Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời’

‘Hãy trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời’

‘Hãy trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời’

“Trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời”.—PHI-LÍP 4:6.

1. Chúng ta có đặc ân nói chuyện với ai, và tại sao đây là điều tuyệt diệu?

NẾU xin tiếp kiến vị nguyên thủ quốc gia, bạn sẽ được như ý không? Có lẽ bạn nhận được một lá thư từ văn phòng của ông lịch sự từ chối lời yêu cầu của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nói chuyện với Đấng Cai Trị vĩ đại nhất, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Tối Thượng trong vũ trụ thì lại khác. Chúng ta có thể đến gần Ngài bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào mà chúng ta muốn. Lời cầu nguyện thích hợp luôn luôn thấu đến Ngài. (Châm-ngôn 15:29) Đó quả là điều tuyệt diệu! Chẳng phải lòng biết ơn về điều này thôi thúc chúng ta thường xuyên cầu nguyện với Đấng đáng được gọi là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” hay sao?—Thi-thiên 65:2.

2. Cần có yếu tố nào để được Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện?

2 Tuy nhiên, một người có thể thắc mắc: ‘Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện nào?’ Kinh Thánh cho biết một yếu tố cần thiết để lời cầu nguyện được nhậm: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Như đã giải thích trong bài trước, yếu tố chính để đến gần Đức Chúa Trời là đức tin. Đức Chúa Trời sẵn lòng nghe lời cầu nguyện của những ai đến gần Ngài, nhưng họ phải cầu nguyện với đức tin và làm những việc Đức Chúa Trời chấp nhận, đồng thời phải có lòng thành thật và thái độ đúng.

3. (a) Như các tôi tớ trung thành thời xưa, chúng ta có thể dùng những lời nào khi cầu nguyện? (b) Lời cầu nguyện có thể mang những hình thức nào?

3 Sứ đồ Phao-lô khuyến giục tín đồ Đấng Christ sống vào thời ông: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời”. (Phi-líp 4:6, 7) Kinh Thánh ghi lại gương của những người đã giãi bày mối lo lắng với Đức Chúa Trời. Trong số đó có An-ne, Ê-li, Ê-xê-chia và Đa-ni-ên. (1 Sa-mu-ên 2:1-10; 1 Các Vua 18:36, 37; 2 Các Vua 19:15-19; Đa-ni-ên 9:3-21) Chúng ta nên noi gương họ. Hơn nữa, hãy lưu ý là Phao-lô cho thấy lời cầu nguyện có thể mang nhiều hình thức khác nhau. Ông đề cập đến sự tạ ơn, tức lời cầu nguyện bày tỏ lòng biết ơn về những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta. Lời cầu nguyện đó có thể kèm theo lời ngợi khen. Còn lời nài xin muốn nói đến sự khiêm nhường, tha thiết cầu khẩn. Và chúng ta có thể cầu xin, tức hỏi xin một điều cụ thể. (Lu-ca 11:2, 3) Cha trên trời vui lòng chấp nhận khi chúng ta đến gần Ngài qua những hình thức cầu nguyện nói trên.

4. Dù Đức Giê-hô-va biết nhu cầu của chúng ta, tại sao chúng ta vẫn phải cầu xin Ngài?

4 Vài người có thể thắc mắc: ‘Chẳng phải Đức Chúa Trời đã biết tất cả nhu cầu của chúng ta hay sao?’ Đúng thế, Ngài biết tất cả. (Ma-thi-ơ 6:8, 32) Thế thì tại sao Ngài vẫn muốn chúng ta cầu xin Ngài? Hãy xem một thí dụ: Một chủ tiệm buôn muốn tặng quà cho một số khách hàng. Tuy nhiên, muốn nhận quà, khách hàng phải đến gặp ông. Ai không đến nhận là không thật sự quý món quà. Tương tự, nếu thờ ơ với việc cầu xin, chúng ta cho thấy mình không quý điều Đức Giê-hô-va ban. Chúa Giê-su nói: “Hãy cầu-xin đi, các ngươi sẽ được”. (Giăng 16:24) Khi làm thế, chúng ta chứng tỏ mình tin cậy Đức Chúa Trời.

Làm sao đến gần Đức Chúa Trời?

5. Khi cầu nguyện, tại sao chúng ta phải nhân danh Chúa Giê-su?

5 Đức Giê-hô-va không đặt ra hàng loạt những luật lệ cứng nhắc về cách cầu nguyện. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta biết cách thích hợp để đến gần Đức Chúa Trời. Thí dụ, Chúa Giê-su dạy các môn đồ: “Điều chi các ngươi sẽ cầu-xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhân danh ta mà ban cho các ngươi”. (Giăng 16:23) Vì thế, khi cầu nguyện, chúng ta phải nhân danh Chúa Giê-su, nhận biết ngài là trung gian duy nhất mà Đức Chúa Trời dùng để ban phước cho toàn thể nhân loại.

6. Chúng ta phải cầu nguyện với tư thế nào?

6 Chúng ta phải cầu nguyện với tư thế nào? Kinh Thánh không đề cập là phải nhất thiết có tư thế đặc biệt nào để lời cầu nguyện được nhậm. (1 Các Vua 8:22; Nê-hê-mi 8:6; Mác 11:25; Lu-ca 22:41) Điều quan trọng là cầu nguyện với lòng thành thật và thái độ đúng đắn.—Giô-ên 2:12, 13.

7. (a) “A-men” có nghĩa gì? (b) Từ “a-men” nên được dùng như thế nào trong lời cầu nguyện?

7 Còn lời kết thúc “a-men” thì sao? Kinh Thánh cho thấy đó thường là lời kết thúc thích hợp khi cầu nguyện, nhất là khi chúng ta thay mặt người khác cầu nguyện. (Thi-thiên 72:19; 89:52) Từ Hê-bơ-rơ ʼa·menʹ có nghĩa cơ bản là “xin được như ý”. Một cuốn tự điển (McClintock and Strong’s Cyclopedia) giải thích ý nghĩa của việc nói “A-men” ở cuối lời cầu nguyện, đó là “để khẳng định những lời vừa trình bày và khẩn xin cho những lời đó được thành”. Vì thế, khi kết thúc một cách thành tâm bằng cách nói “A-men”, người cầu nguyện cho thấy mình tha thiết về lời cầu xin của mình. Khi một tín đồ Đấng Christ thay mặt hội thánh cầu nguyện và nói “A-men” để kết thúc, những người trong cử tọa cũng có thể thầm lập lại hoặc nói lớn tiếng để cho thấy mình đồng ý với lời cầu nguyện của người đại diện.—1 Cô-rinh-tô 14:16.

8. Lời cầu nguyện của chúng ta có thể tương tự như của Gia-cốp hoặc Áp-ra-ham ở những điểm nào, và điều này cho thấy gì về chúng ta?

8 Đôi khi Đức Chúa Trời cho chúng ta cơ hội để cho thấy mình quan tâm về vấn đề cầu xin đến mức nào. Có lẽ chúng ta nên noi gương Gia-cốp thời xưa, ông đã vật lộn cả đêm với thiên sứ để được ban phước. (Sáng-thế Ký 32:24-26) Hoặc trong một số trường hợp, chúng ta cần làm như Áp-ra-ham, ông nhiều lần cầu xin Đức Giê-hô-va giải cứu Lót và những người công bình khác sống trong thành Sô-đôm. (Sáng-thế Ký 18:22-33) Tương tự, chúng ta có thể khẩn cầu Đức Giê-hô-va về những điều mà mình quý trọng, khẩn nài Ngài tỏ tính công bằng, yêu thương nhân từ và thương xót .

Cầu xin điều gì?

9. Khi cầu nguyện, mối quan tâm chính yếu của chúng ta phải là gì?

9 Hãy nhớ lại lời Phao-lô: “Trong mọi sự hãy... trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời”. (Phi-líp 4:6) Vì thế, lời cầu nguyện riêng có thể nói về hầu hết mọi khía cạnh của đời sống. Tuy nhiên, khi cầu nguyện, điều chúng ta quan tâm trước nhất phải là quyền lợi của Đức Giê-hô-va. Đa-ni-ên đã nêu gương tốt về điều này. Khi dân Y-sơ-ra-ên bị trừng phạt vì phạm tội, Đa-ni-ên nài xin sự thương xót của Đức Giê-hô-va: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi! Vì cớ chính Ngài, xin chớ trì-hoãn; vì thành Ngài và dân Ngài đã được xưng bằng danh Ngài!” (Đa-ni-ên 9:15-19) Tương tự, lời cầu nguyện của chúng ta có cho thấy chúng ta quan tâm chính yếu đến việc làm thánh danh Ngài và mong muốn ý Ngài được thực hiện hay không?

10. Làm sao chúng ta biết việc cầu nguyện về vấn đề cá nhân là điều thích hợp?

10 Tuy nhiên, cầu xin những điều liên quan đến cá nhân cũng thích hợp. Thí dụ, như người viết Thi-thiên, chúng ta cũng có thể cầu xin để hiểu sâu hơn về những điều thiêng liêng. Người viết Thi-thiên cầu nguyện: “Xin hãy ban cho tôi sự thông-sáng, thì tôi sẽ vâng theo luật-pháp Chúa, ắt sẽ hết lòng gìn-giữ lấy”. (Thi-thiên 119:33, 34; Cô-lô-se 1:9, 10) Chúa Giê-su “đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết”. (Hê-bơ-rơ 5:7) Qua đó, ngài cho thấy điều thích hợp là cầu xin được sức mạnh trong khi đương đầu với những nguy hiểm hay thử thách. Khi dạy lời cầu nguyện mẫu cho môn đồ, Chúa Giê-su cũng đề cập những vấn đề liên quan đến cá nhân, như việc tha thứ lỗi lầm và kiếm sống hàng ngày.

11. Làm thế nào lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta không rơi vào cám dỗ?

11 Trong lời cầu nguyện mẫu đó, Chúa Giê-su cũng xin: “Xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!” (Ma-thi-ơ 6:9-13) Sau đó, ngài khuyên: “Hãy thức canh và cầu-nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám-dỗ”. (Ma-thi-ơ 26:41) Cầu nguyện là điều trọng yếu khi đối phó với cám dỗ. Tại sở làm hoặc tại trường học, chúng ta có thể bị cám dỗ khiến mình bỏ qua các nguyên tắc Kinh Thánh. Những người không phải là Nhân Chứng đôi khi mời chúng ta tham gia những hoạt động có thể không thích hợp với nguyên tắc trong Kinh Thánh. Họ có thể bảo chúng ta làm điều trái đạo đức. Trong những lúc như thế, chúng ta nên làm theo lời Chúa Giê-su khuyên là cầu nguyện—trước và trong khi đương đầu với cám dỗ—xin Đức Chúa Trời giúp chúng ta không bị sa ngã.

12. Vì những vấn đề nào mà chúng ta cầu nguyện, và chúng ta có thể mong Đức Giê-hô-va làm gì?

12 Ngày nay, tôi tớ Đức Chúa Trời chịu nhiều áp lực và lo lắng trong đời sống. Đối với nhiều người, bệnh tật và tâm trạng căng thẳng là nguyên nhân chính gây ra lo lắng. Tình trạng bạo động xảy ra xung quanh chúng ta làm cho đời sống căng thẳng. Kinh tế khó khăn khiến việc kiếm sống trở nên vất vả. Thật an ủi khi biết Đức Giê-hô-va sẵn sàng lắng nghe tôi tớ Ngài giãi bày những vấn đề này! Thi-thiên 102:17 nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài sẽ nghe lời cầu-nguyện của kẻ khốn-cùng, chẳng khinh-dể lời nài-xin của họ”.

13. (a) Những vấn đề cá nhân nào cũng là đề tài thích hợp để cầu nguyện? (b) Hãy kể lại một thí dụ về lời cầu nguyện như thế.

13 Thật ra, tất cả những vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va và việc phụng sự Ngài đều là đề tài thích hợp để cầu nguyện. (1 Giăng 5:14) Nếu phải quyết định về hôn nhân, việc làm hoặc việc gia tăng thánh chức, bạn không nên ngần ngại trình bày với Đức Chúa Trời, cầu xin Ngài hướng dẫn. Thí dụ, tại Phi-líp-pin, một phụ nữ trẻ muốn tham gia thánh chức trọn thời gian. Tuy nhiên, chị không có việc làm để nuôi thân. Chị kể: “Vào một ngày Thứ Bảy, tôi cầu nguyện cụ thể với Đức Giê-hô-va về việc làm tiên phong. Và cũng trong ngày đó, khi đi rao giảng, tôi mời một thiếu nữ nhận một quyển sách. Bỗng nhiên, em gái này nói với tôi: ‘Sáng Thứ Hai chị nên đến trường em ngay’. Tôi hỏi: ‘Để làm gì?’ Em cho biết là trường em đang cần gấp một người làm việc. Tôi đến xin việc và được nhận ngay. Mọi việc xảy ra thật nhanh chóng”. Nhiều Nhân Chứng ở khắp nơi trên thế giới đã có những kinh nghiệm tương tự. Vậy, bạn không nên do dự dâng lên Đức Chúa Trời những lời cầu xin chân thành!

Nếu đã phạm tội thì sao?

14, 15. (a) Sau khi phạm tội, tại sao một người không nên ngần ngại cầu nguyện? (b) Ngoài lời cầu nguyện riêng, điều gì cũng giúp cho một người hồi phục sau khi phạm tội?

14 Lời cầu nguyện có thể giúp ích thế nào trong trường hợp một người phạm tội? Vì mặc cảm, một số người phạm tội ngần ngại cầu nguyện. Tuy nhiên, làm thế là thiếu khôn ngoan. Để minh họa: Các phi công biết rằng nếu họ lái máy bay trật hướng, họ có thể liên lạc với nhân viên kiểm soát không lưu để được giúp đỡ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một phi công ngần ngại liên lạc với nhân viên kiểm soát không lưu, vì cảm thấy xấu hổ là mình đã bay trật hướng? Điều đó có thể đưa đến thảm họa! Tương tự, khi một người phạm tội ngần ngại cầu nguyện với Đức Chúa Trời thì hậu quả càng tai hại hơn. Chúng ta chớ nên để mặc cảm tội lỗi cản trở mình cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Thật vậy, Đức Chúa Trời kêu gọi những người phạm lỗi nặng cầu nguyện Ngài. Nhà tiên tri Ê-sai khuyến khích những người phạm tội vào thời ông cầu nguyện Đức Giê-hô-va “vì Ngài tha-thứ dồi-dào”. (Ê-sai 55:6, 7) Tất nhiên, một người hạ mình trước mặt Đức Giê-hô-va trước nhất phải có tấm lòng khiêm nhường, từ bỏ lối sống tội lỗi và thành thật ăn năn.—Thi-thiên 119:58; Đa-ni-ên 9:13.

15 Khi phạm tội, việc cầu nguyện lại càng quan trọng hơn vì một lý do khác nữa. Nói về một người cần được giúp đỡ về thiêng liêng, môn đồ Gia-cơ viết: “Hãy mời các trưởng-lão Hội-thánh đến,... các trưởng-lão hãy cầu-nguyện cho người... Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy”. (Gia-cơ 5:14, 15) Thật vậy, người đó nên cầu nguyện xưng tội với Đức Giê-hô-va, và cũng có thể nhờ trưởng lão cầu nguyện cho mình. Làm như thế sẽ giúp người đó phục hồi sức khỏe thiêng liêng.

Đáp lời cầu nguyện

16, 17. (a) Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện như thế nào? (b) Những kinh nghiệm nào cho thấy công việc rao giảng và lời cầu nguyện có liên quan chặt chẽ với nhau?

16 Đức Chúa Trời đáp lại lời cầu nguyện như thế nào? Một số lời cầu nguyện có lẽ được đáp lại một cách nhanh chóng và rõ ràng. (2 Các Vua 20:1-6) Đối với những lời cầu nguyện khác, câu trả lời có lẽ cần thời gian, và có thể khó nhận ra. Như minh họa của Chúa Giê-su về một người đàn bà góa tiếp tục trở lại cùng vị quan án, cầu nguyện Đức Chúa Trời nhiều lần có thể là điều cần thiết. (Lu-ca 18:1-8) Tuy nhiên, chúng ta có thể tin chắc rằng khi cầu nguyện phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ nói: “Đừng khuấy rối ta”.—Lu-ca 11:5-9.

17 Qua nhiều trường hợp, dân Đức Giê-hô-va đã thấy Ngài nhậm lời cầu nguyện. Điều này thường xảy ra trong thánh chức rao giảng. Chẳng hạn, hai chị Nhân Chứng ở Phi-líp-pin phân phát ấn phẩm về Kinh Thánh tại một vùng hẻo lánh. Khi họ đưa cho người phụ nữ một tờ giấy nhỏ, thì mắt bà ứa lệ. Bà nói: “Tối hôm qua, tôi cầu xin Đức Chúa Trời cho người đến dạy tôi Kinh Thánh, và tôi nghĩ đây là câu trả lời cho lời cầu nguyện ấy”. Không lâu sau, bà tham dự các buổi họp tại Phòng Nước Trời. Một nơi khác ở Đông Nam Á, một anh Nhân Chứng cảm thấy ngại rao giảng trong khu cư xá an ninh cao. Tuy nhiên, anh cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, thu hết can đảm và bước vào cư xá. Anh gõ cửa một căn hộ, một phụ nữ trẻ ra mở cửa. Cô chảy nước mắt khi anh giải thích lý do anh đến nhà cô. Cô nói là đã đi tìm Nhân Chứng Giê-hô-va và cầu nguyện về điều này. Anh Nhân Chứng vui lòng giúp cô liên lạc với hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương.

18. (a) Khi được Đức Chúa Trời đáp lại lời cầu nguyện, chúng ta nên đáp ứng ra sao? (b) Nếu tận dụng mọi cơ hội để cầu nguyện, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

18 Cầu nguyện quả là một sự sắp đặt tuyệt vời của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va sẵn lòng nghe và đáp lời cầu nguyện. (Ê-sai 30:18, 19) Thế nhưng, chúng ta cần để ý xem cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình. Cách Ngài đáp lời cầu nguyện có thể không như chúng ta mong muốn. Dù vậy, khi nhận ra sự chỉ dẫn của Ngài, chúng ta chớ bao giờ quên tạ ơn và khen ngợi Ngài. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18) Hơn nữa, hãy luôn nhớ lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời”. Thật vậy, hãy tận dụng mọi cơ hội cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Làm thế, chúng ta sẽ thật sự cảm nghiệm điều mà Phao-lô viết về những người được Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện: “Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em”.—Phi-líp 4:6, 7.

Bạn có thể trả lời không?

• Lời cầu nguyện có thể mang những hình thức nào?

• Cách thích hợp để cầu nguyện là gì?

• Chúng ta có thể cầu nguyện về những điều gì?

• Khi một người phạm tội, việc cầu nguyện có vai trò gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 29]

Lời cầu nguyện chân thành giúp chúng ta không rơi vào cám dỗ

[Các hình nơi trang 31]

Qua lời cầu nguyện, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, mối quan tâm và sự nài xin với Đức Chúa Trời