Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Biết về Thượng Đế—Một mơ ước xa vời chăng?

Biết về Thượng Đế—Một mơ ước xa vời chăng?

Biết về Thượng Đế—Một mơ ước xa vời chăng?

“Sự sống đời đời là nhìn biết... [Thượng Đế] có một và thật”.—Giăng 17:3.

SỨ ĐỒ Phao-lô thốt lên: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11:33) Những lời này có làm chúng ta kết luận rằng sự “khôn-ngoan” và “thông-biết” của Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời, vượt quá khả năng con người và chúng ta không thể nào hiểu biết về Ngài cũng như ý định của Ngài không?

Đối với những nhà tư tưởng tôn giáo tin vào triết lý via negativa (triết lý phủ nhận) thì câu trả lời là đúng. Cuốn The Encyclopedia of Religion (Bách khoa tự điển tôn giáo) viết về triết lý này như sau: “Thượng Đế vượt quá sự hiểu biết của con người... Người ta không thể đặt tên hoặc định nghĩa về Thượng Đế. Bất cứ tên hoặc định nghĩa nào cũng có tính cách giới hạn, còn Thượng Đế thì vô hạn... Không ai có thể hiểu về Ngài, vì Ngài ở ngoài mọi tầm hiểu biết”. *

Còn trong xã hội không đặt nặng vấn đề tôn giáo, tạp chí Newsweek cho biết nhiều người thiên về “tư tưởng phổ biến mới”, theo đó, “chỉ có một chân lý duy nhất, và chân lý này là không có chân lý nào cả”.

Ngược lại, nhiều người chưa tìm được lời giải đáp về ý nghĩa của đời sống. Họ thấy những vấn đề thương tâm như nghèo khổ, dịch lệ và bạo lực. Đời sống bấp bênh khiến họ quá nản lòng. Họ khao khát tìm được lời giải đáp, nhưng khi không tìm ra thì họ kết luận rằng không có giải đáp nào cả. Thế nên, nhiều người đã rút khỏi các tôn giáo lớn và tìm cho mình một lối đi riêng để đến gần Thượng Đế—nếu họ vẫn tin là Thượng Đế hiện hữu.

Quan điểm của Kinh Thánh

Những người có thiện cảm với Kinh Thánh và tin Chúa Giê-su Christ là đấng đại diện cho Đức Chúa Trời nên tìm hiểu quan điểm của Kinh Thánh. Có lẽ bạn còn nhớ, một ngày kia Chúa Giê-su đã nói về hai con đường, “đường khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất”, và “đường chật dẫn đến sự sống”. Ngài giải thích làm thế nào để biết ai đang đi trên đường rộng hay đường chật: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận-biết được”. Những trái nào? Không phải qua lời nói, nhưng qua hành động, như Chúa Giê-su đã phân tích rõ: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý-muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi”. Tuyên bố mình tin nơi Đức Chúa Trời thì chưa đủ. Chúng ta phải làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Điều hợp lý là trước hết chúng ta phải hiểu biết chính xác ý muốn của Đức Chúa Trời là gì.—Ma-thi-ơ 7:13-23.

Chúa Giê-su cho thấy rõ việc tiếp thu sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài là điều con người có thể làm được. Ngài phán: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Vậy, rõ ràng chúng ta có thể tiếp thu sự khôn ngoan và thông biết mà Đức Chúa Trời soi dẫn, miễn là chúng ta nỗ lực tìm kiếm điều ấy. Ân phước mà Đức Chúa Trời ban cho là sự sống vĩnh cửu, thế nên công việc tìm kiếm thật đáng công.

[Chú thích]

^ đ. 4 Quan điểm tương tự được tìm thấy trong các tín ngưỡng truyền thống của phương Đông như Ấn Độ Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo.

[Hình nơi trang 4]

Chúa Giê-su nói đường chật dẫn đến sự sống