Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sống mãi mãi không là một giấc mơ

Sống mãi mãi không là một giấc mơ

Sống mãi mãi không là một giấc mơ

ĐA SỐ tín đồ trong các tôn giáo trên thế giới đều ấp ủ triển vọng sống vĩnh cửu dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Những chi tiết có thể thay đổi tùy tôn giáo, nhưng về cơ bản, họ có chung một niềm hy vọng—sống hạnh phúc trong những điều kiện lý tưởng, không phải chết. Có phải đó cũng là điều bạn khát khao? Tại sao hy vọng ấy phổ biến? Triển vọng sống mãi mãi bao giờ trở thành hiện thực?

Kinh Thánh cho biết Đấng Tạo Hóa đã khắc sâu vào tiềm thức con người ước muốn sống đời đời từ lúc ban đầu, khi Ngài tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên. Kinh Thánh nói: “[Đức Chúa Trời] khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người”.—Truyền-đạo 3:11.

Tuy nhiên, để được sống mãi mãi, cặp vợ chồng đầu tiên phải nhận biết uy quyền của Đức Chúa Trời về việc quyết định điều gì là thiện và điều gì là ác. Nếu làm thế, họ sẽ được Đức Chúa Trời Giê-hô-va xem là xứng đáng “sống đời đời” trong vườn Ê-đen, tổ ấm mà Ngài đã chuẩn bị cho họ.—Sáng-thế Ký 2:8; 3:22.

Đánh mất sự sống vĩnh cửu

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời trồng “cây biết điều thiện và điều ác” trong vườn, cấm A-đam và Ê-va ăn trái của cây ấy, nếu không họ sẽ chết. (Sáng-thế Ký 2:9, 17) Tuân theo mệnh lệnh này, A-đam và Ê-va chứng tỏ họ nhận biết uy quyền của Đức Chúa Trời. Ngược lại, việc ăn trái của cây ấy cho thấy họ chống đối uy quyền của Ngài. A-đam và Ê-va đã không nghe theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, và đứng về phe Sa-tan, một thần linh đã chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời. Do đó, Đức Chúa Trời đã quyết định một cách hợp lý rằng A-đam và Ê-va không xứng đáng sống mãi mãi.—Sáng-thế Ký 3:1-6.

Đức Chúa Trời đặt trước mặt loài người sự sống hoặc sự chết, sự hiện hữu hoặc không hiện hữu nữa. Hậu quả của việc không vâng lời là sự chết, chấm dứt hoàn toàn sự hiện hữu. A-đam và Ê-va, cũng như con cháu họ, đều không có thể tiếp tục sống nhờ loại thần dược nào đó hoặc nhờ linh hồn bất tử. *

Sự phản nghịch của A-đam mang lại hậu quả tai hại cho tất cả con cháu ông. Sứ đồ Phao-lô giải thích điều này khi viết: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.—Rô-ma 5:12.

Nhận lại sự sống vĩnh cửu

Sứ đồ Phao-lô ví tình trạng của con cháu A-đam giống như tình trạng những người nô lệ vào thế kỷ thứ nhất. Vì tội lỗi di truyền, từ lúc mới sinh ra, họ làm “tôi-mọi tội-lỗi”, không ai thoát khỏi cái chết. (Rô-ma 5:12; 6:16, 17) Đó là điều chắc chắn, nếu không nhờ biện pháp giải cứu hợp với công lý mà Đức Chúa Trời cung cấp nhằm chuộc lại sự tự do. Ông Phao-lô giải thích: “Bởi chỉ một tội [của A-đam] mà sự đoán-phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công-bình mà sự xưng công-bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy”. “Việc công-bình” đó được thực hiện khi Chúa Giê-su hiến dâng mạng người không nhiễm tội để làm “giá chuộc mọi người”. Giá chuộc ấy được Đức Giê-hô-va công nhận là có hiệu lực để xóa án “đoán-phạt” và giải thoát nhân loại.—Rô-ma 5:16, 18, 19; 1 Ti-mô-thê 2:5, 6.

Đó là lý do tại sao các nhà khoa học sẽ không bao giờ tìm ra giải pháp cho sự trường sinh bất tử trong mã di truyền của con người—giải pháp thuộc lĩnh vực khác. Theo Kinh Thánh, nguyên nhân sâu xa gây ra cái chết của nhân loại thuộc về mặt đạo đức và công lý, không thuộc sinh học. Cũng vậy, giải pháp cho việc khôi phục sự sống vĩnh cửu, tức giá chuộc của Chúa Giê-su, thuộc lĩnh vực công lý. Giá chuộc cũng thể hiện sự công bình và lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời. Vậy, ai sẽ hưởng giá chuộc và nhận sự sống vĩnh cửu?

Sự bất tử—Một món quà

Giê-hô-va Đức Chúa Trời có “từ trước vô-cùng cho đến đời đời”. Ngài sống mãi. (Thi-thiên 90:2) Tạo vật đầu tiên được Đức Giê-hô-va ban cho sự bất tử là Chúa Giê-su Christ. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai-trị trên Ngài”. (Rô-ma 6:9) Thật vậy, qua lời miêu tả của Phao-lô, Chúa Giê-su khác xa với các nhà cai trị trên đất, sau khi sống lại chỉ một mình ngài có sự bất tử. Chúa Giê-su sẽ “hằng có đời đời”. Sự sống của ngài ‘chẳng hết’, hay bất diệt.—Hê-bơ-rơ 7:15-17, 23-25; 1 Ti-mô-thê 6:15, 16.

Chúa Giê-su không là người duy nhất nhận món quà ấy. Những tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh sẽ được sống lại giống như Chúa Giê-su để làm phó vương, đồng cai trị với ngài trong sự vinh hiển ở trên trời. (Rô-ma 6:5) Sứ đồ Giăng cho biết 144.000 người sẽ nhận đặc ân này. (Khải-huyền 14:1) Họ cũng nhận sự bất tử. Nói về sự sống lại của họ, sứ đồ Phao-lô viết: “Thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được... Kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư-nát, và chúng ta đều sẽ biến-hóa. Vả, thể hay hư-nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư-nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết”. Sự chết không còn quyền trên những người được sống lại ở trên trời.—1 Cô-rinh-tô 15:50-53; Khải-huyền 20:6.

Điều được Đức Chúa Trời tiết lộ thật thú vị. Dù là những thần linh, ngay cả các thiên sứ cũng không bất tử. Điều này thấy rõ qua việc những thiên sứ theo phe phản nghịch của Sa-tan sẽ bị diệt. (Ma-thi-ơ 25:41) Khác với chúng, những người đồng cai trị với Chúa Giê-su lại được ban sự bất tử, điều đó chứng tỏ Đức Giê-hô-va hoàn toàn tin cậy nơi lòng trung thành của họ.

Phải chăng điều này có nghĩa là chỉ có 144.000 người, con số tương đối nhỏ so với hàng tỉ người từng sống trên đất, sẽ được sống mãi mãi? Không phải vậy. Chúng ta hãy xét xem tại sao.

Sống mãi trong địa đàng

Sách Khải-huyền trong Kinh Thánh miêu tả một cảnh rất ấn tượng về đám đông vô số người được ban sự sống vĩnh cửu trong địa đàng ngay trên đất. Cùng hưởng ân phước với đám đông này là những người đã chết được sống lại, được khôi phục sức khỏe và sinh lực dồi dào của tuổi thanh xuân. (Khải-huyền 7:9; 20:12, 13; 21:3, 4) Họ được dẫn đến “sông nước sự sống, trong như lưu-ly, từ ngôi Đức Chúa Trời... chảy ra”. Dọc hai bờ sông có “cây sự sống... và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân”. Giê-hô-va Đức Chúa Trời ân cần mời: “Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không”.—Khải-huyền 22:1, 2, 17.

Những cây này không phải là thần dược như các nhà giả kim nhiều thế kỷ trước đây đã dày công pha chế. Dòng sông này cũng không phải là nguồn suối mang lại sự trường sinh mà các nhà thám hiểm trước đây lặn lội tìm kiếm. Đúng hơn, cây và sông tượng trưng cho những điều Đức Chúa Trời cung cấp qua Chúa Giê-su Christ nhằm khôi phục tình trạng hoàn hảo ban đầu của con người.

Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời—ban sự sống vĩnh cửu cho nhân loại biết vâng lời—vẫn không thay đổi. Ý định ấy sẽ thành tựu vì Đức Giê-hô-va là thành tín. Thi-thiên 37:29 cho biết: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. Lời hứa này thôi thúc chúng ta cùng những người được ban sự bất tử ở trên trời, cất tiếng ca ngợi: “Hỡi Chúa [Giê-hô-va] là Đức Chúa Trời Toàn-năng, công-việc Chúa lớn-lao và lạ-lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường-lối Ngài là công-bình và chân-thật! Lạy Chúa, ai là kẻ không kính-sợ và không ngợi-khen danh Ngài? Vì một mình Ngài là thánh”.—Khải-huyền 15:3, 4.

Bạn có ao ước món quà quý giá là sự sống vĩnh cửu không? Nếu có, bạn phải chứng tỏ mình trung thành và vâng phục ‘Vua muôn đời’. Bạn nên tìm hiểu về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ, vì qua Đấng Christ, bạn có thể nhận được sự sống ấy. Tất cả những người sẵn lòng sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều thiện và điều ác sẽ hưởng “sự sống đời đời”.—Giăng 17:3.

[Chú thích]

^ đ. 7 Để biết thêm chi tiết về giáo lý linh hồn bất tử, xin xem sách mỏng Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung/​Hình nơi trang 5]

Một khát vọng lâu đời

Thiên sử thi Gilgamesh, truyện dân gian của người Mê-sô-bô-ta-mi, được cho là có từ thế kỷ thứ 20 TCN, miêu tả một nhân vật anh hùng đi tìm nguồn thanh xuân. Người Ai Cập xưa ướp thi hài người chết vì họ tin linh hồn bất tử sẽ trở về với thân thể. Vì thế, một số ngôi mộ Ai Cập chứa đầy những vật dụng để người quá cố có thể dùng ở thế giới bên kia.

Một số nhà giả kim Trung Quốc cho rằng cơ thể con người có thể bất tử. Niềm tin ấy xuất hiện vào thế kỷ thứ tám TCN, hoặc trước đó. Đến thế kỷ thứ tư TCN, các nhà giả kim cho rằng nhờ thần dược, họ có thể đạt ước mơ này. Những nhà giả kim Châu Âu và Ả-rập thời Trung Cổ tìm tòi và nỗ lực pha chế thuốc trường sinh. Một số hỗn hợp dược liệu của họ gồm thạch tín, thủy ngân và lưu huỳnh. Nào ai biết đã bao nhiêu người tự đầu độc mình bằng cách dùng những loại “thần dược” này!

Có một thời người ta rất quen thuộc với huyền thoại về Suối Thanh Xuân, dòng suối có khả năng khôi phục sinh lực cho những người uống nước ấy.

[Khung/​Các hình nơi trang 7]

Sống mãi—Nhàm chán chăng?

Một số người cho rằng sống mãi hẳn sẽ dẫn đến sự nhàm chán. Sống như thế chẳng khác gì phung phí dần dần thời gian vô tận bằng những trò tiêu khiển vô nghĩa lặp đi lặp lại mãi không dứt. Có lẽ đời sống vĩnh cửu họ hình dung là sự kéo dài vô tận lối sống và tình trạng hiện nay, điều mà nhiều người cho rằng nhàm chán và vô nghĩa. Tuy nhiên, trong Địa Đàng mà Đức Chúa Trời sẽ khôi phục, Ngài hứa rằng con người “được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”. (Thi-thiên 37:11) Đời sống ấy sẽ cho con người cơ hội tìm hiểu về những sáng tạo của Đức Giê-hô-va và dành thời gian để phát huy mọi tài khéo. Ngoài ra, con người cũng có thời gian để nghiên cứu về nhiều đề tài và làm nhiều công việc thú vị mà ngày nay chúng ta xem chỉ là ước mơ.

Tiến sĩ Aubrey de Grey, nhà di truyền học nghiên cứu việc kéo dài tuổi thọ, thuộc Đại Học Cambridge, nhận xét: “Ngày nay, người có trình độ học vấn tốt và có thời gian để sử dụng kiến thức thì không bao giờ buồn chán. Không bao giờ họ nghĩ rằng tương lai sẽ thiếu những điều mới lạ mà họ thích thực hiện”. Quả vậy, Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn cho biết: “Công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng, người không thế hiểu được ”.—Truyền-đạo 3:11.