Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Chớ nên lằm-bằm”

“Chớ nên lằm-bằm”

“Chớ nên lằm-bằm”

“Phàm làm việc gì chớ nên lằm-bằm”.—PHI-LÍP 2:14.

1, 2. Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên nào cho tín đồ Đấng Christ ở thành Phi-líp và thành Cô-rinh-tô, và tại sao?

TRONG lá thư được Đức Chúa Trời soi dẫn mà sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh tín đồ Đấng Christ thế kỷ thứ nhất ở thành Phi-líp, ông nhiệt tình khen ngợi anh em ở đó. Ông khen họ về tính rộng rãi và tinh thần sốt sắng, đồng thời bày tỏ niềm vui về những việc làm tốt lành của họ. Tuy nhiên, Phao-lô nhắc nhở họ: “Phàm làm việc gì chớ nên lằm-bằm”. (Phi-líp 2:14) Tại sao sứ đồ Phao-lô đã đưa ra lời khuyên này?

2 Phao-lô biết rõ hậu quả có thể xảy ra của thái độ lằm bằm. Trước đó vài năm, ông đã nhắc nhở hội thánh ở thành Cô-rinh-tô là thói lằm bằm rất nguy hại. Phao-lô cho thấy rằng trong thời gian ở đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên nhiều lần chọc giận Đức Giê-hô-va. Như thế nào? Bằng cách buông mình theo những ham muốn xấu xa, thờ cúng thần tượng, tà dâm, thử thách Đức Giê-hô-va và lằm bằm. Phao-lô khuyến khích người Cô-rinh-tô hãy rút ra bài học từ những gương đó. Ông viết: “Cũng chớ lằm-bằm như mấy người trong họ đã lằm-bằm mà bị chết bởi kẻ hủy-diệt”.—1 Cô-rinh-tô 10:6-11.

3. Tại sao ngày nay chúng ta nên chú ý đến vấn đề lằm bằm?

3 Ngày nay, là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta thể hiện cùng một tinh thần như hội thánh ở Phi-líp. Chúng ta sốt sắng làm việc lành và yêu thương nhau. (Giăng 13:34, 35) Tuy nhiên, vì thái độ lằm bằm đã gây tổn hại trong dân sự Đức Chúa Trời thời xưa, chúng ta có lý do chính đáng để nghe theo lời khuyên: “Phàm làm việc gì chớ nên lằm-bằm”. Trước tiên, hãy xem xét gương của những người hay lằm bằm mà Kinh Thánh nói đến. Sau đó chúng ta sẽ thảo luận một số điều mình có thể làm để tránh thái độ lằm bằm tai hại ngày nay.

Hội chúng hung dữ oán trách Đức Giê-hô-va

4. Dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm như thế nào trong đồng vắng?

4 Từ Hê-bơ-rơ có nghĩa ‘lằm bằm, oán trách, phàn nàn hoặc càu nhàu’ được dùng trong Kinh Thánh liên quan đến những sự kiện xảy ra trong 40 năm dân Y-sơ-ra-ên ở nơi đồng vắng. Có lúc dân Y-sơ-ra-ên bất mãn về hoàn cảnh của mình và biểu lộ điều đó qua việc lằm bằm. Chẳng hạn, chỉ vài tuần sau khi được giải thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ê-díp-tô, “cả hội-chúng Y-sơ-ra-ên oán-trách Môi-se và A-rôn”. Dân Y-sơ-ra-ên than phiền về thức ăn: “Ôi! thà rằng chúng tôi chịu chết về tay Đức Giê-hô-va tại xứ Ê-díp-tô, khi còn ngồi kề nồi thịt và ăn bánh chán-hê! Vì hai người dẫn-dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng nầy đặng làm cho cả đoàn dân đông nầy đều bị chết đói”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 16:1-3.

5. Khi dân Y-sơ-ra-ên phàn nàn, thật ra họ oán trách ai?

5 Thật ra, Đức Giê-hô-va cung cấp những điều cần thiết cho dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, Ngài yêu thương ban cho họ thức ăn và nước uống. Họ không bao giờ phải sợ bị chết đói trong đồng vắng. Nhưng khi bất mãn, họ phóng đại tình cảnh của mình và bắt đầu lằm bằm. Mặc dù họ oán trách Môi-se và A-rôn, nhưng dưới mắt Đức Giê-hô-va thì người mà họ thật sự oán trách chính là Ngài. Môi-se bảo dân Y-sơ-ra-ên: “Ngài đã nghe lời các ngươi oán-trách Ngài rồi. Thế thì, chúng ta là ai? Những lời oán-trách chẳng phải đổ về chúng ta đâu, nhưng về Đức Giê-hô-va vậy”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 16:4-8.

6, 7. Như ghi nơi Dân-số Ký 14:1-3, thái độ của dân Y-sơ-ra-ên đã thay đổi như thế nào?

6 Không lâu sau đó, dân Y-sơ-ra-ên lại lằm bằm. Môi-se sai 12 người đến do thám vùng Đất Hứa. Khi trở lại, có mười người báo cáo rất tiêu cực. Hậu quả là gì? “Hết thảy dân Y-sơ-ra-ên lằm-bằm cùng Môi-se và A-rôn; cả hội-chúng nói cùng hai người rằng: Chớ chi chúng tôi đã chết trong xứ Ê-díp-tô, hay là đã chết trong đồng vắng nầy! Vì cớ nào Đức Giê-hô-va dẫn chúng tôi vào xứ nầy [Ca-na-an] đặng bị gươm mà ngã? Vợ và con nhỏ chúng tôi sẽ bị làm một miếng mồi. Về phần chúng tôi, há chẳng khá trở về xứ Ê-díp-tô hơn sao?”—Dân-số Ký 14:1-3.

7 Dân Y-sơ-ra-ên đã thay đổi hẳn thái độ! Lúc đầu, khi được giải thoát khỏi Ai Cập và được giải cứu qua Biển Đỏ, họ đã biết ơn và hát ca ngợi Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1-21) Tuy nhiên, khi phải sống thiếu tiện nghi trong đồng vắng và lo sợ về người Ca-na-an, thì lòng biết ơn của dân Y-sơ-ra-ên trở thành thái độ bất mãn. Thay vì tạ ơn Đức Chúa Trời về sự tự do họ có được, họ lại đổ lỗi cho Ngài về hoàn cảnh mà họ sai lầm cho là thiếu thốn. Vì thế, lằm bằm là biểu lộ thái độ thiếu lòng biết ơn đúng đắn về những gì Đức Giê-hô-va cung cấp. Thảo nào Ngài nói: “Ta sẽ chịu hội-chúng hung-dữ nầy hay lằm-bằm cùng ta cho đến chừng nào?”—Dân-số Ký 14:27; 21:5.

Sự lằm bằm vào thế kỷ thứ nhất

8, 9. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có tường thuật về vài trường hợp lằm bằm nào?

8 Những trường hợp lằm bằm được đề cập ở trên liên quan đến những nhóm người có lẽ đã lên tiếng bày tỏ sự bất mãn. Mặt khác, khi Chúa Giê-su đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Lều Tạm vào năm 32 CN, “trong đám đông có tiếng xôn-xao bàn về Ngài”. (Giăng 7:12, 13, 32) Hiển nhiên, họ đang xì xào về ngài, có người nói ngài là người lành, người khác thì bảo ngài là người ác.

9 Vào dịp khác, Chúa Giê-su và môn đồ được tiếp đãi ở nhà người thâu thuế tên là Lê-vi, tức Ma-thi-ơ. “Các người Pha-ri-si và các thầy thông-giáo họ lằm-bằm, nói cùng môn-đồ Ngài rằng: Sao các ngươi ăn uống với người thâu thuế và kẻ phạm tội?” (Lu-ca 5:27-30) Một thời gian sau ở Ga-li-lê, ‘các người Giu-đa lằm-bằm về [Chúa Giê-su] vì Ngài đã phán: Ta là bánh từ trên trời xuống’. Ngay cả một số môn đồ của Chúa Giê-su cũng khó chịu và lằm bằm khi nghe ngài nói câu đó.—Giăng 6:41, 60, 61.

10, 11. Tại sao người Hê-lê-nít phàn nàn, và các trưởng lão đạo Đấng Christ được lợi ích như thế nào qua cách giải quyết vấn đề này?

10 Trường hợp phàn nàn xảy ra ít lâu sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN có kết quả tích cực hơn. Nhiều người từ bên ngoài xứ Y-sơ-ra-ên đã trở thành môn đồ và được anh em đồng đạo ở Giu-đê tiếp đãi, nhưng vấn đề nảy sinh liên quan đến việc phân chia đồ cấp phát. Lời tường thuật ghi: “Người Hê-lê-nít phàn-nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ, vì những người góa-bụa của họ đã bị bỏ-bê trong sự cấp-phát hằng ngày”.—Công-vụ 6:1.

11 Những người phàn nàn này khác với dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Người Hê-lê-nít, tức người Do Thái nói tiếng Hy Lạp, bày tỏ sự bất bình về hoàn cảnh của mình không vì động lực ích kỷ. Họ nêu vấn đề một số người góa bụa không được chăm sóc chu đáo. Hơn nữa, những người phàn nàn đó không gây rắc rối phiền hà và lên tiếng oán trách Đức Giê-hô-va. Họ phàn nàn với các sứ đồ, và các anh này sắp đặt để giải quyết vấn đề ngay vì điều đó là chính đáng. Các sứ đồ quả đã nêu gương tốt cho các trưởng lão đạo Đấng Christ ngày nay! Những người chăn về thiêng liêng này cẩn thận tránh thái độ “bưng tai không khứng nghe tiếng kêu-la của người nghèo-khổ”.—Châm-ngôn 21:13; Công-vụ 6:2-6.

Hãy coi chừng hậu quả xói mòn của thái độ lằm bằm

12, 13. (a) Hãy minh họa ảnh hưởng của thái độ lằm bằm. (b) Điều gì có thể khiến một người lằm bằm?

12 Qua những trường hợp mà chúng ta xem xét trong Kinh Thánh, đa số cho thấy thái độ lằm bằm gây nhiều tác hại trong vòng dân sự Đức Chúa Trời thời xưa. Vì thế, chúng ta nên suy xét nghiêm túc về hậu quả xói mòn của nó ngày nay. Hãy xem một minh họa. Nhiều kim loại hay bị gỉ sét. Nếu kim loại bắt đầu gỉ sét nhưng không ai để ý đến, thì nó có thể bị ăn mòn dần đến độ không còn dùng được nữa. Vô số xe hơi bị loại bỏ, không phải vì máy hư, mà vì thân xe bị gỉ sét quá nhiều, không còn an toàn nữa. Chúng ta có thể áp dụng minh họa này cho việc lằm bằm như thế nào?

13 Giống như một số kim loại hay bị gỉ, con người bất toàn hay kêu ca phàn nàn. Chúng ta nên cảnh giác để phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy khuynh hướng này. Giống như hơi ẩm và không khí có chất muối làm kim loại nhanh gỉ sét, nghịch cảnh thường khiến chúng ta lằm bằm. Khi căng thẳng, chuyện bực mình nhỏ có thể trở thành sự bất bình lớn. Vì tình trạng trong ngày sau rốt của hệ thống này ngày càng xấu đi, càng dễ có nhiều điều để phàn nàn. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Vì thế, một tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể lằm bằm về người khác. Nguyên do có thể là vấn đề nhỏ, chẳng hạn như bất mãn về yếu kém, khả năng hoặc đặc ân phụng sự của người khác.

14, 15. Tại sao chúng ta phải kiềm chế khuynh hướng kêu ca phàn nàn?

14 Dù chúng ta khó chịu về điều gì đi nữa, nếu không kiềm chế khuynh hướng kêu ca phàn nàn, nó có thể làm nảy sinh trong lòng chúng ta một thái độ bất mãn và khiến chúng ta có thói lằm bằm. Đúng thế, thái độ lằm bằm có thể dần dần khiến chúng ta bị hủy hoại về thiêng liêng. Khi lằm bằm về đời sống trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên thậm chí đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:8) Mong sao điều đó không bao giờ xảy ra cho chúng ta!

15 Người ta có thể làm giảm tính dễ gỉ sét của kim loại bằng cách mạ một lớp sơn chống sét và nhanh chóng xử lý những chỗ bị ăn mòn. Cũng vậy, nếu nhận thấy nơi bản thân khuynh hướng kêu ca phàn nàn, chúng ta có thể kiềm chế nó bằng cách cầu nguyện và nhanh chóng sửa đổi. Bằng cách nào?

Nhìn sự việc theo quan điểm Đức Giê-hô-va

16. Làm thế nào một người có thể khắc phục khuynh hướng hay phàn nàn?

16 Khi lằm bằm, chúng ta chỉ chú trọng đến chính mình, vấn đề của mình và quên đi những ân phước có được với tư cách Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va. Để khắc phục khuynh hướng hay phàn nàn, chúng ta phải luôn nhớ đến những ân phước này. Chẳng hạn, mỗi người chúng ta đều có đặc ân tuyệt diệu là mang danh của Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 43:10) Chúng ta có thể vun trồng mối quan hệ mật thiết với Ngài, và có thể nói chuyện với “Đấng nghe lời cầu-nguyện” bất cứ khi nào. (Thi-thiên 65:2; Gia-cơ 4:8) Đời sống chúng ta có ý nghĩa thật sự nhờ hiểu rõ về vấn đề quyền tối thượng hoàn vũ, và nhớ rằng mình có đặc ân giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va. (Châm-ngôn 27:11) Chúng ta có thể đều đặn tham gia công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời. (Ma-thi-ơ 24:14) Niềm tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su giúp chúng ta có lương tâm trong sạch. (Giăng 3:16) Đây là những ân phước mà chúng ta nhận được, dù phải chịu đựng bất cứ điều gì.

17. Tại sao chúng ta nên nhìn sự việc theo quan điểm Đức Giê-hô-va, ngay cả khi có lý do chính đáng để phàn nàn?

17 Chúng ta hãy cố gắng nhìn sự việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, chứ không chỉ theo ý riêng. Người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài”. (Thi-thiên 25:4) Nếu chúng ta có lý do chính đáng để phàn nàn thì Đức Giê-hô-va cũng đã biết điều đó rồi. Ngài đã có thể sửa chữa vấn đề ngay lập tức. Vậy tại sao đôi khi Ngài để nghịch cảnh tiếp diễn? Lý do có thể là để giúp chúng ta phát triển những đức tính như kiên nhẫn, nhịn nhục, đức tin và bền đỗ.—Gia-cơ 1:2-4.

18, 19. Hãy minh họa kết quả của việc chịu đựng những điều bất tiện mà không phàn nàn.

18 Khi chịu đựng những điều bất tiện mà không phàn nàn, ngoài việc trau dồi được nhân cách của mình, chúng ta còn tạo được ấn tượng tốt nơi những người để ý đến hạnh kiểm của chúng ta. Năm 2003, một nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va đi xe buýt từ Đức đến dự đại hội ở Hung-ga-ri. Người lái xe không phải là Nhân Chứng, và ông e ngại phải đi cùng Nhân Chứng trong 10 ngày. Tuy nhiên, sau chuyến đi đó, ông hoàn toàn thay đổi thái độ. Tại sao?

19 Trong chuyến đi đó, có vài vấn đề xảy ra. Nhưng các Nhân Chứng không bao giờ phàn nàn. Người lái xe nói rằng đây là nhóm hành khách tốt nhất ông từng phục vụ! Thật vậy, ông hứa là lần tới khi Nhân Chứng đến nhà, ông sẽ mời họ vào và lắng nghe họ. Các hành khách này đã tạo ấn tượng tốt biết bao khi áp dụng lời khuyên: “Phàm làm việc gì chớ nên lằm-bằm”!

Tính hay tha thứ giúp phát huy sự hợp nhất

20. Tại sao chúng ta nên tha thứ cho nhau?

20 Nếu chúng ta có điều phàn nàn về một anh em đồng đạo thì sao? Nếu vấn đề nghiêm trọng, chúng ta nên áp dụng những nguyên tắc trong lời Chúa Giê-su phán như ghi nơi Ma-thi-ơ 18:15-17. Nhưng không phải lúc nào cũng cần phải làm điều đó, vì phần lớn những bất bình là chuyện nhỏ. Sao không xem tình huống đó là cơ hội để thể hiện tính tha thứ? Phao-lô viết: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”. (Cô-lô-se 3:13, 14) Chúng ta có sẵn lòng tha thứ không? Chẳng phải Đức Giê-hô-va có lý do để trách chúng ta hay sao? Vậy mà Ngài luôn thể hiện lòng trắc ẩn và tha thứ.

21. Tính hay lằm bằm có thể ảnh hưởng đến người nghe như thế nào?

21 Dù bất bình về điều gì đi nữa, lằm bằm sẽ không giải quyết được vấn đề. Từ có nghĩa “lằm bằm” trong tiếng Hê-bơ-rơ cũng có thể hàm ý “càu nhàu”. Chúng ta thường thấy không thoải mái ở gần người hay lằm bằm và tìm cách tránh họ. Nếu chúng ta lằm bằm, hay càu nhàu, người nghe cũng có thể cảm thấy như vậy. Thật thế, họ có thể rất khó chịu và muốn tránh xa chúng ta! Càu nhàu có thể làm người khác chú ý, nhưng chắc chắn không làm họ thích mình.

22. Một thiếu nữ nói gì về Nhân Chứng Giê-hô-va?

22 Thái độ hay tha thứ giúp phát huy sự hợp nhất—là điều mà dân sự Đức Giê-hô-va rất quý chuộng. (Thi-thiên 133:1-3) Ở một xứ Âu Châu, một thiếu nữ 17 tuổi người Công Giáo đã viết thư cho văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va để bày tỏ lòng cảm phục đối với họ. Cô nói: “Đây là tổ chức duy nhất mà tôi biết các thành viên không bị chia rẽ bởi hận thù, sự tham lam, cố chấp, ích kỷ hoặc bất hòa”.

23. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài kế tiếp?

23 Khi biết ơn về tất cả những ân phước thiêng liêng mà chúng ta nhận được với tư cách người thờ phượng Đức Chúa Trời Giê-hô-va, chúng ta sẽ cố gắng phát huy sự hợp nhất và tránh lằm bằm về người khác trong vấn đề cá nhân. Bài kế tiếp sẽ cho thấy các đức tính Đức Chúa Trời chỉ dạy sẽ giúp chúng ta như thế nào để tránh một hình thức lằm bằm còn nguy hại hơn nữa—đó là lằm bằm về tổ chức của Đức Giê-hô-va ở trên đất.

Bạn có nhớ không?

• Thái độ lằm bằm bao hàm điều gì?

• Chúng ta có thể minh họa hậu quả của thái độ lằm bằm như thế nào?

• Điều gì có thể giúp chúng ta khắc phục khuynh hướng hay lằm bằm?

• Việc sẵn lòng tha thứ giúp chúng ta tránh thái độ lằm bằm như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 14]

Dân Y-sơ-ra-ên thật ra đã lằm bằm oán trách Đức Giê-hô-va!

[Hình nơi trang 17]

Bạn có cố gắng nhìn sự việc theo cách của Đức Giê-hô-va không?

[Các hình nơi trang 18]

Tính hay tha thứ giúp phát huy sự hợp nhất giữa tín đồ Đấng Christ