Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chú trọng đến sự tốt lành của tổ chức Đức Giê-hô-va

Chú trọng đến sự tốt lành của tổ chức Đức Giê-hô-va

Chú trọng đến sự tốt lành của tổ chức Đức Giê-hô-va

“Chúng tôi sẽ được no-nê vật tốt-lành của nhà Chúa”.—THI-THIÊN 65:4.

1, 2. (a) Những sắp đặt về đền thờ sẽ ảnh hưởng thế nào đến dân sự Đức Chúa Trời? (b) Đa-vít cung cấp những gì cho công trình xây cất đền thờ?

ĐA-VÍT của xứ Y-sơ-ra-ên xưa là một trong những người nổi bật nhất được nói đến trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Là người chăn chiên, nhạc sĩ, tiên tri và một vị vua, ông hoàn toàn tin cậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vì có mối quan hệ gắn bó với Đức Giê-hô-va, Đa-vít ao ước xây nhà cho Ngài. Nhà đó, tức đền thờ, sẽ trở thành trung tâm của sự thờ phượng thật ở Y-sơ-ra-ên. Đa-vít biết rằng những sắp đặt liên quan đến đền thờ sẽ mang lại niềm vui và ân phước cho dân Đức Chúa Trời. Vì thế ông hát: “Phước thay cho người mà Chúa đã chọn và khiến đến gần, đặng ở nơi hành-lang Chúa: Chúng tôi sẽ được no-nê vật tốt-lành của nhà Chúa, là đền thánh của Ngài”.—Thi-thiên 65:4.

2 Đa-vít không được phép giám sát công việc xây dựng nhà Đức Giê-hô-va. Đặc ân đó dành cho con trai ông là Sa-lô-môn. Đa-vít không lằm bằm than trách vì người khác được ban cho đặc ân mà chính ông từng thiết tha ao ước. Đối với ông, điều quan trọng nhất là việc xây cất đền thờ được hoàn tất. Ông hết lòng ủng hộ công trình xây cất bằng cách trao cho Sa-lô-môn sơ đồ kiến trúc mà ông đã nhận được từ Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, Đa-vít còn tổ chức, chia hàng ngàn người Lê-vi thành nhiều nhóm, tùy theo chức việc, và dâng một số lượng vàng bạc lớn cho việc xây cất đền thờ.—1 Sử-ký 17:1, 4, 11, 12; 23:3-6; 28:11, 12; 29:1-5.

3. Tôi tớ Đức Chúa Trời có thái độ nào đối với các sắp đặt về sự thờ phượng thật?

3 Những người Y-sơ-ra-ên trung thành ủng hộ các sắp đặt về sự thờ phượng thật nơi nhà Đức Chúa Trời. Ngày nay, là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng ủng hộ những sắp đặt thờ phượng trong tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va. Do đó, chúng ta có cùng thái độ như Đa-vít, đó là không phàn nàn. Thay vì thế, chúng ta chú trọng đến sự tốt lành của tổ chức Đức Chúa Trời. Bạn có nghĩ đến nhiều điều tốt lành mà chúng ta có thể thật sự biết ơn không? Chúng ta hãy xem xét một số điều này.

Biết ơn về những người dẫn đầu

4, 5. (a) “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” thực hiện sứ mệnh của họ như thế nào? (b) Một số Nhân Chứng nghĩ gì về thức ăn thiêng liêng mà họ nhận được?

4 Chúng ta có lý do chính đáng để biết ơn về “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, do Chúa Giê-su bổ nhiệm nhằm coi sóc gia tài của ngài trên đất. Lớp người đầy tớ này gồm các tín đồ được xức dầu bằng thánh linh. Họ dẫn đầu trong việc rao giảng tin mừng, sắp xếp các buổi họp để thờ phượng, và xuất bản các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong hơn 400 ngôn ngữ. Với lòng biết ơn, hàng triệu người trên khắp đất tiếp nhận “đồ-ăn [thiêng liêng] đúng giờ” này. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Chắc chắn không có lý do gì để lằm bằm về điều này.

5 Qua nhiều năm, chị Elfi, một Nhân Chứng Giê-hô-va lớn tuổi, đã được an ủi và giúp đỡ khi áp dụng lời khuyên theo Kinh Thánh, được trình bày trong các ấn phẩm của lớp người đầy tớ. Với lòng cảm kích sâu sắc, chị viết: “Tôi chẳng biết làm gì nếu không có tổ chức Đức Giê-hô-va”. Anh Peter và chị Irmgard cũng là tôi tớ Đức Chúa Trời trong nhiều thập niên. Chị Irmgard bày tỏ lòng biết ơn về tất cả những ấn phẩm do “tổ chức chu đáo và đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va” cung cấp. Trong số đó có những ấn phẩm dành riêng cho những người có nhu cầu đặc biệt, như khiếm thị hay khiếm thính.

6, 7. (a) Hoạt động của các hội thánh trên khắp đất được giám sát như thế nào? (b) Một số người bày tỏ cảm nghĩ nào về tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va?

6 Lớp “đầy-tớ trung-tín” này được đại diện bởi Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, là một nhóm nhỏ gồm những anh được xức dầu bằng thánh linh, phục vụ tại trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York. Hội Đồng Lãnh Đạo này bổ nhiệm những tôi tớ có kinh nghiệm của Đức Giê-hô-va để làm việc tại các văn phòng chi nhánh, là nơi giám sát các hoạt động của hơn 98.000 hội thánh trên khắp đất. Những anh hội đủ điều kiện ghi trong Kinh Thánh được bổ nhiệm làm trưởng lão và tôi tớ thánh chức trong các hội thánh này. (1 Ti-mô-thê 3:1-9, 12, 13) Các trưởng lão dẫn đầu và ân cần chăn bầy mà Đức Chúa Trời giao phó cho họ. Thật là một ân phước được thuộc về bầy chiên đó và cảm nghiệm tình yêu thương cùng sự hợp nhất trong đoàn thể anh em!—1 Phi-e-rơ 2:17; 5:2, 3.

7 Chẳng những không phàn nàn, các anh em thường bày tỏ lòng biết ơn về sự hướng dẫn thiêng liêng đầy yêu thương của các trưởng lão. Thí dụ, hãy xem trường hợp chị Birgit, một người vợ theo đạo Đấng Christ, tuổi ngoài 30. Thời niên thiếu, chị chơi với bạn xấu và suýt nữa phạm tội. Nhưng lời khuyên rõ ràng, dựa trên Kinh Thánh của trưởng lão và sự giúp đỡ của anh em đồng đạo đã giúp chị thoát khỏi tình huống tai hại. Giờ đây chị Birgit cảm thấy thế nào? Chị nói: “Tôi hết sức biết ơn là tôi vẫn thuộc về tổ chức tuyệt vời của Đức Giê-hô-va”. Một em 17 tuổi tên Andreas nói: “Đây quả là tổ chức của Đức Giê-hô-va, tổ chức tốt nhất thế giới”. Chẳng phải chúng ta cũng nên biết ơn về sự tốt lành của tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va hay sao?

Những người dẫn đầu đều bất toàn

8, 9. Một số người cùng thời với Đa-vít đã hành động như thế nào, và Đa-vít phản ứng ra sao?

8 Tất nhiên, những người được bổ nhiệm để dẫn đầu trong sự thờ phượng thật đều bất toàn. Tất cả đều lầm lỗi, và một số anh có những nhược điểm lâu ngày mà họ phải cố gắng rất nhiều để kiềm chế. Chúng ta có nên bực bội khó chịu vì điều này không? Không. Ngay cả một số người được giao phó trọng trách ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa cũng đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng. Chẳng hạn, lúc còn trẻ, Đa-vít được gọi đến để gảy đàn giúp Vua Sau-lơ khuây khỏa. Sau này, Sau-lơ tìm cách giết Đa-vít và cuối cùng thì Đa-vít phải chạy trốn để giữ mạng sống.—1 Sa-mu-ên 16:14-23; 18:10-12; 19:18; 20:32, 33; 22:1-5.

9 Những người Y-sơ-ra-ên khác cũng cư xử xảo trá. Chẳng hạn, Giô-áp, vị tướng chỉ huy quân đội của Đa-vít, đã giết Áp-ne, người thân của Sau-lơ. Áp-sa-lôm âm mưu chống lại Đa-vít để chiếm ngôi. Và A-hi-tô-phe, người cố vấn được Đa-vít tín nhiệm, đã phản bội ông. (2 Sa-mu-ên 3:22-30; 15:1-17, 31; 16:15, 21) Thế nhưng, Đa-vít không cay đắng phàn nàn, cũng không từ bỏ sự thờ phượng thật. Ngược lại, nghịch cảnh còn khiến Đa-vít gắn bó với Đức Giê-hô-va và duy trì thái độ tốt khi chạy trốn Sau-lơ. Lúc ấy, Đa-vít hát: “Đức Chúa Trời ôi! xin thương-xót tôi, xin thương-xót tôi, vì linh-hồn tôi nương-náu nơi Chúa! Phải, tôi nương-náu mình dưới bóng cánh của Chúa, cho đến chừng tai-họa đã qua”.—Thi-thiên 57:1.

10, 11. Hồi trẻ, chị Gertrud đã trải qua thử thách nào, và chị nói gì về khiếm khuyết của anh em đồng đạo?

10 Ngày nay chúng ta không có lý do gì để phàn nàn về bất kỳ sự xảo trá nào trong tổ chức Đức Chúa Trời. Cả Đức Giê-hô-va, thiên sứ Ngài và những người chăn chiên về thiêng liêng đều không dung túng người gian ác, xảo trá trong hội thánh đạo Đấng Christ. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều phải đối phó với sự bất toàn của con người—của chính mình lẫn các tôi tớ khác của Đức Chúa Trời.

11 Hồi trẻ, chị Gertrud, một người đã phụng sự Đức Giê-hô-va lâu năm, từng bị tiếng oan là kẻ lừa đảo và không phải là người công bố Nước Trời trọn thời gian. Chị đã phản ứng ra sao? Chị có lằm bằm khi bị đối xử như thế không? Không. Ít lâu trước khi qua đời vào năm 2003, ở tuổi 91, nhìn lại cuộc đời mình, chị giải thích: “Qua những kinh nghiệm này cũng như những kinh nghiệm về sau, tôi rút ra bài học là bất kể lỗi lầm của nhiều người, Đức Giê-hô-va vẫn hướng dẫn công việc vĩ đại của Ngài và dùng chúng ta, là những người bất toàn”. Khi phải đối phó với sự bất toàn của các tôi tớ khác của Đức Chúa Trời, chị Gertrud dốc lòng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va.

12. (a) Một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất nêu gương xấu nào? (b) Chúng ta nên chú trọng điều gì?

12 Ngay cả những tín đồ trung thành và tận tụy nhất cũng bất toàn. Vì thế, khi một tôi tớ đã được bổ nhiệm phạm sai lầm, chúng ta hãy tiếp tục làm theo lời khuyên: “Phàm làm việc gì chớ nên lằm-bằm”. (Phi-líp 2:14) Nếu chúng ta làm theo gương xấu của vài người trong hội thánh đạo Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất thì thật đáng buồn biết bao! Theo môn đồ Giu-đe, những giáo sư giả thời đó “khinh-dể quyền-phép rất cao và nói hỗn các đấng tôn-trọng”. Hơn nữa, những người sai quấy đó là “những kẻ hay lằm-bằm, hay phàn-nàn luôn về số-phận mình”. (Giu-đe 8, 16) Mong sao chúng ta tránh xa đường lối của những người hay phàn nàn, lằm bằm và chú trọng vào những điều tốt lành nhận được qua lớp “đầy-tớ trung-tín”. Chúng ta hãy quý trọng sự tốt lành của tổ chức Đức Giê-hô-va và ‘làm việc gì cũng không lằm-bằm’.

‘Lời này thật khó nghe’

13. Một số người đã phản ứng ra sao khi nghe vài điều dạy dỗ của Chúa Giê-su?

13 Trong khi một số người vào thế kỷ thứ nhất phàn nàn về các tôi tớ được bổ nhiệm, những người khác lằm bằm về các điều dạy dỗ của Chúa Giê-su. Như ghi nơi Giăng 6:48-69, Chúa Giê-su nói: “Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời”. Khi nghe câu đó, “nhiều môn-đồ... nói rằng: Lời nầy thật khó; ai nghe được?” Chúa Giê-su biết rằng “môn-đồ lằm-bằm về việc đó”. Vả lại, “từ lúc ấy, có nhiều môn-đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa”. Nhưng không phải môn đồ nào cũng lằm bằm. Hãy lưu ý điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su hỏi 12 sứ đồ: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?” Sứ đồ Phi-e-rơ trả lời: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin, và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời”.

14, 15. (a) Tại sao có một ít người bất mãn về một sự dạy dỗ nào đó của đạo Đấng Christ? (b) Chúng ta rút ra được bài học nào qua kinh nghiệm của anh Emanuel?

14 Ngày nay trong dân sự Đức Chúa Trời, cũng có một ít người bất mãn về một sự dạy dỗ nào đó của đạo Đấng Christ và lằm bằm về tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va. Tại sao điều này xảy ra? Thái độ lằm bằm đó thường nảy sinh vì họ không hiểu cách thức làm việc của Đức Chúa Trời. Đấng Tạo Hóa dần dần tiết lộ lẽ thật cho dân Ngài biết. Vì thế, sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh đôi khi phải được điều chỉnh. Đại đa số dân của Đức Giê-hô-va vui mừng về những sự điều chỉnh này. Vài người đã “công-bình quá” và không hài lòng về sự thay đổi. (Truyền-đạo 7:16) Sự kiêu ngạo có thể là một nguyên nhân khác, và một số người rơi vào bẫy có lối suy nghĩ độc lập. Dù lý do là gì đi nữa, thái độ lằm bằm như thế rất nguy hiểm, vì nó có thể lôi kéo chúng ta trở lại thế gian và đường lối thế gian.

15 Chẳng hạn, anh Emanuel, từng là một Nhân Chứng chỉ trích một số điều anh đọc trong các ấn phẩm của lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45) Anh ngưng đọc sách báo đạo Đấng Christ và cuối cùng, cho các trưởng lão ở hội thánh địa phương biết anh không còn muốn làm Nhân Chứng Giê-hô-va nữa. Tuy nhiên, ít lâu sau, anh Emanuel nhận ra rằng các dạy dỗ của tổ chức Đức Giê-hô-va quả thật chính xác. Anh liên lạc với Nhân Chứng, nhìn nhận sai lầm của mình, và được nhận lại để làm Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhờ vậy, anh đã vui vẻ trở lại.

16. Điều gì có thể giúp chúng ta loại bỏ những nghi ngờ về một số điều dạy dỗ nào đó của đạo Đấng Christ?

16 Nếu chúng ta cảm thấy muốn lằm bằm, phàn nàn vì nghi ngờ vài điều dạy dỗ nào đó của dân Đức Giê-hô-va thì sao? Nếu thế, chúng ta nên kiên nhẫn. Cuối cùng, lớp “đầy-tớ trung-tín” có thể cho đăng lời giải đáp thắc mắc và giải tỏa những mối nghi ngờ của chúng ta. Điều khôn ngoan là tìm sự giúp đỡ của các trưởng lão đạo Đấng Christ, bởi lẽ họ được khuyên phải ‘thương xót những người nghi ngờ’. (Giu-đe 22, 23, Bản Dịch Mới) Cầu nguyện, học hỏi cá nhân và kết hợp với các anh em đồng đạo có tính thiêng liêng cũng có thể giúp loại bỏ nghi ngờ. Những việc này cũng có thể làm gia tăng lòng biết ơn về các lẽ thật Kinh Thánh giúp củng cố đức tin mà chúng ta nhận được qua cơ quan thông tri của Đức Giê-hô-va.

Duy trì một thái độ tích cực

17, 18. Thay vì lằm bằm, chúng ta nên có thái độ nào, và tại sao?

17 Phải thừa nhận rằng con người bất toàn có khuynh hướng phạm tội, và một số người có tính hay than phiền không chính đáng. (Sáng-thế Ký 8:21; Rô-ma 5:12) Nhưng nếu có thói hay lằm bằm, chúng ta sẽ gây nguy hại cho mối quan hệ của mình với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta cần kiềm chế khuynh hướng lằm bằm.

18 Thay vì lằm bằm về những chuyện trong hội thánh, chúng ta nên duy trì một thái độ tích cực và giữ một thói quen giúp chúng ta luôn bận rộn, vui vẻ, cung kính, thăng bằng và có đức tin. (1 Cô-rinh-tô 15:58; Tít 2:1-5) Đức Giê-hô-va nắm quyền kiểm soát mọi việc trong tổ chức Ngài, và như trong thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su biết rõ các diễn biến trong mỗi hội thánh. (Khải-huyền 1:10, 11) Hãy kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời và Đấng Christ, Đầu của hội thánh. Những người chăn chiên có trách nhiệm có thể được dùng để sửa đổi các vấn đề cần được điều chỉnh lại.—Thi-thiên 43:5; Cô-lô-se 1:18; Tít 1:5.

19. Trong khi chờ đợi Nước Trời hoàn toàn nắm quyền kiểm soát mọi việc của con người, chúng ta nên chú trọng điều gì?

19 Chẳng bao lâu hệ thống gian ác này sẽ chấm dứt, và Nước của Đấng Mê-si sẽ hoàn toàn nắm quyền kiểm soát mọi việc của con người. Trong khi chờ đợi, điều quan trọng là mỗi người chúng ta duy trì một tinh thần tích cực! Việc này sẽ giúp chúng ta nhận ra các đức tính tốt của anh chị em đồng đạo, thay vì chú trọng đến những khiếm khuyết của họ. Chúng ta sẽ vui hơn nếu chú trọng đến những điểm tốt trong nhân cách của họ. Chúng ta sẽ không còn mệt mỏi vì tính hay lằm bằm nhưng được khích lệ và mạnh mẽ về thiêng liêng.

20. Thái độ tích cực sẽ giúp chúng ta vui hưởng ân phước nào?

20 Một tinh thần tích cực cũng sẽ giúp chúng ta ghi nhớ nhiều ân phước mình được hưởng nhờ kết hợp với tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va. Đây là tổ chức duy nhất trên thế giới trung thành với Đấng Tối Thượng hoàn vũ. Bạn cảm thấy thế nào về điều đó và đặc ân được thờ phượng Đức Chúa Trời duy nhất có thật, là Đức Giê-hô-va? Mong sao bạn có cùng thái độ như Đa-vít, ông hát: “Hỡi Đấng nghe lời cầu-nguyện, các xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài. Phước thay cho người mà Chúa đã chọn và khiến đến gần, đặng ở nơi hành-lang Chúa: Chúng tôi sẽ được no-nê vật tốt-lành của nhà Chúa”.—Thi-thiên 65:2, 4.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao chúng ta nên biết ơn về những người dẫn đầu trong hội thánh?

• Chúng ta nên có phản ứng nào khi những anh có trách nhiệm phạm lỗi lầm?

• Chúng ta nên nghĩ gì về những điều chỉnh trong cách hiểu Kinh Thánh?

• Điều gì có thể giúp một tín đồ loại bỏ những nghi ngờ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 20]

Đa-vít trao cho Sa-lô-môn sơ đồ thiết kế của đền thờ và hết lòng ủng hộ sự thờ phượng thật

[Hình nơi trang 23]

Các trưởng lão đạo Đấng Christ sẵn lòng giúp đỡ về thiêng liêng