Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhân phẩm—Một quyền thường bị xâm phạm

Nhân phẩm—Một quyền thường bị xâm phạm

Nhân phẩm​—⁠Một quyền thường bị xâm phạm

“Mỗi chi tiết của đời sống trong trại là một nấc thang dẫn xuống hố sâu của tình trạng bị sỉ nhục và chà đạp nhân phẩm”.—MAGDALENA KUSSEROW REUTER, NGƯỜI SỐNG SÓT KHỎI TRẠI TẬP TRUNG ĐỨC QUỐC XÃ.

KINH TỞM như chính bản chất của nó, sự tàn bạo của những trại tập trung Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II không là điểm khởi đầu cũng không là điểm kết thúc của việc xâm phạm phẩm giá con người. Dù xem xét sự việc xảy ra vào thời xưa hay thời nay, nhận định chung thật rõ ràng: “Tình trạng bị sỉ nhục và chà đạp nhân phẩm” đã từ lâu là con đường đau khổ mà nhiều người phải trải qua.

Tuy nhiên, việc xúc phạm nhân phẩm không chỉ giới hạn nơi những hành vi tàn bạo làm hoen ố lịch sử nhân loại. Nó thường thể hiện tính chất xấu xa qua nhiều cách xảo quyệt hơn. Hãy nghĩ đến trường hợp một đứa trẻ bị chế giễu vì một điểm nào đó trên thân thể, hoặc người nhập cư bị giễu cợt vì một số phong tục “lạ”, hoặc một người bị phân biệt đối xử chỉ vì màu da hay quốc tịch. Thủ phạm có thể xem chuyện ấy như một trò đùa, nhưng nỗi đau và sự sỉ nhục mà người bị xem thường phải chịu thì không phải là chuyện bỡn cợt cho vui.—Châm-ngôn 26:18, 19.

Nhân phẩm là gì?

Một tự điển định nghĩa nhân phẩm là ‘phẩm chất và giá trị con người’. Vì vậy, nhân phẩm bao hàm cách chúng ta nghĩ về mình và cách người khác đối xử với chúng ta. Có nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng đến cảm nghĩ của chúng ta về bản thân. Trong đó, cách người khác suy nghĩ hoặc đối xử với chúng ta tác động lớn đến cảm nhận của chúng ta về giá trị của mình trong đời sống hàng ngày.

Mỗi xã hội đều có thành phần người nghèo, người không có khả năng tự vệ và người cô thế. Tuy nhiên, sống trong những hoàn cảnh ấy không nhất thiết hạ thấp phẩm cách của một người. Chính thái độ và phản ứng của người khác có thể khiến một người đánh giá thấp phẩm cách của mình. Thực tế đáng buồn là nhân phẩm của những người sống trong hoàn cảnh bất hạnh thường bị xem khinh hoặc bị chà đạp. Chúng ta thường nghe những lời như “đồ vô dụng”, “thứ không ra gì”, “đồ vô lại”, trong những trường hợp ngược đãi người cao tuổi, người nghèo, hoặc người tàn tật về thể chất hay tâm thần!

Tại sao người ta làm nhục lẫn nhau? Liệu người ta sẽ ý thức nhân phẩm là quyền căn bản của con người? Bài tiếp theo sẽ cung cấp lời giải đáp thỏa đáng đến từ Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh.