Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự phát triển đầy vui mừng ở đảo quốc xinh đẹp

Sự phát triển đầy vui mừng ở đảo quốc xinh đẹp

Sự phát triển đầy vui mừng ở đảo quốc xinh đẹp

DU KHÁCH đến Đài Loan không thể làm ngơ trước vẻ xanh tốt của hòn đảo đầy cây cối vùng nhiệt đới này. Mùa gặt đến, những đồng lúa xanh ngát lại ngả sang màu vàng óng ả. Phủ kín các sườn núi là những cánh rừng um tùm rậm rạp. Tương phản với phố phường đông đúc, thật sảng khoái khi thấy ruộng đồng xanh ngát và cây cối phát triển tươi tốt trên núi đồi. Thật vậy, đó là cảm nhận của người Tây phương đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này. Từ cảm nhận ấy, ông đặt tên cho hòn đảo này là Ilha Formosa, trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là “Hòn đảo xinh đẹp”.

Quả vậy, Đài Loan là một đảo quốc xinh đẹp nhưng có diện tích nhỏ, chiều dài khoảng 390 kilômét và chiều ngang rộng nhất khoảng 160 kilômét. Trên đảo này, phần lớn là những ngọn núi cao. Ngọn Núi Yü Shan (Núi Morrison) cao hơn cả Núi Phú Sĩ ở Nhật Bản hoặc Núi Cook ở Tân Tây Lan. Các ngọn núi ở giữa đảo, nối liền với đại dương bởi miền duyên hải nhỏ hẹp có dân số đông đúc, nay lên đến hơn 22 triệu dân.

Một sự phát triển khác

Tuy nhiên, ở Đài Loan có một sự phát triển khác ngày càng rõ rệt hơn, sự phát triển về thiêng liêng. Điều này được thấy rõ qua những người biểu lộ lòng sốt sắng—người cao niên cũng như trẻ tuổi—một khi họ học biết về Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va. Thật ấn tượng khi thấy ngày càng có nhiều người sốt sắng giúp người khác học biết về Đức Giê-hô-va và ý định Ngài.

Sự phát triển đòi hỏi phải mở rộng. Vào tháng 12 năm 1990, một khu đất đã được mua nhằm mở rộng văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Để coi sóc công việc của 1.777 người công bố ở Đài Loan vào thời điểm ấy, văn phòng cũ tọa lạc ở Đài Bắc trở nên quá nhỏ. Tháng 8 năm 1994, sau vài năm làm việc chăm chỉ của các tình nguyện viên địa phương và quốc tế thuộc mọi lứa tuổi, tòa nhà mới khang trang ở Hsinwu đã sẵn sàng để đi vào hoạt động. Lúc bấy giờ có 2.515 người tham gia công việc rao truyền tin mừng của Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh. Hiện nay, hơn 10 năm sau, con số này tăng gấp đôi, đến hơn 5.500 người. Mỗi tháng, khoảng một phần tư số người này tham gia công việc rao giảng trọn thời gian. Đặc biệt là những thanh niên thiếu nữ được ví như “giọt sương” mát mẻ ban mai.—Thi-thiên 110:3.

Sự tiến bộ về thiêng liêng trong giới trẻ

Trong số những người sốt sắng công bố về tin mừng, có nhiều người còn khá trẻ. Một số vẫn đang ở độ tuổi đi học. Chẳng hạn như tại một thị trấn ở miền bắc Đài Loan, một cặp vợ chồng lần đầu tiên được mời đến tham dự Trường Thánh Chức Thần Quyền, trường giúp các Nhân Chứng học cách truyền giảng lẽ thật của Kinh Thánh. Cặp vợ chồng này hết sức ngạc nhiên khi thấy cậu bé Weijun đứng trên bục đọc Kinh Thánh diễn cảm hơn cả người lớn. Sau đó, vào những buổi họp khác, họ vô cùng ấn tượng khi nghe các em nhỏ, thậm chí chưa đến tuổi đi học, trả lời rất mạch lạc. Cặp vợ chồng này cũng khen ngợi thái độ lễ phép của các em nhỏ tại Phòng Nước Trời.

Tại sao những em trẻ này, trong đất nước phần lớn theo Phật Giáo và Lão Giáo, lại chú trọng việc học Kinh Thánh đến thế? Vì cha mẹ các em là tín đồ Đấng Christ, họ đã áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh và xây dựng gia đình hạnh phúc dựa trên mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Cha mẹ của Weijun cố gắng tạo bầu không khí vui vẻ trong buổi học Kinh Thánh gia đình và khi đi rao giảng. Các anh chị của em thì đã báp têm trở thành Nhân Chứng. Gần đây, Weijun xin được đi rao giảng. Mẹ em cho biết em đã phát hành rất nhiều tạp chí trong tháng đó, hơn cả tổng số tạp chí của mọi người trong gia đình. Hẳn nhiên, Weijun rất thích rao truyền lẽ thật, bình luận tại các buổi nhóm họp và chia sẻ với người khác những điều học được.

Khi các em lớn lên

Khi lớn lên, những em trẻ này sẽ như thế nào? Đa số vẫn thật lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và yêu thích công việc rao giảng, như em sinh viên Huiping chẳng hạn. Một hôm, giảng viên của em nói rằng có những người thuộc một đạo không chấp nhận tiếp máu, nhưng ông không biết họ là ai. Giờ tan học, tín đồ trẻ này nói cho thầy giáo biết những người đó là Nhân Chứng Giê-hô-va, và giải thích tại sao họ có quan điểm như vậy.

Một giảng viên khác chiếu cho lớp em xem một phim về những bệnh lây qua đường sinh dục. Trong phim ấy có nhắc đến câu 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10, nhưng cô giáo cho rằng Kinh Thánh không lên án mối quan hệ đồng tính luyến ái. Một lần nữa, Huiping có dịp nói cho cô giáo biết quan điểm của Đức Chúa Trời về vấn đề này.

Khi cô bạn cùng lớp là Shuxia soạn một báo cáo về nạn bạo hành trong gia đình, Huiping đưa cho bạn ấy cuốn Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-11-2001 có tựa đề “Help for Battered Women” (Giúp những phụ nữ bị bạo hành). Em giải thích rằng tạp chí này có nhiều chi tiết dựa trên Kinh Thánh về vấn đề đó. Với thời gian, Shuxia trở thành người công bố chưa báp têm. Nay Shuxia và Huiping đều chia sẻ tin mừng với người khác.

Nhiều tín đồ ở độ tuổi đi học nhận thấy thật không dễ khi người khác biết mình là người sống theo nguyên tắc Kinh Thánh. Điều này đặc biệt thấy rõ ở những thị trấn nhỏ. Zhihao phải đương đầu với áp lực bạn đồng lứa vì đức tin của em và công việc rao giảng. Em nói: “Em lo ngại đến mức cảm thấy sợ gặp bạn cùng lớp trong lúc đi rao giảng. Đôi khi, có tới 10 bạn chế nhạo em!” Một lần, thầy giáo phân công Zhihao làm bài thuyết trình về tôn giáo của em. Zhihao kể: “Em chọn Sáng-thế Ký chương 1 để làm phần mở bài và đặt những câu hỏi như: Ai đã tạo ra trái đất và mọi vật trên đó? Con người xuất hiện như thế nào? Ngay khi em đọc Kinh Thánh để dẫn chiếu, một số bạn bắt đầu cười nhạo em là đồ mê tín. Tuy nhiên, em vẫn tiếp tục trình bày hết phần thuyết trình. Sau đó, em có dịp giải thích riêng với một số bạn trong lớp về công việc và đức tin của mình. Giờ đây, khi gặp em đi rao giảng, các bạn không còn cười nhạo nữa!”

Zhihao nói thêm: “Vì cha mẹ là Nhân Chứng, nên gia đình em cùng đọc câu Kinh Thánh mỗi ngày vào buổi sáng. Cả nhà đều học Kinh Thánh và đi nhóm họp đều đặn. Nhờ vậy, em có thể trả lời bất cứ người nào vẫn muốn trêu chọc khi em đang chia sẻ với người khác về lẽ thật đầy khích lệ trong Kinh Thánh”.

Tingmei là sinh viên của một trường kỹ thuật nữ. Một lần, em và một số bạn cùng lớp được mời tham gia buổi dã ngoại với các bạn ở trường nam. Lường trước được mối nguy hiểm về mặt đạo đức của buổi giao lưu này, em từ chối tham gia. Em được mời nhiều lần như vậy, dù đã cho các bạn cùng lớp xem những bài trong sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực. * Các bạn chế giễu và cho rằng em cổ hủ. Tuy thế, chẳng lâu sau, khi một trong số những bạn ấy có thai và phải nạo thai, họ đã thấy lợi ích của việc khôn ngoan vâng theo nguyên tắc Kinh Thánh. Tingmei nói: “Nhờ làm theo lời hướng dẫn của Đức Giê-hô-va mà em có được lương tâm trong sạch. Rốt cuộc, em có được niềm vui nội tâm và sự thỏa nguyện sâu xa”.

Tiến bộ bất chấp trở ngại

Một trong số bạn thân của Tingmei là Ruiwen. Trước đây, Ruiwen cảm thấy đi nhóm họp và rao giảng là những công việc nhàm chán. Tuy nhiên, khi thấy sự khác biệt giữa tình yêu thương chân thật của các anh chị trong hội thánh và tình bạn hời hợt của bạn cùng lớp, em nghĩ mình cần phải thay đổi một số khía cạnh trong cuộc sống. Ruiwen bắt đầu rao giảng cho các bạn và càng nhận thức rõ hơn những điều mình nên làm. Em làm tiên phong phụ trợ, mỗi tháng dành hơn 50 giờ để thi hành thánh chức. Sau đó em bắt đầu làm tiên phong đều đều, dành hơn 70 giờ cho việc phụng sự. Em nói: “Em thật không biết phải bày tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va như thế nào. Ngài không bao giờ mất lòng tin nơi em. Ngay cả khi em làm buồn lòng Ngài, Đức Giê-hô-va vẫn yêu thương em. Mẹ và mọi người trong hội thánh cũng vậy. Giờ đây, khi điều khiển năm học hỏi Kinh Thánh, em cảm nhận được mình đang làm một công việc mãn nguyện nhất”.

Tại một trường trung học ở ngoại ô, hai cậu bé Nhân Chứng được phân công đại diện cho trường để tham gia cuộc thi múa dân gian. Khi biết được tính chất của cuộc thi, hai em nhận thấy không thể tham gia vì như vậy là trái với lương tâm của tín đồ Đấng Christ. Khi cố gắng giải thích quan điểm của mình và xin được miễn tham gia, nguyện vọng của hai em bị từ chối. Thay vào đó, các giáo viên nói rằng hai em đã được giao nhiệm vụ thì phải làm. Kiên quyết giữ lập trường, hai em lên trang Web của bộ giáo dục và gửi thư trình bày vấn đề. Dù hai em không nhận được thư trả lời riêng, nhưng không lâu sau nhà trường nhận được chỉ thị không ép buộc học sinh nào tham gia cuộc thi này. Khi thấy rằng sự dạy dỗ của Kinh Thánh không những uốn nắn lương tâm mà còn cung cấp cho các em sức mạnh để làm điều đúng, hẳn các em vui mừng biết bao!

Thậm chí những người bị giới hạn về thể chất cũng cảm thấy vui khi chia sẻ với người khác về hy vọng mà Kinh Thánh hứa. Minyu bị bại liệt từ thuở sơ sinh. Vì liệt hai tay, em phải dùng lưỡi để lật và tra câu Kinh Thánh mà em muốn đọc. Khi trình bày bài giảng trong Trường Thánh Chức Thần Quyền, em nằm trên một ghế xếp, người phụ diễn ngồi trên ghế đẩu thấp để giữ micrô. Thật ấm lòng làm sao khi thấy Minyu nỗ lực trình bày bài giảng!

Khi em muốn làm người công bố Nước Trời, một số chị trong hội thánh đã học cách rao giảng bằng điện thoại để giúp em. Minyu dùng lưỡi để nhấn số điện thoại, còn những chị khác giúp em ghi chú thông tin của các cuộc gọi. Em thích thú với công việc này đến nỗi đăng ký làm tiên phong phụ trợ, dành khoảng 50 đến 60 giờ mỗi tháng để nói với người khác về Nước Trời qua điện thoại. Một số người đã nhận ấn phẩm Kinh Thánh và đồng ý để em gọi lại. Hiện nay em đang điều khiển ba cuộc học hỏi Kinh Thánh nhờ làm chứng bằng điện thoại.

Thật vậy, như những giọt sương tươi mát ban mai, các em trẻ này—cả nam lẫn nữ—trong 78 hội thánh ở Đài Loan đang sẵn lòng và sốt sắng mang thông điệp sự sống của Nước Trời cho hàng triệu người trên đảo quốc đông dân này. Đây chỉ là một phần nhỏ của sự ứng nghiệm trên khắp thế giới về lời Kinh Thánh tiên tri như sau: “Trong ngày quyền-thế Chúa, dân Chúa tình-nguyện lại đến; những kẻ trẻ tuổi ngươi mặc trang-sức thánh cũng đến cùng ngươi như giọt sương bởi lòng rạng-đông mà ra”. (Thi-thiên 110:3) Các tín đồ trẻ tuổi này quả là nguồn khích lệ cho những người cao tuổi đồng đức tin. Trên hết, họ là nguồn mang lại niềm vui cho Cha của họ ở trên trời, Giê-hô-va Đức Chúa Trời!—Châm-ngôn 27:11.

[Chú thích]

^ đ. 16 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung/​Hình nơi trang 10]

CẦN NHIỀU PHÒNG NƯỚC TRỜI HƠN

Với sự phát triển ở Đài Loan, có đủ Phòng Nước Trời là cả một thử thách. Tại sao? Trừ một số vùng ngoại ô, tìm ra đất để xây dựng Phòng Nước Trời là điều hầu như không thể có được. Bên cạnh đó, giá đất rất cao, luật nhà đất thì nghiêm ngặt. Ở những thành phố và thị xã lớn, giải pháp duy nhất là mua một văn phòng rồi dùng làm Phòng Nước Trời. Tuy vậy, đa số các văn phòng đều có trần thấp, phí bảo trì cao, việc ra vào bị hạn chế, hoặc những yếu tố khác khiến khó có thể dùng văn phòng làm Phòng Nước Trời.

Dầu vậy, trong những năm gần đây, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đài Loan có được một số Phòng Nước Trời mới. Việc tìm kiếm thêm những khu đất mới vẫn đang xúc tiến vì các Nhân Chứng ở đó sẵn lòng đóng góp cũng như rèn luyện thêm kỹ năng xây dựng.