Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va cứu người hoạn nạn

Đức Giê-hô-va cứu người hoạn nạn

Đức Giê-hô-va cứu người hoạn nạn

“Người công-bình bị nhiều tai-họa, nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết”.—THI-THIÊN 34:19.

1, 2. Một tín đồ trung thành đã gặp vấn đề nào, và tại sao có thể chúng ta cũng có cảm giác tương tự?

MỘT phụ nữ trẻ tên Keiko * là một Nhân Chứng Giê-hô-va đã hơn 20 năm. Có một thời gian, chị làm tiên phong đều đều, tức người công bố về Nước Trời trọn thời gian. Chị hết lòng quý trọng đặc ân ấy. Tuy nhiên, cách đây không lâu, chị bắt đầu cảm thấy hết sức tuyệt vọng và cô độc. Chị nói: “Tôi chỉ biết khóc thôi”. Để loại đi lối suy nghĩ tiêu cực, chị Keiko dành thêm thì giờ học hỏi cá nhân. Chị tâm sự: “Nhưng tôi vẫn không thể thay đổi được tình trạng của mình. Tôi chán nản đến độ chỉ muốn chết”.

2 Bạn có ở trong tâm trạng tuyệt vọng giống như thế không? Là một Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn có nhiều lý do để vui mừng vì sự tin kính đem lại cho bạn “lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa”. (1 Ti-mô-thê 4:8) Hiện tại, bạn đang ở trong địa đàng thiêng liêng! Nhưng như thế có nghĩa là bạn được che chở khỏi mọi hoạn nạn không? Hoàn toàn không! Kinh Thánh nói: “Người công-bình bị nhiều tai-họa”. (Thi-thiên 34:19) Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Mỗi người trong chúng ta không nhiều thì ít đều phải trải qua thực tại ấy.—Ê-phê-sô 6:12.

Hậu quả của hoạn nạn

3. Hãy nêu những trường hợp trong Kinh Thánh cho thấy tôi tớ Đức Chúa Trời đã chịu đựng nỗi đau khổ cùng cực.

3 Nỗi đau buồn kéo dài có thể làm chúng ta có cái nhìn tiêu cực: “Người buồn, ngày nào cũng xấu”. (Châm-ngôn 15:15, Trịnh Văn Căn) Hãy xem xét trường hợp của Gióp, một người ngay thẳng. Trong lúc chịu đựng sự thử thách khủng khiếp, ông nói: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy-dẫy sự khốn-khổ”. (Gióp 14:1) Niềm vui của Gióp đã tan biến. Có lúc ông còn nghĩ là Đức Giê-hô-va đã từ bỏ ông. (Gióp 29:1-5) Gióp không phải là một tôi tớ duy nhất của Đức Chúa Trời chịu nỗi đau đớn cùng cực. Kinh Thánh cho chúng ta biết An-ne đã “sầu-khổ trong lòng” bởi vì hiếm muộn không con. (1 Sa-mu-ên 1:9-11) Buồn khổ vì hoàn cảnh gia đình, Rê-bê-ca đã nói: “Tôi đã chán, không muốn sống nữa”. (Sáng-thế Ký 27:46) Khi nghĩ lại lỗi lầm mình, Đa-vít nói: “Trọn ngày tôi đi buồn-thảm”. (Thi-thiên 38:6) Vài trường hợp này cho thấy rõ những người kính sợ Đức Chúa Trời trước thời Đấng Christ đã chịu đựng những giai đoạn đau khổ cùng cực.

4. Trong vòng tín đồ Đấng Christ ngày nay, tại sao có ‘những người ngã lòng’ không phải là điều đáng ngạc nhiên?

4 Còn các tín đồ Đấng Christ thì sao? Sứ đồ Phao-lô thấy cần phải bảo các anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca “yên-ủi những kẻ ngã lòng”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Một tài liệu tham khảo cho biết từ Hy Lạp được dịch là “những kẻ ngã lòng” có thể nói đến những người “tạm thời bị căng thẳng do áp lực của đời sống”. Khi viết những lời trên, Phao-lô ám chỉ đến một số người được xức dầu bằng thánh linh trong hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca đã bị ngã lòng. Ngày nay trong vòng tín đồ Đấng Christ cũng có những người ngã lòng. Nhưng tại sao họ lại chán nản? Chúng ta hãy xem ba nguyên nhân thường thấy.

Sự bất toàn có thể làm chúng ta nản lòng

5, 6. Chúng ta có thể tìm được niềm an ủi nào qua Rô-ma 7:22-25?

5 Không giống những người bại hoại luân lý và “mất cả sự cảm-biết”, tín đồ thật của Đấng Christ buồn khổ vì tình trạng bất toàn của họ. (Ê-phê-sô 4:19) Họ cảm thấy như Phao-lô, người đã viết: “Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật-pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm-biết trong chi-thể mình có một luật khác giao-chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu-tù cho luật của tội-lỗi, tức là luật ở trong chi-thể tôi vậy”. Rồi Phao-lô thốt lên: “Khốn-nạn cho tôi!”—Rô-ma 7:22-24.

6 Bạn có từng cảm thấy như Phao-lô không? Nhận thức rõ về sự bất toàn của mình có thể giúp bạn khắc sâu vào tâm trí mức độ trầm trọng của tội lỗi và củng cố lòng quyết tâm tránh làm điều xấu. Nhưng bạn không cần phải cứ đau khổ mãi về những thiếu sót của mình. Sau những lời vừa trích trên, Phao-lô thêm: “Cảm-tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta!” (Rô-ma 7:25) Thật vậy, Phao-lô tin rằng huyết mà Chúa Giê-su đã đổ ra có thể chuộc ông khỏi tội lỗi di truyền.—Rô-ma 5:18.

7. Điều gì có thể giúp một người không bị đau buồn vì khuynh hướng tội lỗi của mình?

7 Nếu bạn cảm thấy quá đau buồn vì bản chất tội lỗi của mình, hãy tìm sự an ủi nơi lời sau đây của sứ đồ Giăng. Ông viết: “Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus-Christ, tức là Đấng công-bình. Ấy chính Ngài làm của-lễ chuộc tội-lỗi chúng ta, không những vì tội-lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội-lỗi cả thế-gian nữa”. (1 Giăng 2:1, 2) Nếu bạn đau buồn vì khuynh hướng tội lỗi của mình, hãy luôn nhớ rằng Chúa Giê-su chết cho những người có tội, chứ không phải cho những người hoàn toàn. Quả thật, “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 3:23.

8, 9. Tại sao chúng ta nên bác bỏ tư tưởng tự lên án?

8 Tuy nhiên, giả sử trước đây bạn từng phạm một tội trọng. Chắc chắn bạn đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va rồi, và có lẽ khá thường xuyên nữa. Bạn được các trưởng lão giúp đỡ về thiêng liêng. (Gia-cơ 5:14, 15) Bạn đã thật sự ăn năn, vì vậy bạn vẫn còn ở trong hội thánh. Hoặc có lẽ bạn bỏ tổ chức Đức Chúa Trời ít lâu, nhưng sau đó đã ăn năn và được phục hồi vị thế trong sạch. Dù trong trường hợp nào đi nữa, có thể bạn nhớ lại tội lỗi quá khứ và cảm thấy đau buồn. Nếu thế thì hãy nhớ rằng những người thật sự ăn năn được Đức Giê-hô-va tha thứ một cách “dồi-dào”. (Ê-sai 55:7) Hơn nữa, Ngài không muốn bạn cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng ngược lại, đây là điều Sa-tan muốn. (2 Cô-rinh-tô 2:7, 10, 11) Ma-quỉ sẽ bị tiêu diệt vì hắn đáng bị hủy diệt, và hắn muốn chính bạn cảm thấy mình cũng đáng bị hình phạt ấy. (Khải-huyền 20:10) Chớ để Sa-tan thực hiện mưu kế nhằm hủy phá đức tin của bạn. (Ê-phê-sô 6:11) Thay vì vậy, hãy ‘đứng vững mà chống-cự’ hắn về phương diện này, như bạn đã kháng cự hắn trong những phương diện khác.—1 Phi-e-rơ 5:9.

9 Nơi Khải-huyền 12:10, Sa-tan được gọi là “kẻ kiện-cáo anh em chúng ta”, tức các tín đồ được xức dầu. Hắn ‘ngày đêm kiện-cáo họ’ trước mặt Đức Chúa Trời. Ngẫm nghĩ lại câu này có thể giúp bạn thấy rằng Sa-tan, kẻ cáo gian, sẽ thích thú nếu bạn tự lên án mình, dù chính Đức Giê-hô-va không lên án bạn. (1 Giăng 3:19-22) Tại sao bạn cứ khổ sở về những lỗi lầm của mình đến độ muốn bỏ cuộc? Đừng để Sa-tan phá hủy mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời. Chớ bao giờ để Ma-quỉ che mắt, làm bạn không thấy được Đức Giê-hô-va là Đấng “nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6.

Những giới hạn có thể làm chúng ta nản lòng

10. Những giới hạn có thể làm chúng ta nản lòng như thế nào?

10 Một số tín đồ Đấng Christ nản lòng vì những giới hạn của họ ảnh hưởng đến việc họ phụng sự Đức Chúa Trời. Đây có phải là trường hợp của bạn không? Có thể là bệnh nặng, tuổi cao, hoặc những hoàn cảnh khác khiến bạn không dành được nhiều giờ rao giảng như trước nữa. Đành rằng tín đồ Đấng Christ được khuyến khích lợi dụng thì giờ để làm công việc của Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Nhưng nếu những giới hạn thật sự ngăn cản bạn tham gia nhiều hơn trong thánh chức và là nguyên nhân khiến bạn nản lòng thì sao?

11. Chúng ta nhận được lợi ích nào từ lời khuyên của Phao-lô ghi nơi Ga-la-ti 6:4?

11 Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên lờ phờ, trễ nải, nhưng phải “học-đòi những kẻ bởi đức-tin và lòng nhịn-nhục mà được hưởng lời hứa”. (Hê-bơ-rơ 6:12) Chúng ta có thể làm được điều này nếu xem xét các gương mẫu tốt và tìm cách noi theo đức tin của họ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không được lợi gì khi so sánh một cách tiêu cực về mình với người khác, và kết luận rằng chúng ta không làm được việc gì tốt cả. Do đó, chúng ta nên áp dụng lời khuyên của Phao-lô: “Mỗi người phải thử-xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác”.—Ga-la-ti 6:4.

12. Tại sao chúng ta có thể vui mừng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

12 Tín đồ Đấng Christ có lý do chính đáng để vui mừng, dù họ bị giới hạn vì vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Kinh Thánh cam đoan với chúng ta: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”. (Hê-bơ-rơ 6:10) Có thể hoàn cảnh ngoài ý muốn làm bạn khó giữ được mức độ hoạt động như trước. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, bạn có thể làm được nhiều hơn trong khía cạnh khác của thánh chức, chẳng hạn như làm chứng bằng thư và qua điện thoại. Bạn có thể tin chắc Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho nỗ lực phụng sự hết mình và tình yêu thương mà bạn dành cho Ngài và người đồng loại.—Ma-thi-ơ 22:36-40.

“Những thời-kỳ khó-khăn” làm chúng ta hao mòn

13, 14. (a) “Những thời-kỳ khó-khăn” này có thể khiến chúng ta khổ sở như thế nào? (b) Ngày nay, sự thiếu tình thương tự nhiên được thấy rõ như thế nào?

13 Dù chúng ta trông mong đến ngày được sống trong thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời, nhưng hiện nay chúng ta đang sống trong “những thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Chúng ta được an ủi khi biết rằng những điều gây đau buồn này là bằng chứng cho thấy rõ rằng sự giải cứu của chúng ta gần đến. Thế nhưng chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi những tình trạng chung quanh. Chẳng hạn, nếu bạn bị thất nghiệp thì sao? Việc làm có thể khan hiếm, và ngày tháng trôi qua, bạn tự hỏi không biết Đức Giê-hô-va có thấy cảnh ngộ khốn khó hay nghe lời cầu nguyện của bạn không. Hoặc có lẽ bạn trở thành nạn nhân của sự kỳ thị hay bất công nào đó. Ngay cả đọc qua những hàng tít trên báo cũng có thể làm bạn cảm thấy như người công bình Lót, ông đã “quá lo” (“hao mòn”, theo Young’s Literal Translation of the Holy Bible) vì cách ăn ở vô đạo đức của những người chung quanh.—2 Phi-e-rơ 2:7.

14 Có một khía cạnh đặc biệt về những ngày sau rốt mà chúng ta không thể bỏ qua. Kinh Thánh báo trước sẽ có nhiều người “vô-tình”, tức thiếu tình thương tự nhiên. (2 Ti-mô-thê 3:3) Nhiều gia đình rất thiếu tình cảm ruột thịt. Quả thật, theo sách nói về nạn bạo hành trong gia đình (Family Violence): “Bằng chứng cho thấy rằng người ta dễ bị giết, đánh đập hay là lạm dụng tình cảm hoặc tình dục bởi người nhà hơn người ngoài... Đối với một số người lớn và trẻ em, nơi mà người ta đáng lẽ được yêu thương và cảm thấy an toàn lại là nơi nguy hiểm nhất”. Những người sinh trưởng trong một môi trường gia đình không lành mạnh thì những năm về sau có thể sẽ trải qua những cơn lo lắng và tuyệt vọng. Nếu đây là trường hợp của bạn thì sao?

15. Tình thương của Đức Giê-hô-va cao cả hơn của con người như thế nào?

15 Người viết Thi-thiên là Đa-vít đã hát: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp-nhận tôi”. (Thi-thiên 27:10) Thật an ủi khi biết rằng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va cao cả hơn tình thương của cha mẹ! Dù đau đớn vì bị cha mẹ hất hủi, bạc đãi, hay bỏ rơi, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tình yêu thương và lòng quan tâm mà Đức Giê-hô-va dành cho bạn. (Rô-ma 8:38, 39) Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời “kéo” những người Ngài yêu đến gần Ngài. (Giăng 3:16; 6:44) Bất kể bạn bị người ta đối xử như thế nào đi nữa, bạn cũng được Cha trên trời yêu thương!

Những biện pháp thực tế giúp làm giảm sự nản lòng

16, 17. Khi cảm thấy chán nản, một người có thể làm gì để duy trì sức mạnh thiêng liêng?

16 Bạn có thể dùng những biện pháp thực tế để đối phó với sự nản lòng. Chẳng hạn như theo một chương trình hoạt động lành mạnh của tín đồ Đấng Christ. Suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, nhất là trong những lúc vô cùng chán nản. Người viết Thi-thiên đã hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, khi tôi nói: Chân tôi trượt, thì sự nhân-từ Ngài nâng-đỡ tôi. Khi tư-tưởng bộn-bề trong lòng tôi, thì sự an-ủi Ngài làm vui-vẻ linh-hồn tôi”. (Thi-thiên 94:18, 19) Đọc Kinh Thánh đều đặn sẽ giúp tâm trí bạn tràn đầy những lời an ủi và ý tưởng khích lệ.

17 Việc cầu nguyện cũng rất cần yếu. Ngay cả khi bạn không thể bày tỏ cảm xúc sâu kín bằng lời nói, Đức Giê-hô-va biết bạn đang muốn nói gì. (Rô-ma 8:26, 27) Người viết Thi-thiên đưa ra lời cam đoan này: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”.—Thi-thiên 55:22.

18. Những người nản lòng có thể dùng những biện pháp thực tế nào?

18 Một số người chán nản vì mang bệnh trầm cảm lâm sàng. * Nếu bạn ở trong trường hợp này, hãy cố tập trung tư tưởng vào hệ thống mới của Đức Chúa Trời và vào thời kỳ mà “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. (Ê-sai 33:24) Nếu dường như bạn thường có cảm xúc tiêu cực, chứ không phải đôi lúc buồn chán rồi thôi, thì điều khôn ngoan là nên tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia. (Ma-thi-ơ 9:12) Chăm sóc sức khỏe thể chất của chính mình cũng là điều quan trọng. Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục có thể đem lợi ích cho bạn. Phải cần nghỉ ngơi đầy đủ. Đừng thức khuya xem ti-vi, và tránh những hình thức giải trí làm bạn mệt mỏi về thể chất và tình cảm. Quan trọng hơn cả là hãy tiếp tục tham gia những công việc làm Đức Chúa Trời vui lòng! Dù chưa đến lúc Đức Giê-hô-va “lau ráo hết nước mắt”, nhưng Ngài sẽ giúp bạn chịu đựng.—Khải-huyền 21:4; 1 Cô-rinh-tô 10:13.

Sống “dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời”

19. Đức Giê-hô-va hứa gì với những người đang đau khổ?

19 Kinh Thánh cam đoan với chúng ta rằng dù người công bình gặp nhiều tai họa nhưng “Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết”. (Thi-thiên 34:19) Đức Chúa Trời cứu bằng cách nào? Khi sứ đồ Phao-lô nhiều lần cầu nguyện xin được thoát khỏi “cái giằm xóc vào thịt”, Đức Giê-hô-va bảo ông: “Sức-mạnh của ta nên trọn-vẹn trong sự yếu-đuối”. (2 Cô-rinh-tô 12:7-9) Đức Giê-hô-va hứa gì với Phao-lô và Ngài hứa gì với bạn? Ngài không hứa chữa lành chúng ta trong thời kỳ này, nhưng hứa cho chúng ta sức để chịu đựng.

20. Dù gặp thử thách, chúng ta được cam đoan điều gì nơi 1 Phi-e-rơ 5:6, 7?

20 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên; lại hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em”. (1 Phi-e-rơ 5:6, 7) Vì Đức Giê-hô-va quan tâm đến bạn, Ngài sẽ không bỏ bạn. Ngài sẽ nâng đỡ bạn dù bạn gặp thử thách khó khăn. Hãy nhớ rằng tín đồ Đấng Christ trung thành ở “dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời”. Trong lúc chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va, Ngài cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Nếu chúng ta trung thành với Ngài, không điều gì có thể vĩnh viễn làm hại chúng ta về thiêng liêng. Vì vậy, mong rằng chúng ta giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va hầu được sống đời đời trong thế giới mới mà Ngài đã hứa, và thấy được ngày mà Ngài sẽ giải cứu vĩnh viễn những người khốn khổ!

[Chú thích]

^ đ. 1 Tên đã được đổi.

^ đ. 18 Bệnh trầm cảm lâm sàng không chỉ là sự nản lòng, mà được chẩn đoán là tình trạng buồn nản cực độ và dai dẳng. Muốn biết thêm chi tiết, xin xem Tháp Canh ngày 15-10-1988 (Anh ngữ), trang 25-29; ngày 15-11-1988 (Anh ngữ), trang 21-24; và ngày 1-9-1996 trang 30, 31.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao ngay cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va cũng gặp đau khổ?

• Những yếu tố nào có thể khiến một số tôi tớ của Đức Chúa Trời cảm thấy chán nản?

• Đức Giê-hô-va giúp chúng ta bằng cách nào để đối phó với sự lo âu?

• Bằng cách nào chúng ta ở “dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 25]

Dù gặp thử thách, dân Đức Giê-hô-va có lý do để vui mừng

[Hình nơi trang 28]

Làm chứng bằng điện thoại là một cách cho thấy chúng ta hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va