Độc giả thắc mắc
Độc giả thắc mắc
Sau lần thử thách cuối cùng vào cuối Thời Kỳ Một Ngàn Năm, loài người có thể phạm tội và chết không?
Hai câu Kinh Thánh trong sách Khải-huyền giúp chúng ta tìm câu trả lời: “Sự chết và Âm-phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai”. (Khải-huyền 20:14) “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.—Khải-huyền 21:4.
Hãy lưu ý đến thời điểm được đề cập nơi đây. “Sự chết và Âm-phủ” bị quăng vào hồ lửa sau khi những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn, những người chết được sống lại và những người sinh sau Ha-ma-ghê-đôn được xử đoán tùy theo “lời đã biên trong những sách”; đó là những đòi hỏi chi tiết mà Đức Giê-hô-va đặt ra cho nhân loại trong một ngàn năm. (Khải-huyền 20:12, 13) Sứ đồ Giăng ghi lại một sự hiện thấy khác nơi Khải-huyền chương 21. Sự hiện thấy này sẽ được ứng nghiệm trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su Christ. Tuy nhiên, phải đợi đến cuối Ngày Phán Xét dài một ngàn năm thì sự hiện thấy đó mới được ứng nghiệm toàn diện. Lúc ấy, Chúa Giê-su đã trao Nước Trời lại cho Cha ngài rồi Đức Giê-hô-va sẽ ở với loài người theo nghĩa trọn vẹn, không cần người trung gian nào. Theo nghĩa thiêng liêng, Đức Giê-hô-va sẽ trực tiếp và vĩnh viễn ở với “dân Ngài”. Lúc ấy, khi sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ được áp dụng một cách tối đa, nhân loại sẽ trở nên hoàn toàn và mãi mãi “sẽ không có sự chết” nữa.—Khải-huyền 21:3, 4.
Vì vậy, sự chết ghi trong những câu Kinh Thánh trích trên là sự chết do A-đam truyền lại, và sẽ bị hủy bỏ nhờ giá chuộc của Đấng Christ. (Rô-ma 5:12-21) Khi sự chết di truyền bởi người đầu tiên bị hủy bỏ thì loài người sẽ giống như A-đam lúc mới được dựng nên. Thời ban đầu, A-đam là người hoàn toàn, nhưng điều này không có nghĩa là ông không thể chết. Đức Giê-hô-va bảo A-đam không được ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác”. Ngài phán: “Một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (Sáng-thế Ký 2:17) Cái chết đó là hình phạt của hành động cố ý phạm tội. Sau lần thử thách vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, loài người vẫn có sự tự do ý chí. (Khải-huyền 20:7-10) Họ vẫn có thể tự lựa chọn sẽ tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va hay không. Chúng ta không thể nói chắc rằng sẽ không có người nào từ bỏ Đức Chúa Trời như A-đam.
Sau thử thách cuối cùng, khi không còn sự chết và âm phủ nữa, điều gì sẽ xảy ra cho một người cố ý phản loạn? Lúc ấy, không còn sự chết do A-đam truyền lại. Không còn âm phủ nữa, tức mồ mả chung của nhân loại, nơi mà người ta còn có hy vọng được sống lại. Tuy vậy, Đức Giê-hô-va vẫn có thể hủy diệt bất kỳ kẻ phản loạn nào trong hồ lửa, không cho người đó hy vọng sống lại. Sự chết này cũng giống như sự chết của A-đam và Ê-va, không phải là sự chết do A-đam truyền lại cho loài người.
Tuy nhiên, chúng ta không có lý do nào để cho rằng điều đó sẽ xảy ra. Có một khác biệt quan trọng giữa những người vượt qua được thử thách cuối cùng và A-đam. Đó là họ sẽ được thử thách đến cùng. Chúng ta có thể tin chắc rằng loài người sẽ được thử thách một cách trọn vẹn vì Đức Giê-hô-va biết cách xem xét thấu lòng của con người. Chúng ta có thể chắc chắn rằng sự thử thách cuối cùng sẽ loại đi bất kỳ người nào lạm dụng quyền tự do ý chí. Vì thế, mặc dù những người vượt qua thử thách cuối cùng có thể phản nghịch lại Đức Chúa Trời và bị hủy diệt, nhưng có lẽ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.
[Hình nơi trang 31]
Sau thử thách cuối cùng, loài người sẽ giống như A-đam theo nghĩa nào?