Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lòng can đảm được củng cố nhờ tình yêu thương

Lòng can đảm được củng cố nhờ tình yêu thương

Lòng can đảm được củng cố nhờ tình yêu thương

“Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm-thần nhút-nhát, bèn là tâm-thần mạnh-mẽ, có tình thương-yêu và dè-giữ”.—2 TI-MÔ-THÊ 1:7.

1, 2. (a) Tình yêu thương có thể thúc đẩy một người làm gì? (b) Tại sao lòng can đảm của Chúa Giê-su là phi thường?

MỘT cặp vợ chồng mới cưới đi lặn ở gần một thị trấn tại bờ biển phía đông nước Úc. Họ sắp sửa lên khỏi mặt nước thì một con cá mập khổng lồ tiến nhanh về phía người vợ. Người chồng dũng cảm đẩy vợ qua một bên và để cho cá mập nuốt ông. Sau đó, người quả phụ nói trong đám tang: “Anh ấy đã hy sinh tính mạng vì tôi”.

2 Đúng vậy, tình yêu thương có thể thúc đẩy con người biểu lộ lòng can đảm phi thường. Chính Chúa Giê-su đã nói: “Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình”. (Giăng 15:13) Chưa đầy 24 giờ sau khi nói những lời này, Chúa Giê-su hy sinh mạng sống, không phải chỉ cho một người mà cho cả nhân loại. (Ma-thi-ơ 20:28) Ngoài ra, Chúa Giê-su không hy sinh mạng sống trong giây phút hành động dũng cảm đột xuất. Ngài biết trước rằng mình sẽ bị chế nhạo và ngược đãi, bị kết án bất công, và phải chết trên cây khổ hình. Thậm chí ngài còn cho môn đồ biết trước về kết cuộc này. Ngài nói: “Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, Con người sẽ bị nộp cho các thầy tế-lễ cả cùng các thầy thông-giáo; họ sẽ định Ngài phải bị tử-hình, và giao Ngài cho dân ngoại. Người ta sẽ nhạo-báng Ngài, nhổ trên Ngài, đánh-đập Ngài mà giết đi”.—Mác 10:33, 34.

3. Điều gì đã giúp Chúa Giê-su có lòng can đảm phi thường?

3 Điều gì đã giúp Chúa Giê-su có lòng can đảm phi thường? “Đức-tin” và “lòng tôn kính” đóng vai trò chủ yếu. (Hê-bơ-rơ [Do Thái] 5:7, Tòa Tổng Giám Mục; 12:2) Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là lòng can đảm của Chúa Giê-su xuất phát từ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận. (1 Giăng 3:16) Ngoài đức tin và lòng tôn kính, nếu vun trồng tình yêu thương như thế, chúng ta cũng có thể biểu lộ lòng can đảm giống như Đấng Christ. (Ê-phê-sô 5:2) Làm sao có thể phát triển tình yêu thương như thế? Chúng ta cần nhận biết Nguồn của tình yêu thương.

“Sự yêu-thương đến từ Đức Chúa Trời”

4. Tại sao có thể nói rằng Đức Giê-hô-va là Nguồn của tình yêu thương?

4 Đức Giê-hô-va là hiện thân và là Nguồn của tình yêu thương. Sứ đồ Giăng viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, chúng ta hãy yêu-mến lẫn nhau; vì sự yêu-thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:7, 8) Vì vậy, nếu muốn phát triển tình yêu thương giống như của Đức Chúa Trời thì một người phải đến gần Đức Giê-hô-va qua sự hiểu biết chính xác và sẵn lòng làm theo sự hiểu biết ấy.—Phi-líp 1:9; Gia-cơ 4:8; 1 Giăng 5:3.

5, 6. Điều gì đã giúp các môn đồ thời ban đầu phát triển tình yêu thương giống như của Đấng Christ?

5 Trong lời cầu nguyện cuối với 11 sứ đồ trung thành, Chúa Giê-su cho thấy mối liên hệ giữa việc biết Đức Chúa Trời và gia tăng tình yêu thương. Ngài nói: “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu-thương của Cha dùng yêu-thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa”. (Giăng 17:26) Chúa Giê-su giúp các môn đồ phát triển tình yêu thương như ngài và Cha ngài đã có. Qua lời nói và gương mẫu, Chúa Giê-su tỏ cho các môn đồ biết những đức tính tuyệt diệu của Đức Chúa Trời mà danh Ngài tiêu biểu. Vì vậy, Chúa Giê-su có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”.—Giăng 14:9, 10; 17:8.

6 Thánh linh Đức Chúa Trời giúp vun trồng tình yêu thương giống như của Đấng Christ. (Ga-la-ti 5:22) Khi các tín đồ thời ban đầu nhận được thánh linh vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, không những họ nhớ lại nhiều điều Chúa Giê-su dạy họ mà còn hiểu rõ hơn ý nghĩa của Kinh Thánh. Sự hiểu biết sâu hơn chắc hẳn đã giúp họ gia tăng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời. (Giăng 14:26; 15:26) Kết quả là gì? Ngay cả trong lúc nguy hiểm đến tính mạng, họ vẫn dạn dĩ và sốt sắng rao giảng tin mừng.—Công-vụ 5:28, 29.

Tỏ lòng can đảm và tình yêu thương qua hành động

7. Phao-lô và Ba-na-ba phải chịu đựng điều gì trong chuyến hành trình truyền giáo?

7 Sứ đồ Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm-thần nhút-nhát, bèn là tâm-thần mạnh-mẽ, có tình thương-yêu và dè-giữ”. (2 Ti-mô-thê 1:7) Phao-lô đang nói về kinh nghiệm riêng của ông. Hãy xem xét những gì ông và Ba-na-ba đã trải qua trong chuyến hành trình truyền giáo. Họ rao giảng trong nhiều thành phố, kể cả An-ti-ốt, Y-cô-ni, và Lít-trơ. Trong mỗi thành, một số người đã tin đạo, còn số khác thì lại chống đối dữ dội. (Công-vụ 13:2, 14, 45, 50; 14:1, 5) Ở Lít-trơ, một đám người giận dữ còn ném đá Phao-lô, bỏ ông ở lại đó vì tưởng ông đã chết! “Nhưng các môn-đồ đương nhóm chung-quanh người, thì người vùng đứng dậy và vào trong thành. Bữa sau, người đi với Ba-na-ba đến thành Đẹt-bơ”.—Công-vụ 14:6, 19, 20.

8. Lòng can đảm của Phao-lô và Ba-na-ba phản ánh tình yêu thương sâu đậm của họ đối với người khác như thế nào?

8 Khi đám đông toan giết Phao-lô, điều này có làm cho ông và Ba-na-ba sợ hãi mà bỏ cuộc không? Chắc chắn không! Sau khi “làm cho khá nhiều người trở nên môn-đồ” ở thành Đẹt-bơ, thì hai người “trở về thành Lít-trơ, thành Y-cô-ni, và thành An-ti-ốt”. Tại sao? Để khích lệ những môn đồ mới bền lòng giữ vững đức tin. Phao-lô và Ba-na-ba nói: “Phải trải qua nhiều nỗi khó-khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời”. Rõ ràng, lòng can đảm của họ xuất phát từ tình yêu thương sâu đậm đối với “những chiên con” của Đấng Christ. (Công-vụ 14:21-23; Giăng 21:15-17) Sau khi bổ nhiệm trưởng lão trong mỗi hội thánh mới thành lập, hai người cầu nguyện và “dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến”.

9. Các trưởng lão ở Ê-phê-sô đã đáp ứng thế nào trước tình yêu thương Phao-lô dành cho họ?

9 Phao-lô là người có lòng quan tâm và can đảm nên nhiều tín đồ thời ban đầu ngày càng yêu thương ông sâu đậm hơn. Hãy nhớ lại những gì xảy ra trong buổi họp giữa Phao-lô và các trưởng lão tại Ê-phê-sô, nơi ông đã ở ba năm và trải qua nhiều chống đối. (Công-vụ 20:17-31) Sau khi khích lệ anh em ở đó chăn bầy Đức Chúa Trời giao phó cho họ, Phao-lô cùng họ quì xuống cầu nguyện. Rồi, “ai nấy đều khóc lắm, ôm lấy cổ Phao-lô mà hôn, lấy làm buồn-bực nhứt là vì nghe người nói rằng anh em sẽ chẳng thấy mặt mình nữa”. Những anh em ở đó đã yêu thương Phao-lô biết dường nào! Quả thật, đến lúc Phao-lô và bạn đồng hành của ông phải từ giã ra đi, các trưởng lão ở địa phương đã bịn rịn, không muốn chia tay.—Công-vụ 20:36–21:1.

10. Các Nhân Chứng thời nay của Đức Giê-hô-va đã biểu lộ lòng can đảm và yêu thương lẫn nhau như thế nào?

10 Ngày nay, các giám thị lưu động, trưởng lão hội thánh, và nhiều người khác rất được yêu thương vì họ bày tỏ lòng can đảm trong việc chăm sóc chiên của Đức Giê-hô-va. Thí dụ, ở những nước bị nội chiến tàn phá hoặc tại những nơi công việc rao giảng bị ngăn cấm, các anh giám thị lưu động và vợ họ đã không sợ bị bắt và liều mình đến thăm hội thánh. Cũng vậy, nhiều Nhân Chứng đã phải chịu khổ dưới tay những nhà cầm quyền chống đối và thuộc hạ của họ bởi vì không phản bội các anh em đồng đức tin hoặc tiết lộ từ đâu họ có những đồ ăn thiêng liêng. Hàng ngàn người khác đã bị bắt bớ, hành hạ, và thậm chí bị giết vì họ không chịu ngưng rao giảng tin mừng hoặc ngưng kết hợp với anh em tại các buổi họp đạo Đấng Christ. (Công-vụ 5:28, 29; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Mong sao chúng ta noi theo đức tin và tình yêu thương của những anh chị can đảm đó!—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6.

Đừng để tình yêu thương nguội lạnh

11. Bằng cách nào Sa-tan gây chiến về mặt thiêng liêng với các tôi tớ Đức Giê-hô-va, vì vậy họ cần phải làm gì?

11 Khi bị quăng xuống đất, Sa-tan trút cơn giận ra trên các tôi tớ Đức Giê-hô-va bởi vì họ “vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 12:9, 17) Một trong những thủ đoạn của Ma-quỉ là dùng sự ngược đãi. Tuy nhiên, kế hoạch này thường không đem lại kết quả mà ngược lại còn làm cho dân tộc của Đức Chúa Trời gần gũi nhau hơn trong tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ, và khiến cho nhiều người trở nên sốt sắng hơn. Một mưu kế khác của Sa-tan là nhắm vào khuynh hướng tội lỗi của con người. Muốn đối phó với thủ đoạn này, chúng ta cần phải có loại can đảm khác bởi vì đây là sự chiến đấu nội tâm, cưỡng lại những ước muốn không chính đáng trong lòng ‘dối-trá và rất là xấu-xa’.—Giê-rê-mi 17:9; Gia-cơ 1:14, 15.

12. Sa-tan dùng “thần thế-gian” như thế nào để làm giảm đi lòng yêu mến của chúng ta đối với Đức Chúa Trời?

12 Trong số vũ khí của Sa-tan, còn có một loại rất mạnh. Đó là “thần thế-gian”, tức khuynh hướng hay động lực mạnh mẽ trực tiếp đối nghịch với thánh linh của Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 2:12) “Thần thế-gian” này thúc đẩy người ta tham lam và có tinh thần vật chất. Kinh Thánh gọi đó là “sự mê-tham của mắt”. (1 Giăng 2:16; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Mặc dù của cải vật chất và tiền bạc tự nó không có gì là xấu, nhưng nếu chúng ta yêu thích những điều đó hơn là yêu mến Đức Chúa Trời thì Sa-tan thắng thế. Tinh thần thế gian “cầm quyền” vì nó có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với xác thịt tội lỗi, nó rất tinh vi, gây áp lực không ngừng, và giống như không khí, tinh thần này tràn ngập khắp mọi nơi. Đừng để “thần thế-gian” đầu độc lòng của bạn!—Ê-phê-sô 2:2, 3; Châm-ngôn 4:23.

13. Về mặt đạo đức, lòng can đảm của chúng ta bị thử thách như thế nào?

13 Tuy nhiên, muốn kháng cự và từ bỏ tinh thần độc ác của thế gian, chúng ta cần có lòng can đảm để giữ mình trong sạch về đạo đức. Thí dụ, chúng ta cần có can đảm để đi ra khỏi rạp hát hoặc tắt máy vi tính, ti-vi, khi thấy những hình ảnh đồi bại xuất hiện. Cần có can đảm để chống lại áp lực tai hại của bạn đồng lứa và không chơi với những bạn xấu. Cũng vậy, cần có can đảm để tuân giữ luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời khi bị bạn cùng lớp, người cùng sở, hàng xóm hoặc người thân thuộc chế nhạo.—1 Cô-rinh-tô 15:33; 1 Giăng 5:19.

14. Chúng ta nên làm gì nếu bị nhiễm tinh thần thế gian?

14 Do đó, quả là điều quan trọng biết bao khi củng cố tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và các anh chị em thiêng liêng của chúng ta! Hãy dành thời giờ để xem xét mục tiêu cũng như lối sống của bạn để biết mình có bị nhiễm tinh thần thế gian hay không. Nếu có—dù chỉ đôi chút—hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va để có can đảm loại trừ tinh thần ấy. Đức Giê-hô-va sẽ không làm ngơ trước lời nài xin chân thành đó. (Thi-thiên 51:17) Ngoài ra, thánh linh của Ngài mạnh hơn tinh thần thế gian rất nhiều.—1 Giăng 4:4.

Can đảm đối phó với thử thách cá nhân

15, 16. Nhờ tình yêu thương giống như của Đấng Christ, chúng ta có thể đối phó với những thử thách cá nhân như thế nào? Hãy cho một thí dụ.

15 Những thử thách khác mà tôi tớ Đức Giê-hô-va phải phấn đấu vượt qua bao gồm hậu quả của sự bất toàn và tuổi già, thường sinh ra bệnh hoạn, tàn tật, trầm cảm và nhiều vấn đề khác. (Rô-ma 8:22) Tình yêu thương giống như của Đấng Christ có thể giúp chúng ta đối phó với những thử thách này. Hãy xem trường hợp của chị Namangolwa, người lớn lên trong một gia đình theo đạo Đấng Christ ở Zambia. Chị bị tàn tật lúc hai tuổi. Chị nói: “Tôi luôn mặc cảm về ngoại hình của mình vì nghĩ rằng người ta sẽ kinh tởm khi thấy mình. Nhưng anh chị em trong hội thánh giúp tôi để thay đổi quan điểm. Kết quả là tôi đã vượt qua mặc cảm tự ti, và với thời gian tôi làm báp têm”.

16 Mặc dù Namangolwa có xe lăn, nhưng khi đi trên đường đất cát thì chị thường phải bò. Tuy nhiên, mỗi năm chị vẫn tham gia vào việc rao giảng với tư cách tiên phong phụ trợ ít nhất là hai tháng. Một người chủ nhà đã khóc khi chị làm chứng cho bà. Tại sao? Vì bà hết sức cảm động trước đức tin và lòng can đảm của chị. Bằng chứng chị được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào là năm người học hỏi Kinh Thánh với chị đã làm báp têm, và một người phục vụ với tư cách trưởng lão hội thánh. Chị nói: “Chân tôi thường đau nhức kinh khủng, nhưng tôi không để điều đó cản trở mình”. Chị Namangolwa chỉ là một trong nhiều Nhân Chứng trên khắp đất, tuy thể chất yếu nhưng tâm thần lại mạnh bởi vì họ yêu mến Đức Chúa Trời và người lân cận. Tất cả những người như thế quả là đáng chuộng dưới mắt Đức Giê-hô-va!—A-ghê 2:7.

17, 18. Điều gì giúp cho nhiều người chịu đựng bệnh tật và những thử thách khác? Hãy cho biết một số trường hợp ở địa phương bạn.

17 Những căn bệnh kinh niên cũng thường làm chúng ta nản lòng, và ngay cả bị trầm cảm nữa. Một trưởng lão nói: “Trong nhóm học cuốn sách mà tôi tham dự, một chị bị bệnh tiểu đường và hư thận, một chị bị ung thư, hai chị bị thấp khớp nặng, còn một người bị bệnh luput và u xơ đau nhức. Đôi khi họ đâm ra chán nản. Tuy nhiên, họ luôn đi nhóm họp trừ những khi quá đau nhức hoặc phải nằm viện. Tất cả những chị đó đều đi rao giảng đều đặn. Họ làm tôi nhớ đến Phao-lô, người đã nói: ‘Khi tôi yếu-đuối, ấy là lúc tôi mạnh-mẽ’. Tôi thán phục lòng yêu thương và can đảm của họ. Có lẽ tình trạng cá nhân đã giúp họ thấy rõ hơn những gì thật sự quan trọng trong đời sống”.—2 Cô-rinh-tô 12:10.

18 Nếu đang phấn đấu vượt qua sự yếu đuối, bệnh tật hay vấn đề nào khác, bạn hãy “cầu-nguyện không thôi” để xin sự giúp đỡ hầu cho bạn không bị nản lòng. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14, 17) Dĩ nhiên, bạn sẽ có lúc vui lúc buồn, nhưng hãy cố gắng tập trung vào những điều thiêng liêng tích cực, nhất là niềm hy vọng quý báu về Nước Trời. Một chị nói: “Đối với tôi, công việc rao giảng là liều thuốc hay”. Nhờ chia sẻ tin mừng với người khác, chị giữ được quan điểm tích cực.

Tình yêu thương giúp người phạm tội trở về với Đức Giê-hô-va

19, 20. (a) Điều gì có thể giúp những người đã phạm tội có can đảm trở lại với Đức Giê-hô-va? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

19 Đối với nhiều người bị yếu về thiêng liêng hay đã phạm tội, họ cảm thấy khó trở về với Đức Giê-hô-va. Nhưng nếu những người như thế thật sự ăn năn và nhen nhúm lại tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, họ sẽ có đủ can đảm. Hãy xem trường hợp của anh Mario * ở Hoa Kỳ. Mario từ bỏ hội thánh Đấng Christ, trở thành người nghiện ngập rượu chè và ma túy, sau 20 năm thì bị tù. Mario nói: “Tôi bắt đầu suy nghĩ sâu xa về tương lai mình và đọc Kinh Thánh lại. Dần dần, tôi quý trọng những đức tính của Đức Giê-hô-va, nhất là tính thương xót, vì vậy tôi thường cầu nguyện xin Ngài thương xót tôi. Sau khi mãn hạn tù, tôi tránh những bạn bè cũ, và đi dự các buổi họp của đạo Đấng Christ. Cuối cùng, tôi được hội thánh nhận lại. Về mặt thể xác, tôi gặt những gì mình đã gieo, nhưng ít ra bây giờ tôi có một hy vọng tuyệt diệu. Tôi không thể nào nói hết được lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va về lòng thương xót và tha thứ của Ngài”.—Thi-thiên 103:9-13; 130:3, 4; Ga-la-ti 6:7, 8.

20 Tất nhiên, những người trong trường hợp tương tự như của Mario phải cố gắng rất nhiều để trở lại với Đức Giê-hô-va. Nhưng nhờ học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện và suy ngẫm, tình yêu thương của họ sẽ được nhen nhúm lại, giúp họ có sự can đảm và quyết tâm mà họ cần. Mario cũng được củng cố bởi niềm trông cậy về Nước Trời. Thật vậy, song song với tình yêu thương, đức tin và lòng tôn kính Đức Chúa Trời, niềm trông cậy có thể là một động lực mạnh mẽ có lợi cho đời sống chúng ta. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét kỹ về món quà thiêng liêng quý báu này.

[Chú thích]

^ đ. 19 Tên đã được đổi.

Bạn có thể trả lời không?

• Tình yêu thương đã giúp Chúa Giê-su có lòng can đảm phi thường như thế nào?

• Tình yêu thương đối với anh em đã giúp Phao-lô và Ba-na-ba có lòng can đảm nổi bật như thế nào?

• Sa-tan cố dùng cách nào để làm xói mòn tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ?

• Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta can đảm chịu đựng những thử thách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Tình yêu thương của Phao-lô đối với người khác đã giúp ông có can đảm để bền lòng

[Hình nơi trang 24]

Cần có can đảm để tuân giữ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 24]

Chị Namangolwa Sututu