Kinh Thánh có hạn chế quá mức sự tự do?
Kinh Thánh có hạn chế quá mức sự tự do?
“HỒI nhỏ, tôi không được học Kinh Thánh, và cũng không nghe ai nhắc đến Đức Chúa Trời”, một thanh niên Phần Lan cho biết. Đó không phải là điều hiếm thấy ngày nay. Nhiều người, nhất là giới trẻ, xem Kinh Thánh là một cuốn sách vô cùng lỗi thời, với sự dạy dỗ quá khắt khe. Những ai sống theo Kinh Thánh thì bị xem là có lối sống gò bó, bị đè nén bởi đủ thứ luật lệ và cấm đoán. Vì thế, phần đông người ta tin rằng tốt hơn là chỉ nên cất Kinh Thánh trên kệ, và tìm nguồn hướng dẫn khác.
Sở dĩ nhiều người có quan điểm như thế chủ yếu là do lịch sử đẫm máu kéo dài nhiều thế kỷ của khối đạo xưng theo Đấng Christ. Thí dụ, trong suốt thời kỳ mà một số sử gia gọi là Thời Đại Đen Tối, Giáo Hội Công Giáo ở Âu Châu đã thống trị hầu như mọi khía cạnh trong đời sống người dân. Những ai dám nghĩ khác Giáo Hội có thể bị trừng phạt bằng nhục hình, và thậm chí bị hành quyết. Các giáo phái Tin Lành nổi lên sau đó cũng hạn chế quyền tự do cá nhân của tín đồ. Những người từng biết về đạo Tin Lành không khỏi nghĩ đến sự trừng phạt nghiêm khắc được áp dụng trong một số giáo phái của đạo này. Chính sự áp chế của các nhà thờ đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng sự dạy dỗ của Kinh Thánh cũng khắt khe, gò bó.
Trong các thế kỷ gần đây, các nhà thờ không còn ảnh hưởng nhiều trên đời sống người ta như trước nữa, ít nhất là tại vài xứ. Quay lưng lại với các tín lý truyền thống, người ta bắt đầu theo quan niệm cho rằng con người có quyền tự quyết định điều đúng, điều sai. Hậu quả là gì? Ông Ahti Laitinen, giáo sư môn tội phạm học và môn xã hội học liên quan đến pháp lý, giải thích: “Người ta dần dần mất đi sự tôn trọng quyền hành, và nhận thức của họ về điều đúng, điều sai ngày càng trở nên mơ hồ”. Điều mỉa mai là ngay cả hàng giáo phẩm cũng bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ này. Một giám mục uy tín của phái Luther từng phát biểu: “Tôi thường tránh quan niệm cho rằng trong các vấn đề đạo đức, người ta nên tìm sự hướng dẫn của Kinh Thánh hay của các chức sắc tôn giáo”.
Tự do vô giới hạn có tốt không?
Ý tưởng về một sự tự do hoàn toàn, vô giới hạn có thể rất hấp dẫn đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Ít ai thích bị dạy bảo lên lớp, hoặc phải sống theo vô số luật lệ. Tuy nhiên, có nên tự do theo kiểu ai muốn làm gì thì làm không? Để trả lời câu hỏi đó, hãy xem một thí dụ. Hãy tưởng tượng một thành phố không có luật giao thông. Người lái xe không cần có bằng lái hoặc thi lái xe. Trên đường, ai muốn chạy thế nào thì chạy, thậm chí có thể lái xe lúc say rượu, và không cần phải lo gì đến giới hạn vận tốc, bảng cấm, đèn hiệu giao thông, đường một chiều hay vạch qua đường dành cho người đi bộ. Liệu “tự do” như thế có tốt không? Tất nhiên là không! Tự do thể ấy chắc chắn sẽ
dẫn đến sự hỗn độn, rối loạn và thảm họa. Mặc dù luật giao thông hạn chế sự tự do của người đi đường, nhưng chúng ta hiểu rằng những luật pháp đó là nhằm bảo vệ họ.Tương tự thế, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta những sự hướng dẫn về cách sống. Điều đó mang lại lợi ích cho chúng ta. Không có những sự hướng dẫn đó, chúng ta sẽ phải tự học qua kinh nghiệm, và kết quả là có thể gây tổn thương cho chính mình cũng như người khác trong khi làm thế. Tình trạng vô nguyên tắc đạo đức như vậy chắc hẳn không có gì tốt đẹp, trái lại, còn nguy hiểm như thể lái xe trong một thành phố không có luật giao thông. Sự thật hiển nhiên là chúng ta cần có luật lệ, và hầu như ai cũng thừa nhận sự thật này.
“Gánh ta nhẹ-nhàng”
Luật giao thông có thể dài lê thê với vô số luật lệ chi li—tại một số nơi, chỉ riêng luật đậu xe cũng đủ khiến người ta choáng ngợp. Kinh Thánh, trái lại, không liệt kê dài dòng các điều luật, mà chỉ đưa ra các nguyên tắc căn bản, không nặng nề và cũng không khắt khe. Chúa Giê-su Christ đã mời gọi những người đương thời bằng những lời cảm động sau: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”. (Ma-thi-ơ 11:28, 30) Trong thư gửi cho hội thánh tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô viết: “Thánh-Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự-do cũng ở đó”.—2 Cô-rinh-tô 3:17.
Tuy nhiên, đó không phải là sự tự do vô giới hạn. Chúa Giê-su cho thấy rõ các đòi hỏi của Đức Chúa Trời bao gồm một số điều răn rất đơn giản. Chẳng hạn, ngài nói với các môn đồ: “Điều-răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi”. (Giăng 15:12) Hãy tưởng tượng đời sống sẽ ra sao nếu mọi người đều áp dụng điều răn này! Vậy, sự tự do của tín đồ Đấng Christ không phải là vô giới hạn. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy ăn-ở như người tự-do, nhưng chớ dùng tự-do làm cái màn che sự hung-ác, song phải coi mình là tôi-mọi Đức Chúa Trời”.—1 Phi-e-rơ 2:16.
Như vậy, mặc dù tín đồ Đấng Christ không phải tuân thủ vô số điều luật chi li, nhưng họ không sống theo ý riêng và không tự quyết định điều đúng, điều sai. Con người cần có sự hướng dẫn mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể ban cho họ. Kinh Thánh nói rất rõ điều này: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. (Giê-rê-mi 10:23) Nếu vâng theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được nhiều lợi ích.—Thi-thiên 19:11.
Lợi ích trước hết là hạnh phúc. Chẳng hạn, người thanh niên được nói đến ở đầu bài trước đây từng là tay trộm cướp và dối trá. Cậu cũng có đời sống phóng túng. Nhưng khi học biết tiêu chuẩn đạo đức cao của Kinh Thánh, cậu bắt đầu thay đổi lối sống. Hãy nghe cậu tâm sự: “Mặc dù không thể làm theo mọi tiêu chuẩn của Kinh Thánh trong một sớm một chiều, nhưng tôi hiểu giá trị của những tiêu chuẩn đó. Lối sống trước đây không mang lại cho tôi niềm hạnh phúc sâu xa mà tôi đang cảm nhận
hiện nay. Khi sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, cuộc đời bạn trở nên đơn giản. Bạn thấy được mục đích cuộc sống và biết phân biệt điều đúng, điều sai”.Hàng triệu người cũng có cảm nhận như thế. Sự hướng dẫn của Kinh Thánh đã giúp họ cải thiện mối quan hệ với người khác, có quan điểm thăng bằng về công việc làm, tránh các tật xấu và nhờ thế, có đời sống hạnh phúc hơn. Markus, * một thanh niên từng nếm trải cuộc sống trong và ngoài khuôn khổ Kinh Thánh, cho biết cảm nghĩ như sau: “Khi sống theo Kinh Thánh, tôi thấy mình có thêm lòng tự trọng”. *
Bạn chọn điều gì?
Vậy, Kinh Thánh có hạn chế sự tự do của chúng ta không? Câu trả lời là có — vì lợi ích của mọi người chúng ta. Nhưng Kinh Thánh có hạn chế quá mức không? Câu trả lời là không. Sự tự do vô giới hạn chỉ dẫn đến rắc rối. Còn các tiêu chuẩn của Kinh Thánh thì hợp lý, mang lại lợi ích và hạnh phúc. Markus nói: “Với thời gian, tôi đã nhận thấy sự khôn ngoan của việc áp dụng Lời Đức Chúa Trời trong đời sống. Mặc dù cách sống của tôi có thể khác với người ta nói chung trong nhiều phương diện, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ là mình đã bỏ lỡ bất cứ điều gì đáng giá trên đời”.
Khi cảm nhận được ân phước của việc sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, bạn sẽ quý trọng Lời Đức Chúa Trời hơn. Và điều này sẽ mang lại cho bạn một ân phước còn lớn hơn nữa—đó là bạn sẽ yêu mến Tác Giả của những sự dạy dỗ khôn ngoan ấy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”.—1 Giăng 5:3.
Đức Giê-hô-va vừa là Đấng Tạo Hóa vừa là Cha trên trời của chúng ta. Ngài biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Ngài ban những sự hướng dẫn yêu thương không phải nhằm bó buộc, mà là để mang lại lợi ích cho chúng ta. Bằng những lời bóng bẩy nhẹ nhàng, Ngài khuyên chúng ta: “Ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển”.—Ê-sai 48:18.
[Chú thích]
^ đ. 13 Tên đã thay đổi.
^ đ. 13 Để biết thêm về cách sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, xin xem chương 12 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Hình nơi trang 9]
Chúa Giê-su cho biết các đòi hỏi của Đức Chúa Trời mang lại sự khoan khoái
[Hình nơi trang 10]
Vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời gia thêm hạnh phúc và lòng tự trọng