Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Áo lông dê và thiêng liêng tính

Áo lông dê và thiêng liêng tính

Áo lông dê và thiêng liêng tính

VUA LOUIS IX của Pháp đã từng mặc áo này. Thời còn học ở trường luật, nhờ mặc loại áo này nên Sir Thomas More có thể thức từ 19 đến 20 tiếng mỗi ngày trong nhiều tháng liền. Thật vậy, người ta nói ông More đã mặc nó hầu như cả đời. Và khi Thomas Becket, Tổng Giám Mục địa phận Canterbury bị ám sát ở Canterbury Cathedral, người ta cũng bất ngờ tìm thấy áo này dưới lớp quần áo của ông. Những nhân vật lịch sử này có chung đặc điểm nào? Họ hành xác bằng cách mặc áo lông dê, hay còn gọi là áo vải tóc.

Áo lông dê có tác dụng chà xát da của người mặc, gây đau đớn khó chịu vô cùng. Áo này cũng dễ làm ổ cho chấy rận. Người ta nói rằng ông Thomas Becket đã mặc cả bộ quần áo bằng lông dê cho đến khi “quần áo chứa đầy rận”. Sau thế kỷ 16, đôi khi lông dê được thay thế bằng dây thép có mũi nhọn nhỏ đâm vào da thịt người mặc. Áo được chế kiểu này còn gây nhiều đau đớn khó chịu hơn.

Theo một tài liệu tham khảo, mục đích của áo lông dê cũng như những hình thức hành xác khác là để “kiềm chế xác thịt tội lỗi, hầu phát triển khuynh hướng và lối sống thiêng liêng hơn”. Không chỉ những người tu khổ hạnh, mà cả giới thế tục, trong đó có những người quyền cao chức trọng, cũng mặc loại áo đó. Ngày nay cũng có một số dòng tu áp dụng thực hành này.

Việc mặc áo lông dê, hay tự hành hạ thể xác, có làm cho một người trở nên thiêng liêng hơn không? Không, thiêng liêng tính không tùy thuộc vào những thực hành như thế. Thật ra, sứ đồ Phao-lô phản đối những thực hành “khắc-khổ thân-thể”. (Cô-lô-se 2:23) * Thay vì thế, một người có được thiêng liêng tính thật sự là nhờ tìm kiếm sự hiểu biết về Đức Chúa Trời qua việc siêng năng học hỏi Lời Ngài, và áp dụng sự hiểu biết đó vào đời sống.

[Chú thích]

^ đ. 5 Muốn biết thêm về đề tài này, xin xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-10-1997, trang 20, 21.

[Nguồn tư liệu nơi trang 32]

Vua Louis IX, trên: From the book Great Men and Famous Women; Thomas Becket, giữa: From the book Ridpath’s History of the World (Vol. IV); Thomas More, dưới: From the book Heroes of the Reformation, 1904