳng lấy làm vui lòng nơi các ngươi, và ta chẳng nhận nơi tay các ngươi một của-dâng nào hết... Các ngươi đem đến vật bị cướp, vật què và đau, đó là của các ngươi đem dâng cho ta. Ta há có thể nhận vật nầy nơi tay các ngươi sao? Đức Giê-hô-va phán vậy”.—Ma-la-chi 1:10, 13; A-mốt 5:22.

Một dân đã dâng mình bị từ bỏ

11. Dân Y-sơ-ra-ên được ban cơ hội nào?

11 Vào lúc dân Y-sơ-ra-ên trở thành một nước dâng hiến cho Đức Giê-hô-va, Ngài hứa với họ: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế-gian đều thuộc về ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh cho ta”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6) Đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa từ trước sẽ đến ở giữa họ, cho họ cơ hội trước tiên để trở thành các thành viên của chính phủ Nước Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 22:17, 18; 49:10; 2 Sa-mu-ên 7:12, 16; Lu-ca 1:31-33; Rô-ma 9:4, 5) Nhưng phần lớn dân Y-sơ-ra-ên không sống xứng đáng với sự dâng mình của họ. (Ma-thi-ơ 22:14) Họ bác bỏ Đấng Mê-si và cuối cùng đã giết ngài.—Công-vụ 7:51-53.

12. Chúa Giê-su phán điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va từ bỏ Y-sơ-ra-ên là dân tộc đã dâng hiến cho Ngài?

12 Vài ngày trước khi chết, Chúa Giê-su phán với những người lãnh đạo Do Thái Giáo: “Các ngươi há chưa hề đọc lời trong Kinh-thánh: Hòn đá đã bị người xây nhà bỏ ra, trở nên đá đầu góc nhà; ấy là việc Chúa làm, và là một sự lạ trước mắt chúng ta, hay sao? Bởi vậy, ta phán cùng các ngươi, nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó”. (Ma-thi-ơ 21:42, 43) Để cho thấy Đức Giê-hô-va đã từ bỏ họ, không xem họ là dân tộc được hiến dâng cho Ngài, Chúa Giê-su phán: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên-tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!”—Ma-thi-ơ 23:37, 38.

Một dân tộc mới, dâng hiến cho Đức Chúa Trời

13. Đức Giê-hô-va phán lời tiên tri nào trong thời Giê-rê-mi?

13 Vào thời nhà tiên tri Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va báo trước một điều mới, có liên quan đến dân Ngài. Chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao-ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa. Giao-ước nầy sẽ không theo giao-ước mà ta đã kết với tổ-phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao-ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng chúng nó, Đức Giê-hô-va phán vậy. Đức Giê-hô-va phán: Nầy là giao-ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta”.—Giê-rê-mi 31:31-33.

14. Khi nào và dựa trên cơ sở nào dân tộc mới của Đức Giê-hô-va hiện hữu? Hãy cho biết về dân tộc mới đó.

14 Cơ sở cho giao ước mới đã được lập khi Chúa Giê-su chết, và sau đó ngài đệ trình cho Cha giá trị của huyết ngài đã đổ ra, vào năm 33 CN. (Lu-ca 22:20; Hê-bơ-rơ 9:15, 24-26) Tuy nhiên, giao ước mới bắt đầu có hiệu lực khi thánh linh đổ ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN và sự hình thành của một dân tộc mới, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16; Rô-ma 2:28, 29; 9:6; 11:25, 26) Viết cho những tín đồ được xức dầu, sứ đồ Phi-e-rơ tuyên bố: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhân-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài; anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:9, 10) Mối quan hệ đặc biệt giữa Đức Giê-hô-va và dân Y-sơ-ra-ên trên đất đã chấm dứt. Vào năm 33 CN, Đức Giê-hô-va chuyển ân huệ mà Ngài ban cho Y-sơ-ra-ên trên đất sang cho Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, tức hội thánh Đấng Christ, là ‘dân có kết-quả’ của Nước thuộc Đấng Mê-si.—Ma-thi-ơ 21:43.

Mỗi người tự dâng mình

15. Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Phi-e-rơ khuyên giục người nghe làm phép báp têm nào?

15 Sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, mỗi người Do Thái hoặc Dân Ngoại phải tự dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp têm ‘nhân danh Cha, Con, và Thánh-Linh’. * (Ma-thi-ơ 28:19) Vào Lễ Ngũ Tuần, sứ đồ Phi-e-rơ nói với người Do Thái và người cải đạo Do Thái: “Hãy hối-cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban-cho Đức Thánh-Linh”. (Công-vụ 2:38) Qua việc báp têm, người Do Thái và người cải đạo Do Thái phải chứng tỏ rằng họ không những dâng mình cho Đức Giê-hô-va mà còn phải chấp nhận Chúa Giê-su là đấng mà Đức Giê-hô-va đã sắp đặt để họ được tha tội. Họ phải thừa nhận ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đức Giê-hô-va và là Đấng lãnh đạo họ, Đầu của hội thánh Đấng Christ.—Cô-lô-se 1:13, 14, 18.

16. Vào thời Phao-lô, những người có lòng hướng thiện—cả Do Thái lẫn Dân Ngoại—trở thành những thành viên của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng bằng cách nào?

16 Nhiều năm sau, sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi khuyên-dỗ người thành Đa-mách, kế đến người thành Giê-ru-sa-lem và cả xứ Giu-đê, rồi đến các dân ngoại rằng phải ăn-năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời, làm công-việc xứng-đáng với sự ăn-năn”. (Công-vụ 26:20) Sau khi thuyết phục dân chúng—cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại—rằng Chúa Giê-su là Đấng Christ, tức Đấng Mê-si, Phao-lô giúp họ tiến đến việc dâng mình và làm báp têm. (Công-vụ 16:14, 15, 31-33; 17:3, 4; 18:8) Bằng cách quay về với Đức Chúa Trời, các môn đồ mới ấy trở thành những thành viên của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng.

17. Công việc đóng ấn nào sắp chấm dứt, và công việc nào đang gấp rút tiến hành?

17 Ngày nay, sắp có sự đóng ấn cuối cùng của số người còn sót lại thuộc Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Khi việc này hoàn tất, “bốn vị thiên-sứ” sẽ được phép thả ra những cơn gió hủy diệt của “cơn đại-nạn” mà họ hiện đang cầm lại. Trong thời gian này, việc thu nhóm đám đông “vô-số người” có hy vọng sống đời đời trên đất đang gấp rút tiến hành. Những “chiên khác” này tự nguyện thực hành đức tin nơi “huyết Chiên Con” và làm báp têm biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 7:1-4, 9-15; 22:17; Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 28:19, 20) Trong số đó có nhiều người trẻ được cha mẹ theo đạo Đấng Christ nuôi dạy. Nếu ở trong số người trẻ đó, bạn sẽ thích đọc bài kế tiếp.

[Chú thích]

Để ôn lại

• Tại sao những người trẻ Y-sơ-ra-ên không phải tự dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

• Bằng cách nào dân Y-sơ-ra-ên có thể chứng tỏ họ sống xứng đáng với sự dâng mình?

• Tại sao Đức Giê-hô-va từ bỏ Y-sơ-ra-ên, một dân tộc đã dâng hiến cho Ngài, và Ngài thay thế họ bằng dân nào?

• Kể từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN trở đi, cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại phải làm gì để trở thành những thành viên của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Những người trẻ Y-sơ-ra-ên khi sinh ra đã thuộc một dân tộc được Đức Chúa Trời chọn

[Hình nơi trang 23]

Mỗi người Y-sơ-ra-ên phải tự quyết định phụng sự Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 23]

Khi tự nguyện dâng lễ vật, người Y-sơ-ra-ên có cơ hội chứng tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 25]

Sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, môn đồ của Đấng Christ phải tự dâng mình cho Đức Chúa Trời và biểu trưng điều này bằng cách làm báp têm