Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cuối cùng gia đình hợp nhất!

Cuối cùng gia đình hợp nhất!

Tự Truyện

Cuối cùng gia đình hợp nhất!

DO SUMIKO HIRANO KỂ LẠI

Tôi đã tìm được lối sống tốt nhất và mong muốn chồng cùng đi trên con đường đó với mình. Nhưng 42 năm sau điều đó mới xảy ra.

CHÚNG TÔI kết hôn vào năm 1951, khi tôi 21 tuổi. Sau bốn năm chung sống, chúng tôi có hai cậu con trai và đời sống tôi dường như được ban phước mọi bề.

Một hôm vào năm 1957, chị tôi nói là một giáo sĩ Nhân Chứng Giê-hô-va đã đến thăm chị. Tuy theo đạo Phật nhưng chị bắt đầu học Kinh Thánh với giáo sĩ đó, và khuyến khích tôi cùng học. Tôi đồng ý. Lúc đó, tôi đang đi nhà thờ Tin Lành, vì thế tôi tin là mình sẽ có thể vạch ra những cái sai của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Chỉ một thời gian ngắn, tôi đã nhận ra mình chẳng biết bao nhiêu về Kinh Thánh. Tôi phải hỏi chị giáo sĩ “Đức Giê-hô-va là ai?”, vì chưa bao giờ nghe nhắc đến danh ấy trong nhà thờ. Chị giáo sĩ Daphne Cooke (sau này được gọi là chị Pettitt) mời tôi xem Ê-sai 42:8. Câu này cho thấy rõ Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Tất cả các câu hỏi của tôi đều được chị Daphne dùng Kinh Thánh giải đáp.

Khi tôi hỏi mục sư những câu hỏi đó thì ông nói: “Hỏi là có tội. Phải tin những gì được dạy”. Dù cảm thấy điều ông nói không đúng nhưng trong sáu tháng sau đó, tôi vẫn đi nhà thờ mỗi buổi sáng Chủ Nhật, còn buổi chiều thì đi dự nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Hôn nhân bị ảnh hưởng

Tôi rất thích những điều học được trong Kinh Thánh và chia sẻ những điều đó với chồng tôi, là anh Kazuhiko. Sau mỗi buổi học và buổi nhóm, tôi thường kể cho anh nghe những điều mình học được. Kết quả là “chiến tranh lạnh” bắt đầu nhen nhúm giữa chúng tôi. Anh không muốn tôi trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va. Tuy nhiên, vì việc học Kinh Thánh mang lại cho tôi niềm vui, nên tôi vẫn tiếp tục học và kết hợp với Nhân Chứng.

Vào các buổi tối có nhóm họp, trước khi đi nhóm, tôi thường nấu những món anh Kazuhiko thích nhưng anh vẫn đi ăn bên ngoài. Khi tôi về nhà thì anh khó chịu và không muốn nói chuyện. Hai, ba ngày sau anh mới vui vẻ trở lại, nhưng lúc đó lại đến ngày nhóm kế tiếp.

Vào khoảng thời gian này, tôi bắt đầu bị lao phổi. Căn bệnh này đã cướp đi một số người thân trong gia đình chồng tôi. Anh Kazuhiko rất lo lắng và nói với tôi rằng khi khỏi bệnh, tôi có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Tôi chỉ yêu cầu một điều, đó là anh vui vẻ cho tôi đi nhóm họp hàng tuần. Và anh đã đồng ý.

Phải sáu tháng sau tôi mới bình phục. Trong suốt thời gian đó, tôi tra cứu kỹ Kinh Thánh. Tôi tìm xem có mâu thuẫn nào trong những sự dạy dỗ của Nhân Chứng không, và tự nhủ trong lòng là chỉ cần tìm được một điều thôi, tôi sẽ ngưng học ngay. Nhưng tôi không tìm được mâu thuẫn nào. Trái lại, các sai trái của Hội Thánh Tin Lành ngày càng lộ rõ. Tôi đã học biết được tình yêu thương và sự công bình của Đức Giê-hô-va, đồng thời nhận ra lợi ích của việc sống theo luật pháp Ngài.

Sau khi tôi bình phục, anh Kazuhiko giữ lời hứa và thôi phản đối việc tôi đi nhóm họp. Tôi tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng và làm báp têm vào tháng 5 năm 1958 để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều tôi mong mỏi là cả gia đình sẽ cùng tôi thờ phượng Đức Chúa Trời thật.

Hướng dẫn con cái về thiêng liêng

Khi đi nhóm họp và rao giảng, tôi luôn đưa các con đi cùng, nhưng có những chuyện xảy ra giúp tôi nhận ra các cháu có tiếp thu lẽ thật Kinh Thánh. Một hôm, trong khi cháu Masahiko sáu tuổi đang chơi trước nhà, đột nhiên tôi nghe một tiếng động lớn rồi có tiếng người thét lên. Một người hàng xóm chạy bổ vào nhà tôi, la lên rằng con trai tôi đã bị xe đụng. Cháu còn sống không? Tôi cố gắng trấn tĩnh trong khi chạy ra ngoài. Nhìn thấy chiếc xe đạp móp méo của cháu, tôi không khỏi run rẩy. Nhưng rồi tôi nhìn thấy cháu đi về phía tôi, chỉ bị thương đôi chút. Khi ôm chầm lấy tôi, cháu nói: “Mẹ, Đức Giê-hô-va đã cứu con phải không mẹ?” Nhìn thấy cháu còn sống và được nghe những lời dễ thương đó, tôi không cầm được nước mắt.

Một hôm khác, khi đi làm thánh chức, tôi bị một người đàn ông lớn tuổi mắng: “Cô làm gì mà cứ lôi thằng bé đi loanh quanh thế hả? Tôi thấy quá tội nghiệp cho nó”. Tôi chưa biết phải nói sao thì cháu Tomoyoshi tám tuổi đáp: “Ông ơi, mẹ đâu có bắt cháu đi rao giảng. Tự cháu muốn rao giảng để phụng sự Đức Giê-hô-va đó chứ!” Người đàn ông ấy chỉ biết trố mắt nhìn, không nói được lời nào.

Về mặt thiêng liêng, các con tôi mồ côi cha. Tôi phải lo việc dạy dỗ lẽ thật Kinh Thánh cho các cháu, dù bản thân còn phải học hỏi nhiều. Tôi tập vun trồng tình yêu thương, đức tin, lòng sốt sắng và cố gắng làm gương cho các cháu. Mỗi ngày, tôi cùng các cháu cảm tạ Đức Giê-hô-va. Tôi cũng kể cho các cháu nghe về công việc rao giảng của mình. Điều đó khích lệ các cháu. Sau này, khi được hỏi tại sao chọn công việc tiên phong, tức làm người truyền giáo trọn thời gian, cả hai đều trả lời: “Chúng tôi thấy mẹ hạnh phúc khi làm tiên phong nên chúng tôi cũng muốn được hạnh phúc”.

Tôi phải hết sức cẩn thận không chỉ trích cha chúng hay bất kỳ ai trong hội thánh. Tôi ý thức rằng những cuộc trò chuyện tiêu cực như thế có hại cho các cháu. Điều đó có thể khiến các cháu không những không còn kính trọng người bị nói xấu, mà cả người nói xấu nữa.

Vượt qua trở ngại để tiến bộ

Vào năm 1963, chồng tôi đến làm việc ở Đài Loan nên gia đình chúng tôi phải dọn đến đó. Anh ấy nói nếu tôi rao giảng cho cộng đồng người Nhật ở đó sẽ không tạo được cảm tình tốt. Chúng tôi có thể sẽ bị đuổi về Nhật, và điều đó sẽ gây trở ngại cho công ty của anh ấy. Ý đồ của anh ấy là tách chúng tôi ra khỏi Nhân Chứng.

Ở Đài Loan, tất cả các buổi nhóm họp đều bằng tiếng Hoa và các Nhân Chứng ở đó chào đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Tôi quyết định học tiếng Hoa để làm chứng cho người địa phương thay vì cho người Nhật. Như vậy, tôi có thể tránh được vấn đề mà chồng tôi nói.

Chúng tôi được thêm sức nhờ tình bạn với các anh chị Nhân Chứng ở Đài Loan. Một cặp vợ chồng giáo sĩ tên là Harvey và Kathy Logan đã giúp chúng tôi rất nhiều. Anh Logan trở thành người cha tinh thần của các con trai tôi. Anh giúp chúng nhận ra việc phụng sự Đức Giê-hô-va không phải là một cuộc sống buồn tẻ, khắc khổ. Tôi nghĩ chính trong thời gian ở Đài Loan, các cháu đã quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va.

Tomoyoshi và Masahiko đi học ở một trường của Mỹ. Tại đây, các cháu học cả tiếng Anh và tiếng Hoa. Sự giáo dục này giúp các cháu được trang bị để sau này phục vụ Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va. Tôi vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va vì Ngài đã xoay chuyển giai đoạn có thể rất trắc trở này thành một thời kỳ mang lại lợi ích lâu dài. Sau ba năm rưỡi đáng nhớ ở Đài Loan, chúng tôi trở về Nhật.

Các cậu bé của tôi nay đã ở tuổi thiếu niên và bắt đầu muốn độc lập. Tôi phải dành rất nhiều thời gian lý luận với các cháu dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh, và Đức Giê-hô-va đã giúp chúng vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Sau khi tốt nghiệp trung học, Tomoyoshi bắt đầu làm tiên phong. Chỉ trong vài năm đầu làm tiên phong, cháu đã có thể giúp bốn người dâng mình và làm báp têm. Masahiko cũng noi theo gương anh và bắt đầu làm tiên phong sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Trong bốn năm đầu làm tiên phong, cháu giúp được bốn người trẻ trở thành Nhân Chứng.

Các cháu còn được Đức Giê-hô-va ban phước hơn nữa. Tomoyoshi có một học hỏi Kinh Thánh là chồng của một phụ nữ đã học Kinh Thánh với tôi. Hai cô con gái của họ cũng trở thành Nhân Chứng. Sau này, Tomoyoshi kết hôn với cô chị tên là Nobuko, còn Masahiko thì kết hôn với cô em là Masako. Hiện nay, Tomoyoshi và Nobuko đang phục vụ tại trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York. Còn Masahiko và Masako thì làm giáo sĩ ở Paraguay.

Những biến chuyển dần dần nơi chồng tôi

Trong suốt những năm tháng ấy, chồng tôi vẫn tỏ vẻ lãnh đạm với niềm tin của chúng tôi. Nhưng chúng tôi nhận ra nơi anh có những dấu hiệu thay đổi. Khi có người phản bác tôi thì anh bênh vực niềm tin của tôi, và như thế anh đã ủng hộ lẽ thật Kinh Thánh mà không biết. Anh giúp đỡ vật chất cho các anh chị Nhân Chứng thiếu thốn. Khi phát biểu tại lễ cưới của một con trai của chúng tôi, anh đã nói như sau: “Dạy người khác biết cách sống đúng là công việc cao quý nhất và khó khăn nhất. Các con trai và con dâu của tôi đã chọn sự nghiệp khó khăn nhất này. Xin hãy giúp các cháu”. Những biểu hiện này khiến tôi nghĩ rằng chắc chắn anh sẽ cùng chúng tôi phụng sự Đức Giê-hô-va.

Tôi mời các anh chị Nhân Chứng đến nhà để anh Kazuhiko có dịp tiếp xúc, đồng thời mời anh đi dự các buổi nhóm họp, hội nghị cũng như Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. Khi sắp xếp được công việc, anh cũng đi dự, mặc dù hơi miễn cưỡng. Nhiều lúc tôi cảm thấy anh có thể sẽ chấp nhận học hỏi Kinh Thánh nên mời các trưởng lão đến nhà. Nhưng anh lại từ chối. Tôi tự hỏi đâu là vấn đề.

Lời của sứ đồ Phi-e-rơ nảy lên trong trí tôi: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính”. (1 Phi-e-rơ 3:1, 2) Tôi nhận ra rằng mình chưa triệt để áp dụng lời khuyên này. Để có thể áp dụng hoàn toàn, tôi cần nâng cao thiêng liêng tính của mình hơn nữa.

Để đạt mục tiêu ấy, tôi bắt đầu làm tiên phong vào năm 1970. Mười năm rồi 20 năm trôi qua, tôi vẫn không thấy chồng mình có biến chuyển gì về thiêng liêng. Có lần một người học hỏi Kinh Thánh nói: “Chắc chị khổ tâm lắm khi đi giúp người khác mà không giúp được chính chồng mình”. Câu nói đó khiến tôi rất buồn nhưng tôi không bỏ cuộc.

Đến cuối thập niên 1980, cha mẹ chúng tôi đã gần cuối đời. Vừa chăm sóc họ vừa phải chu toàn những trách nhiệm khác khiến tôi rất mệt mỏi và căng thẳng. Đã nhiều năm họ luôn chống đối niềm tin của tôi nơi Đức Giê-hô-va, nhưng tôi cố gắng hết sức bày tỏ tình yêu thương đối với họ. Trước khi nhắm mắt lìa đời ở tuổi 96, mẹ tôi bảo: “Sumiko, nếu được sống lại, mẹ sẽ theo đạo của con”. Tôi cảm thấy những nỗ lực của mình đã không uổng phí.

Chồng tôi nhận thấy mọi điều tôi làm vì cha mẹ hai bên. Để tỏ lòng cảm kích, anh bắt đầu đi dự nhóm họp đều đặn. Anh làm thế trong nhiều năm nhưng không hề tiến bộ chút nào về thiêng liêng. Tôi tiếp tục cố gắng làm vui lòng anh. Tôi mời bạn bè của anh và cả những đồng nghiệp người nước ngoài đến nhà dùng bữa. Tôi giải trí cùng với anh. Khi số giờ làm tiên phong mỗi tháng giảm xuống, tôi có thêm thời gian với anh.

Thay đổi sau khi nghỉ hưu

Chồng tôi về hưu năm 1993. Tôi nghĩ cuối cùng bây giờ chắc anh sẽ học Kinh Thánh. Nhưng anh nói thờ phượng Đức Chúa Trời chỉ vì anh có thời gian rảnh sẽ là một sự báng bổ. Vì thế, anh sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời khi lòng anh muốn, và tôi đừng thúc ép anh.

Một hôm, anh Kazuhiko hỏi tôi giờ đây tôi có thể dành trọn cuộc đời còn lại cho anh được không. Câu hỏi đó khiến lòng tôi đau nhói, vì từ khi lấy nhau đến nay, tôi đã làm tất cả những gì có thể vì anh. Tôi đã cố gắng rất nhiều để làm anh hạnh phúc, nhưng anh cảm thấy tôi sống vì Đức Giê-hô-va nhiều hơn là vì anh. Sau khi suy nghĩ một hồi, tôi nói với anh là tôi không thể làm hơn được nữa. Nhưng nếu anh cùng tôi thực hiện những gì tôi đang làm, thì chúng tôi có thể cùng nhau bắt đầu một cuộc sống mới tuyệt vời, không chỉ kéo dài vài năm mà đến mãi mãi. Trong mấy ngày anh không nói gì. Cuối cùng, anh hỏi: “Vậy em học Kinh Thánh với anh chứ?” Mỗi lần nhớ đến những lời đó, lòng tôi vẫn bồi hồi.

Lúc đầu, tôi nhờ một trưởng lão hội thánh học với anh nhưng anh nói: “Anh sẽ không học với ai, ngoại trừ em”. Vì thế, chúng tôi bắt đầu học Kinh Thánh mỗi ngày. Chúng tôi học bằng tiếng Hoa, vì tôi thuộc hội thánh tiếng Hoa và chồng tôi rất thạo ngôn ngữ này. Chúng tôi cũng cùng đọc toàn bộ Kinh Thánh trong chưa đầy một năm.

Trong thời gian này, một trưởng lão trong hội thánh tiếng Hoa và vợ anh rất quan tâm đến vợ chồng chúng tôi. Mặc dù họ nhỏ tuổi hơn con của tôi nhưng tất cả chúng tôi đã thật sự trở thành bạn. Nhiều Nhân Chứng khác cũng quan tâm rất nhiều đến chồng tôi. Họ bày tỏ lòng hiếu khách và nói chuyện với anh Kazuhiko như một người cha. Điều đó làm anh rất hạnh phúc.

Một hôm, chúng tôi nhận được thiệp mời dự một đám cưới trong hội thánh, đề tên chồng tôi. Được công nhận như người chủ gia đình khiến anh xúc động sâu sắc và quyết định đến dự. Chẳng bao lâu, anh bắt đầu trở nên cởi mở với các Nhân Chứng và đồng ý học Kinh Thánh với một trưởng lão. Nhờ học Kinh Thánh, tham dự nhóm họp và tình yêu thương của anh em trong hội thánh, anh tiến bộ tốt về thiêng liêng.

Cuối cùng một gia đình hợp nhất

Vào tháng 12 năm 2000, chồng tôi làm báp têm biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Các con trai và con dâu của chúng tôi ở xa đã quy tụ về để chứng kiến “phép lạ” hiện đại này. Phải mất 42 năm, nhưng cuối cùng gia đình chúng tôi đã hợp nhất.

Giờ đây mỗi buổi sáng, vợ chồng chúng tôi cùng nhau đọc Kinh Thánh và đoạn Kinh Thánh hàng ngày. Mỗi ngày, chúng tôi nói chuyện với nhau về những điều thiêng liêng và cùng tham gia các sinh hoạt thiêng liêng. Chồng tôi bây giờ là tôi tớ thánh chức và mới đây, anh đã được mời nói diễn văn công cộng bằng tiếng Hoa. Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va vì đã đưa chúng tôi lại gần nhau hơn. Cùng với tất cả những người thân thiết gần bên tôi, tôi mong muốn ủng hộ danh và quyền cai trị của Ngài mãi mãi.

[Bản đồ nơi trang 13]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

TRUNG QUỐC

CHDCND TRIỀU TIÊN

HÀN QUỐC

Biển Nhật Bản

NHẬT BẢN

Tokyo

Biển Đông Trung Hoa

ĐÀI LOAN

Đài Bắc

[Hình nơi trang 12]

Với gia đình tôi vào năm 1958, cùng năm tôi làm báp têm

[Các hình nơi trang 13]

Khi chúng tôi từ Tokyo chuyển đến Đài Bắc, những người bạn như anh chị Harvey và Kathy Logan đã củng cố chúng tôi về thiêng liêng

[Hình nơi trang 15]

Giờ đây gia đình tôi đã hợp nhất trong sự thờ phượng thật