Kính sợ Đức Giê-hô-va mang lại hạnh phúc!
Kính sợ Đức Giê-hô-va mang lại hạnh phúc!
“Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va”.—THI-THIÊN 112:1.
1, 2. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va có thể đem lại điều gì?
HẠNH PHÚC không phải là điều dễ tìm. Hạnh phúc thật tùy thuộc vào việc quyết định đúng, làm điều phải và tránh điều sai trái. Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va, đã ban Lời Ngài là Kinh Thánh để dạy chúng ta biết cách hưởng lối sống tốt nhất. Khi biểu lộ lòng kính sợ Đức Chúa Trời bằng cách tìm kiếm và làm theo chỉ dẫn của Ngài, chúng ta có thể thật sự được hạnh phúc và thỏa nguyện.—Thi-thiên 23:1; Châm-ngôn 14:26.
2 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét những gương trong Kinh Thánh và thời nay. Những gương ấy giúp chúng ta hiểu làm thế nào lòng chân thành kính sợ Đức Chúa Trời giúp một người cưỡng lại áp lực làm điều sai trái và có can đảm để làm điều đúng. Chúng ta sẽ thấy sự kính sợ Đức Chúa Trời có thể đem lại hạnh phúc, bằng cách giúp chúng ta sửa chữa đường lối sai trái của mình, như Vua Đa-vít đã làm. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy sự kính sợ Đức Giê-hô-va quả là một di sản quý báu mà cha mẹ có thể để lại cho con cái. Thật vậy, Lời Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta: “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 112:1.
Tìm lại hạnh phúc đã mất
3. Điều gì giúp Đa-vít phục hồi sau khi phạm tội?
3 Như đã xem trong bài trước, Đa-vít ba lần tỏ ra thiếu kính sợ Đức Chúa Trời, vì thế ông đã phạm tội. Tuy nhiên, phản ứng của ông khi bị Đức Giê-hô-va sửa phạt cho thấy ông thật sự là người kính sợ Đức Chúa Trời. Lòng sùng kính đối với Đức Giê-hô-va đã giúp ông nhận tội, sửa sai và phục hồi mối quan hệ tốt với Ngài. Mặc dù Đa-vít và những người khác phải gánh chịu hậu quả do tội lỗi của ông, nhưng vì thật lòng ăn năn nên ông tiếp tục được Đức Giê-hô-va hỗ trợ và ban phước. Chắc chắn gương của Đa-vít có thể làm tăng lòng
can đảm của tín đồ Đấng Christ thời nay, những người cũng có thể phạm tội nghiêm trọng.4. Làm thế nào lòng kính sợ Đức Chúa Trời có thể giúp một người tìm lại được hạnh phúc?
4 Hãy xem trường hợp của chị Thùy. * Là người rao giảng trọn thời gian, nhưng chị lại kết hợp với bạn bè xấu, và có hành vi trái nguyên tắc đạo Đấng Christ nên phải bị khai trừ khỏi hội thánh. Khi tỉnh ngộ, chị gắng làm tất cả những điều cần thiết để phục hồi mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Với thời gian, chị được nhận vào hội thánh trở lại. Trong thời gian đó, chị Thùy chưa bao giờ từ bỏ ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va. Cuối cùng, chị trở lại với công việc tiên phong trọn thời gian. Về sau, chị kết hôn với một anh trưởng lão gương mẫu, và hiện nay chị vui vẻ cùng chồng phục vụ hội thánh. Chị Thùy vô cùng hối tiếc vì có một thời lìa bỏ lối sống của tín đồ Đấng Christ, nhưng chị mừng là nhờ có lòng kính sợ Đức Chúa Trời mà chị đã có thể trở lại với Ngài.
Thà chịu khổ còn hơn phạm tội
5, 6. Hãy giải thích tại sao và như thế nào Đa-vít đã hai lần tha mạng Sau-lơ?
5 Tất nhiên, điều tốt hơn là ngay từ lúc đầu chúng ta để cho lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp mình tránh phạm tội. Trường hợp của Đa-vít chứng thực điều này. Một lần nọ, cùng với ba ngàn quân đi truy lùng Đa-vít, Sau-lơ vào trong một hang đá—chính nơi Đa-vít và những người theo ông đang ẩn núp. Những người theo Đa-vít giục ông giết Sau-lơ. Chẳng phải Đức Giê-hô-va phó kẻ thù vào tay ông sao? Đa-vít rón rén đến gần cắt trộm vạt áo tơi của Sau-lơ. Nhưng vì kính sợ Đức Chúa Trời, nên ngay cả hành động gần như vô hại đó cũng làm lương tâm ông cắn rứt. Ngăn cản thuộc hạ của mình, Đa-vít nói: “Nguyện Đức Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va”. *—1 Sa-mu-ên 24:2-8.
6 Vào một dịp sau đó, Sau-lơ hạ trại nghỉ đêm, “Đức Giê-hô-va đã khiến sự ngủ mê” giáng trên Sau-lơ và quân lính của ông. Đa-vít và người cháu liều lĩnh là A-bi-sai lẻn vào giữa trại, đến ngay chỗ Sau-lơ đang ngủ. A-bi-sai muốn giết Sau-lơ ngay. Đa-vít cản A-bi-sai lại và hỏi: “Ai có thế tra tay trên kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va mà không bị phạt?”—1 Sa-mu-ên 26:9, 12.
7. Điều gì ngăn cản Đa-vít phạm tội?
7 Tại sao Đa-vít không giết Sau-lơ dù ông đã có hai cơ hội? Vì ông kính sợ Đức Giê-hô-va hơn là Sau-lơ. Do lòng kính sợ đúng đắn đối với Đức Chúa Trời, Đa-vít thà phải chịu khổ hơn là phạm tội. (Hê-bơ-rơ 11:25) Ông hoàn toàn tin tưởng Đức Giê-hô-va chăm sóc dân Ngài và bản thân ông. Đa-vít biết rằng thái độ vâng lời và lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va hẳn sẽ mang lại hạnh phúc và ân phước, ngược lại, nếu không màng đến Đức Chúa Trời thì ông sẽ mất ân huệ của Ngài. (Thi-thiên 65:4) Đa-vít cũng biết rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa là Ngài sẽ đưa ông lên làm vua, đồng thời phế bỏ Sau-lơ theo cách và thời điểm mà Ngài ấn định.—1 Sa-mu-ên 26:10.
Kính sợ Đức Chúa Trời mang lại hạnh phúc
8. Qua cách xử sự khi bị áp lực, Đa-vít đã nêu gương tốt nào?
8 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta không tránh khỏi bị chế giễu, ngược đãi và những thử thách khác. (Ma-thi-ơ 24:9; 2 Phi-e-rơ 3:3) Đôi khi chúng ta gặp khó khăn ngay cả với những anh chị đồng đạo. Tuy nhiên, chúng ta biết Đức Giê-hô-va nhìn thấy mọi việc, Ngài nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Và vào đúng thời điểm, Ngài sẽ sửa chữa vấn đề theo ý Ngài. (Rô-ma 12:17-21; Hê-bơ-rơ 4:16) Do đó, thay vì sợ hãi những người chống đối, chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời và chờ đợi Ngài giải cứu. Như Đa-vít, chúng ta không tự trả thù, cũng không vì muốn tránh đau khổ mà vi phạm nguyên tắc công bình. Cuối cùng, điều này sẽ mang lại hạnh phúc. Như thế nào?
9. Hãy nêu thí dụ cho thấy dù bị bắt bớ, lòng kính sợ Đức Chúa Trời có thể đem lại hạnh phúc cho chúng ta.
9 Một anh giáo sĩ lâu năm tại Phi Châu kể lại: “Tôi nghĩ đến gương của một chị và cô con gái, vì lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ, họ đã từ chối mua thẻ đảng. Họ bị một nhóm đàn ông hành hung tàn nhẫn và rồi đuổi về. Trên đường về, người mẹ an ủi con gái đang khóc cố hiểu tại sao điều đó xảy ra. Tuy đau khổ lúc đó, nhưng họ có được một lương tâm trong sạch. Về sau, họ cảm thấy rất vui vì đã vâng lời Đức Chúa Trời. Nếu họ đã mua thẻ đảng, thì đám đông đó chắc hẳn rất vui mừng, cho họ uống nước ngọt và nhảy múa chung quanh hai mẹ con suốt đoạn đường về nhà. Nhưng nếu nhượng bộ về đức tin thì mẹ con họ hẳn sẽ đau khổ tột độ”. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời đã giúp họ tránh được điều đó.
10, 11. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời của một phụ nữ đã đem lại kết quả nào?
10 Khi một người đương đầu với thử thách liên quan tới việc tôn trọng tính thánh khiết của sự sống, thái độ kính sợ Đức Chúa Trời cũng mang lại hạnh phúc cho người ấy. Khi chị Mary có thai đứa con thứ ba, bác sĩ khuyên chị phá thai và nói: “Sức khỏe chị trong tình trạng nguy hiểm”. Ông cho biết thêm: “Chị có thể bị biến chứng bất cứ lúc nào và chết trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Như thế thai nhi cũng sẽ chết. Dù trong trường hợp nào đi nữa, không có gì bảo đảm là đứa bé sẽ được bình thường”. Lúc đó, chị Mary đã học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va được một thời gian nhưng chưa báp têm. Chị nói: “Tôi đã quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va, và quyết tâm vâng lời Ngài, dù có xảy ra chuyện gì đi nữa”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22, 23.
11 Trong thời gian thai nghén, chị Mary vẫn đều đặn học Kinh Thánh và chăm sóc gia đình. Cuối cùng, đứa bé chào đời. Chị Mary kể lại: “Lần sanh này có phần khó khăn hơn hai lần trước, nhưng không có biến chứng nghiêm trọng”. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp chị giữ được lương tâm tốt, và ít lâu sau, chị làm báp têm. Đứa bé lớn lên cũng học kính sợ Đức Giê-hô-va, và hiện nay đang phục vụ tại một chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va.
‘Được sức-mạnh nơi Đức Giê-hô-va’
12. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp Đa-vít vững mạnh như thế nào?
12 Lòng kính sợ Đức Giê-hô-va không chỉ ngăn cản Đa-vít làm điều sai trái. Lòng kính sợ đó giúp ông vững mạnh để hành động dứt khoát và khôn ngoan trong những tình huống khó khăn. Suốt một năm bốn tháng, Đa-vít cùng những người theo ông trốn tránh Sau-lơ và tạm trú tại Xiếc-lác, trong vùng đồng bằng xứ Phi-li-tin. (1 Sa-mu-ên 27:5-7) Một lần nọ, khi toàn thể người nam vắng mặt, dân A-ma-léc đến cướp bóc, đốt thành và bắt đem đi tất cả vợ, con và các đàn thú vật của họ. Khi về đến nơi và thấy những điều xảy ra, Đa-vít và những người theo ông đau lòng than khóc. Nỗi đau buồn nhanh chóng trở nên cay đắng, và những người theo Đa-vít muốn ném đá ông. Tuy đau lòng nhưng Đa-vít không thất vọng. (Châm-ngôn 24:10) Lòng kính sợ Đức Chúa Trời thôi thúc ông đến với Đức Giê-hô-va, và “Đa-vít được sức-mạnh nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình”. Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, Đa-vít và những người theo ông đuổi kịp dân A-ma-léc và lấy lại được tất cả.—1 Sa-mu-ên 30:1-20.
13, 14. Làm thế nào lòng kính sợ Đức Chúa Trời đã giúp một tín đồ Đấng Christ quyết định đúng?
13 Ngày nay, tôi tớ của Đức Chúa Trời cũng đương đầu với những tình huống đòi hỏi họ phải can đảm và tin cậy nơi Đức Giê-hô-va để hành động dứt khoát. Hãy xem trường hợp của chị Kristina. Thời niên thiếu, chị học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng lại có ý muốn trở thành một nghệ sĩ dương cầm trong dàn nhạc hòa tấu, và chị tiến bộ đáng kể để đạt đến mục tiêu này. Hơn nữa, chị cảm thấy ngại đi rao giảng, vì thế chị sợ phải lãnh những trách nhiệm đi kèm với việc làm báp têm. Khi tiếp tục học Lời Đức Chúa Trời, chị bắt đầu cảm nhận được quyền lực của Kinh Thánh. Chị học kính sợ Đức Giê-hô-va, và nhận thức rằng Đức Giê-hô-va mong đợi các tôi tớ Ngài hết lòng, hết Mác 12:30) Điều này thúc đẩy chị dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm.
linh-hồn, hết trí-khôn, hết sức yêu thương Ngài. (14 Chị Kristina cầu xin Đức Giê-hô-va giúp chị tiến bộ về thiêng liêng. Chị giải thích: “Tôi biết rằng cuộc đời của một nghệ sĩ dương cầm trong dàn nhạc hòa tấu đòi hỏi phải thường xuyên đi lưu diễn, và đôi khi hợp đồng trình diễn lên đến 400 buổi hòa nhạc một năm. Vì thế, tôi quyết định làm giáo viên để nuôi thân và phụng sự với tư cách người truyền giáo trọn thời gian”. Lúc đó, chị Kristina đã có lịch trình để bắt đầu trình diễn tại nhà hát nổi tiếng nhất trong nước. Chị kể: “Buổi hòa nhạc đầu tiên đó cũng là buổi cuối cùng”. Về sau, chị kết hôn với một anh trưởng lão. Hiện nay, họ đang phục vụ tại một chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị vui mừng là Đức Giê-hô-va đã cho chị sức mạnh để quyết định đúng đắn, và giờ đây chị có thể dùng thì giờ cũng như năng lực để phụng sự Ngài.
Một di sản quý báu
15. Đa-vít muốn để lại cho con cái điều gì, và ông làm điều đó như thế nào?
15 Đa-vít viết: “Hỡi các con, hãy đến nghe ta; ta sẽ dạy các con sự kính-sợ Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 34:11) Là một người cha, Đa-vít có ý định để lại cho con cái một di sản quý báu , đó là lòng kính sợ Đức Giê-hô-va cách chân thành, thăng bằng và lành mạnh. Qua lời nói và hành động, Đa-vít cho thấy Đức Giê-hô-va là người Cha yêu thương, quan tâm và hay tha thứ cho con cái Ngài trên đất, chứ không phải là một Đức Chúa Trời khắt khe, đáng sợ và sẵn sàng bắt tội những ai vi phạm luật pháp của Ngài. Đa-vít hỏi: “Ai nhớ hết các sai lầm?” Và ông nói thêm: “Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết”, cho thấy ông tin tưởng rằng không phải lúc nào Đức Giê-hô-va cũng xem xét tỉ mỉ những lỗi lầm của chúng ta. Đa-vít tin chắc là nếu ông cố hết sức, thì lời nói và ý tưởng của ông có thể đẹp lòng Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 19:12, 14; Byington.
16, 17. Làm sao bậc cha mẹ có thể dạy con cái kính sợ Đức Giê-hô-va?
16 Đa-vít là gương tốt cho các bậc cha mẹ ngày nay. Anh Ralph và người em đang phục vụ tại một chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, anh nói: “Cách cha mẹ dạy dỗ khiến chúng tôi cảm thấy thích thú với đời sống làm theo lẽ thật. Khi còn nhỏ, chúng tôi được cùng cha mẹ trò chuyện về các hoạt động của hội thánh. Nhờ thế, chúng tôi cũng sốt sắng đối với lẽ thật như cha mẹ. Cha mẹ dạy rằng chúng tôi có thể làm nhiều điều hữu ích để phụng sự Đức Giê-hô-va. Thật vậy, gia đình chúng tôi sống nhiều năm tại một xứ cần thêm người rao giảng về Nước Trời, và chúng tôi đã giúp thành lập các hội thánh mới”.
17 “Điều giúp chúng tôi tiếp tục bước theo con đường đúng không phải là những luật lệ cứng nhắc và khắt khe mà là việc cha mẹ xem Đức Giê-hô-va là Đấng có thật, vô cùng nhân từ và tốt lành. Cha mẹ luôn cố gắng hiểu rõ về Đức Giê-hô-va hơn và làm vui lòng Ngài, và chúng tôi noi theo gương cha mẹ về lòng chân thành kính sợ và yêu mến Đức Chúa Trời. Ngay cả khi chúng tôi làm điều sai trái, cha mẹ không bao giờ làm chúng tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va không còn yêu thương chúng tôi nữa, và cha mẹ cũng không nóng giận đưa ra những giới hạn vô lý. Thường thì cha mẹ bình tĩnh nói chuyện với chúng tôi, có những lúc mẹ tìm cách động đến lòng chúng tôi mà mắt đẫm lệ. Điều đó đạt được hiệu quả. Qua lời nói và hành động của cha mẹ, chúng tôi học được rằng sự kính sợ Đức Giê-hô-va là điều rất tốt và được làm Nhân Chứng của Ngài là niềm vui, là điều thích thú, chứ không phải là gánh nặng”.—1 Giăng 5:3.
18. Chúng ta sẽ được lợi ích nào khi kính sợ Đức Chúa Trời?
18 “Người nào cai-trị loài người cách công-bình, cách kính-sợ Đức Chúa Trời, thì sẽ giống như sự chói-lòa buổi sáng, khi mặt trời mọc”, đó là một trong những “lời sau hết của Đa-vít”. (2 Sa-mu-ên 23:1, 3, 4) Sa-lô-môn, là con và là người kế vị Đa-vít hẳn đã hiểu được giá trị của lời đó, vì ông xin Đức Giê-hô-va ban cho “tấm lòng khôn-sáng [“biết lắng nghe”, Tòa Tổng Giám Mục]” và khả năng “phân-biệt điều lành điều dữ”. (1 Các Vua 3:9) Sa-lô-môn nhận biết rằng sự kính sợ Đức Giê-hô-va là điều khôn ngoan và đem lại hạnh phúc. Về sau, ông tóm tắt sách Truyền-đạo bằng những lời như sau: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết này: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán-xét các công-việc, đến nỗi việc kín-nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy”. (Truyền-đạo 12:13, 14) Nếu vâng theo lời khuyên này, chúng ta quả sẽ thấy rằng “phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” không những là sự khôn ngoan và hạnh phúc, mà còn là “sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống” nữa.—Châm-ngôn 22:4.
19. Điều gì giúp chúng ta hiểu được “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va”?
19 Từ những gương trong Kinh Thánh và những kinh nghiệm thời nay, chúng ta thấy việc kính sợ Đức Chúa Trời cách lành mạnh giữ vai trò tích cực trong đời sống các tôi tớ thật của Đức Giê-hô-va. Sự kính sợ đó không những giúp chúng ta tránh làm những điều buồn lòng Cha trên trời, mà còn giúp chúng ta có can đảm để đối phó với kẻ thù, và thêm sức để chịu đựng thử thách, khó khăn. Vì thế, tất cả chúng ta, dù già hay trẻ, hãy siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời, suy ngẫm về những điều mình học và đến gần Đức Giê-hô-va bằng cách đều đặn chân thành cầu nguyện với Ngài. Làm như thế, chúng ta không những tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời” mà còn hiểu được “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va”.—Châm-ngôn 2:1-5.
[Chú thích]
^ đ. 4 Tên đã đổi.
^ đ. 5 Đây có lẽ là một trong những điều mà Đa-vít đã trải qua, gợi cho ông nguồn cảm hứng để soạn hai bài Thi-thiên 57 và 142.
Bạn có thể giải thích không?
Làm thế nào sự kính sợ Đức Chúa Trời có thể
• giúp một người phục hồi sau khi phạm tội nặng?
• mang lại hạnh phúc khi chúng ta bị thử thách và bắt bớ?
• giúp chúng ta vững mạnh để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời?
• là di sản quý báu cho con cái?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 26]
Vì kính sợ Đức Giê-hô-va, Đa-vít không giết Vua Sau-lơ
[Các hình nơi trang 29]
Sự kính sợ Đức Chúa Trời là di sản quý báu mà cha mẹ có thể để lại cho con cái