Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy khôn ngoan kính sợ Đức Chúa Trời!

Hãy khôn ngoan kính sợ Đức Chúa Trời!

Hãy khôn ngoan kính sợ Đức Chúa Trời!

“Kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan”.—CHÂM-NGÔN 9:10.

1. Tại sao nhiều người cảm thấy khái niệm kính sợ Đức Chúa Trời là điều khó hiểu?

CÓ MỘT THỜI, người ta thường nghĩ kính sợ Đức Chúa Trời là điều đáng khen. Ngày nay, nhiều người cảm thấy khái niệm kính sợ Đức Chúa Trời hơi lỗi thời và khó hiểu. Họ có thể thắc mắc: ‘Nếu Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương thì tại sao phải sợ Ngài?’ Đối với họ, sợ là điều tiêu cực, thậm chí làm tê liệt cảm xúc. Tuy nhiên, chân thành kính sợ Đức Chúa Trời mang ý nghĩa rộng hơn, và khi xem xét chúng ta sẽ thấy đó không chỉ là một cảm xúc.

2, 3. Chân thành kính sợ Đức Chúa Trời bao gồm điều gì?

2 Theo cách dùng trong Kinh Thánh, sự kính sợ Đức Chúa Trời là một khái niệm tích cực. (Ê-sai 11:3) Đó là sự sùng kính sâu xa đối với Đức Chúa Trời, không hề muốn làm Ngài buồn lòng. (Thi-thiên 115:11) Sự kính sợ bao gồm việc chấp nhận và theo sát tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời, cũng như ước muốn sống đúng theo những quy định của Ngài về điều thiện và điều ác. Một tài liệu tham khảo cho biết sự kính sợ lành mạnh như thế biểu lộ “một thái độ chúng ta cần có đối với Đức Chúa Trời, khiến một người cư xử khôn ngoan và tránh mọi hình thức gian ác”. Lời Đức Chúa Trời nói một cách thích hợp: “Kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 9:10.

3 Thật vậy, sự kính sợ Đức Chúa Trời bao gồm nhiều khía cạnh của đời sống con người. Điều này không chỉ liên quan đến sự khôn ngoan mà còn cả sự vui mừng, bình an, giàu có, tuổi thọ, hy vọng, lòng tin tưởng và trông cậy. (Thi-thiên 2:11; Châm-ngôn 1:7; 10:27; 14:26; 22:4; 23:17, 18; Công-vụ 9:31) Lòng kính sợ ấy cũng gắn liền với đức tin và tình yêu thương. Thật vậy, sự kính sợ Đức Chúa Trời liên quan đến toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với Ngài và những người chung quanh. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12; Gióp 6:14; Hê-bơ-rơ 11:7) Kính sợ Đức Chúa Trời bao gồm lòng tin chắc rằng Cha trên trời chăm sóc mỗi người và sẵn sàng tha tội cho tất cả chúng ta. (Thi-thiên 130:4) Chỉ những người làm ác không chịu ăn năn mới phải khiếp sợ Đức Chúa Trời. *Hê-bơ-rơ 10:26-31.

Tập kính sợ Đức Giê-hô-va

4. Điều gì có thể giúp chúng ta “tập biết kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời”?

4 Vì sự kính sợ Đức Chúa Trời là điều cần yếu để giúp một người quyết định khôn ngoan và nhận được ân phước của Ngài, vậy làm thế nào chúng ta có thể “tập biết kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời” một cách đúng đắn? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:19) Kinh Thánh có ghi lại gương của nhiều người nam và nữ có lòng kính sợ Đức Chúa Trời “để dạy-dỗ chúng ta”. (Rô-ma 15:4) Để hiểu kính sợ Đức Chúa Trời thật sự có nghĩa gì, chúng ta hãy suy ngẫm về cuộc đời của một trong những gương này, đó là Vua Đa-vít của xứ Y-sơ-ra-ên xưa.

5. Làm thế nào công việc chăn chiên ngoài đồng giúp Đa-vít học kính sợ Đức Giê-hô-va?

5 Đức Giê-hô-va từ bỏ Vua Sau-lơ, vị vua đầu tiên của nước Y-sơ-ra-ên vì ông sợ dân sự hơn là kính sợ Ngài. (1 Sa-mu-ên 15:24-26) Trái lại, cuộc đời của Đa-vít và mối quan hệ gắn bó của ông với Đức Giê-hô-va cho thấy ông là người thật sự kính sợ Đức Chúa Trời. Ngay từ thời còn niên thiếu, Đa-vít thường ở ngoài đồng chăn chiên cho cha. (1 Sa-mu-ên 16:11) Những đêm chăn chiên dưới bầu trời đầy sao hẳn đã giúp Đa-vít hiểu thế nào là sự kính sợ Đức Chúa Trời. Dù chỉ thấy được một phần nhỏ của vũ trụ bao la, Đa-vít đã rút ra một kết luận đúng—Đức Chúa Trời xứng đáng cho chúng ta kính trọng và tôn thờ. Về sau ông viết: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm-viếng nó?”—Thi-thiên 8:3, 4.

6. Đa-vít cảm thấy thế nào khi nhận biết được sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va?

6 Thật thích hợp để Đa-vít thán phục khi so sánh sự nhỏ bé của ông với bầu trời bao la. Sự hiểu biết này không làm ông sợ, nhưng thúc đẩy ông ca ngợi Đức Giê-hô-va: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm”. (Thi-thiên 19:1) Lòng sùng kính đối với Đức Chúa Trời giúp Đa-vít đến gần Ngài đồng thời giúp ông muốn học biết và đi theo đường lối ưu việt của Ngài. Hãy tưởng tượng Đa-vít cảm thấy thế nào khi ông hát ca ngợi Đức Giê-hô-va: “Chúa là rất lớn, làm những sự lạ-lùng: Chỉ một mình Chúa là Đức Chúa Trời mà thôi. Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy cho tôi biết đường-lối Ngài, thì tôi sẽ đi theo sự chân-thật của Ngài; xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài”.—Thi-thiên 86:10, 11.

7. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời đã giúp Đa-vít chiến đấu với Gô-li-át như thế nào?

7 Khi dân Phi-li-tin xâm lăng xứ Y-sơ-ra-ên, người lực sĩ của họ là Gô-li-át, cao khoảng ba mét, đã sỉ nhục dân Y-sơ-ra-ên: ‘Hãy chọn một người ra đấu địch với ta. Nếu hắn thắng, chúng ta sẽ làm tôi các ngươi’. (1 Sa-mu-ên 17:4-10) Sau-lơ và toàn thể đạo binh đều run sợ, nhưng Đa-vít thì không hề sợ hãi. Đa-vít biết rằng Đức Giê-hô-va mới đáng được kính sợ, chứ không phải một người phàm nào, dù mạnh mẽ đến đâu. Đa-vít đáp lại Gô-li-át: “Ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến,... và quân-lính nầy sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải-cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến-trận”. Với cái ná và chỉ một cục đá—cùng sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va—Đa-vít đã hạ được tên khổng lồ.—1 Sa-mu-ên 17:45-47.

8. Qua gương của những người kính sợ Đức Chúa Trời được tường thuật trong Kinh Thánh, chúng ta học được gì?

8 Chúng ta có thể phải đương đầu với những trở ngại hoặc kẻ thù đáng sợ không kém gì trường hợp của Đa-vít. Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể đối phó với những trở ngại đó như Đa-vít và những người trung thành thời xưa—với lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Sự kính sợ Đức Chúa Trời có thể chế ngự sự sợ hãi loài người. Tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời là Nê-hê-mi đã khuyên giục những người đồng hương Y-sơ-ra-ên khi họ bị kẻ thù đe dọa: “Chớ sợ chúng; khá nhớ Chúa là một Đấng cực-đại và đáng kinh”. (Nê-hê-mi 4:14) Được Đức Giê-hô-va hỗ trợ, Đa-vít, Nê-hê-mi và những tôi tớ trung thành khác của Đức Chúa Trời đã hoàn thành nhiệm vụ Ngài giao. Chúng ta cũng có thể làm được như thế, nếu có lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

Đối phó với khó khăn bằng sự kính sợ Đức Chúa Trời

9. Đa-vít biểu lộ lòng kính sợ Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh nào?

9 Sau khi Đa-vít giết Gô-li-át, Đức Giê-hô-va ban cho ông thêm nhiều chiến thắng nữa. Tuy nhiên, Vua Sau-lơ đầy lòng ganh tị, tìm cách giết Đa-vít—lúc đầu do bốc đồng, sau đó bằng thủ đoạn xảo quyệt và cuối cùng là dùng cả đến đội binh. Tuy Đức Giê-hô-va bảo đảm với Đa-vít là ông sẽ được nhận ngôi vua, nhưng qua nhiều năm, Đa-vít phải chạy trốn, tranh đấu và chờ đợi đến lúc được Đức Giê-hô-va lập làm vua. Trải qua tất cả những điều đó, Đa-vít cho thấy ông có lòng kính sợ Đức Chúa Trời.—1 Sa-mu-ên 18:9, 11, 17; 24:2 [1 Sa-mu-ên 24:3].

10. Khi đứng trước nguy hiểm, Đa-vít cho thấy ông kính sợ Đức Chúa Trời như thế nào?

10 Vào một dịp nọ, Đa-vít tìm nơi ẩn náu nên đã đến gặp A-kích, vua thành Gát thuộc Phi-li-tin, từng là nơi sinh sống của Gô-li-át. (1 Sa-mu-ên 21:10-15) Các tôi tớ của vua tố giác Đa-vít là kẻ thù của đất nước. Đa-vít đã phản ứng thế nào trong tình huống nguy hiểm như thế? Ông cầu nguyện, trút hết nỗi lòng cho Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 56:1-4, 11-13) Tuy phải giả điên để thoát nạn, Đa-vít biết rằng chính Đức Giê-hô-va đã giải cứu và ban phước cho ông. Việc Đa-vít hết lòng nương tựa Đức Giê-hô-va và tin chắc nơi Ngài cho thấy ông thật sự kính sợ Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 34:4-6, 9-11.

11. Như Đa-vít, làm sao chúng ta cho thấy mình kính sợ Đức Chúa Trời khi gặp thử thách?

11 Như Đa-vít, chúng ta có thể cho thấy mình kính sợ Đức Chúa Trời bằng cách tin cậy vào lời hứa của Ngài, nhờ đó chúng ta có thể đương đầu với khó khăn. Đa-vít nói: “Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ-cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”. (Thi-thiên 37:5) Điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ cần trao vấn đề cho Đức Giê-hô-va, không cần làm hết sức mình mà chờ đợi Ngài giải quyết vấn đề. Đa-vít không cầu xin Đức Chúa Trời giúp và rồi không làm gì cả. Ông dùng trí tuệ và sức lực mà Đức Giê-hô-va ban cho để giải quyết vấn đề. Tuy thế, Đa-vít hiểu rằng chỉ có nỗ lực của con người thôi thì không đủ để đem lại kết quả. Đối với chúng ta cũng vậy, sau khi đã cố gắng hết sức mình, chúng ta phải phó thác phần còn lại cho Đức Giê-hô-va. Thật vậy, trong nhiều trường hợp chúng ta không thể làm gì khác hơn là nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Đó là lúc mỗi người chúng ta biểu lộ lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể được khích lệ qua lời nói chân thành của Đa-vít: “Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính-sợ Ngài”.—Thi-thiên 25:14.

12. Tại sao chúng ta cần xem việc cầu nguyện là điều quan trọng, và chúng ta không nên có thái độ nào?

12 Vì vậy, chúng ta cần xem việc cầu nguyện và mối quan hệ với Đức Giê-hô-va là những điều quan trọng trong đời sống. Khi đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta phải “tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6; Gia-cơ 1:5-8) Và khi được Ngài giúp, chúng ta phải “biết ơn” Ngài như sứ đồ Phao-lô đã khuyên. (Cô-lô-se 3:15, 17) Chúng ta không muốn giống như những người mà một anh tín đồ được xức dầu nhiều kinh nghiệm đã mô tả: “Họ nghĩ Đức Chúa Trời như là một người hầu việc trên trời. Khi cần điều gì, họ chỉ cần búng tay là Ngài đến, và khi đã được điều đó rồi thì họ muốn Ngài đi chỗ khác”. Thái độ như thế cho thấy thiếu sự kính sợ Đức Chúa Trời.

Khi lòng kính sợ Đức Chúa Trời suy giảm

13. Vào dịp nào Đa-vít đã tỏ ra không tôn trọng Luật Pháp của Đức Chúa Trời?

13 Cảm nghiệm được sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va trong lúc gian nan càng khiến Đa-vít kính sợ Đức Chúa Trời và tin cậy nơi Ngài. (Thi-thiên 31:22-24) Tuy nhiên, vào ba dịp nọ, lòng kính sợ Đức Chúa Trời của Đa-vít đã suy giảm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Lần đầu là khi ông sắp xếp dùng xe để dời hòm giao ước của Đức Giê-hô-va đến Giê-ru-sa-lem, thay vì cho người Lê-vi khiêng trên vai, theo như Luật Pháp của Đức Chúa Trời chỉ dẫn. Khi U-xa, người đi trước dẫn xe, nắm lấy để giữ vững hòm, thì bị chết ngay lập tức “vì cớ lầm-lỗi [“xúc phạm đến Rương”, Bản Diễn Ý]”. Đúng vậy, U-xa đã phạm tội nặng, nhưng nguyên do chính là vì Đa-vít không tôn trọng đúng mức Luật Pháp của Đức Chúa Trời nên mới xảy ra kết cuộc bi thảm đó. Kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa là làm theo sự sắp đặt của Ngài.—2 Sa-mu-ên 6:2-9; Dân-số Ký 4:15; 7:9.

14. Việc Đa-vít kiểm tra dân Y-sơ-ra-ên dẫn đến hậu quả nào?

14 Sau đó, do Sa-tan xui giục, Đa-vít ra lệnh kiểm tra quân số của Y-sơ-ra-ên. (1 Sử-ký 21:1) Khi làm thế, Đa-vít cho thấy lòng kính sợ Đức Chúa Trời của mình đã suy giảm, và hậu quả là 70.000 người Y-sơ-ra-ên bị chết. Tuy Đa-vít ăn năn tội đã phạm với Đức Giê-hô-va, nhưng ông và dân sự vẫn phải gánh chịu tai họa nặng nề.—2 Sa-mu-ên 24:1-16.

15. Điều gì khiến Đa-vít phạm tội vô luân?

15 Trong trường hợp khác khi lòng kính sợ Đức Chúa Trời bị suy yếu, Đa-vít đã có quan hệ vô luân với Bát-Sê-ba, vợ U-ri. Đa-vít biết rằng ngoại tình, và ngay cả tham muốn vợ của người khác, là điều sai trái. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14, 17) Vấn đề bắt đầu khi Đa-vít nhìn thấy Bát-Sê-ba tắm. Nếu có lòng kính sợ đúng đắn đối với Đức Chúa Trời, Đa-vít hẳn đã lập tức hướng mắt và ý tưởng ông đi nơi khác. Thay vì thế, Đa-vít có lẽ cứ mãi “ngó” bà cho đến khi sự ham muốn lấn áp cả lòng kính sợ Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 5:28; 2 Sa-mu-ên 11:1-4) Đa-vít quên rằng Đức Giê-hô-va lưu tâm đến mọi khía cạnh của đời sống ông.—Thi-thiên 139:1-7.

16. Đa-vít chịu hậu quả nào vì phạm tội?

16 Quan hệ giữa Đa-vít và Bát-Sê-ba khiến bà có thai và sinh một con trai. Không lâu sau, Đức Giê-hô-va sai tiên tri Na-than đến vạch trần tội lỗi của Đa-vít. Sau khi tỉnh ngộ, Đa-vít phục hồi lòng kính sợ Đức Chúa Trời và ăn năn. Ông cầu xin Đức Giê-hô-va đừng từ bỏ ông hoặc cất thánh linh Ngài khỏi ông. (Thi-thiên 51:7, 11) Đức Giê-hô-va tha thứ và giảm bớt hình phạt cho Đa-vít, nhưng Ngài không che chở ông khỏi mọi hậu quả của hành vi sai trái. Đứa con của ông bị chết và từ lúc đó, nhiều chuyện đau lòng xảy đến cho gia đình ông. Quả là một giá rất đắt mà một người phải trả khi lòng kính sợ Đức Chúa Trời bị suy giảm!—2 Sa-mu-ên 12:10-14; 13:10-14; 15:14.

17. Hãy minh họa hậu quả đau buồn của hành động tội lỗi.

17 Ngày nay, những người không kính sợ Đức Chúa Trời trong vấn đề đạo đức cũng sẽ gặp hậu quả nặng nề và dai dẳng. Hãy tưởng tượng nỗi đau khổ của một người vợ trẻ khi biết chồng là tín đồ Đấng Christ đã không chung thủy khi đi công tác ở nước ngoài. Quá bàng hoàng và đau đớn, chị ôm mặt khóc nức nở. Phải mất bao lâu để người chồng lấy lại được lòng tin cậy và kính trọng của chị? Chúng ta có thể tránh được hậu quả đáng buồn như thế khi thật lòng kính sợ Đức Chúa Trời.—1 Cô-rinh-tô 6:18.

Sự kính sợ Đức Chúa Trời giúp chúng ta tránh phạm tội

18. Mục tiêu của Sa-tan là gì, và hắn thực hiện mục tiêu đó bằng cách nào?

18 Sa-tan đang nhanh chóng hủy hoại những giá trị đạo đức trên thế giới, và đặc biệt hắn muốn làm tha hóa các tín đồ thật của Đấng Christ. Để làm thế, hắn khai thác phương cách trực tiếp nhất để đánh vào lòng và trí chúng ta—qua các giác quan, nhất là mắt và tai. (Ê-phê-sô 4:17-19) Bạn phản ứng thế nào khi bất ngờ thấy những hình ảnh, nghe những lời nói mang tính vô luân hoặc gặp những người có đạo đức đồi bại?

19. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời đã giúp một tín đồ Đấng Christ vượt qua cám dỗ như thế nào?

19 Hãy xem trường hợp của anh Tom, * một trưởng lão tín đồ Đấng Christ, là người cha và là bác sĩ ở Âu Châu. Khi anh trực ca đêm tại bệnh viện, những nữ đồng nghiệp nhiều lần ghim những lá thư có hình trái tim trên gối của anh, mời mọc anh quan hệ với họ. Anh Tom nhất quyết từ chối những lời gạ gẫm đó. Ngoài ra, để thoát khỏi môi trường xấu đó, anh tìm được việc làm nơi khác. Kính sợ Đức Chúa Trời là đường lối khôn ngoan và đem lại ân phước, vì hiện nay, anh đang phục vụ bán thời gian ở văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại xứ anh cư ngụ.

20, 21. (a) Làm thế nào lòng kính sợ Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta tránh phạm tội? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

20 Nếu luôn suy nghĩ về những điều xấu xa, lòng chúng ta có thể nảy sinh thái độ dễ dàng vứt bỏ mối quan hệ quý báu với Đức Giê-hô-va để làm điều sai trái. (Gia-cơ 1:14, 15) Mặt khác, nếu kính sợ Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ tránh—thậm chí bỏ đi—xa những người, nơi chốn, hoạt động và những cuộc giải trí có thể làm mình giảm bớt tinh thần cảnh giác về đạo đức. (Châm-ngôn 22:3) Dù cho phải ngượng ngùng hoặc mất mát, điều đó không đáng kể so với việc mất đi ân huệ của Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 5:29, 30) Kính sợ Đức Chúa Trời chắc chắn bao gồm cả việc chúng ta không bao giờ cố ý đặt mình vào tình huống hay bất cứ điều gì vô luân, kể cả mọi tài liệu khiêu dâm, nhưng thay vì thế, chúng ta muốn ‘xây mắt mình khỏi xem những vật hư-không’. Nếu làm thế, chúng ta có thể tin tưởng Đức Giê-hô-va cho chúng ta “được sống” và ban cho chúng ta mọi thứ mà mình thật sự cần.—Thi-thiên 84:11; 119:37.

21 Thật vậy, hành động với lòng chân thành kính sợ Đức Chúa Trời luôn là đường lối khôn ngoan. Đó cũng là nguồn hạnh phúc thật. (Thi-thiên 34:9) Điều này sẽ được nói rõ trong bài kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 3 Xin xem bài “Vun trồng lòng kính sợ Đức Giê-hô-va”, Tháp Canh ngày 1-12-2001, trang 14, 15 và 17, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 19 Tên đã đổi.

Bạn có thể giải thích không?

• Lòng kính sợ Đức Chúa Trời bao gồm những đức tính nào của tín đồ Đấng Christ?

• Làm thế nào sự kính sợ Đức Chúa Trời giúp chúng ta chế ngự nỗi sợ hãi loài người?

• Làm thế nào chúng ta cho thấy mình có quan điểm đúng về việc cầu nguyện?

• Làm thế nào lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp chúng ta tránh phạm tội?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Đa-vít học biết kính sợ Đức Chúa Trời khi ngắm nhìn công trình sáng tạo của Ngài

[Các hình nơi trang 24]

Bạn sẽ phản ứng ra sao khi bất ngờ gặp cám dỗ?