Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp”

“Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp”

“Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp”

“Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương-xót và nhân-từ”.—GIA-CƠ 5:11.

1, 2. Một cặp vợ chồng người Ba Lan đã trải qua thử thách nào?

ANH Harald Abt là Nhân Chứng Giê-hô-va chưa đầy một năm khi quân đội của Hitler chiếm Danzig (nay là Gdańsk), thuộc miền bắc Ba Lan. Lúc ấy, tình hình trở nên khó khăn, rất nguy hiểm cho tín đồ Đấng Christ chân chính sống trong vùng đó. Mật Vụ Đức cố ép anh Harald ký giấy từ bỏ đức tin, nhưng anh từ chối. Sau vài tuần trong tù, anh Harald bị giải đến trại tập trung Sachsenhausen, nơi đây anh nhiều lần bị đe dọa và đánh đập. Một sĩ quan chỉ lên ống khói hỏa lò và nói với anh: “Nếu còn bám vào đạo của mày thì trong vòng 14 ngày, mày sẽ lên đó gặp Giê-hô-va của mày”.

2 Khi anh Harald bị bắt, vợ anh là Elsa vẫn còn nuôi con gái mười tháng tuổi bằng sữa mẹ. Nhưng Mật Vụ không tha chị. Không lâu sau, họ lấy đứa bé đi và đưa chị vào trại tử thần Auschwitz. Tuy vậy, như anh Harald, chị Elsa đã chịu đựng được qua nhiều năm. Trong số Tháp Canh ra ngày 15-4-1980 (Anh ngữ), bạn có thể đọc thêm về cách họ chịu đựng. Anh Harald viết: “Vì đức tin nơi Đức Chúa Trời, tổng cộng tôi bị giam 14 năm trong trại tù và trại tập trung. Có người hỏi tôi: ‘Trong lúc anh chịu khổ như vậy, vợ anh có giúp gì cho anh không?’ Elsa đã giúp tôi rất nhiều! Ngay từ lúc đầu, tôi biết rằng vợ tôi không bao giờ nhượng bộ về đức tin, và điều này giúp tôi vững tâm. Tôi biết Elsa thà thấy xác tôi hơn là thấy tôi được thả vì đã nhượng bộ... Elsa chịu đựng nhiều gian khổ qua những năm tháng ở trong các trại tập trung của Đức”.

3, 4. (a) Gương của những ai có thể khuyến khích tín đồ Đấng Christ chịu đựng? (b) Tại sao Kinh Thánh khuyến giục chúng ta xem xét thử thách của Gióp?

3 Nhiều Nhân Chứng có thể xác nhận là chịu đựng gian khổ không phải dễ. Vì thế, Kinh Thánh khuyên tất cả tín đồ Đấng Christ: “Hãy lấy các đấng tiên-tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu-mực về sự chịu khổ và nhịn-nhục cho mình”. (Gia-cơ 5:10) Trong suốt lịch sử, nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời đã bị ngược đãi vô cớ. Gương của nhiều “nhân chứng” này có thể khuyến khích chúng ta tiếp tục kiên trì chạy trong cuộc đua của tín đồ Đấng Christ.—Hê-bơ-rơ 11:32-38; 12:1; Tòa Tổng Giám Mục.

4 Trong Kinh Thánh, Gióp là một gương mẫu nổi bật về tính nhịn nhục. Gia-cơ viết: “Anh em biết rằng những kẻ nhịn-nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương-xót và nhân-từ”. (Gia-cơ 5:11) Điều Gióp trải nghiệm cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về phần thưởng dành cho những ai trung thành, những người được Đức Giê-hô-va ban phước. Và quan trọng hơn nữa, nó còn tiết lộ những lẽ thật giúp ích cho chúng ta khi gặp nghịch cảnh. Sách Gióp giúp chúng ta trả lời những câu hỏi sau đây: Khi gặp thử thách, tại sao chúng ta phải cố gắng tìm hiểu những vấn đề chính liên quan đến thử thách của mình? Thái độ và đức tính nào giúp chúng ta chịu đựng? Làm sao chúng ta có thể giúp anh em đồng đạo vững mạnh khi họ gặp nghịch cảnh?

Hiểu rõ toàn bộ vấn đề

5. Chúng ta cần nhớ vấn đề chính yếu nào khi gặp thử thách hoặc cám dỗ?

5 Để giữ thăng bằng về thiêng liêng khi đứng trước nghịch cảnh, chúng ta cần hiểu rõ toàn thể vấn đề. Nếu không, những khó khăn cá nhân có thể làm lu mờ quan điểm thiêng liêng của chúng ta. Lòng trung thành với Đức Chúa Trời là điều quan trọng hàng đầu. Chúng ta nên tâm niệm lời Cha trên trời nhắn nhủ: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”. (Châm-ngôn 27:11) Quả là một vinh dự có một không hai! Dù yếu đuối và bất toàn, chúng ta vẫn có thể làm vui lòng Đấng Tạo Hóa. Chúng ta làm được điều đó khi để lòng yêu thương đối với Đức Giê-hô-va giúp mình đương đầu với thử thách và cám dỗ. Tình yêu thương chân thật trong vòng tín đồ Đấng Christ giúp chúng ta chịu đựng được tất cả. Tình yêu thương đó không bao giờ mất đi.—1 Cô-rinh-tô 13:7, 8.

6. Sa-tan sỉ nhục Đức Giê-hô-va như thế nào và đến mức độ nào?

6 Sách Gióp cho thấy rõ Sa-tan là kẻ sỉ nhục Đức Giê-hô-va. Sách còn tiết lộ bản tính gian ác của kẻ thù vô hình này, và cả ý đồ xấu xa muốn phá hủy mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Như trường hợp của Gióp cho thấy, Sa-tan chủ yếu cáo buộc rằng tất cả tôi tớ Đức Giê-hô-va đều có động lực ích kỷ, và tìm cách chứng minh tình yêu thương của họ đối với Ngài có thể nguội lạnh. Hắn đã sỉ nhục Đức Chúa Trời hàng ngàn năm nay. Khi Sa-tan bị đuổi khỏi trời, có tiếng từ trời miêu tả hắn là “kẻ kiện-cáo anh em chúng ta” và cho biết hắn “ngày đêm kiện-cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời”. (Khải-huyền 12:10) Bằng cách trung thành chịu đựng, chúng ta có thể chứng minh các lời cáo buộc của hắn là vô căn cứ.

7. Cách hay nhất để đối phó với sự yếu đuối về thể chất là gì?

7 Chúng ta phải nhớ là Ma-quỉ sẽ lợi dụng bất cứ hoạn nạn nào mà chúng ta gặp phải để cố làm chúng ta xa cách Đức Giê-hô-va. Hắn đã cám dỗ Chúa Giê-su vào lúc nào? Khi Chúa Giê-su đang đói sau nhiều ngày nhịn ăn. (Lu-ca 4:1-3) Tuy nhiên, sức mạnh thiêng liêng đã giúp ngài dứt khoát bác bỏ những lời cám dỗ của Ma-quỉ. Thật quan trọng biết bao khi dùng sức mạnh thiêng liêng để chống lại bất cứ sự yếu kém nào về thể chất​—có thể vì tuổi già hoặc bệnh tật! Dù “người bề ngoài hư-nát”, chúng ta vẫn không bỏ cuộc vì “người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn”.—2 Cô-rinh-tô 4:16.

8. (a) Cảm xúc tiêu cực có thể gây tác hại như thế nào? (b) Chúa Giê-su có tinh thần nào?

8 Ngoài ra, những cảm xúc tiêu cực thường ảnh hưởng tai hại về thiêng liêng. Một người có thể tự hỏi: ‘Tại sao Đức Giê-hô-va lại để cho điều này xảy ra?’ Khi bị đối xử thiếu tử tế, một người khác thắc mắc: ‘Tại sao anh Nhân Chứng đó lại đối xử với tôi như vậy?’ Những cảm nghĩ như thế có thể làm chúng ta quên đi những vấn đề chính yếu, mà chỉ tập trung vào hoàn cảnh cá nhân. Bệnh tật gây tổn hại cho Gióp bao nhiêu về thể chất, thì nỗi bực bội của ông với ba người bạn suy nghĩ sai lầm dường như cũng gây tổn hại bấy nhiêu về cảm xúc. (Gióp 16:20; 19:2) Tương tự, sứ đồ Phao-lô cho thấy cơn giận kéo dài có thể “cho ma-quỉ nhân dịp”. (Ê-phê-sô 4:26, 27) Thay vì tỏ ra bực bội hay tức giận một ai hoặc chú tâm quá mức đến tình trạng bất công nào đó, tín đồ Đấng Christ nên noi gương Chúa Giê-su bằng cách “phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình” là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 2:21-23) Có được “ý”, hay tinh thần, của Chúa Giê-su có thể là cách tự vệ chính yếu để chống lại sự tấn công của Sa-tan.—1 Phi-e-rơ 4:1.

9. Về những gánh nặng hoặc cám dỗ mà chúng ta phải chịu, Đức Chúa Trời cho lời bảo đảm nào?

9 Trên hết, chúng ta chớ bao giờ xem hoạn nạn mình gặp phải là bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời phật lòng. Vì đã hiểu lầm như thế, Gióp đau lòng khi bị những “kẻ an ủi” chỉ trích gay gắt. (Gióp 19:21, 22) Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta: “Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. (Gia-cơ 1:13) Ngược lại, Đức Giê-hô-va hứa giúp chúng ta chịu đựng bất cứ gánh nặng nào và mở lối thoát giúp chúng ta ra khỏi bất cứ cám dỗ nào xảy đến. (Thi-thiên 55:22; 1 Cô-rinh-tô 10:13) Bằng cách đến gần Đức Chúa Trời những khi gặp gian nan, chúng ta có thể giữ cái nhìn đúng đắn về sự việc và thành công trong việc chống trả Ma-quỉ.—Gia-cơ 4:7, 8.

Sự giúp đỡ để chịu đựng

10, 11. (a) Điều gì đã giúp Gióp chịu đựng? (b) Việc có một lương tâm tốt đã giúp Gióp như thế nào?

10 Dù trong tình cảnh khốn cùng, bị những “kẻ an ủi” sỉ vả, và hoang mang về nguyên do của những tai họa ông gặp phải, Gióp vẫn giữ lòng trung kiên. Chúng ta rút ra được bài học nào về sự chịu đựng của ông? Chắc chắn, ông thành công chủ yếu là nhờ trung thành với Đức Giê-hô-va. Ông “kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác”. (Gióp 1:1) Đó là lối sống của Gióp. Ông nhất quyết không từ bỏ Đức Giê-hô-va, ngay cả khi không hiểu tại sao tai họa tự nhiên xảy ra dồn dập. Gióp nghĩ rằng ông nên thờ phượng Đức Chúa Trời trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù tốt hay xấu.—Gióp 1:21; 2:10.

11 Có một lương tâm tốt cũng là điều an ủi cho Gióp. Khi cuộc sống dường như sắp chấm dứt, ông được an ủi vì biết rằng mình đã làm hết sức để giúp người khác, đã giữ theo tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va cũng như tránh mọi hình thức thờ phượng sai lầm.—Gióp 31:4-11, 26-28.

12. Gióp phản ứng thế nào trước sự giúp đỡ của Ê-li-hu?

12 Dĩ nhiên, Gióp vẫn cần được giúp để điều chỉnh quan điểm về một số khía cạnh. Ông đã khiêm nhường chấp nhận sự giúp đỡ ấy, và đó cũng là một yếu tố khác giúp ông chịu đựng. Gióp chăm chú lắng nghe lời khuyên khôn ngoan của Ê-li-hu, và ông tích cực hưởng ứng sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va. Ông nhìn nhận: “Tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến... Tôi lấy làm gớm-ghê tôi, và ăn-năn trong tro bụi”. (Gióp 42:3, 6) Dù vẫn đau đớn vì căn bệnh, Gióp vui mừng vì nhờ điều chỉnh cách suy nghĩ, ông đã đến gần Đức Chúa Trời hơn. Ông nói: “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự”. (Gióp 42:2) Và nhờ Đức Giê-hô-va miêu tả về sự vĩ đại của Ngài, Gióp hiểu rõ hơn về vị thế của ông đối với Đấng Tạo Hóa.

13. Việc bày tỏ lòng khoan dung chứng tỏ lợi ích cho Gióp như thế nào?

13 Cuối cùng Gióp nêu gương nổi bật về tính khoan dung. Những người an ủi giả hiệu làm ông rất đau lòng, nhưng khi Đức Giê-hô-va bảo ông cầu nguyện cho họ, ông đã vâng lời làm theo. Sau đó, Đức Giê-hô-va ban sức khỏe lại cho Gióp. (Gióp 42:8, 10) Rõ ràng, sự cay đắng không mang lại lợi ích, nhưng tình yêu thương và lòng khoan dung mới là những điều giúp chúng ta chịu đựng. Bỏ qua sự oán giận sẽ thêm sức cho chúng ta về thiêng liêng, và đó là cách cư xử mà Đức Giê-hô-va ban phước.—Mác 11:25.

Những người khuyên bảo khôn ngoan giúp chúng ta chịu đựng

14, 15. (a) Người khuyên bảo cần có những đức tính nào để có thể giúp người khác? (b) Hãy giải thích vì sao Ê-li-hu thành công trong việc giúp đỡ Gióp?

14 Một điều khác mà chúng ta có thể học được trong câu chuyện về Gióp là giá trị của những người khuyên bảo khôn ngoan. Những người đó là “anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”. (Châm-ngôn 17:17) Tuy nhiên, như trường hợp của Gióp cho thấy, một số người khuyên bảo làm tổn thương thay vì chữa lành. Một người khuyên bảo hữu hiệu cần bày tỏ tính thấu cảm, tôn trọng và nhân từ như Ê-li-hu. Trưởng lão và tín đồ Đấng Christ thành thục khác có thể phải điều chỉnh lối suy nghĩ của những anh chị bị nặng gánh vì nhiều vấn đề, và về phương diện này, những người khuyên bảo đó có thể rút ra nhiều bài học trong sách Gióp.—Ga-la-ti 6:1; Hê-bơ-rơ 12:12, 13.

15 Qua cách xử sự của Ê-li-hu, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học rất hữu ích. Ông kiên nhẫn lắng nghe trước khi đáp lại những nhận xét sai lầm mà ba người bạn của Gióp đưa ra. (Gióp 32:11; Châm-ngôn 18:13) Ê-li-hu dùng tên riêng của Gióp khi nói với ông và khuyên ông như một người bạn. (Gióp 33:1) Khác với ba người an ủi giả hiệu, Ê-li-hu không xem mình cao trọng hơn Gióp. Ông nói: “Tôi cũng bởi đất bùn mà ra”. Ông không muốn làm Gióp đau khổ thêm bằng những lời thiếu suy nghĩ. (Gióp 33:6, 7; Châm-ngôn 12:18) Thay vì chỉ trích hạnh kiểm trước đây của Gióp, Ê-li-hu khen Gióp, nói rằng ông “thích tính công bình của [Gióp]”. (Gióp 33:32, NW) Quan trọng hơn hết, Ê-li-hu nhìn sự việc theo quan điểm của Đức Chúa Trời và giúp Gióp chú tâm vào sự kiện Đức Giê-hô-va không hề hành động bất công. (Gióp 34:10-12) Ông khuyên Gióp nên chờ đợi Đức Giê-hô-va, thay vì cố chứng tỏ mình công bình. (Gióp 35:2; 37:14, 23) Chắc chắn trưởng lão tín đồ Đấng Christ và những người khác cũng rút được lợi ích từ những bài học như thế.

16. Ba người an ủi giả hiệu trở thành công cụ của Sa-tan như thế nào?

16 Lời khuyên khôn ngoan của Ê-li-hu tương phản với những lời gây tổn thương của Ê-li-pha, Binh-đát và Sô-pha. Đức Giê-hô-va phán với họ: “Các ngươi không có nói về ta cách xứng-đáng”. (Gióp 42:7) Dù cho rằng mình có ý tốt, nhưng họ đã hành động như công cụ của Sa-tan thay vì những người bạn trung thành. Ngay từ đầu, ba người này cho rằng Gióp gặp tai họa vì tội lỗi của ông. (Gióp 4:7, 8; 8:6; 20:22, 29) Theo Ê-li-pha, Đức Chúa Trời không tin cậy các tôi tớ Ngài, và dù chúng ta công bình hay không cũng không quan trọng đối với Ngài. (Gióp 15:15; 22:2, 3) Ông còn buộc Gióp những tội mà Gióp không hề phạm. (Gióp 22:5, 9) Ngược lại, Ê-li-hu giúp Gióp vững mạnh về thiêng liêng. Những người khuyên bảo yêu thương phải luôn luôn nhắm vào mục tiêu này.

17. Chúng ta nên nhớ điều gì khi gặp thử thách?

17 Qua sách Gióp, chúng ta cũng có thể rút ra một bài học khác nữa về tính nhịn nhục. Đức Chúa Trời yêu thương nhìn thấu tình cảnh của chúng ta, và Ngài vừa sẵn sàng, vừa có khả năng giúp chúng ta bằng nhiều cách. Ở phần đầu, chúng ta đã nói đến trường hợp của chị Elsa Abt. Hãy suy nghĩ về những lời chị kết luận: “Trước khi bị bắt, tôi đã đọc lá thư của một chị. Chị ấy nói rằng khi gặp thử thách gay go, thánh linh của Đức Giê-hô-va sẽ làm chúng ta cảm thấy bình tĩnh. Tôi nghĩ chị có lẽ đã phóng đại một phần nào. Nhưng khi chính tôi trải qua thử thách, tôi thấy những gì chị nói là sự thật. Đúng như vậy. Khó mà tưởng tượng được nếu chưa từng trải qua kinh nghiệm như thế. Điều đó đã thật sự xảy đến với tôi. Đức Giê-hô-va là Đấng giúp sức”. Chị Elsa không nói về điều mà Đức Giê-hô-va có thể hoặc đã làm hàng ngàn năm trước vào thời Gióp. Chị nói về thời chúng ta. Quả thật, “Đức Giê-hô-va là Đấng giúp sức”!

Phước cho người nào nhịn nhục

18. Nhờ có tính nhịn nhục, Gióp được lợi ích nào?

18 Vài người trong chúng ta sẽ phải chịu nghịch cảnh nặng nề như Gióp. Nhưng dù gặp bất cứ thử thách nào đi nữa trong hệ thống ác này, chúng ta có lý do chính đáng để giữ lòng trung kiên như Gióp. Thật vậy, sự nhịn nhục làm cho đời sống của Gióp thêm phong phú, ông được luyện lọc và trở nên toàn vẹn. (Gia-cơ 1:2-4) Sự nhịn nhục củng cố mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời. Gióp nhìn nhận: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài”. (Gióp 42:5) Sa-tan đã chứng tỏ là kẻ nói dối vì không thể phá hủy lòng trung kiên của Gióp. Hàng trăm năm sau, Đức Giê-hô-va vẫn nói về Gióp như một tấm gương công bình. (Ê-xê-chi-ên 14:14) Ngay cả ngày nay, thành tích trung kiên và nhịn nhục của Gióp cũng khích lệ dân sự của Đức Chúa Trời.

19. Vì sao bạn cảm thấy nhịn nhục là đức tính đáng vun trồng?

19 Khi viết về tính nhịn nhục trong lá thư gửi cho tín đồ Đấng Christ sống vào thế kỷ thứ nhất, Gia-cơ nói đến kết cuộc tốt đẹp của tính nhịn nhục. Và ông dùng gương của Gióp để nhắc họ nhớ rằng Đức Giê-hô-va ban thưởng dồi dào cho những tôi tớ trung thành. (Gia-cơ 5:11) Nơi Gióp 42:12 ghi: “Đức Giê-hô-va ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang-thì”. Đức Chúa Trời đã ban cho ông gấp đôi những gì ông mất, ông được sống lâu và hạnh phúc. (Gióp 42:16, 17) Tương tự, bất kỳ sự đau đớn, khổ sở, hoặc đau lòng nào chúng ta phải chịu đựng trong thời kỳ cuối cùng của thế gian này, tất cả đều sẽ bị xóa hết và quên lãng trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. (Ê-sai 65:17; Khải-huyền 21:4) Chúng ta đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta quyết tâm noi gương Gióp. Kinh Thánh hứa: “Phước cho người bị cám-dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử-thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều-thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính-mến Ngài”.—Gia-cơ 1:12.

Bạn trả lời ra sao?

• Chúng ta có thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va như thế nào?

• Khi gặp khó khăn, tại sao chúng ta không nên kết luận đó là bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời phật lòng?

• Những yếu tố nào giúp Gióp nhịn nhục?

• Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Ê-li-hu trong việc giúp anh em đồng đạo vững mạnh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 28]

Người khuyên bảo hữu hiệu cần bày tỏ tính thấu cảm, tôn trọng và nhân từ

[Các hình nơi trang 29]

Elsa và Harald Abt