Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong quyển thứ năm của sách Thi-thiên

Những điểm nổi bật trong quyển thứ năm của sách Thi-thiên

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong quyển thứ năm của sách Thi-thiên

NGƯỜI giàu có lẽ nói: “Nguyện các con trai chúng tôi giống như cây đương mọc lên mạnh-mẽ; nguyện các con gái chúng tôi như đá góc nhà, chạm theo lối-kiểu của đền. Nguyện kho-lẫm chúng tôi được đầy-dẫy... nguyện chiên chúng tôi sinh-sản hằng ngàn hằng muôn”. Ngoài ra, người giàu sang có lẽ thốt lên: “Phước cho dân nào được quang-cảnh như vậy!” Tuy nhiên, người viết Thi-thiên có quan điểm khác hẳn với họ, ông nói: “Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!” (Thi-thiên 144:12-15) Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sao lại không được phước và hạnh phúc khi Đức Giê-hô-va của họ là Đức Chúa Trời “hạnh phước”? (1 Ti-mô-thê 1:11) Sự thật này được thấy rõ trong phần cuối của bộ sưu tập các bài ca do Đức Chúa Trời soi dẫn, gồm những bài Thi-thiên từ 107 đến 150.

Quyển thứ năm của sách Thi-thiên cũng làm nổi bật những đức tính tuyệt hảo của Đức Giê-hô-va, kể cả lòng yêu thương nhân từ, chân thật và tốt lành. Càng hiểu rõ cá tính của Đức Chúa Trời, chúng ta càng yêu mến và kính sợ Ngài. Điều này đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Thông điệp trong quyển thứ năm của sách Thi-thiên quả là quý giá!—Hê-bơ-rơ 4:12.

ĐƯỢC HẠNH PHÚC NHỜ LÒNG YÊU THƯƠNG NHÂN TỪ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

(Thi-thiên 107:1–119:176)

Trở về quê hương sau khi bị lưu đày ở Ba-by-lôn, những người Do Thái hát: “Nguyện người ta ngợi-khen Đức Giê-hô-va vì sự nhân-từ Ngài, và vì các công-việc lạ-lùng Ngài làm cho con loài người!” (Thi-thiên 107:8, 15, 21, 31) Đa-vít hát ngợi khen Đức Chúa Trời: “Sự chân-thật Chúa đến tận các mây”. (Thi-thiên 108:4) Trong bài thi ca tiếp theo, ông cầu xin: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi! xin giúp-đỡ tôi, cứu tôi theo sự nhân-từ Chúa”. (Thi-thiên 109:18, 19, 26) Thi-thiên 110 tiên tri về quyền cai trị của Đấng Mê-si. Thi-thiên 111:10 nói: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự khôn-ngoan”. Theo bài Thi-thiên kế tiếp thì “phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 112:1.

Thi-thiên 113 đến 118 nhiều lần lưu ý chúng ta về việc ca ngợi Đức Giê-hô-va. Theo sách Mishnah—viết vào thế kỷ thứ ba và ghi chép những lời truyền khẩu thời xưa—các bài này được hát vào Lễ Vượt Qua và vào ba lễ hội hàng năm của dân Do Thái. Trong số các bài Thi-thiên và các chương trong Kinh Thánh, Thi-thiên 119 là bài dài nhất đề cao lời hay thông điệp mà Đức Giê-hô-va tiết lộ.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

109:23—Đa-vít có ý gì khi ông nói: “Tôi qua đời như bóng ngã dài”? Đa-vít nói một cách văn thơ để miêu tả cảm xúc ông nhận biết cái chết của mình đang gần kề.—Thi-thiên 102:11.

110:1, 2—“Chúa [của Vua Đa-vít]”, là Chúa Giê-su Christ, làm gì trong khi ngồi bên hữu Đức Chúa Trời? Sau khi sống lại, Chúa Giê-su lên trời và đợi bên hữu Đức Chúa Trời cho đến cho đến khi bắt đầu lên ngôi Vua cai trị vào năm 1914. Trong suốt thời gian đó, Chúa Giê-su cai trị môn đồ được xức dầu, hướng dẫn họ trong công việc rao giảng và đào tạo môn đồ, cũng như chuẩn bị cho họ để cùng cai trị với ngài trong Nước Trời.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:18-20; Lu-ca 22:28-30.

110:4—Đức Giê-hô-va “đã thề, không hề đổi ý” về điều gì? Lời thề này là giao ước mà Đức Giê-hô-va lập với Chúa Giê-su Christ rằng Ngài sẽ lập Chúa Giê-su làm Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.—Lu-ca 22:29.

113:3—Danh Đức Giê-hô-va được tôn vinh “từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn” theo nghĩa nào? Câu này không có ý nói là chỉ có một nhóm người thờ phượng và ca ngợi Đức Chúa Trời mỗi ngày. Như tia nắng chiếu sáng trên toàn thể trái đất từ lúc mặt trời mọc ở phương đông cho đến lúc lặn ở phương tây, Đức Giê-hô-va được ca ngợi trên toàn thể trái đất. Điều này không thể thực hiện được nếu không có nỗ lực và tổ chức. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta có đặc ân quý báu ngợi khen Đức Chúa Trời và sốt sắng góp phần vào việc công bố Nước Trời.

116:15—Làm sao ‘sự chết của các người thánh là quí-báu trước mặt Đức Giê-hô-va’? Đức Giê-hô-va quý những người thờ phượng Ngài đến độ Ngài xem cái chết của cả tập thể những người này là một tổn thất rất lớn nên không thể để nó xảy ra. Còn nếu Đức Giê-hô-va cho phép điều đó xảy ra, thì điều này có vẻ như kẻ thù của Ngài có quyền lực hơn Ngài, và sẽ không còn ai sống trên đất để làm nền tảng cho thế giới mới.

119:71—Chịu cảnh hoạn nạn có thể đem lại lợi ích gì? Trong những lúc gian truân, chúng ta có thể học nương cậy Đức Giê-hô-va nhiều hơn, cầu nguyện Ngài tha thiết hơn, và siêng năng hơn trong việc học hỏi và áp dụng những gì Kinh Thánh dạy. Ngoài ra, cách chúng ta phản ứng khi gặp gian truân cho thấy chúng ta còn nhiều thiếu sót cần phải sửa đổi. Chúng ta không cay đắng trước những nỗi đau khổ nếu để những điều đó rèn luyện mình.

119:96—“Sự cùng-tận của mọi vật trọn-vẹn” có nghĩa gì? Người viết Thi-thiên nói về sự trọn vẹn theo quan điểm của loài người. Có thể ông nghĩ rằng con người chỉ có khái niệm hạn hẹp về sự trọn vẹn. Ngược lại, luật pháp của Đức Chúa Trời không hạn hẹp như thế. Đường lối luật pháp của Ngài áp dụng cho mọi khía cạnh trong đời sống. Theo Bản Dịch Mới, câu này nói như sau: “Tôi thấy mọi sự dù toàn hảo đều có giới hạn, nhưng các điều răn của Chúa thì vô hạn”.

119:164—Việc ngợi khen Đức Chúa Trời ‘mỗi ngày bảy lần’ có ý nghĩa quan trọng nào? Con số bảy thường có ý nói về sự trọn vẹn. Vì vậy, người viết Thi-thiên nói rằng Đức Giê-hô-va xứng đáng được tất cả mọi người ngợi khen.

Bài học cho chúng ta:

107:27-31. Sự khôn ngoan của thế gian sẽ “đều mất hết” khi trận Ha-ma-ghê-đôn xảy ra. (Khải-huyền 16:14, 16) Sự khôn ngoan đó không thể cứu bất cứ ai thoát khỏi thảm cảnh bị hủy diệt. Chỉ những người trông cậy Đức Giê-hô-va cứu rỗi mới được sống để “ngợi-khen [Ngài] vì sự nhân-từ Ngài”.

109:30, 31; 110:5. Vì người lính thường cầm khiên tay trái, còn tay phải cầm gươm nên phía bên phải không được che chở. Nói một cách tượng trưng, Đức Giê-hô-va “ở bên hữu”, tức bên phải của tôi tớ Ngài để chiến đấu cho họ. Như thế, Ngài che chở và giúp đỡ họ, đó là lý do chính đáng để chúng ta “hết sức cảm-tạ” Ngài!

113:4-9. Đức Giê-hô-va ở nơi cao đến độ Ngài phải “hạ mình xuống đặng xem-xét trời”. Tuy nhiên, Ngài thương xót người khốn cùng, thiếu thốn và người phụ nữ son sẻ, hiếm muộn. Chúa Tối Thượng Giê-hô-va khiêm nhường và muốn những người thờ phượng Ngài cũng có đức tính này.—Gia-cơ 4:6.

114:3-7. Khi hiểu biết về phép lạ mà Đức Giê-hô-va đã làm vì dân Ngài tại Biển Đỏ, tại Sông Giô-đanh và tại Núi Si-na-i, chắc chắn những biến cố đó tác động mạnh mẽ đến chúng ta. Nhân loại, tượng trưng bởi “đất”, phải kinh ngạc—theo nghĩa bóng là phải “run-rẩy”—vì cớ Chúa.

119:97-101. Nhờ thu thập sự khôn ngoan, thông sáng và hiểu biết từ Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được che chở và có thể tránh được những điều tai hại về thiêng liêng.

119:105. Lời Đức Chúa Trời là ngọn đèn cho chân chúng ta. Câu này có ý nói Lời Ngài có thể giúp chúng ta đối phó với những vấn đề hiện tại. Theo nghĩa bóng, Lời Ngài cũng chiếu sáng con đường chúng ta vì cho chúng ta biết trước ý định của Đức Chúa Trời về tương lai.

HẠNH PHÚC DÙ GẶP NGHỊCH CẢNH

(Thi-thiên 120:1–145:21)

Làm thế nào chúng ta có thể đối phó với tình huống gian nan và vượt qua nghịch cảnh? Thi-thiên 120 đến 134 cho chúng ta câu giải đáp rõ ràng. Chúng ta vượt qua được nhiều gian khổ và vẫn vui vẻ vì trông cậy Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Những bài Thi-thiên này, có tên gọi là những “bài ca đi lên từ bực”, có lẽ là những bài mà dân Y-sơ-ra-ên hát khi đi lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các lễ hàng năm.

Thi-thiên 135 và 136 miêu tả Đức Giê-hô-va là Đấng làm bất cứ điều gì Ngài muốn, khác hẳn những hình tượng tà thần bất lực. Thi-thiên 136 được soạn để hát đối, trong mỗi câu, phần cuối được hát để đối lại phần đầu. Bài Thi-thiên kế thuật lại tâm trạng đau buồn của dân Do Thái ở Ba-by-lôn vì họ muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va tại Si-ôn. Thi-thiên 138 đến 145 là do Vua Đa-vít soạn. Ông muốn “hết lòng cảm-tạ Chúa”. Tại sao? Ông nói: “Vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng”. (Thi-thiên 138:1; 139:14) Trong năm bài Thi-thiên kế tiếp, Vua Đa-vít cầu xin Đức Giê-hô-va che chở ông khỏi những kẻ gian ác, quở trách ông trong sự công bình, giải cứu ông khỏi tay những kẻ bắt bớ và dạy dỗ ông đạo đức. Ông nhấn mạnh về “phước” của dân Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 144:15) Sau khi xem xét sự vĩ đại và nhân từ của Đức Chúa Trời, Vua Đa-vít tuyên bố: “Miệng tôi sẽ đồn ra sự ngợi-khen Đức Giê-hô-va; nguyện cả loài xác-thịt chúc-tụng danh thánh của Ngài, cho đến đời đời vô-cùng”.—Thi-thiên 145:21.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

122:3—Làm thế nào Giê-ru-sa-lem là thành “kết nhau tề-chỉnh”? Giống như nhà cửa trong các thành thời xưa thường xây gần nhau, nhà cửa trong thành Giê-ru-sa-lem cũng vậy. Thành không lớn và vì thế dễ bảo vệ. Ngoài ra, vì nhà gần nhau nên dân trong thành có thể dựa vào nhau để giúp đỡ và che chở nhau. Điều này biểu lộ sự hợp nhất về thiêng liêng của 12 chi phái Y-sơ-ra-ên khi họ họp lại để thờ phượng.

123:2—Lời minh họa “mắt kẻ tôi-tớ” có ý nói gì? Tôi trai, tớ gái trông nơi tay ông chủ hay bà chủ vì hai lý do: để biết người chủ muốn gì, để được che chở và được những thứ cần thiết trong đời sống. Tương tự như vậy, chúng ta trông nơi Đức Giê-hô-va để nhận biết ý định của Ngài và để được Ngài ban ân huệ.

131:1-3—Bằng cách nào Đa-vít ‘làm cho linh-hồn mình êm dịu và an tịnh như con trẻ dứt sữa bên mẹ mình’? Như một em bé thôi sữa cảm thấy sung sướng và thỏa lòng trong vòng tay người mẹ, ông Đa-vít biết cách làm cho linh hồn mình êm dịu và an tịnh “như con trẻ dứt sữa bên mẹ mình”. Bằng cách nào? Bằng cách giữ lòng không kiêu ngạo, mắt không tự cao và không tìm kiếm những việc quá lớn cho mình. Thay vì tìm kiếm địa vị, danh vọng, ông thường nhận biết khả năng mình có giới hạn, và bày tỏ tính khiêm nhường. Chúng ta nên khôn ngoan noi theo thái độ của ông, nhất là khi vươn tới những đặc ân trong hội thánh.

Bài học cho chúng ta:

120:1, 2, 6, 7. Những lời vu khống và châm biếm có thể làm người khác đau buồn khôn xiết. Cẩn thận giữ lời ăn tiếng nói là một cách cho thấy chúng ta “muốn sự hòa-bình”.

120:3, 4. Nếu phải chịu đựng một người có “lưỡi phỉnh-gạt”, chúng ta có thể yên tâm vì biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải quyết vấn đề vào đúng thời điểm của Ngài. Những người vu khống sẽ gặp tai vạ trong tay của “dõng-sĩ”. Họ sẽ chắc chắn bị Đức Giê-hô-va phán xét nghiêm khắc, hình phạt đó tượng trưng bởi “than đỏ hực của cây giêng-giếng”.

127:1, 2. Trong mọi nỗ lực, chúng ta nên trông cậy vào Đức Giê-hô-va để có sự hướng dẫn.

133:1-3. Sự hợp nhất của dân Đức Giê-hô-va tạo cảm giác dễ chịu, sảng khoái và lành mạnh. Chúng ta không nên bắt lỗi, cãi cọ, hoặc than phiền, làm mất hòa thuận.

137:1, 5, 6. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va dù bị lưu đày, nhưng lòng họ vẫn gắn bó với Si-ôn, từng là nơi biểu trưng cho tổ chức của Đức Chúa Trời. Riêng chúng ta thì sao? Chúng ta có cảm thấy gắn bó với tổ chức mà Đức Giê-hô-va đang dùng ngày nay không?

138:2. Đức Giê-hô-va ‘làm cho lời Ngài được tôn cao hơn cả danh Ngài’ theo nghĩa là tất cả những gì Ngài nhân danh mình mà hứa sẽ được ứng nghiệm vượt quá những gì chúng ta trông mong. Thật thế, các triển vọng tuyệt vời đang chờ đón chúng ta.

139:1-6, 15, 16. Đức Giê-hô-va biết các hoạt động, ý tưởng và lời nói của chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nói. Ngài biết chúng ta từ khi chúng ta còn phôi thai, trước khi các bộ phận cơ thể được hình thành. Đức Chúa Trời hiểu rõ về mỗi người chúng ta một cách “diệu-kỳ”, không ai hiểu thấu được. Khi biết rằng Đức Giê-hô-va không những thấy cảnh gian nan mà chúng ta phải đối phó, nhưng Ngài còn hiểu tình cảnh đó ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Điều này thật an ủi biết bao!

139:7-12. Không nơi nào chúng ta đi đến mà quá xa xôi, hẻo lánh đến nỗi Đức Chúa Trời không thể giúp chúng ta được vững mạnh.

139:17, 18. Sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va có làm chúng ta vui thích không? (Châm-ngôn 2: 10) Nếu có thì chúng ta đã tìm được nguồn vui vô hạn. Ý tưởng của Đức Giê-hô-va “nhiều hơn cát”. Luôn luôn có thêm nhiều điều về Ngài để chúng ta tìm hiểu.

139:23, 24. Chúng ta nên mong muốn Đức Giê-hô-va tra xét con người bề trong của mình để xem chúng ta có “lối ác nào”—ý tưởng, ham muốn và khuynh hướng sai quấy—và xin Ngài giúp trừ tận gốc những tư tưởng sai quấy này.

143:4-7. Làm sao chúng ta có thể chịu đựng ngay cả những sự gian khổ cùng cực? Người viết Thi-thiên cho chúng ta biết bí quyết: Suy ngẫm công việc của tay Đức Giê-hô-va, tưởng đến mọi việc Ngài đã làm, và cầu xin Ngài giúp đỡ.

“Hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va!”

Trong bốn quyển đầu của sách Thi-thiên, mỗi quyển kết thúc với lời ngợi khen Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 41:13; 72:19, 20; 89:52; 106:48) Quyển cuối cũng thế. Thi-thiên 150:6 nói: “Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va! Ha-lê-lu-gia!” Điều này chắc chắn sẽ thành hiện thực trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.

Trong khi trông mong đến thời kỳ đầy ân phước đó, chúng ta có nhiều lý do để tôn vinh Đức Chúa Trời và ca ngợi danh Ngài. Khi nghĩ đến hạnh phúc nhờ biết Đức Giê-hô-va và được hưởng mối quan hệ tốt với Ngài, lẽ nào chúng ta lại không cảm thấy mình được thôi thúc, muốn ca ngợi Ngài với lòng tràn đầy biết ơn?

[Hình nơi trang 15]

Những việc kỳ diệu của Đức Giê-hô-va thật đáng kính sợ

[Hình nơi trang 16]

Ý tưởng của Đức Giê-hô-va “nhiều hơn cát”