Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ở đất như trời!”

“Ở đất như trời!”

“Ở đất như trời!”

“Đức tin Công Giáo ghi rõ Bốn Kết Cục: Sự chết, Sự phán xét, Địa ngục, Thiên đàng”.—Catholicism, do George Brantl biên tập.

HÃY lưu ý là trong bốn kết cục cho nhân loại, trái đất không được nói đến. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì Giáo Hội Công Giáo, cũng như một số tôn giáo khác, tán thành niềm tin một ngày nào đó trái đất sẽ bị hủy diệt. Qua đề mục “Ngày tàn của thế giới”, cuốn Dictionnaire de Théologie Catholique nói rõ điều này như sau: “Giáo Hội Công Giáo tin và dạy rằng thế giới hiện nay, thế giới mà Đức Chúa Trời dựng nên và hiện hữu, sẽ không tồn tại mãi mãi”. Sách giáo lý Công Giáo gần đây cũng chấp nhận ý tưởng này: “Thế giới của chúng ta... được định trước là sẽ biến mất”. Tuy nhiên, nếu hành tinh của chúng ta sẽ biến mất, nói sao về những lời Kinh Thánh hứa về một địa đàng?

Kinh Thánh nói rất rõ về một địa đàng tương lai trên trái đất. Chẳng hạn, nhà tiên tri Ê-sai miêu tả trái đất và dân cư sống trên đó như sau: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái. Họ chẳng xây nhà cho người khác ở, chẳng trồng vườn nho cho người khác ăn; vì tuổi dân ta sẽ như tuổi cây, những kẻ lựa-chọn của ta sẽ hằng hưởng công-việc tay mình làm”. (Ê-sai 65:21, 22) Dân Do Thái, dân được Đức Chúa Trời hứa những lời này, tin chắc xứ của họ—thực ra là toàn thể trái đất—một ngày nào đó sẽ trở thành địa đàng vì lợi ích vĩnh cửu cho nhân loại.

Bài Thi-thiên 37 xác nhận niềm hy vọng này: “Người hiền-từ sẽ nhận được đất”. (Thi-thiên 37:11) Câu này không chỉ nói về việc phục hồi tạm thời quốc gia Y-sơ-ra-ên ở Đất Hứa. Trong cùng bài Thi-thiên, người viết nhấn mạnh: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. (Thi-thiên 37:29) * Hãy lưu ý, bài Thi-thiên này nói rằng sự sống vĩnh cửu trên đất là phần thưởng cho người “hiền-từ”, hay nhu mì. Trong một bản Kinh Thánh tiếng Pháp, lời chú thích về câu này cho biết chữ “hiền-từ” “có nghĩa rộng hơn nghĩa trong các bản dịch; chữ này bao hàm những người bất hạnh, những người chịu hoạn nạn hoặc bị ngược đãi vì danh của Đức Ya-vê, những tấm lòng khiêm nhường vâng phục Đức Chúa Trời”.

Trên đất hay trên trời?

Lời hứa của Chúa Giê-su, trong Bài Giảng trên Núi, nhắc chúng ta nhớ đến những câu Kinh Thánh được trích ở trên: “Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất!” (Ma-thi-ơ 5:5) Một lần nữa, trái đất được xác định là phần thưởng vĩnh cửu cho những người trung thành. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói rõ với các sứ đồ rằng ngài đang chuẩn bị cho họ một chỗ “trong nhà Cha [ngài]”, và họ sẽ ở trên trời cùng với ngài. (Giăng 14:1, 2; Lu-ca 12:32; 1 Phi-e-rơ 1:3, 4) Vậy, chúng ta nên hiểu như thế nào những lời hứa về các ân phước trên đất? Ngày nay, những lời hứa ấy có còn hiệu lực không, và ai sẽ được lợi ích?

Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng “đất” được đề cập trong Bài Giảng trên Núi của Chúa Giê-su, ngay cả trong bài Thi-thiên 37 chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Qua lời bình luận của F. Vigouroux trong quyển Bible de Glaire, ông nhận ra “biểu tượng của thiên đàng và Giáo Hội” trong những câu này. Theo M. Lagrange, một nhà nghiên cứu Kinh Thánh người Pháp, ân phước này “không phải là lời hứa cho người nhu mì nhận được đất và sống ở đấy dù trong hệ thống hiện nay, hay trong một thế giới hoàn hảo tương lai. Lời hứa ấy chỉ về một nơi, bất cứ nơi nào, là nước thiên đàng”. Theo một nhà nghiên cứu khác, đó là “biểu tượng cho những điều đáng ao ước ở trên đất để nói về thiên đàng”. Đối với nhiều người, “đất hứa, xứ Ca-na-an, được hiểu theo nghĩa bóng và tượng trưng cho quê hương ở trên cao, nước của Đức Chúa Trời, mà người nhu mì chắc chắn sẽ thừa hưởng. Đây cũng là ý nghĩa của hình ảnh trong bài Thi-thiên 37 và những nơi khác”. Tuy nhiên, chúng ta có nên vội vàng gạt bỏ hình ảnh trái đất theo nghĩa đen ra khỏi những lời hứa của Đức Chúa Trời không?

Ý định vĩnh cửu cho trái đất

Từ ban đầu, trái đất liên quan trực tiếp đến ý định của Đức Chúa Trời đối với loài người. Người viết Thi-thiên nói: “Các từng trời thuộc về Đức Giê-hô-va; nhưng Ngài đã ban đất cho con cái loài người”. (Thi-thiên 115:16) Thế nên, đất chứ không phải trời, liên quan đến ý định ban đầu của Đức Chúa Trời đối với loài người. Đức Giê-hô-va giao cho cặp vợ chồng đầu tiên nhiệm vụ mở rộng vườn Ê-đen ra khắp hành tinh. (Sáng-thế Ký 1:28) Ý định này không phải tạm thời. Trong Lời Ngài, Đức Giê-hô-va khẳng định trái đất sẽ tồn tại mãi: “Đời nầy qua, đời khác đến; nhưng đất cứ còn luôn luôn”.—Truyền-đạo 1:4; 1 Sử-ký 16:30; Ê-sai 45:18.

Những lời hứa của Đức Chúa Trời không bao giờ chìm vào quên lãng vì Ngài là Đấng Chí Cao, và Ngài đảm bảo chúng sẽ được ứng nghiệm. Dùng minh họa về chu trình của nước, Kinh Thánh giải thích việc Đức Chúa Trời hoàn thành những lời hứa là điều chắc chắn: “Như mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm-nhuần đất-đai, làm cho sanh ra và kết nụ,... thì lời nói của ta [lời Đức Chúa Trời] cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó”. (Ê-sai 55:10, 11) Đức Chúa Trời đã hứa với loài người. Nhiều năm có thể trôi qua trước khi những lời hứa ấy trở thành hiện thực, nhưng chúng không chìm vào quên lãng. Chúng chỉ “trở về” Đức Chúa Trời một khi đã hoàn thành mọi điều Ngài phán.

Đức Giê-hô-va hẳn đã rất vui khi dựng nên trái đất cho loài người. Cuối ngày sáng tạo thứ sáu, Ngài phán rằng mọi việc “thật rất tốt-lành”. (Sáng-thế Ký 1:31) Trái đất biến thành địa đàng vĩnh cửu là một phần của ý định Đức Chúa Trời, nhưng ý định này chưa được hoàn tất. Tuy nhiên, những lời Ngài hứa sẽ “chẳng trở về luống-nhưng”, tức chưa đạt kết quả. Tất cả những lời hứa về một đời sống hoàn hảo trên đất, nơi loài người sẽ sống vĩnh viễn trong hòa bình và an ổn, đều sẽ được ứng nghiệm.—Thi-thiên 135:6; Ê-sai 46:10.

Ý định của Đức Chúa Trời chắc chắn được hoàn thành

Tội lỗi của tổ tiên chúng ta, A-đam và Ê-va, đã làm gián đoạn tạm thời ý định ban đầu của Đức Chúa Trời trong việc tạo dựng trái đất thành một địa đàng. Sau khi không vâng lời Ngài, họ đã bị đuổi khỏi khu vườn. Vì vậy, họ đã mất đặc ân góp phần vào công việc hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời. Đó là những người hoàn toàn được sống trong địa đàng. Dù vậy, Đức Chúa Trời đã sắp đặt mọi việc để ý định Ngài được hoàn thành. Bằng cách nào?—Sáng-thế Ký 3:17-19, 23.

Tình trạng trong vườn Ê-đen tương tự tình trạng một người đàn ông khởi công xây nhà trên khu đất tốt. Ông vừa mới đặt nền thì có kẻ lạ đến phá hủy. Thay vì bỏ dở công trình, người đàn ông tiến hành từng bước để bảo đảm căn nhà được hoàn thành. Dù điều này gây thêm phí tổn, nhưng chắc chắn không ai nghi ngờ tính hợp lý của dự án ban đầu.

Tương tự thế, Đức Chúa Trời có những sắp đặt để đảm bảo ý định Ngài được hoàn thành. Chẳng bao lâu sau khi tổ tiên của chúng ta phạm tội, Ngài cho con cháu họ một niềm hy vọng—một “dòng-dõi” sẽ xóa tình trạng tồi tệ. Để làm ứng nghiệm lời tiên tri này, thành phần chính của dòng dõi là Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su, đã xuống trái đất và dâng mạng sống làm của-lễ hy sinh để chuộc nhân loại. (Ga-la-ti 3:16; Ma-thi-ơ 20:28) Sau khi được sống lại và lên trời, Chúa Giê-su trở thành Vua Nước Trời. Ngài là người hiền từ chủ yếu được thừa hưởng trái đất cùng với những người trung thành được lựa chọn để sống lại ở trên trời. Những người này đồng trị vì với Chúa Giê-su trong Nước Trời. (Thi-thiên 2:6-9) Theo thời gian, chính phủ này sẽ quản lý mọi việc trên đất nhằm hoàn thành ý định ban đầu của Đức Chúa Trời và biến trái đất thành địa đàng. Hàng triệu người hiền từ hay nhu mì “hưởng được đất” theo nghĩa họ sẽ nhận được lợi ích từ Nước Trời do Chúa Giê-su Christ và những người đồng cai trị với ngài mang lại.—Sáng-thế Ký 3:15; Đa-ni-ên 2:44; Công-vụ 2:32, 33; Khải-huyền 20:5, 6.

“Ở đất như trời!”

Hai khía cạnh của sự giải cứu, một ở trên trời và một ở trên đất, đã được đề cập trong sự hiện thấy của sứ đồ Giăng. Ông thấy các vua ngồi ở ngai trên trời, đó là những người được chọn trong vòng các môn đồ trung thành của Chúa Giê-su. Về những người kết hợp với Đấng Christ, Kinh Thánh nói cụ thể rằng “những người ấy sẽ trị-vì trên mặt đất”. (Khải-huyền 5:9, 10) Hãy chú ý khía cạnh kép trong việc hoàn thành ý định Đức Chúa Trời—trái đất được phục hồi dưới sự chỉ đạo của Chúa Giê-su Christ và những người đồng kế tự trong Nước Trời. Nhờ những sắp đặt này, cuối cùng việc phục hồi Địa Đàng trên đất theo như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời là điều có thể thực hiện được.

Trong bài cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ cầu xin ý muốn của Đức Chúa Trời được nên “ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Liệu những lời này có ý nghĩa không nếu trái đất biến mất hoặc chỉ là biểu tượng của thiên đàng? Tương tự thế, có hợp lý không nếu tất cả những người công bình đều lên trời? Kinh Thánh có bằng chứng rõ ràng về ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất, từ lời tường thuật về sự sáng tạo cho đến sự hiện thấy nơi sách Khải-huyền. Trái đất sẽ trở thành địa đàng như ý định của Đức Chúa Trời. Đây là ý muốn mà Đức Chúa Trời hứa sẽ hoàn thành. Những người trung thành trên đất cầu nguyện cho ý muốn này được thành tựu.

Sống vĩnh cửu trên trái đất là ý định ban đầu của Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời “không hề thay-đổi”. (Ma-la-chi 3:6; Giăng 17:3; Gia-cơ 1:17) Hơn một thế kỷ qua, tạp chí Tháp Canh đã giải thích hai khía cạnh này trong việc hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời. Điều này giúp chúng tôi hiểu lời hứa trong Kinh Thánh nói về sự phục hồi trái đất. Chúng tôi mời bạn xem xét thêm vấn đề này, qua các cuộc thảo luận với Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc viết thư gửi đến nhà xuất bản của tạp chí này.

[Chú thích]

^ đ. 5 Nhiều bản Kinh Thánh dịch chữ Hê-bơ-rơ ’eʹrets là “xứ” thay vì “trái đất”, do đó không có lý gì để giới hạn chữ ’eʹrets nơi Thi-thiên 37:11, 29 chỉ là xứ mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Cuốn Old Testament Word Studies, do William Wilson biên tập, định nghĩa chữ ’eʹrets là “trái đất theo nghĩa rộng gồm những vùng có thể và không thể sinh sống. Khi được dùng theo nghĩa hẹp thì từ đó chỉ về một số vùng trên mặt đất, một xứ, hay một nước”. Thế thì, ý nghĩa đầu tiên và chủ yếu của chữ Hê-bơ-rơ này là hành tinh hay quả địa cầu, trái đất của chúng ta.—Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-1-1986, trang 31.

[Hình nơi trang 4]

Kinh Thánh nói rõ việc thiết lập Địa Đàng trên đất trong tương lai

[Hình nơi trang 7]

Liệu bài cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su có ý nghĩa không nếu trái đất biến mất?