Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhân phẩm mọi người được tôn trọng

Nhân phẩm mọi người được tôn trọng

Nhân phẩm mọi người được tôn trọng

“Chúng ta phải xây dựng một thế giới mới—một thế giới tốt đẹp hơn—trong đó phẩm giá con người luôn được tôn trọng”.—TỔNG THỐNG HOA KỲ HARRY TRUMAN, SAN FRANCISCO, CALIFORNIA, HOA KỲ, NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 1945.

SAU Thế Chiến II, Tổng Thống Truman cũng như nhiều người khác tin rằng con người có thể học hỏi từ lịch sử và tạo dựng “một thế giới mới”, trong đó nhân phẩm mọi người được tôn trọng. Đáng buồn thay, lịch sử hiện đại không như thế. “Phẩm giá con người” tiếp tục bị chà đạp vì căn nguyên của vấn đề không ở nơi loài người, nhưng ở nơi kẻ thù lớn nhất của nhân loại.

Căn nguyên của vấn đề

Kinh Thánh chỉ rõ kẻ thù này là Sa-tan Ma-quỉ, một tạo vật thần linh gian ác đã thách thức quyền cai trị của Đức Chúa Trời từ lúc ban đầu của lịch sử nhân loại. Ngay từ lần tiếp xúc với Ê-va trong vườn Ê-đen, mục tiêu của Sa-tan là lôi kéo loài người khỏi sự thờ phượng Đấng Tạo Hóa. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Hãy nghĩ đến hậu quả thảm khốc mà A-đam và Ê-va gánh chịu khi họ nghe theo sự xúi giục của Ma-quỉ! Hậu quả tức thì của việc không vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời về trái cấm là hai vợ chồng “ẩn mình... để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. Tại sao? A-đam thú nhận: “Tôi... sợ, bởi vì tôi lõa-lồ, nên đi ẩn mình”. (Sáng-thế Ký 3:8-10) Mối quan hệ của A-đam với Cha trên trời, và cái nhìn của ông về chính mình đã thay đổi. Ông cảm thấy xấu hổ và không còn thoải mái trước mặt Đức Giê-hô-va.

Tại sao Sa-tan muốn hạ thấp lòng tự trọng của A-đam? Bởi vì con người được dựng nên như hình ảnh Đức Chúa Trời, và Sa-tan vui thích thấy cách ông hành động không phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 1:27; Rô-ma 3:23) Điều này giải thích tại sao lịch sử loài người đầy dẫy những hành vi làm nhục người khác. Là “chúa đời này”, Sa-tan cổ vũ tinh thần đó “khi người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. (2 Cô-rinh-tô 4:4; Truyền-đạo 8:9; 1 Giăng 5:19) Phải chăng điều này có nghĩa là nhân phẩm đã biến mất mãi mãi?

Đức Giê-hô-va xem trọng phẩm giá các tạo vật của Ngài

Hãy nghĩ đến tình trạng trong vườn Ê-đen trước khi A-đam và Ê-va phạm tội. Họ có đầy đủ thực phẩm, công việc mang lại sự thỏa lòng, triển vọng về sức khỏe hoàn hảo, sự sống vĩnh cửu cho chính họ và cho con cháu. (Sáng-thế Ký 1:28) Mỗi khía cạnh của đời sống đều nêu bật tình yêu thương, ý định cao quý của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

Quan điểm của Đức Giê-hô-va về phẩm giá con người có thay đổi khi A-đam và Ê-va phạm tội không? Không. Ngài biểu lộ lòng quan tâm khi họ cảm thấy xấu hổ vì sự lõa lồ. Đức Chúa Trời đã yêu thương “lấy da thú kết thành áo dài” thay cho chiếc áo họ tự kết bằng lá cây vả. (Sáng-thế Ký 3:7, 21) Thay vì bỏ mặc họ trong cảm giác xấu hổ, Đức Chúa Trời đã đối xử với họ cách tôn trọng.

Sau này, khi đối xử với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng trắc ẩn đối với kẻ mồ côi, người góa bụa và khách lạ—là những thành phần thường bị ngược đãi nhiều nhất trong xã hội. (Thi-thiên 72:13) Chẳng hạn, đến mùa thu hoạch ngũ cốc, ô-liu và nho, người Y-sơ-ra-ên được dạy là không nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Đúng hơn, Đức Chúa Trời phán rằng phần ấy “sẽ về phần khách lạ, kẻ mồ-côi, và người góa-bụa”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:19-21) Khi được áp dụng, những luật này xóa bỏ nạn ăn xin và ngay cả những người nghèo nhất cũng có việc làm đàng hoàng.

Chúa Giê-su tôn trọng phẩm giá người khác

Khi còn ở trên đất, Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, cho thấy ngài quan tâm đến nhân phẩm của người khác. Chẳng hạn, khi ở xứ Ga-li-lê, một người mắc bệnh phung tiến đến gần ngài. Theo Luật Pháp Môi-se, để tránh lây nhiễm cho người khác, người mắc bệnh phung phải la lên: “Ô-uế! Ô-uế!” (Lê-vi Ký 13:45) Tuy nhiên, người đàn ông này khi đến gần Chúa Giê-su đã không la lên như thế. Thay vì vậy, ông sấp mặt xuống đất và nài xin Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi được sạch!” (Lu-ca 5:12) Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Chúa Giê-su không trừng phạt người đàn ông vì đã phạm Luật, ngài cũng không lờ đi hoặc tránh xa ông. Thay vì thế, ngài tỏ ra tôn trọng phẩm giá người mắc bệnh phung này bằng cách chạm vào người ông và phán rằng: “Ta khứng, hãy sạch đi”.—Lu-ca 5:13.

Vào những dịp khác, Chúa Giê-su cho thấy ngài có khả năng chữa bệnh mà không cần chạm vào thân thể—đôi khi ngài chữa lành từ xa. Tuy nhiên, trong trường hợp này ngài chọn cách sờ vào người ông. (Ma-thi-ơ 15:21-28; Mác 10:51-53; Lu-ca 7:1-10) Vì người đàn ông “mắc bịnh phung đầy mình”, rõ ràng là đã nhiều năm ông không được ai gần gũi. Thật an ủi biết bao khi ông lại được người khác chạm vào! Tất cả những gì ông mong ước là được chữa lành bệnh phung. Tuy nhiên, cách Chúa Giê-su chữa bệnh rõ ràng giúp khôi phục lại một điều còn hơn thế nữa—nhân phẩm của người đàn ông ấy. Có thực tế không khi tin rằng mối quan tâm thể ấy đến nhân phẩm của người khác tồn tại trong xã hội ngày nay? Nếu có, điều đó sẽ được thể hiện như thế nào?

Quy tắc nâng cao nhân phẩm

Chúa Giê-su đã phán một điều mà nhiều người xem là sự dạy dỗ nổi tiếng nhất về mối quan hệ giữa con người: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12) Luật Vàng này, như người ta thường gọi, thôi thúc một người tôn trọng người đồng loại, mong rằng người đó cũng tôn trọng mình.

Lịch sử cho thấy, áp dụng luật này không phải là điều dễ dàng—sự thật thì người ta thường làm điều ngược lại. Một người đàn ông, xin tạm gọi là Harold, nói: “Thực ra, trước đây tôi thích chọc ghẹo người khác. Chỉ bằng một vài lời, tôi có thể khiến họ bối rối, ngượng ngập và đôi khi phải rơi lệ”. Tuy nhiên, có một sự việc đã khiến Harold thay đổi cách cư xử. “Một vài Nhân Chứng Giê-hô-va đã đến nhà tôi. Nghĩ lại, tôi thấy xấu hổ khi nhớ đến một số điều mình đã nói và làm với họ. Nhưng họ không bao giờ bỏ cuộc, và dần dần lẽ thật của Kinh Thánh động đến lòng và thôi thúc tôi thay đổi”. Ngày nay, anh Harold là trưởng lão trong hội thánh đạo Đấng Christ.

Anh Harold là bằng chứng sống động cho thấy “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng”. (Hê-bơ-rơ 4:12) Lời Đức Chúa Trời có quyền lực động đến lòng người và khiến người đó thay đổi lối suy nghĩ và cách cư xử. Đây là bí quyết để tôn trọng phẩm giá người khác—thật lòng muốn giúp đỡ thay vì làm tổn thương, tôn trọng thay vì làm nhục.—Công-vụ 20:35; Rô-ma 12:10.

Khôi phục nhân phẩm

Chính ước muốn này đã thôi thúc Nhân Chứng Giê-hô-va nói với người khác về hy vọng tuyệt diệu của Kinh Thánh. (Công-vụ 5:42) Không cách nào tốt hơn để tỏ lòng kính trọng và đề cao phẩm giá người đồng loại bằng việc chia sẻ với họ “tin tốt về phước-lành”. (Ê-sai 52:7) “Tin tốt” gồm việc “mặc lấy người mới”; nhân cách mới này sẽ làm chết “ham-muốn xấu-xa” làm nhục người khác. (Cô-lô-se 3:5-10) “Tin tốt” cũng bao hàm ý định của Đức Giê-hô-va là chẳng bao lâu nữa, Ngài sẽ xóa bỏ những tình trạng và thái độ tước mất phẩm giá con người, và kẻ chủ mưu, Sa-tan Ma-quỉ, cũng sẽ bị diệt. (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 6:9, 10; Khải-huyền 20:1, 2, 10) Chỉ đến lúc ấy, khi trái đất “đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va”, cuối cùng, phẩm giá của mọi người sẽ được tôn trọng.—Ê-sai 11:9.

Chúng tôi mời bạn tìm hiểu về hy vọng tuyệt diệu này. Bằng cách kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va, tự bạn sẽ nhận thấy áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh là tôn trọng phẩm giá người khác. Bạn sẽ biết làm thế nào chẳng bao lâu nữa Nước Trời sẽ mang lại ‘một thế giới mới tốt đẹp hơn’, một thế giới mà trong đó “phẩm giá con người” sẽ tồn tại và không bao giờ bị chà đạp nữa.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Giữ lòng trung kiên là giữ nhân phẩm

Trong Thế Chiến II, hơn 2.000 Nhân Chứng Giê-hô-va bị đưa vào trại tập trung Đức Quốc Xã vì đức tin. Nói về lòng trung kiên nổi bật của họ, Gemma La Guardia Gluck, cựu tù nhân ở Ravensbrück, thuật lại trong sách My Story (Câu chuyện đời tôi) như sau: “Đã có lúc mật vụ Gestapo tuyên bố Học Viên Kinh Thánh nào từ bỏ niềm tin của mình và ký vào một văn bản thì sẽ được tự do và không còn bị ngược đãi nữa”. Về những người đã từ chối ký vào văn bản ấy, bà viết: “Họ thà chịu đau khổ và kiên nhẫn chờ đợi ngày được giải phóng”. Tại sao họ kiên cường đến thế? Giờ đây ở tuổi hơn 80, Magdalena, được đề cập nơi phần đầu của bài trước, giải thích: “Giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va quan trọng hơn việc giữ mạng sống bằng mọi giá. Giữ nhân phẩm có nghĩa là chúng tôi giữ lòng trung kiên”. *

[Chú thích]

^ đ. 23 Muốn biết thêm chi tiết về gia đình Kusserow, xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-9-1985, trang 10-15.

[Hình nơi trang 5]

Chúa Giê-su tôn trọng phẩm giá những người được ngài chữa lành

[Hình nơi trang 7]

Nhân Chứng Giê-hô-va tôn trọng phẩm giá người khác bằng cách chia sẻ với họ “tin tốt về phước-lành”