Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trông đợi Đức Giê-hô-va và vững lòng bền chí

Trông đợi Đức Giê-hô-va và vững lòng bền chí

Trông đợi Đức Giê-hô-va và vững lòng bền chí

“Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va”.—THI-THIÊN 27:14.

1. Sự trông đợi quan trọng như thế nào, và từ này được dùng thế nào trong Kinh Thánh?

SỰ TRÔNG ĐỢI dựa trên cơ sở vững chắc cũng giống như một ngọn đèn cháy sáng. Nó giúp chúng ta nhìn xa hơn những thử thách hiện tại, đồng thời can đảm và vui mừng đối diện với tương lai. Chỉ một mình Đức Giê-hô-va mới có thể cho chúng ta sự trông cậy chắc chắn và Ngài làm điều này qua Lời được soi dẫn của Ngài. (2 Ti-mô-thê 3:16) Quả thật, những từ “trông-đợi”, “trông-cậy” và “trông-mong” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Những từ này không chỉ nói đến việc mong đợi mà cũng nói đến đối tượng mong đợi. * Sự trông đợi như thế có nền tảng chắc chắn chứ không phải là niềm mơ ước hão huyền, không thực tế.

2. Nhờ lòng trông cậy, Chúa Giê-su đã làm được điều gì?

2 Khi gặp gian nan thử thách, Chúa Giê-su nhìn xa hơn tình trạng hiện tại và trông cậy nơi Đức Giê-hô-va. “Vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, [ngài] chịu lấy thập-tự-giá, khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 12:2) Vì luôn chú tâm vào mục tiêu biện minh cho quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và làm thánh danh Ngài, Chúa Giê-su lúc nào cũng vâng phục Đức Chúa Trời dù phải trả bất cứ giá nào.

3. Sự trông cậy đóng vai trò nào trong đời sống các tôi tớ của Đức Chúa Trời?

3 Vua Đa-vít cho thấy sự trông đợi có liên hệ đến việc vững lòng bền chí, ông nói: “Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 27:14) Nếu muốn vững lòng, chúng ta chớ bao giờ để niềm trông đợi bị lu mờ nhưng luôn khắc ghi vào lòng và trí. Nhờ đó, chúng ta có thể noi gương can đảm và sốt sắng của Chúa Giê-su khi tham gia công việc mà ngài giao phó cho các môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Quả thật, sự trông cậy được Kinh Thánh liệt kê chung với đức tin và tình yêu thương. Đây là một điều thiết yếu, có tính chất lâu bền, nét đặc trưng trong đời sống của tôi tớ Đức Chúa Trời.—1 Cô-rinh-tô 13:13.

Bạn có “dư-dật sự trông-cậy” không?

4. Các tín đồ xức dầu và bạn đồng hành của họ, tức các “chiên khác”, trông mong điều gì?

4 Dân tộc Đức Chúa Trời có một tương lai tuyệt diệu trước mắt. Các tín đồ xức dầu trông mong được cùng Đấng Christ cai trị ở trên trời, còn các “chiên khác” trông đợi được “giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái [trên đất] Đức Chúa Trời”. (Giăng 10:16; Rô-ma 8:19-21; Phi-líp 3:20) “Sự tự-do vinh-hiển” đó bao hàm việc được giải cứu khỏi tội lỗi và hậu quả tai hại của nó. Quả thật, Đức Giê-hô-va—Đấng ban “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”—sẽ cung cấp điều tốt nhất cho những tôi tớ trung thành của Ngài.—Gia-cơ 1:17; Ê-sai 25:8.

5. Làm sao để chúng ta có “dư-dật sự trông-cậy”?

5 Sự trông cậy của tín đồ Đấng Christ phải ảnh hưởng đến đời sống chúng ta đến mức nào? Nơi Rô-ma 15:13, chúng ta đọc: “Vậy xin Đức Chúa Trời của sự trông-cậy, làm cho anh em đầy-dẫy mọi điều vui-vẻ và mọi điều bình-an trong đức-tin, hầu cho anh em nhờ quyền-phép Đức Thánh-Linh được dư-dật sự trông-cậy”. Thật vậy, sự trông cậy không giống như một ngọn nến trong nơi tối tăm nhưng được ví như những tia nắng ban mai rực rỡ làm cho một người được bình an, hạnh phúc, có mục đích và can đảm trong đời sống. Hãy lưu ý rằng chúng ta sẽ có “dư-dật sự trông-cậy” khi tin tưởng nơi Lời được viết ra của Đức Chúa Trời và nhận được thánh linh Ngài. Rô-ma 15:4 nói: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. Vậy hãy tự hỏi: ‘Tôi có giữ vững niềm trông cậy bằng cách siêng năng học hỏi và đọc Kinh Thánh mỗi ngày không? Tôi có thường xuyên cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh không?’—Lu-ca 11:13.

6. Để giữ vững niềm trông cậy, chúng ta phải đề phòng điều gì?

6 Chúa Giê-su, gương mẫu của chúng ta, được vững mạnh nhờ Lời Đức Chúa Trời. Bằng cách xem xét kỹ gương của ngài, chúng ta tránh “bị mỏi-mệt sờn lòng”. (Hê-bơ-rơ 12:3) Nếu sự trông cậy mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta bị lu mờ trong lòng và trí hoặc nếu chú trọng đến những điều khác—có lẽ của cải vật chất hay mục tiêu ngoài đời—thì tất nhiên chúng ta sẽ nhanh chóng bị mỏi mệt về mặt thiêng liêng, cuối cùng mất đi nghị lực và can đảm. Trong tình trạng đó, đức tin chúng ta còn có thể “bị chìm-đắm”. (1 Ti-mô-thê 1:19) Mặt khác, sự trông cậy dựa trên cơ sở vững chắc sẽ củng cố đức tin của chúng ta.

Sự trông cậy rất cần cho đức tin

7. Sự trông cậy cần thiết như thế nào đối với đức tin?

7 Kinh Thánh nói: “Đức-tin là sự biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong, là bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy”. (Hê-bơ-rơ 11:1) Vậy thì sự trông mong hay trông cậy không phải là phần phụ mà là phần thiết yếu của đức tin. Hãy xem trường hợp của Áp-ra-ham. Theo quan điểm của loài người, ông và vợ là Sa-ra đã quá tuổi sinh sản khi Đức Giê-hô-va hứa cho họ một người con kế tự. (Sáng-thế Ký 17:15-17) Áp-ra-ham phản ứng thế nào? “Người cậy-trông khi chẳng còn lẽ trông-cậy, cứ tin, và trở nên cha của nhiều dân-tộc”. (Rô-ma 4:18) Đúng vậy, nhờ có sự trông cậy Đức Chúa Trời ban cho, ông có cơ sở vững vàng để tin chắc mình sẽ có con để nối dòng. Ngược lại, đức tin đã củng cố niềm trông cậy của ông. Áp-ra-ham và Sa-ra thậm chí còn can đảm rời bỏ nhà cửa và người thân để sống cuộc đời du mục ở một xứ lạ!

8. Khi trung thành chịu đựng, sự trông cậy của chúng ta được củng cố như thế nào?

8 Áp-ra-ham giữ vững niềm trông cậy bằng cách hoàn toàn vâng lời Đức Giê-hô-va, dù cho đôi khi làm điều này rất khó. (Sáng-thế Ký 22:2, 12) Tương tự, bằng cách vâng lời và kiên trì chịu đựng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin chắc là sẽ nhận được phần thưởng. Phao-lô viết rằng ai “chịu đựng” thì “được công nhận”, từ đó dẫn đến sự trông cậy, và “trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng”. (Rô-ma 5:4, 5, Tòa Tổng Giám Mục) Đó là lý do tại sao Phao-lô cũng viết: “Chúng ta mong rằng mỗi người trong anh em tỏ lòng sốt-sắng như vậy, đặng giữ lòng đầy-dẫy sự trông-cậy cho đến cuối-cùng”. (Hê-bơ-rơ 6:11) Quan điểm tích cực đó, dựa trên mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, có thể giúp chúng ta can đảm và vui mừng đương đầu với bất cứ khó khăn nào.

Hãy “vui-mừng trong sự trông-cậy”

9. Để “vui-mừng trong sự trông-cậy”, chúng ta nên thường xuyên làm gì?

9 Sự trông cậy mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta cao trọng hơn bất cứ điều gì trên thế gian. Thi-thiên 37:34 nói: “Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va, và giữ theo đường Ngài, thì Ngài sẽ nâng ngươi lên để nhận được đất! Khi kẻ ác bị diệt đi, thì ngươi sẽ thấy điều ấy”. Thật vậy, chúng ta có mọi lý do để “vui-mừng trong sự trông-cậy”. (Rô-ma 12:12) Tuy nhiên, để làm điều này, chúng ta phải luôn luôn nghĩ đến niềm trông cậy của mình. Bạn có thường ngẫm nghĩ về niềm trông cậy mà Đức Chúa Trời ban cho không? Bạn có hình dung chính mình ở trong Địa Đàng, có sức khỏe dồi dào, không còn lo âu, ở gần những người mình yêu mến, và làm công việc thật sự có ý nghĩa không? Bạn có suy ngẫm về những hình vẽ cảnh Địa Đàng trong các ấn phẩm của chúng ta không? Việc thường xuyên suy ngẫm như thế có thể được ví như việc lau kính cửa sổ để nhìn ngắm những cảnh đẹp lộng lẫy bên ngoài. Nếu không lau chùi thì chẳng bao lâu sau bụi dơ sẽ dính đầy, khiến chúng ta không còn nhìn thấy rõ cảnh đẹp nữa. Rồi những điều khác có thể thu hút sự chú ý của chúng ta. Mong sao chúng ta không bao giờ để cho tình trạng đó xảy ra!

10. Tại sao việc mong đợi phần thưởng chứng tỏ chúng ta có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va?

10 Tất nhiên, chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va chủ yếu vì yêu thương Ngài. (Mác 12:30) Thế nhưng chúng ta nên tha thiết mong đợi phần thưởng. Thật vậy, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm điều này! Hê-bơ-rơ 11:6 nói: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. Tại sao Đức Giê-hô-va muốn chúng ta xem Ngài là Đấng hay ban thưởng? Bởi vì khi làm thế, chúng ta cho thấy mình biết rõ về Cha trên trời. Ngài rộng rãi và yêu thương con cái của Ngài. Hãy tưởng tượng chúng ta sẽ đau buồn và dễ nản lòng biết bao nếu không có tương lai và sự trông cậy.—Giê-rê-mi 29:11.

11. Nhờ niềm trông cậy mà Đức Giê-hô-va ban, Môi-se đã quyết định khôn ngoan như thế nào?

11 Một gương nổi bật của người luôn hướng đến niềm trông cậy mà Đức Chúa Trời ban cho, đó là Môi-se. Là “con trai của công-chúa Pha-ra-ôn”, Môi-se có sẵn địa vị, thế lực và sự giàu sang ở Ai Cập. Liệu ông sẽ theo đuổi những điều này hay là phụng sự Đức Giê-hô-va? Môi-se can đảm chọn phụng sự Đức Giê-hô-va. Tại sao? Bởi vì ông “ngửa trông sự ban-thưởng”. (Hê-bơ-rơ 11:24-26) Thật vậy, Môi-se chắc chắn không thờ ơ nhưng luôn chú ý đến niềm trông cậy mà Đức Giê-hô-va đã đặt trước mặt ông.

12. Tại sao sự trông cậy của tín đồ Đấng Christ giống như một mão trụ?

12 Sứ đồ Phao-lô ví sự trông cậy với mão trụ. Nói theo nghĩa bóng, mão trụ đó che chở tâm trí của chúng ta, giúp chúng ta có quyết định khôn ngoan, đặt những điều ưu tiên đúng chỗ và giữ lòng trung kiên. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8) Bạn có luôn đội “mão-trụ” này không? Nếu có, thì giống như Môi-se và Phao-lô, bạn sẽ không đặt sự trông cậy nơi “của-cải không chắc-chắn, nhưng... để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng”. Đành rằng chúng ta cần có can đảm nếu muốn đi ngược xu hướng thịnh hành và tránh theo đuổi những điều ích kỷ, nhưng nỗ lực này rất đáng công! Nói cho cùng, tại sao chúng ta lại chấp nhận những điều không thể sánh được với “sự sống thật”—một triển vọng đang chờ đón những người trông cậy và yêu thương Đức Giê-hô-va?—1 Ti-mô-thê 6:17, 19.

“Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu”

13. Đức Giê-hô-va bảo đảm điều gì với các tôi tớ trung thành?

13 Những người trông cậy nơi hệ thống hiện tại phải suy nghĩ nghiêm túc về những hiểm họa trong tương lai, khi thế gian ngày càng nhiều “sự tai-hại”. (Ma-thi-ơ 24:8) Nhưng những người trông cậy nơi Đức Giê-hô-va không lo sợ như thế. Họ sẽ tiếp tục “ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”. (Châm-ngôn 1:33) Bởi vì không trông cậy nơi hệ thống này, họ vui mừng làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”.—Hê-bơ-rơ 13:5.

14. Tại sao tín đồ Đấng Christ không cần lo lắng quá mức về nhu cầu vật chất?

14 “Chẳng lìa”, “chẳng bỏ”—hai từ này nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ chăm sóc chúng ta. Chúa Giê-su cũng cam đoan với chúng ta về lòng quan tâm đầy yêu thương của Đức Chúa Trời: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy [những thứ cần thiết cho đời sống] nữa. Vậy, chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai”. (Ma-thi-ơ 6:33, 34) Đức Giê-hô-va biết rằng rất khó để chúng ta vừa giữ lòng sốt sắng về Nước Trời, vừa gánh vác hết mọi trách nhiệm chăm lo nhu cầu vật chất. Vậy, chúng ta hãy hoàn toàn tin tưởng là Ngài muốn và có khả năng chăm sóc cho nhu cầu của chúng ta.—Ma-thi-ơ 6:25-32; 11:28-30.

15. Tín đồ Đấng Christ giữ ‘mắt đơn thuần’ như thế nào?

15 Chúng ta cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va khi giữ ‘mắt đơn thuần’. (Ma-thi-ơ 6:22, 23, Nguyễn Thế Thuấn) Giữ mắt đơn thuần là có lòng thành thật, động lực trong sạch, không tham lam và không tham vọng ích kỷ. Giữ mắt đơn thuần không có nghĩa là sống nghèo nàn, khốn khó hoặc bỏ bê trách nhiệm của người tín đồ Đấng Christ. Trái lại, điều đó có nghĩa là tỏ sự “dè-giữ” tức có tự chủ trong khi chúng ta đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu.—2 Ti-mô-thê 1:7.

16. Tại sao cần có đức tin và lòng can đảm để giữ mắt đơn thuần?

16 Muốn giữ mắt đơn thuần, chúng ta phải có đức tin và lòng can đảm. Thí dụ, nếu chủ đòi bạn thường xuyên phải làm việc vào ngày giờ mà mình có buổi họp hội thánh, liệu bạn có can đảm giữ đúng theo những điều ưu tiên của tín đồ Đấng Christ không? Nếu một người không tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện lời hứa là sẽ chăm sóc cho tôi tớ Ngài, thì Sa-tan chỉ cần tạo thêm áp lực và người đó có thể bỏ luôn nhóm họp. Đúng vậy, nếu thiếu đức tin, chúng ta có thể để mình rơi vào vòng kiểm soát của Sa-tan và rồi chính hắn, chứ không phải Đức Giê-hô-va, đặt những điều ưu tiên cho chúng ta. Đó là điều thảm hại biết bao!—2 Cô-rinh-tô 13:5.

Hãy “trông-đợi Đức Giê-hô-va”

17. Ngay trong hiện tại, những người tin cậy Đức Giê-hô-va được ban phước như thế nào?

17 Kinh Thánh nhiều lần cho thấy rằng những người trông đợi và tin cậy Đức Giê-hô-va không bao giờ thất vọng. (Châm-ngôn 3:5, 6; Giê-rê-mi 17:7) Đành rằng, đôi lúc phải bằng lòng với cuộc sống đơn giản hơn về vật chất, nhưng họ xem đó là một hy sinh nhỏ so với những ân phước sẽ được hưởng sau này. Qua thái độ đó, họ cho thấy mình “trông-đợi Đức Giê-hô-va” và tin tưởng rằng cuối cùng Ngài sẽ ban cho những người trung thành mọi điều công bình mà lòng họ ao ước. (Thi-thiên 37:4, 34) Vì vậy, họ thật sự vui mừng ngay cả trong hiện tại. “Sự trông-mong của người công-bình giáp sự vui-vẻ; còn sự trông-đợi của kẻ ác sẽ hư-mất đi”.—Châm-ngôn 10:28.

18, 19. (a) Đức Giê-hô-va yêu thương đưa ra lời bảo đảm nào cho chúng ta? (b) Chúng ta phải làm sao để Đức Giê-hô-va luôn ở “bên hữu” mình?

18 Khi một em bé nắm tay cha bước đi, em cảm thấy an toàn. Chúng ta cũng cảm thấy thế khi bước đi với Cha trên trời. Đức Giê-hô-va phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi;... ta sẽ giúp-đỡ ngươi... Vì ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:10, 13.

19 Hình ảnh đó gợi lên một cảm giác thật trìu mến—Đức Giê-hô-va nắm tay chúng ta! Đa-vít viết: “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; tôi chẳng hề bị rúng-động, vì Ngài ở bên hữu tôi”. (Thi-thiên 16:8) Chúng ta phải làm sao để Đức Giê-hô-va luôn ở “bên hữu” mình? Chúng ta làm thế ít nhất qua hai cách. Một là để Lời Ngài hướng dẫn chúng ta trong mọi khía cạnh của đời sống. Hai là nhắm vào phần thưởng vinh hiển mà Đức Giê-hô-va đặt trước mặt chúng ta. A-sáp, một soạn giả Thi-thiên, đã hát: “Tôi cứ ở cùng Chúa luôn luôn: Chúa đã nắm lấy tay hữu tôi. Chúa sẽ dùng sự khuyên-dạy mà dẫn-dắt tôi, rồi sau tiếp-rước tôi trong sự vinh-hiển”. (Thi-thiên 73:23, 24) Với lời bảo đảm như thế, chúng ta có thể tin tưởng hướng về tương lai.

“Sự giải-cứu của các ngươi gần tới”

20, 21. Tương lai nào đang chờ đón những người trông cậy nơi Đức Giê-hô-va?

20 Càng ngày chúng ta càng thấy mình cần có Đức Giê-hô-va ở bên hữu. Chẳng bao lâu nữa, khởi đầu với sự hủy diệt tôn giáo sai lầm, thế gian của Sa-tan sẽ phải đối mặt với cơn hoạn nạn chưa từng có bao giờ. (Ma-thi-ơ 24:21) Sự kinh hãi sẽ bao trùm thế gian không tin kính. Nhưng trong giai đoạn rối loạn đó, những tôi tớ can đảm của Đức Giê-hô-va sẽ vui mừng trong sự trông cậy! Chúa Giê-su nói: “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu của các ngươi gần tới”.—Lu-ca 21:28.

21 Vì vậy, chúng ta hãy vui mừng về sự trông cậy Đức Chúa Trời ban cho, không để mình bị cám dỗ hoặc lừa gạt bởi những cạm bẫy xảo quyệt của Sa-tan. Đồng thời, chúng ta cũng hãy cố gắng vun trồng đức tin, tình yêu thương và lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Làm thế chúng ta sẽ có can đảm để vâng theo Đức Giê-hô-va trong mọi hoàn cảnh và chống lại Ma-quỉ. (Gia-cơ 4:7, 8) Thật vậy, “hỡi các người trông-cậy nơi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí”.—Thi-thiên 31:24.

[Chú thích]

^ đ. 1 Mặc dù trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ “trông-cậy” thường ám chỉ phần thưởng ở trên trời của các tín đồ được xức dầu, nhưng bài này bàn luận đến sự trông cậy theo nghĩa thông thường.

Bạn có thể trả lời không?

• Nhờ có sự trông cậy, Chúa Giê-su đã can đảm như thế nào?

• Đức tin và sự trông cậy có liên quan với nhau như thế nào?

• Làm thế nào sự trông cậy và đức tin có thể giúp tín đồ Đấng Christ can đảm đặt những điều ưu tiên đúng chỗ trong đời sống?

• Tại sao những người “trông-đợi Đức Giê-hô-va” tin tưởng hướng về tương lai?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 28]

Dù già hay trẻ, bạn có thể hình dung mình ở trong Địa Đàng không?