Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôn giáo có lợi ích gì chăng?

Tôn giáo có lợi ích gì chăng?

Tôn giáo có lợi ích gì chăng?

“KHÔNG có đạo, tôi vẫn là người tốt!” Đó là cảm nghĩ của nhiều người. Nhiều người không quan tâm đến tôn giáo vẫn sống liêm khiết, có nhân nghĩa và tinh thần trách nhiệm. Chẳng hạn ở Tây Âu, dù đa số cho rằng họ tin nơi Đức Chúa Trời nhưng chỉ một số ít người đi nhà thờ mà thôi. * Ngay cả tại Châu Mỹ La-tinh, so với tổng số giáo dân Công Giáo, số người đều đặn đi nhà thờ cũng chỉ từ 15 đến 20 phần trăm.

Giống như nhiều người khác, có lẽ bạn cảm thấy tôn giáo không cần thiết cho đời sống. Tuy nhiên, như bạn có lẽ cũng biết, trong những thập niên trước đây, vào thời ông bà của bạn, đa số người ta mộ đạo hơn thời nay. Làm thế nào tôn giáo lại mất sức thu hút vốn có trên toàn cầu? Một người có thể là người tốt không, dù chẳng có đạo? Liệu có tôn giáo nào mang lại lợi ích cho bạn không?

Tại sao nhiều người từ bỏ tôn giáo?

Trong nhiều thế kỷ, đa số giáo dân thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ tin rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi sự vâng lời. Họ đi nhà thờ để nhận ân huệ của Đức Chúa Trời qua các nghi thức do linh mục cử hành, hay qua sự hướng dẫn của các nhà truyền giáo. Tất nhiên, nhiều người cũng đã nhận ra sự giả hình trong tôn giáo. Vai trò của tôn giáo trong chiến tranh cũng như hành vi xấu của một số tu sĩ, là điều ai cũng biết. Dù vậy, đa số đều tin rằng bản chất tôn giáo là tốt. Những người khác thì thích bầu không khí huyền bí, lễ hội và nghi thức truyền thống, cũng như âm nhạc. Một số người thậm chí nghĩ rằng giáo lý hỏa ngục giúp họ tránh làm ác. Kinh Thánh không hề dạy giáo lý này. Nhưng rồi, một vài biến chuyển đã làm cho nhiều người thay đổi quan niệm về tôn giáo.

Trước hết là sự ra đời của thuyết tiến hóa. Một số người bắt đầu tin chắc sự sống xuất hiện cách ngẫu nhiên, không cần có Đức Chúa Trời. Đa số tôn giáo lại không cung cấp được bằng chứng thuyết phục rằng Đức Chúa Trời là Nguồn sự sống. (Thi-thiên 36:9) Ngoài ra, với sự tiến bộ về kỹ thuật, những thành tựu đáng kinh ngạc trong lĩnh vực y khoa, vận chuyển và thông tin, tạo cho người ta ấn tượng là khoa học có thể giải quyết mọi vấn đề. Hơn nữa, người ta cảm thấy rằng sự hướng dẫn của các nhà khoa học nhân văn và các nhà tâm lý học thì tốt hơn của nhà thờ. Về phần các nhà thờ, họ thất bại trong việc đưa ra bằng chứng thuyết phục để cho thấy sống theo luật pháp của Đức Chúa Trời là đường lối tốt nhất.—Gia-cơ 1:25.

Chiều theo xu thế, nhiều nhà thờ thay đổi thông điệp. Các linh mục và nhà truyền giáo ngưng giảng dạy việc Đức Chúa Trời đòi hỏi phải vâng phục ý Ngài. Thay vào đó, họ dạy là mỗi người phải tự ý quyết định cho mình điều gì là đúng, điều gì là sai. Nhằm thu hút nhiều người, một số nhà lãnh đạo tôn giáo tuyên bố rằng dù bạn sống như thế nào, Đức Chúa Trời vẫn chấp nhận bạn. Sự dạy dỗ ấy làm chúng ta nhớ đến lời Kinh Thánh đã báo trước: “Sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng... ham nghe những lời êm tai”.—2 Ti-mô-thê 4:3.

Sự dạy dỗ ấy chẳng những không thu hút mà càng khiến người ta xa cách tôn giáo. Đương nhiên họ phải tự hỏi: ‘Nếu nhà thờ mà còn nghi ngờ quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan trong luật pháp Ngài, thì tôi đi nhà thờ làm gì? Tại sao phải mất công dạy đạo cho con cái chứ?’ Những người chỉ cần ăn hiền ở lành nhận thấy tôn giáo không có ý nghĩa. Họ từ bỏ nhà thờ, và kể từ đấy tôn giáo không còn quan trọng đối với họ nữa. Tại sao mọi việc bị đảo lộn đến thế? Kinh Thánh cho lời giải thích đầy sức thuyết phục.

Lợi dụng tôn giáo vào những mục tiêu xấu

Sứ đồ Phao-lô cảnh báo tín đồ Đấng Christ vào thời ban đầu rằng một số người sẽ dùng đạo Đấng Christ vào những mục tiêu xấu. Ông nói: “Sẽ có muông-sói dữ-tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung-ác [“điều sai lạc”, Tòa Tổng Giám Mục] dấy lên, ráng sức dỗ môn-đồ theo họ”. (Công-vụ 20:29, 30) Một người đã nói “điều sai lạc” là ông Augustine, nhà thần học Công Giáo La Mã. Chúa Giê-su dạy các môn đồ hãy dùng lý lẽ dựa trên Kinh Thánh mà thuyết phục người khác. Tuy nhiên, ông Augustine bóp méo ý nghĩa của câu “ép mời vào” trong lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Lu-ca 14:23, và ông cho rằng không có gì sai khi dùng vũ lực ép người ta cải đạo. (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ 28:23, 24) Ông Augustine dùng tôn giáo để chế ngự người ta.

Tuy nhiên, sở dĩ có việc lợi dụng và làm vẩn đục tôn giáo là vì Sa-tan giựt dây. Thiên sứ phản nghịch này kích động những người mộ đạo vào thế kỷ thứ nhất phá hoại hội thánh. Kinh Thánh nói về những người đó: “Mấy người như vậy là sứ-đồ giả, là kẻ làm công lừa-dối, mạo chức sứ-đồ của Đấng Christ. Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên-sứ sáng-láng. Vậy thì những kẻ giúp việc nó mạo làm kẻ giúp việc công-bình cũng chẳng lạ gì”.—2 Cô-rinh-tô 11:13-15.

Ngày nay Sa-tan vẫn còn lợi dụng những tôn giáo mạo xưng là theo Chúa Giê-su, có phẩm chất đạo đức và sự soi sáng nhằm xui giục người ta sống theo ý của hắn thay vì những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. (Lu-ca 4:5-7) Có thể bạn đã nhận thấy nhiều người thuộc giới giáo phẩm lợi dụng tôn giáo để tự nâng mình lên những tước hiệu cao trọng và tìm cách kêu gọi giáo dân đóng góp tiền. Các chính phủ cũng nhân danh tôn giáo để kêu gọi công dân hy sinh cho tổ quốc trong các cuộc chiến tranh.

Ma-quỉ sử dụng tôn giáo ở mức độ sâu rộng hơn người ta tưởng. Có thể bạn nghĩ rằng chỉ vài người có quan điểm tôn giáo cực đoan mới bị Sa-tan giựt dây. Nhưng theo Kinh Thánh, kẻ “gọi là ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ”. Kinh Thánh cũng nói: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (Khải-huyền 12:9; 1 Giăng 5:19) Khi tôn giáo chỉ là công cụ để các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị mua lòng dân, Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về tôn giáo đó?

“Nào ta có cần gì?”

Nếu bạn sửng sốt về hành vi của một số đạo xưng theo Đấng Christ, hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng rất phật lòng về họ. Khối đạo xưng theo Đấng Christ tuyên bố là có giao ước với Đức Chúa Trời; dân Y-sơ-ra-ên xưa cũng nói thế. Cả hai đều tỏ ra bất trung. Thế nên, sự lên án mạnh mẽ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên cũng áp dụng cho khối đạo xưng theo Đấng Christ ngày nay. Đức Giê-hô-va phán: “Nó chẳng chăm nghe lời ta, và đã bỏ luật-pháp ta. Nào ta có cần gì nhũ-hương đến từ Sê-ba...? Ta chẳng lấy tế-lễ của các ngươi làm vừa ý”. (Giê-rê-mi 6:19, 20) Sự thờ phượng của những người giả hình thời ấy không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Ngài không đoái đến những nghi thức và các bài kinh của họ. Ngài phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Lòng ta ghét... kỳ lễ các ngươi, là nặng-nề cho ta, ta lấy làm mệt mà gánh lấy. Vậy nên, khi các ngươi giơ tay, thì ta che mắt khỏi các ngươi. Khi các ngươi cầu-nguyện rườm-rà, ta chẳng thèm nghe”.—Ê-sai 1:14, 15.

Liệu Đức Giê-hô-va có tán thành những lễ hội mà các nhà thờ dạy là của đạo Đấng Christ, nhưng trước kia vốn là lễ hội tôn vinh tà thần? Ngài có lắng nghe những lời cầu nguyện của hàng giáo phẩm bóp méo sự dạy dỗ của Đấng Christ không? Đức Chúa Trời có chấp nhận tôn giáo nào bác bỏ luật pháp của Ngài không? Bạn có thể tin chắc rằng phản ứng của Ngài đối với những nghi lễ của các nhà thờ ngày nay cũng giống như đối với đồ tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên xưa. Ngài nói: “Nào ta có cần gì?”

Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va quan tâm đến sự thờ phượng chân chính của những người thành thật. Ngài hài lòng khi họ biểu lộ lòng biết ơn đối với tất cả những gì Ngài ban cho. (Ma-la-chi 3:16, 17) Vậy, không thờ phượng Đức Chúa Trời liệu chúng ta vẫn có thể là người tốt không? Một người không làm gì cả cho cha mẹ thân yêu thì khó mà nói rằng mình là người tốt, phải không? Có thể nào một người không làm gì cả cho Đức Chúa Trời lại là người tốt? Hợp lý thay khi chúng ta tích cực tìm kiếm Đức Chúa Trời thật, nguồn của sự sống. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ thấy làm thế nào sự thờ phượng thật không những tôn vinh Đức Chúa Trời mà còn mang lại lợi ích cho chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 2 “Thập niên 1960... đánh dấu thời kỳ suy tàn của nền tôn giáo trong nhiều nước”.—The Decline of Christendom in Western Europe, 1750-2000 (Sự suy tàn của Kitô Giáo ở Tây Âu, 1750-2000).

[Hình nơi trang 4]

Các nhà thờ có đưa ra bằng chứng là Đức Chúa Trời đã tạo ra muôn vật không?

[Hình nơi trang 4, 5]

Người đại diện cho Đức Chúa Trời có nên hiện diện trong khung cảnh này không?

[Hình nơi trang 5]

Đức Chúa Trời nghĩ thế nào về loại lễ hội như thế này?

[Nguồn tư liệu]

AP Photo/Georgy Abdaladze