Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Gióp—Gương nhịn nhục và trung kiên

Gióp—Gương nhịn nhục và trung kiên

Gióp—Gương nhịn nhục và trung kiên

“Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi-tớ của ta chăng; nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác?”—GIÓP 1:8.

1, 2. (a) Tai họa nào thình lình xảy đến với Gióp? (b) Hãy miêu tả cuộc sống của Gióp trước khi gặp họa.

THỜI XƯA, có một người dường như có tất cả: nào của cải, danh vọng, nào sức khỏe và cuộc sống gia đình hạnh phúc. Bỗng chốc, ba tai họa liên tiếp xảy ra. Thế là ông mất hết của cải. Kế đến, cơn bão kỳ lạ thình lình ập đến làm tất cả các con ông đều thiệt mạng. Không lâu sau, ông mắc phải một chứng bệnh làm suy yếu, ung nhọt đau đớn mọc khắp cơ thể. Có lẽ bạn nhận ra người đó là Gióp, nhân vật chính của quyển sách trong Kinh Thánh mang tên ông.—Gióp, chương 1 và 2.

2 Gióp rên rỉ: “Ôi! Ước gì tôi được như buổi trước”. (Gióp 3:3; 29:2) Khi tai họa xảy ra, ai lại chẳng hồi tưởng về thời kỳ tốt đẹp trước đó? Trong trường hợp của Gióp, ông đã sống một cuộc đời đạo đức và dường như được che chở khỏi tai họa. Những người có địa vị kính trọng ông và thích được nghe ông khuyên bảo. (Gióp 29:5-11) Tuy giàu có nhưng ông giữ quan điểm đúng đắn về tiền bạc. (Gióp 31:24, 25, 28) Khi gặp kẻ mồ côi hay người góa bụa nghèo khó, ông giúp đỡ họ. (Gióp 29:12-16) Và ông là một người chồng chung thủy.—Gióp 31:1, 9, 11.

3. Đức Giê-hô-va nghĩ gì về Gióp?

3 Vì thờ phượng Đức Chúa Trời, Gióp có hạnh kiểm không chỗ trách được. Đức Giê-hô-va nói: “Nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác”. (Gióp 1:1, 8) Dù ông là người trọn vẹn về đạo đức, nhưng thảm họa đã phá hoại cuộc sống sung túc của ông. Tất cả những gì ông tạo dựng được đều tan biến và những đau đớn, khổ não cũng như nỗi thất vọng đã là những thử thách đối với ông.

4. Tại sao chúng ta nên xem xét thử thách của Gióp?

4 Dĩ nhiên, Gióp chắc chắn không phải là tôi tớ duy nhất của Đức Chúa Trời từng chịu thảm họa. Nhiều tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể dễ dàng thông cảm với hoàn cảnh của Gióp. Vì vậy, có hai câu hỏi rất đáng cho chúng ta suy ngẫm: Khi gặp tai họa, nếu nhớ lại thử thách của Gióp, chúng ta được lợi ích như thế nào? Và thử thách của Gióp có thể giúp chúng ta biết thông cảm với những người đau khổ như thế nào?

Vấn đề về sự trung kiên

5. Theo Sa-tan, vì sao Gióp phụng sự Đức Chúa Trời?

5 Trường hợp của Gióp rất đặc biệt. Gióp không biết là Ma-quỉ đã nêu nghi vấn về động lực thúc đẩy ông phụng sự Đức Chúa Trời. Trong một cuộc họp trên trời, Đức Giê-hô-va nêu ra những đức tính tốt của Gióp. Sa-tan đáp: “Chúa há chẳng dựng hàng rào binh-vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao?” Qua đó Sa-tan cho rằng Gióp có động lực ích kỷ—với hàm ý là tất cả các tôi tớ của Đức Chúa Trời đều như thế . Sa-tan thưa với Đức Giê-hô-va: “Hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt”.—Gióp 1:8-11.

6. Sa-tan nêu ra vấn đề hệ trọng nào?

6 Một vấn đề hệ trọng được nêu ra. Sa-tan nêu nghi vấn về cách Đức Giê-hô-va sử dụng quyền tối thượng của Ngài. Có thể nào Đức Chúa Trời cai trị vũ trụ bằng tình yêu thương? Hay là, như Sa-tan ám chỉ, tính ích kỷ cuối cùng sẽ thắng thế? Tin tưởng nơi lòng trung kiên của tôi tớ mình, Đức Giê-hô-va cho phép Ma-quỉ thử thách Gióp để làm một trường hợp điển hình. Vì vậy, chính Sa-tan là kẻ đã liên tiếp giáng tai họa cho Gióp. Thất bại trong đợt tấn công đầu, Sa-tan gây cho Gióp một chứng bệnh đau đớn. Sa-tan quả quyết: “Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình”.—Gióp 2:4.

7. Tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay cũng chịu những thử thách nào tương tự như Gióp?

7 Tuy không phải chịu đựng nhiều nỗi đau khổ như Gióp, nhưng đa số tín đồ Đấng Christ ngày nay đều gặp gian nan thử thách. Nhiều người bị ngược đãi hay gặp vấn đề trong gia đình. Khó khăn về tài chính hoặc bệnh tật có thể gây nhiều khổ sở. Một số người đã hy sinh mạng sống vì đức tin. Dĩ nhiên, chúng ta không nên cho rằng mỗi tai họa mà chúng ta gặp phải đều do Sa-tan gây ra. Thật ra, một số khó khăn có thể do chính lỗi lầm của chúng ta hoặc vì thể trạng bất toàn. (Ga-la-ti 6:7) Hơn nữa, tất cả chúng ta đều không tránh khỏi hậu quả của tuổi già và thiên tai. Kinh Thánh cho thấy rõ rằng thời nay Đức Giê-hô-va không dùng phép lạ để che chở tôi tớ Ngài khỏi những hoạn nạn này.—Truyền-đạo 9:11.

8. Sa-tan có thể lợi dụng hoạn nạn mà chúng ta gặp phải như thế nào?

8 Tuy nhiên, Sa-tan có thể lợi dụng những hoạn nạn mà chúng ta gặp phải để làm suy yếu đức tin của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô nói đến việc ông bị ‘một cái giằm xóc vào thịt, tức là quỉ-sứ của Sa-tan’ cứ “vả” ông. (2 Cô-rinh-tô 12:7) Dù đây là vấn đề về thể chất, như mắt kém, hay điều gì khác, Phao-lô hiểu rằng Sa-tan có thể lợi dụng vấn đề đó và sự khó chịu mà điều đó gây ra làm ông mất dần niềm vui, và hủy hoại dần lòng trung kiên của ông. (Châm-ngôn 24:10) Ngày nay, Sa-tan có thể xui khiến người trong gia đình, bạn học, hoặc ngay cả những chính phủ độc tài, ngược đãi tôi tớ của Đức Chúa Trời bằng một hình thức nào đó.

9. Tại sao chúng ta không nên ngạc nhiên khi nghịch cảnh hoặc bắt bớ xảy ra?

9 Làm thế nào chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn này? Bằng cách xem những khó khăn là cơ hội để chứng tỏ chúng ta kiên định, giữ vững lòng yêu thương Đức Giê-hô-va và phục tùng quyền tối thượng của Ngài. (Gia-cơ 1:2-4) Dù chúng ta đau buồn vì lý do gì đi nữa, hiểu được tầm quan trọng của việc trung thành với Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta giữ thăng bằng về thiêng liêng. Sứ đồ Phi-e-rơ viết cho tín đồ Đấng Christ: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử-thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường”. (1 Phi-e-rơ 4:12) Và sứ đồ Phao-lô giải thích: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:12) Sa-tan hiện vẫn đặt nghi vấn về lòng trung kiên của các Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va, tương tự như trường hợp của Gióp. Thật vậy, Kinh Thánh cho thấy rằng Sa-tan ngày càng nỗ lực tấn công dân sự của Đức Chúa Trời trong những ngày cuối cùng này.—Khải-huyền 12:9, 17.

Sự hiểu lầm và những lời khuyên sai lạc

10. Gióp ở vị thế bất lợi nào?

10 Gióp ở vào thế bất lợi, nhưng đây không nhất thiết là trường hợp của chúng ta. Gióp không biết nguyên do vì sao ông bị những tai họa đó. Gióp lầm lẫn kết luận rằng: “Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi”. (Gióp 1:21) Có lẽ Sa-tan cố kiếm cách làm Gióp nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã gây ra đau khổ cho ông .

11. Hãy giải thích phản ứng của Gióp khi gặp hoạn nạn.

11 Gióp vô cùng chán nản nhưng ông không phỉ báng Đức Chúa Trời như lời vợ ông xúi giục. (Gióp 2:9, 10) Ông nói: ‘Kẻ gian ác xem ra còn sung sướng hơn tôi?’ (Gióp 21:7-9) Ông có lẽ tự hỏi: ‘Sao Đức Chúa Trời lại phạt tôi?’ Có những lúc ông chỉ muốn chết thôi. Ông than: “Ôi! Chớ gì Chúa giấu tôi nơi âm-phủ, che khuất tôi cho đến khi cơn giận Chúa đã nguôi”.—Gióp 14:13.

12, 13. Lời phát biểu của ba người bạn đã ảnh hưởng đến Gióp như thế nào?

12 Gióp có ba người bạn đến thăm, làm ra vẻ như đến để “chia buồn và an-ủi người”. (Gióp 2:11) Nhưng thật ra họ là những “kẻ an-ủi bực-bội”. (Gióp 16:2) Có lẽ Gióp đã được lợi ích nếu có những người bạn để ông thổ lộ nỗi lòng, nhưng ba người này còn làm Gióp thêm hoang mang và nản lòng.—Gióp 19:2; 26:2.

13 Vậy Gióp có thể thắc mắc một cách hợp lý: ‘Tại sao lại là tôi? Tôi đã làm gì để phải chịu những tại họa này?’ Những người bạn ông giải thích một cách hoàn toàn sai lệch. Họ cho rằng Gióp tự chuốc lấy đau khổ vì đã phạm tội nghiêm trọng. Ê-li-pha nói: “Nào bao giờ có kẻ vô-tội bị hư-mất?... Theo điều tôi đã thấy, ai cày sự gian-ác, và gieo điều khuấy-rối, thì lại gặt lấy nó”.—Gióp 4:7, 8.

14. Tại sao chúng ta không nên kết luận ngay rằng một người gặp họa vì đã làm ác?

14 Đành rằng những vấn đề khó khăn có thể xảy ra khi chúng ta gieo rắc những điều xác thịt thay vì thánh linh. (Ga-la-ti 6:7, 8) Tuy nhiên, trong thế giới hiện tại, dù chúng ta có lối sống như thế nào đi nữa, chuyện phiền muộn vẫn có thể xảy ra. Hơn nữa, chúng ta không thể nói rằng người vô tội được che chở khỏi mọi tai họa. Chúa Giê-su là người “không ô-uế, biệt khỏi kẻ có tội” nhưng phải chịu cái chết đau đớn trên cây khổ hình, và sứ đồ Gia-cơ đã tử vì đạo. (Hê-bơ-rơ 7:26; Công-vụ 12:1, 2) Lập luận sai lầm của Ê-li-pha cùng hai người bạn khiến Gióp phải thanh minh và quả quyết là ông vô tội. Dù vậy, việc họ khăng khăng cho rằng Gióp đáng bị đau khổ có thể đã ảnh hưởng đến quan điểm của ông về công lý của Đức Chúa Trời.—Gióp 34:5; 35:2.

Tìm sự giúp đỡ khi gặp hoạn nạn

15. Lối suy nghĩ nào giúp chúng ta khi bị đau khổ?

15 Chúng ta có thể rút ra được bài học nào không? Tai ương, bệnh tật hoặc bắt bớ có vẻ như quá bất công. Người khác dường như tránh được những hoạn nạn như thế. (Thi-thiên 73:3-12) Đôi lúc, chúng ta phải tự đặt những câu hỏi quan trọng sau: ‘Tình yêu thương Đức Chúa Trời có thôi thúc tôi phụng sự Ngài, bất kể điều gì xảy ra không? Tôi có mong muốn cho Đức Giê-hô-va câu trả lời “để Ngài đáp lại cùng kẻ sỉ-nhục Ngài” không?’ (Châm-ngôn 27:11; Ma-thi-ơ 22:37) Chúng ta đừng bao giờ để những lời nói thiếu suy nghĩ của người khác làm chúng ta nghi ngờ Cha trên trời. Một tín đồ Đấng Christ trung thành bị một chứng bệnh lâu năm có lần đã nói: “Tôi biết hễ điều gì Đức Giê-hô-va để cho xảy ra, thì tôi đều có thể chịu đựng được. Tôi biết Ngài sẽ ban cho tôi sức mạnh cần thiết, như Ngài vẫn luôn làm thế”.

16. Lời Đức Chúa Trời giúp đỡ những người gặp gian khổ như thế nào?

16 Gióp không biết thủ đoạn của Sa-tan, nhưng chúng ta thì biết. “Chúng ta chẳng phải là không biết mưu-chước của nó”. (2 Cô-rinh-tô 2:11) Ngoài ra, chúng ta còn được rất nhiều điều khôn ngoan thực tiễn. Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể đọc lời tường thuật về những người nam và nữ trung thành đã chịu đựng nhiều gian khổ. Sứ đồ Phao-lô, người chịu nhiều gian khổ hơn những người tín đồ Đấng Christ khác, đã viết như sau: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. (Rô-ma 15:4) Vào thế chiến thứ hai, một Nhân Chứng ở Âu Châu bị bỏ tù vì lý do tôn giáo đã đổi khẩu phần ba ngày để lấy Kinh Thánh. Anh nói: “Đổi như vậy rất có ích! Mặc dù bụng đói, tôi nhận được thức ăn thiêng liêng, là điều củng cố đức tin của tôi và những người khác trong thời hỗn loạn đó. Cho đến nay, tôi vẫn còn giữ cuốn Kinh Thánh ấy”.

17. Đức Chúa Trời cung cấp những điều gì để giúp chúng ta chịu đựng?

17 Ngoài sự an ủi của Kinh Thánh, chúng ta còn có nhiều công cụ giúp hiểu Kinh Thánh, trong đó chứa đựng lời hướng dẫn hữu ích giúp đối phó với những khó khăn. Nếu tra cứu Danh mục ấn phẩm Hội Tháp Canh (Watch Tower Publications Index), rất có thể bạn sẽ tìm thấy một kinh nghiệm của anh em đồng đạo cũng gặp phải thử thách như bạn. (1 Phi-e-rơ 5:9) Hãy nói chuyện với các trưởng lão hoặc những tín đồ thành thục khác có lòng thông cảm về hoàn cảnh của mình. Điều đó sẽ giúp ích. Nhưng trên hết, qua lời cầu nguyện, bạn có thể tin cậy vào sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va và thánh linh Ngài. Làm thế nào Phao-lô đã kháng cự lại những cái “vả” của Sa-tan? Bằng cách tập nương cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 12:9, 10) Ông viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.

18. Làm thế nào những anh em đồng đạo có thể là nguồn khích lệ quý báu cho chúng ta?

18 Vì vậy, chúng ta không nên ngần ngại nhờ đến sự trợ giúp sẵn có. Một câu Châm-ngôn nói: “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn-nạn, thì sức-lực con nhỏ-mọn thay”. (Châm-ngôn 24:10) Giống như mối có thể làm một căn nhà gỗ sụp đổ, sự chán nản cũng có thể phá hủy lòng trung kiên của tín đồ Đấng Christ như vậy. Để đối phó với mối nguy hiểm đó, Đức Giê-hô-va dùng anh em đồng đạo để giúp đỡ chúng ta. Một thiên sứ đã hiện ra và làm vững mạnh Chúa Giê-su trong đêm ngài bị bắt. (Lu-ca 22:43) Trong khi bị giải đến Rô-ma, Phao-lô “cảm-tạ Đức Chúa Trời và vững chí” nhờ gặp những anh em tại Phô-rum Áp-bi-u và chỗ Ba-Quán. (Công-vụ 28:15) Một chị Nhân Chứng người Đức vẫn nhớ sự giúp đỡ chị nhận được khi mới đến trại tập trung Ravensbrück, lúc ấy chị là một thiếu nữ e dè, sợ sệt. Chị kể: “Một chị đồng đạo tìm được tôi ngay và đón tiếp tôi thật nhiệt tình. Một chị trung thành khác thì chăm lo cho tôi và trở nên như người mẹ thiêng liêng của tôi”.

“Khá giữ trung-tín”

19. Điều gì giúp cho Gióp kháng cự được những nỗ lực của Sa-tan?

19 Đức Giê-hô-va miêu tả Gióp là một người “bền-đỗ trong sự hoàn-toàn mình”. (Gióp 2:3) Dù chán nản và không hiểu lý do tại sao ông bị đau khổ, Gióp không hề dao động trong vấn đề hệ trọng là giữ lòng trung thành. Gióp nhất quyết không từ bỏ lý tưởng sống của ông. Ông tuyên bố: “Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả-quyết rằng tôi trọn-vẹn. Tôi giữ chặt sự công-bình mình không rời bỏ nó”.—Gióp 27:5, 6.

20. Tại sao chịu đựng là đức tính đáng vun trồng?

20 Có lòng quyết tâm như thế sẽ giúp chúng ta giữ được sự trung kiên trong mọi tình huống—khi phải đương đầu với cám dỗ, chống đối hoặc nghịch cảnh. Chúa Giê-su nói với hội thánh Si-miệc-nơ: “Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Này, ma-quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử-thách; các ngươi sẽ bị hoạn-nạn trong mười ngày. Khá giữ trung-tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều-thiên của sự sống”.—Khải-huyền 2:10.

21, 22. Khi chịu đựng hoạn nạn, chúng ta có thể được an ủi nhờ biết được điều gì?

21 Trong thế gian ngày nay do Sa-tan cai trị, sự nhịn nhục và lòng trung kiên của chúng ta sẽ bị thử thách. Tuy nhiên, Chúa Giê-su trấn an rằng khi hướng về tương lai, chúng ta không có lý do gì để lo sợ. Điều quan trọng là chúng ta chứng tỏ mình trung thành. Sứ đồ Phao-lô cho biết sự hoạn nạn mà chúng ta chịu đựng là tạm thời, nhưng trái lại “sự vinh-hiển”, tức phần thưởng mà Đức Chúa Trời hứa ban, là sự “cao-trọng đời đời, vô-lượng vô-biên”. (2 Cô-rinh-tô 4:17, 18) Ngay cả sự hoạn nạn của Gióp cũng chỉ là tạm thời so với nhiều năm hạnh phúc mà ông được hưởng trước và sau cuộc thử thách.—Gióp 42:16.

22 Dù vậy, có những lúc trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy những gian nan thử thách dường như là vô tận, và nỗi khổ đau gần như quá sức chịu đựng. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét thử thách của Gióp cho chúng ta thêm những bài học nào về tính chịu đựng. Chúng ta cũng sẽ xem những cách mà chúng ta giúp những người gặp nghịch cảnh tiếp tục vững mạnh.

Bạn trả lời ra sao?

• Sa-tan đã nêu lên vấn đề trọng yếu nào về lòng trung kiên của Gióp?

• Tại sao chúng ta không nên ngạc nhiên khi gặp nghịch cảnh?

• Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chịu đựng như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 23]

Tra cứu tài liệu, nói chuyện với những tín đồ Đấng Christ thành thục, và thổ lộ tâm tư qua lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta chịu đựng