Làm thế nào để đến gần “Đấng nghe lời cầu-nguyện”
Làm thế nào để đến gần “Đấng nghe lời cầu-nguyện”
“Hỡi Đấng nghe lời cầu-nguyện, các xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài”.—THI-THIÊN 65:2.
1. Có sự khác biệt nào giữa loài người và những sinh vật khác trên đất, và điều này mở ra cơ hội nào?
TRONG hàng ngàn sinh vật trên đất, chỉ có loài người được ban khả năng thờ phượng Đấng Tạo Hóa. Chỉ loài người mới có ý thức về nhu cầu thiêng liêng và ước muốn thỏa mãn nhu cầu đó. Điều này mở ra cơ hội tuyệt diệu cho chúng ta có được mối quan hệ cá nhân với Cha trên trời.
2. Tội lỗi đã gây ra hậu quả nào cho mối quan hệ giữa loài người và Đấng Tạo Hóa?
2 Đấng Tạo Hóa dựng nên loài người và cho họ khả năng đến gần Ngài. A-đam và Ê-va được tạo ra trong tình trạng không tội lỗi. Vì thế, họ có thể thoải mái đến gần Ngài như một đứa bé đến gần cha mình. Tuy nhiên, vì phạm tội, họ mất đặc ân cao quý đó. A-đam và Ê-va không vâng lời Đức Chúa Trời và đánh mất mối quan hệ mật thiết với Ngài. (Sáng-thế Ký 3:8-13, 17-24) Phải chăng điều đó có nghĩa là con cháu bất toàn của A-đam không còn được liên lạc với Đức Chúa Trời? Không, Đức Giê-hô-va vẫn cho phép họ đến gần Ngài, nhưng chỉ khi nào họ hội đủ một số điều kiện. Đó là những điều kiện nào?
Điều kiện để đến gần Đức Chúa Trời
3. Làm thế nào loài người tội lỗi có thể đến gần Đức Chúa Trời, và trường hợp nào cho thấy điều đó?
3 Một sự kiện về hai người con của A-đam giúp chúng ta biết Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi một người bất toàn có ước muốn đến gần Ngài. Cả Ca-in và A-bên đều tìm cách đến gần Đức Chúa Trời qua việc dâng của-lễ cho Ngài. Của-lễ của A-bên được chấp nhận, còn Ca-in thì không. (Sáng-thế Ký 4:3-5) Tại sao thế? Câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 11:4 cho biết: “Bởi đức-tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế-lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công-bình”. Như vậy, rõ ràng đức tin là điều kiện tiên quyết để đến gần Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy một điều kiện khác trong lời Đức Giê-hô-va phán với Ca-in: “Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao?” Quả vậy, của-lễ mà Ca-in dâng hẳn được chấp nhận nếu ông làm điều tốt. Tuy nhiên, Ca-in không nghe theo lời khuyên của Đức Chúa Trời, giết A-bên, và cuối cùng phải sống lưu lạc. (Sáng-thế Ký 4:7-12) Vì thế, ngay từ thời ban đầu, việc đến gần Đức Chúa Trời bằng đức tin và công việc lành được nhấn mạnh là rất quan trọng.
4. Nếu muốn đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta cần ý thức điều gì?
4 Nếu muốn đến gần Đức Chúa Trời, điều thiết yếu là chúng ta phải ý thức tình trạng tội lỗi của mình. Mọi người đều có tội, và tội lỗi là điều ngăn trở con người đến gần Đức Chúa Trời. Nói về dân Y-sơ-ra-ên, nhà tiên tri Giê-rê-mi viết: “Chúng tôi đã phạm phép... Ngài ẩn mình trong mây, đến nỗi chẳng lời cầu-nguyện nào thấu qua được”. (Ca-thương 3:42, 44) Dù vậy, trong suốt lịch sử nhân loại, Đức Chúa Trời cho thấy rằng Ngài sẵn sàng chấp nhận lời cầu nguyện của những ai đến gần Ngài bằng đức tin và thái độ đúng đắn, vâng giữ điều răn của Ngài. (Thi-thiên 119:145) Một số người đó là ai, và chúng ta có thể học được gì qua lời cầu nguyện của họ?
5, 6. Chúng ta có thể học được gì qua cách Áp-ra-ham đến gần Đức Chúa Trời?
5 Một trong những người đó là Áp-ra-ham. Ông đến gần Đức Chúa Trời và được Ngài Ê-sai 41:8) Chúng ta học được gì qua cách Áp-ra-ham đến gần Đức Chúa Trời? Vị tộc trưởng trung thành này hỏi Đức Giê-hô-va về người thừa kế: “Lạy Chúa Giê-hô-va, Chúa sẽ cho tôi chi? Tôi sẽ chết không con”. (Sáng-thế Ký 15:2, 3; 17:18) Vào một dịp khác, ông lo lắng về việc ai sẽ được cứu khi Đức Chúa Trời phạt những kẻ ác ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ. (Sáng-thế Ký 18:23-33) Áp-ra-ham cũng cầu xin cho những người khác. (Sáng-thế Ký 20:7, 17) Tương tự như trường hợp của A-bên, đôi khi Áp-ra-ham đến gần Đức Chúa Trời bằng cách dâng của-lễ cho Ngài.—Sáng-thế Ký 22:9-14.
chấp nhận, vì Ngài gọi ông là “bạn ta”. (6 Vào tất cả các dịp đó, Áp-ra-ham cảm thấy thoải mái thưa chuyện với Đức Giê-hô-va. Tuy vậy ông cũng có một quan điểm khiêm nhường về vị thế của mình đối với Đấng Tạo Hóa. Hãy lưu ý đến lời lẽ tôn kính của ông ghi nơi Sáng-thế Ký 18:27: “Mặc dầu tôi đây vốn là tro-bụi, song tôi cũng dám cả gan thưa lại cùng Chúa”. Đây quả là thái độ tốt đáng cho chúng ta noi theo!
7. Các tộc trưởng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về những điều gì?
7 Các tộc trưởng cầu nguyện về nhiều vấn đề khác nhau, và Đức Giê-hô-va chấp nhận lời cầu nguyện của họ. Gia-cốp dâng một lời cầu nguyện dưới hình thức lời hứa nguyện. Sau khi xin Đức Chúa Trời hỗ trợ, ông trịnh trọng hứa: “Tôi sẽ nộp lại cho Ngài một phần mười mọi của-cải mà Ngài sẽ cho tôi”. (Sáng-thế Ký 28:20-22) Sau này, khi sắp gặp lại anh của ông, Gia-cốp van xin Đức Giê-hô-va che chở ông: “Cầu-xin Đức Chúa Trời giải-cứu tôi khỏi tay Ê-sau, anh tôi, vì e người đến đánh tôi”. (Sáng-thế Ký 32:9-12) Tộc trưởng Gióp đã thay mặt gia đình dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va. Khi ba người bạn của Gióp phạm tội qua lời nói, Gióp cầu nguyện cho họ và “Đức Giê-hô-va nhậm lời của Gióp”. (Gióp 1:5; 42:7-9) Các lời tường thuật này giúp chúng ta biết được những điều mà chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng thấy Đức Giê-hô-va sẵn lòng chấp nhận lời cầu nguyện của những người đến gần Ngài đúng cách.
Dưới giao ước Luật Pháp
8. Để trình lên Đức Giê-hô-va những vấn đề liên quan đến lợi ích của dân sự, trong giao ước Luật Pháp có sự sắp đặt nào?
8 Sau khi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va ban cho họ giao ước Luật Pháp. Bộ Luật này nêu rõ sự sắp đặt để đến gần Đức Chúa Trời qua trung gian chức vị thầy tế lễ được bổ nhiệm. Một số người Lê-vi được chỉ định làm thầy tế lễ để phục vụ dân sự. Khi có vấn đề hệ trọng liên quan đến đất nước, một người đại diện cả dân sự—đôi khi là một vị vua hoặc tiên tri—cầu nguyện đệ trình vấn 1 Sa-mu-ên 8:21, 22; 14:36-41; Giê-rê-mi 42:1-3) Thí dụ, vào dịp khánh thành đền thờ, Vua Sa-lô-môn dâng lên Đức Giê-hô-va lời cầu nguyện chân thành. Và rồi Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài chấp nhận lời cầu nguyện của Sa-lô-môn bằng cách làm cho đền thờ đầy dẫy vinh quang Ngài, và nói: “Lỗ tai ta sẽ lắng nghe lời nào cầu-nguyện tại nơi nầy”.—2 Sử-ký 6:12–7:3, 15.
đề lên Đức Chúa Trời. (9. Đức Giê-hô-va đưa ra quy định nào để đến gần Ngài tại đền thánh?
9 Trong Luật Pháp ban cho dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va đưa ra một quy định về cách đến gần Ngài tại đền thánh. Quy định đó là gì? Mỗi buổi sáng và buổi chiều, ngoài những của-lễ thú vật, thầy tế lễ thượng phẩm còn phải xông hương cho Đức Giê-hô-va. Về sau, các thầy tế lễ phó cũng làm việc này, ngoại trừ vào Ngày Lễ Chuộc Tội. Nếu thầy tế lễ không làm điều đó để tỏ lòng sùng kính Ngài, Đức Giê-hô-va không hài lòng về công việc phụng sự của họ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7, 8; 2 Sử-ký 13:11.
10, 11. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va chấp nhận lời cầu nguyện của những cá nhân?
10 Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, phải chăng chỉ có thể đến gần Đức Chúa Trời qua trung gian người đại diện? Không, Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va vui lòng chấp nhận lời cầu nguyện riêng của mỗi cá nhân. Trong lời cầu nguyện của Sa-lô-môn tại buổi khánh thành đền thờ, ông khẩn khoản xin Đức Giê-hô-va: “Ví bằng có một người, hoặc cả dân Y-sơ-ra-ên của Chúa,... mà giơ tay ra hướng về nhà nầy, cầu-nguyện và khẩn-xin vô-luận điều gì, thì xin Chúa từ trên trời,... hãy dủ nghe”. (2 Sử-ký 6:29, 30) Lời tường thuật của Lu-ca cho chúng ta biết khi Xa-cha-ri, cha của Giăng Báp-tít, dâng hương trong nơi thánh, một đám đông người thờ phượng Đức Giê-hô-va không thuộc dòng thầy tế lễ “ở ngoài cầu nguyện”. Hình như dân chúng có thông lệ tập hợp bên ngoài nơi thánh để cầu nguyện khi thầy tế lễ dâng hương cho Đức Giê-hô-va trên bàn thờ.—Lu-ca 1:8-10.
11 Vì thế, khi đến gần Đức Giê-hô-va đúng cách, Ngài vui lòng chấp nhận lời cầu xin của những người đại diện cả nước hay của những cá nhân tìm cách đến gần Ngài. Ngày nay chúng ta không còn sống dưới giao ước Luật Pháp. Dù vậy, qua cách dân Y-sơ-ra-ên xưa đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn có thể rút ra một số bài học quan trọng về việc cầu nguyện.
Dưới sự sắp đặt của đạo Đấng Christ
12. Có sự sắp đặt nào để tín đồ Đấng Christ đến gần Đức Giê-hô-va?
12 Ngày nay, chúng ta đang sống dưới sự sắp đặt của đạo Đấng Christ. Không còn đền thờ nào trên đất để các thầy tế lễ thay mặt dân Đức Chúa Trời dâng lời cầu nguyện. Không còn nơi để chúng ta có thể hướng về đó cầu nguyện. Tuy vậy, Đức Giê-hô-va vẫn có một sự sắp đặt nhằm giúp chúng ta đến gần Ngài. Đó là sự sắp đặt nào? Vào năm 29 CN, khi Chúa Giê-su được xức dầu và bổ nhiệm làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, một đền thờ thiêng liêng bắt đầu hoạt động. * Đền thờ thiêng liêng này là sự sắp đặt mới để đến gần Đức Giê-hô-va trong việc thờ phượng dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ.—Hê-bơ-rơ 9:11, 12.
13. Về việc cầu nguyện, hãy nêu lên một điểm tương đồng giữa đền thờ tại Giê-ru-sa-lem và đền thờ thiêng liêng?
13 Nhiều đặc điểm của đền thờ tại Giê-ru-sa-lem làm hình bóng rất thích hợp cho sự sắp đặt về đền thờ thiêng liêng, bao gồm cả những điều liên quan đến việc cầu nguyện. (Hê-bơ-rơ 9:1-10) Thí dụ, hương mà thầy tế-lễ dâng trên bàn thờ trong Nơi Thánh vào mỗi sáng và chiều, tượng trưng cho điều gì? Theo sách Khải-huyền, ‘hương là những lời cầu-nguyện của các thánh’. (Khải-huyền 5:8; 8:3, 4) Đa-vít được soi dẫn để viết: “Nguyện lời cầu-nguyện tôi thấu đến trước mặt Chúa như hương”. (Thi-thiên 141:2) Vì thế, trong sự sắp đặt dành cho tín đồ Đấng Christ, hương có mùi thơm là điều thích hợp để tượng trưng cho những lời cầu nguyện và tạ ơn được Đức Giê-hô-va chấp nhận.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10.
14, 15. Có thể hiểu thế nào về việc (a) tín đồ Đấng Christ xức dầu đến gần Đức Giê-hô-va? (b) những “chiên khác” đến gần Đức Giê-hô-va?
14 Ai có thể đến gần Đức Chúa Trời tại đền thờ thiêng liêng này? Tại đền thờ trên đất, các thầy tế lễ và người Lê-vi có đặc ân hầu việc tại sân trong, nhưng chỉ có thầy tế lễ mới được phép vào Nơi Thánh. Tín đồ Đấng Christ xức dầu với hy vọng sống trên trời được hưởng một tình trạng thiêng liêng đặc biệt, tượng trưng bởi sân trong và Nơi Thánh, nhờ đó họ có thể cầu nguyện và ca ngợi Đức Chúa Trời.
15 Còn về những người có hy vọng sống trên đất, tức những “chiên khác” thì sao? (Giăng 10:16) Tiên tri Ê-sai báo trước người từ nhiều nước sẽ đến thờ phượng Đức Giê-hô-va “trong những ngày sau-rốt”. (Ê-sai 2:2, 3) Ông cũng cho biết “các người dân ngoại” sẽ về cùng Đức Giê-hô-va. Cho thấy Ngài sẵn lòng chấp nhận việc họ đến gần Ngài, Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ... làm cho họ vui-mừng trong nhà cầu-nguyện ta”. (Ê-sai 56:6, 7) Khải-huyền 7:9-15 tiết lộ thêm chi tiết khi miêu tả một đám đông “vô số người” từ “mọi nước” nhóm lại tại sân ngoài của đền thờ thiêng liêng để thờ phượng, và “ngày đêm” cầu nguyện Đức Chúa Trời. Thật khích lệ khi biết rằng tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay có thể thoải mái đến gần Ngài, hoàn toàn tin tưởng rằng Ngài nghe lời cầu nguyện của mình!
Lời cầu nguyện nào được chấp nhận?
16. Qua lời cầu nguyện của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, chúng ta có thể học được gì?
16 Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu thường xuyên cầu nguyện. Họ cầu nguyện về điều gì? Các trưởng lão tín đồ Đấng Christ cầu xin sự hướng dẫn khi chọn các người nam để giao trách nhiệm trong tổ chức. (Công-vụ 1:24, 25; 6:5, 6) Ê-pháp-ra cầu nguyện cho anh em đồng đạo. (Cô-lô-se 4:12) Các thành viên thuộc hội thánh tại Giê-ru-sa-lem cầu nguyện cho Phi-e-rơ khi ông bị tù. (Công-vụ 12:5) Trước sự chống đối, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu cầu xin Đức Chúa Trời cho họ lòng dạn dĩ: “Xin Chúa xem-xét sự họ ngăm-dọa, và ban cho các đầy-tớ Ngài rao-giảng đạo Ngài một cách dạn-dĩ”. (Công-vụ 4:23-30) Môn đồ Gia-cơ khuyến giục tín đồ Đấng Christ cầu xin Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan khi gặp thử thách. (Gia-cơ 1:5) Bạn có cầu nguyện về những điều đó với Đức Giê-hô-va không?
17. Đức Giê-hô-va chấp nhận lời cầu nguyện của ai?
17 Đức Chúa Trời không chấp nhận mọi lời cầu nguyện. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể tin chắc lời cầu nguyện của mình sẽ được nhậm? Đức Giê-hô-va nghe lời cầu nguyện của những người trung thành thời xưa vì họ đến gần Ngài với tấm lòng thành thật và ngay thẳng. Họ bày tỏ đức tin bằng cách làm những việc lành. Ngày nay chúng ta cũng có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ lắng nghe những ai đến gần Ngài theo những cách nêu trên.
18. Để lời cầu nguyện của mình được nhậm, tín đồ Đấng Christ phải đáp ứng điều kiện nào?
18 Ngoài ra, còn có thêm một điều kiện nữa. Sứ đồ Phao-lô giải thích điều này như sau: “Nhờ Ngài mà chúng ta... đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh-Linh”. Khi viết “nhờ Ngài”, Phao-lô nói đến ai? Đó là Chúa Giê-su Christ. (Ê-phê-sô 2:13, 18) Vâng, chúng ta chỉ có thể đến gần Đức Chúa Cha qua trung gian Chúa Giê-su.—Giăng 14:6; 15:16; 16:23, 24.
19. (a) Khi nào hương mà người Y-sơ-ra-ên dâng trở thành mùi kinh tởm đối với Đức Giê-hô-va? (b) Làm sao có thể biết chắc lời cầu nguyện của chúng ta là hương có mùi thơm đối với Đức Giê-hô-va?
19 Như đã đề cập, hương thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên dâng tượng trưng cho những lời cầu nguyện được chấp nhận của tôi tớ trung thành. Tuy nhiên, có lúc hương mà người Y-sơ-ra-ên dâng lên là điều gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va. Đó là trường hợp khi người Y-sơ-ra-ên đốt hương trong đền thờ nhưng đồng thời cúi lạy thần tượng. (Ê-xê-chi-ên 8:10, 11) Ngày nay cũng thế, những người cho rằng mình phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng lại thực hành những điều trái với luật pháp của Ngài, thì lời cầu nguyện của họ như là mùi kinh tởm đối với Ngài. (Châm-ngôn 15:8) Vậy, chúng ta hãy tiếp tục giữ mọi khía cạnh của đời sống mình sao cho được trong sạch, để những lời cầu nguyện của mình là hương có mùi thơm đối với Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va vui thích nghe lời cầu nguyện của những ai bước theo con đường công bình của Ngài. (Giăng 9:31) Tuy nhiên, vẫn còn một vài câu hỏi cần xem xét. Chúng ta nên cầu nguyện như thế nào? Chúng ta có thể cầu nguyện về điều gì? Và Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào? Bài kế tiếp sẽ xem xét câu hỏi này và những câu hỏi khác.
[Chú thích]
Bạn có thể giải thích không?
• Làm thế nào loài người bất toàn có thể đến gần Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận?
• Về việc cầu nguyện, chúng ta có thể noi gương các tộc trưởng như thế nào?
• Chúng ta học được gì qua lời cầu nguyện của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?
• Khi nào lời cầu nguyện của chúng ta là hương có mùi thơm đối với Đức Chúa Trời?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 23]
Tại sao Đức Chúa Trời chấp nhận của-lễ A-bên dâng nhưng không chấp nhận của-lễ của Ca-in?
[Hình nơi trang 24]
“Tôi đây vốn là tro-bụi”
[Hình nơi trang 25]
“Tôi sẽ nộp lại cho Ngài một phần mười”
[Hình nơi trang 26]
Lời cầu nguyện của bạn có là hương có mùi thơm đối với Đức Giê-hô-va không?