Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi người thân yêu lìa bỏ Đức Giê-hô-va

Khi người thân yêu lìa bỏ Đức Giê-hô-va

Khi người thân yêu lìa bỏ Đức Giê-hô-va

ANH Mark và chị Louise là Nhân Chứng Giê-hô-va. * Hai người yêu thương, chăm nom và dạy Kinh Thánh cho con cái, như lời Kinh Thánh khuyên cha mẹ tín đồ Đấng Christ. (Châm-ngôn 22:6; 2 Ti-mô-thê 3:15) Đáng buồn thay, khi lớn lên, không phải tất cả các con của họ tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va. Chị Louise nói: “Tôi rất đau lòng khi con mình không còn phụng sự Đức Giê-hô-va nữa. Làm sao mỗi ngày tôi lại có thể giả vờ như thể lòng mình không đau đớn xót xa? Khi những người khác nói về con của họ, tôi nghẹn ngào không thốt lên lời và cố cầm nước mắt”.

Thật thế, khi một người quyết định lìa bỏ Đức Giê-hô-va và bỏ lối sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, thì những người trung thành trong gia đình cảm thấy đau đớn vô cùng. Chị Irene nói: “Tôi rất thương chị tôi. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chị quay lại với Đức Giê-hô-va!” Chị Maria có người em trai lìa bỏ Đức Giê-hô-va và theo đuổi lối sống vô luân. Chị nói: “Tôi rất đau lòng, không biết phải làm gì vì trên nhiều phương diện khác, em tôi đối xử với tôi rất tốt. Tôi nhớ em tôi lắm, nhất là những lúc mọi người trong gia đình họp mặt”.

Tại sao đau buồn?

Trong gia đình tín đồ Đấng Christ, tại sao khi con cái hoặc người thân lìa bỏ Đức Chúa Trời thì những người khác lại đau lòng? Vì họ biết Kinh Thánh hứa là những người trung thành với Đức Giê-hô-va sẽ được sống đời đời trong địa đàng. (Thi-thiên 37:29; 2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:3-5) Họ trông mong được cùng hưởng những ân phước này với người hôn phối, cha mẹ, anh chị em và con cháu của mình. Họ đau lòng biết bao khi nghĩ rằng người thân yêu của mình không được hưởng những ân phước đó vì ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va! Ngay cả trong cuộc sống hiện tại, tín đồ Đấng Christ biết rằng luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va có ích cho họ. Vì vậy, họ đau lòng khi thấy người thân yêu đang gieo những điều mà người đó sẽ phải gặt một cách đắng cay.—Ê-sai 48:17, 18; Ga-la-ti 6:7, 8.

Đối với một số người chưa từng ở trong những hoàn cảnh nói trên thì khó hiểu được người trong cảnh ngộ này đau khổ đến độ nào. Hầu hết mọi khía cạnh của đời sống người ấy đều bị ảnh hưởng. Chị Louise nói: “Càng ngày càng khó cho tôi ngồi tại các buổi họp đạo Đấng Christ khi thấy các bậc cha mẹ vui cười và nói chuyện với con cái. Bất cứ dịp vui nào tôi cũng đều cảm thấy trống trải vì các con thân yêu không có bên cạnh mình”. Một trưởng lão đạo Đấng Christ hồi tưởng lại quá khứ, trong suốt bốn năm, cô con gái riêng của vợ anh đã không nói chuyện cũng như thăm hỏi vợ chồng anh. Anh nói: “Thường ngay cả những dịp vui chúng tôi cũng cảm thấy buồn. Nếu tôi tặng vợ một món quà hoặc đưa vợ đi chơi vào cuối tuần, vợ tôi cũng rớm lệ vì nghĩ đến con gái không có mặt để cùng chung vui”.

Những tín đồ đó có đau buồn thái quá không? Không hẳn thế. Thật ra, họ phản ánh phần nào những đức tính của Đức Giê-hô-va vì đã được dựng nên theo hình Ngài. (Sáng-thế Ký 1:26, 27) Điều này có nghĩa gì? Hãy thử xem Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi dân Y-sơ-ra-ên phản lại Ngài? Qua Thi-thiên 78:38-41, chúng ta biết được là Đức Giê-hô-va đau lòng. Dù vậy, Ngài vẫn kiên nhẫn cảnh cáo và sửa dạy họ, nhiều lần tha thứ khi họ ăn năn. Hiển nhiên, Đức Giê-hô-va cảm thấy gắn bó với những tạo vật của Ngài, là ‘công việc của tay Ngài’, và không bỏ họ một cách dễ dàng. (Gióp 14:15; Giô-na 4:10, 11) Ngài đặt vào lòng loài người khả năng yêu thương gắn bó như thế, nhờ vậy mối liên hệ giữa những người trong gia đình có thể đặc biệt chặt chẽ. Do đó, không phải là điều đáng ngạc nhiên khi thấy một người sầu não vì người thân từ bỏ Đức Chúa Trời.

Thật thế, một trong những thử thách khó khăn nhất trong đời của những người thờ phượng thật là người thân yêu từ bỏ Đức Chúa Trời. (Công-vụ 14:22) Chúa Giê-su nói rằng một số gia đình sẽ bị chia rẽ khi chấp nhận thông điệp của ngài. (Ma-thi-ơ 10:34-38) Điều này không có nghĩa là thông điệp của Kinh Thánh gây chia rẽ trong gia đình. Trái lại, những người không tin đạo hay không trung thành sẽ gây chia rẽ khi không chấp nhận, lìa bỏ, hoặc thậm chí chống lại đường lối của đạo Đấng Christ. Tuy nhiên, chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va không bỏ mặc những người trung thành, nhưng Ngài giúp họ biết cách đối phó với các thử thách. Nếu bạn hiện đang đau khổ vì người thân lìa bỏ Đức Chúa Trời, nguyên tắc nào trong Kinh Thánh có thể giúp bạn chịu đựng, tìm được một phần nào niềm vui và sự mãn nguyện?

Đối phó

“Hãy xây dựng đời mình” và “giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời”. (Giu-đe 20, 21; “Nguyễn Thế Thuấn”) Có thể vì hoàn cảnh riêng, bạn không thể làm gì vào lúc này để giúp người trong gia đình đã ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, bạn có thể và nên “xây dựng” mình cũng như những người khác trong gia đình, những người vẫn còn trung thành với Đức Giê-hô-va. Chị Veronica có ba con trai, nhưng hai người đã bỏ lẽ thật, chị nói: “Nhà tôi và tôi được khuyên là nếu chúng tôi giữ mình vững mạnh về thiêng liêng, thì chúng tôi sẽ ở trong hoàn cảnh tốt nhất để đón con khi chúng tỉnh ngộ. Đứa con hoang đàng sẽ ra sao nếu người cha không ở trong tâm trạng sẵn sàng để đón con khi nó trở về?”

Để giữ mình vững mạnh, hãy hết lòng tham gia vào những hoạt động về thiêng liêng. Điều này bao gồm việc đều đặn theo một chương trình học hỏi kỹ lưỡng về Kinh Thánh và tham dự các buổi họp. Hãy sẵn sàng giúp người khác trong hội thánh khi hoàn cảnh cho phép. Thật thế, thoạt đầu có lẽ bạn thấy những việc đó khó làm. Chị Veronica kể lại: “Giống như một con thú bị thương, phản ứng đầu tiên của tôi là muốn tránh mọi người. Nhưng nhà tôi nhất định là chúng tôi phải tiếp tục giữ thói quen tốt về thiêng liêng. Anh ấy sắp xếp để chúng tôi có thể tham dự các buổi nhóm họp. Đến ngày đại hội, tôi phải lấy hết can đảm để đi và gặp người khác. Tuy nhiên, chương trình đại hội giúp chúng tôi đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Còn đứa con trai vẫn giữ lòng trung thành thì đặc biệt được khích lệ qua kỳ đại hội đó”.

Chị Maria, được nói đến ở trên, cảm thấy việc bận rộn trong thánh chức là điều đặc biệt giúp chị. Và chị hiện đang giúp bốn người học Kinh Thánh. Tương tự như thế, chị Laura nói: “Tuy không thành công trong việc nuôi nấng con cái như vài bậc cha mẹ khác, nhưng tôi có những lời phán dạy hoàn hảo trong Kinh Thánh có thể giúp gia đình trong những ngày cuối cùng này. Vì vậy tôi hằng cảm tạ Đức Giê-hô-va, dù vẫn khóc mỗi ngày”. Các con trưởng thành của anh Ken và chị Eleanor đã bỏ hội thánh. Anh chị này thay đổi hoàn cảnh để dọn đến một nơi cần nhiều người công bố về Nước Trời và làm công việc rao giảng trọn thời gian. Điều này giúp họ nhìn các sự việc theo quan điểm đúng đắn và tránh bị đau buồn thái quá.

Chớ ngưng hy vọng. Tình yêu thương “trông-cậy [“hy vọng”, NW] mọi sự”. (1 Cô-rinh-tô 13:7) Anh Ken, được nói đến ở trên, thuật lại: “Khi các con chúng tôi bỏ lẽ thật, tôi cảm thấy như thể chúng đã chết. Nhưng khi em gái sinh đôi của tôi qua đời, quan điểm của tôi đã thay đổi. Tôi biết ơn Đức Chúa Trời vì các con của tôi không chết thật, và Đức Giê-hô-va tiếp tục mở đường cho chúng trở về với Ngài”. Quả thật, thực tế cho thấy nhiều người bỏ lẽ thật và cuối cùng đã quay trở lại.—Lu-ca 15:11-24.

Chớ tự đổ lỗi cho mình. Cha mẹ đặc biệt có khuynh hướng nhìn lại những điều họ làm trong quá khứ, và hối tiếc là đã không xử sự khác hơn trong một số trường hợp nào đó. Tuy nhiên, ý tưởng chính trong câu Ê-xê-chi-ên 18:20 là Đức Giê-hô-va không buộc cha mẹ, nhưng buộc người phạm tội chịu trách nhiệm về quyết định sai lầm của mình. Điều đáng lưu ý là: trong khi nói nhiều về bổn phận cha mẹ phải nuôi nấng con cái theo đường lối đúng đắn, sách Châm-ngôn lại chứa đựng nhiều lời khuyên con cái phải vâng lời bậc sinh thành, hơn gấp bốn lần so với những lời khuyên dành cho cha mẹ. Đúng thế, dù cha mẹ bất toàn, con cái có bổn phận vâng lời cha mẹ dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh. Là bậc cha mẹ, rất có thể bạn đối phó với vấn đề theo cách tốt nhất vào lúc đó. Nhưng nếu bạn nghĩ là mình đã phạm sai lầm nào đó và nếu đó thật sự là lỗi của bạn, thì điều này không có nghĩa là lỗi lầm đó khiến người thân yêu bỏ lẽ thật. Dù sao đi nữa, những lời hối tiếc “phải chi...” không giúp ích được gì cả. Hãy rút kinh nghiệm, cương quyết không lặp lại những lỗi lầm đó, và cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ, rồi hướng về tương lai, không nhìn về quá khứ.—Thi-thiên 103:8-14; Ê-sai 55:7.

Hãy kiên nhẫn với người khác. Có thể người khác rất khó biết rõ cách nào để khuyến khích hay an ủi bạn, nhất là nếu họ chưa bao giờ ở trong hoàn cảnh tương tự. Hơn nữa, mỗi người đều có quan điểm khác nhau về việc khuyến khích và an ủi. Vì thế, nếu có ai nói điều gì làm bạn phật lòng, hãy áp dụng lời khuyên của Phao-lô nơi Cô-lô-se 3:13: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau”.

Hãy tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về việc sửa trị. Nếu hội thánh sửa trị một người họ hàng của bạn, hãy nhớ đó là một sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va và điều này đem lại nhiều lợi ích nhất cho mọi người, kể cả người phạm tội. (Hê-bơ-rơ 12:11) Vì vậy, hãy kiềm chế bất cứ khuynh hướng nào nhằm chỉ trích các trưởng lão có liên quan đến việc sửa trị hoặc quyết định của những anh ấy. Hãy nhớ là làm theo đường lối của Đức Giê-hô-va đem lại kết quả tốt nhất, còn chống lại những sự sắp đặt của Ngài thì chỉ thêm đau buồn mà thôi.

Sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi Ê-díp-tô, Môi-se thường xuyên làm người xét xử dân chúng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13-16) Vì một phán quyết ban ra để bênh vực người này thì rất có thể sẽ trừng phạt người kia, nên chúng ta có thể tưởng tượng là các quyết định của Môi-se đã làm một số người không hài lòng. Thái độ chỉ trích Môi-se về những điều ông phán quyết có lẽ đã dẫn đến vài trường hợp một số người dấy lên chống lại quyền lãnh đạo của ông. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va dùng Môi-se để dẫn dắt dân Ngài, và Ngài không trừng phạt Môi-se, nhưng trừng phạt những kẻ phản nghịch cùng cả gia đình ủng hộ họ. (Dân-số Ký 16:31-35) Chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ bài học này bằng cách hết sức tôn trọng và hợp tác với những người có trách nhiệm trong tổ chức thần quyền ngày nay, khi họ đưa ra những quyết định nào đó.

Về vấn đề này, chị Delores nhớ lại là chị cảm thấy rất khó để có quan điểm thăng bằng khi hội thánh sửa phạt con gái chị. Chị nói: “Tôi được giúp là nhờ nhiều lần đọc những bài có nội dung nói về sự sắp đặt hợp lý của Đức Giê-hô-va. Tôi dành riêng một cuốn sổ để ghi lại những điểm học được từ sách báo và các bài giảng để giúp tôi chịu đựng đồng thời tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va”. Điều này giúp chúng ta biết thêm một cách đối phó quan trọng khác.

Hãy bày tỏ cảm xúc của mình. Bạn có lẽ cảm thấy vơi đi nỗi đau buồn khi giãi bày tâm sự với một hoặc hai người bạn thân tín, có thể thông cảm với bạn. Khi làm thế, hãy chọn những người có thể giúp bạn có thái độ tích cực. Cách chắc chắn hữu hiệu nhất là “dốc đổ sự lòng mình ra” trong lời cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. * (Thi-thiên 62:7, 8) Tại sao? Vì Ngài hiểu rõ cảm xúc sâu xa của bạn. Thí dụ, có thể bạn cảm thấy bất công vì phải bị đau khổ như thế. Nói cho cùng, bạn không lìa bỏ Đức Giê-hô-va. Hãy nói cho Đức Giê-hô-va biết cảm xúc của bạn, và cầu xin Ngài giúp bạn bớt đau lòng khi xem xét hoàn cảnh của mình.—Thi-thiên 37:5.

Với thời gian, bạn có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Hiện tại, hãy tiếp tục cố gắng làm vui lòng Cha trên trời, và chớ bao giờ nghĩ rằng những nỗ lực của mình chỉ là vô ích. (Ga-la-ti 6:9) Hãy nhớ là nếu bỏ Đức Giê-hô-va, chúng ta vẫn còn vấn đề khó khăn. Ngược lại, nếu tiếp tục trung thành, chúng ta sẽ được Ngài giúp đỡ để đối phó với những thử thách. Vậy, bạn hãy yên trí, Đức Giê-hô-va hiểu hoàn cảnh của bạn khó khăn đến mức nào và sẽ tiếp tục ban cho bạn sức mạnh đúng lúc.—2 Cô-rinh-tô 4:7; Phi-líp 4:13; Hê-bơ-rơ 4:16.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 19 Về việc cầu nguyện cho thân nhân bị khai trừ, xin xem Tháp Canh ngày 1-12-2001, trang 30, 31.

[Khung nơi trang 19]

Cách đối phó

“Hãy xây dựng đời mình” và “giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời”.—Giu-đe 20, 21; Nguyễn Thế Thuấn.

Chớ ngưng hy vọng.—1 Cô-rinh-tô 13:7.

Chớ tự đổ lỗi cho mình.—Ê-xê-chi-ên 18:20.

Hãy kiên nhẫn với người khác.—Cô-lô-se 3:13.

Hãy tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về việc sửa trị.—Hê-bơ-rơ 12:11.

Hãy bày tỏ cảm xúc của mình.—Thi-thiên 62:7, 8.

[Khung/​Hình nơi trang 21]

Bạn đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va?

Nếu đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va vì lý do nào đi nữa, bạn có nguy cơ đánh mất mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va và triển vọng sống đời đời. Có lẽ bạn dự định quay trở lại với Đức Giê-hô-va. Bạn có đang gắng sức theo đuổi đường lối này không? Hoặc bạn đang trì hoãn, đợi đến “đúng lúc”? Hãy nhớ là những đám mây dông tố của trận Ha-ma-ghê-đôn đang cuồn cuộn kéo đến. Ngoài ra, đời sống trong hệ thống này rất ngắn ngủi và bấp bênh. Thậm chí bạn không thể biết ngày mai mình còn sống hay không. (Thi-thiên 102:3; Gia-cơ 4:13, 14) Một người mắc bệnh biết mình không còn sống được bao lâu nữa, ông nói: “Tôi mắc bệnh trong khi đang phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian. Giờ phút này tôi không có tội gì phải hổ thẹn giấu kín và cảm thấy rất an tâm”. Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng người đó sẽ cảm thấy thế nào trong trường hợp mắc bệnh mà chưa trở lại và chỉ nói: “Một ngày nào đó tôi sẽ quay trở lại với Đức Giê-hô-va!” Nếu bạn đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va, thì bây giờ là lúc tốt nhất để quay trở lại.

[Các hình nơi trang 18]

Nhiệt tình tham gia vào những hoạt động về thiêng liêng có thể giúp bạn giữ quan điểm đúng