Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về điều thánh không?

Bạn có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về điều thánh không?

Bạn có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về điều thánh không?

“Khá coi chừng... cho trong anh em chớ có ai gian-dâm, cũng đừng có ai khinh-lờn [“điều thánh”, “NW”]”.—HÊ-BƠ-RƠ 12:15, 16.

1. Tôi tớ Đức Giê-hô-va không chấp nhận tinh thần nào hiện đang thịnh hành?

THẾ GIỚI nói chung ngày càng ít để ý đến những điều thiêng liêng. Nhà xã hội học người Pháp là Edgar Morin đã nói: “Người ta bắt đầu nghi ngờ mọi nền tảng của giá trị đạo đức—Thượng Đế, thiên nhiên, quê hương, lịch sử, lẽ phải... Họ tự chọn tiêu chuẩn riêng”. Điều này phản ánh “[tinh] thần thế-gian”, tức là “thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch”. (1 Cô-rinh-tô 2:12; Ê-phê-sô 2:2) Những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và sẵn sàng vâng phục quyền tối thượng chính đáng của Ngài thì không chấp nhận tinh thần bất kính đó. (Rô-ma 12:1, 2) Thay vì thế, trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va, tôi tớ Ngài nhận biết rõ vai trò trọng yếu của những điều thiêng liêng, hoặc những điều thánh. Điều gì trong đời sống cần phải được xem là thánh? Bài này sẽ bàn đến năm điều được xem là thánh đối với tất cả tôi tớ Đức Chúa Trời. Bài sau sẽ tập trung vào tính chất thánh của các buổi họp đạo Đấng Christ. Nhưng chữ “thánh” thực sự có nghĩa gì?

2, 3. (a) Kinh Thánh nhấn mạnh sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Làm thế nào để cho thấy rằng chúng ta xem danh Đức Giê-hô-va là thánh?

2 Theo tiếng Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh, chữ “thánh” hàm ý “tách biệt”. Liên quan đến sự thờ phượng, từ “thánh” áp dụng cho những gì tách biệt khỏi những thứ tầm thường, hoặc những gì được xem là thiêng liêng. Đức Giê-hô-va là thánh theo nghĩa tuyệt đối. Ngài được gọi là “Đấng Chí Thánh”. (Châm-ngôn 9:10, Tòa Tổng Giám Mục) Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, thầy tế lễ thượng phẩm đội mũ có buộc thẻ bằng vàng, trên có khắc hàng chữ “Thánh cho Đức Giê-hô-va”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:36, 37) Những chê-ru-bim và sê-ra-phim trên trời đứng gần ngôi Đức Giê-hô-va, và theo sự miêu tả của Kinh Thánh, họ kêu lớn tiếng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 6:2, 3; Khải-huyền 4:6-8) Sự lặp lại này nhằm nhấn mạnh rằng Đức Giê-hô-va thánh khiết, thanh sạch và tinh khiết tột bậc. Thật thế, Ngài là Nguồn của mọi điều thánh.

3 Danh Đức Giê-hô-va là danh thánh. Người viết Thi-thiên thốt lên: “Ngài đã sai cứu-chuộc dân Ngài, truyền lập giao-ước Ngài đến đời đời. Danh Ngài là thánh, đáng kính-sợ”. (Thi-thiên 111:9) Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh”. (Ma-thi-ơ 6:9) Mẹ Chúa Giê-su là bà Ma-ri đã nói: “Linh-hồn tôi ngợi-khen Chúa... Đấng Toàn-Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh”. (Lu-ca 1:46, 49) Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta xem danh Ngài là thánh và tránh bất cứ điều gì làm ô danh thánh ấy. Và chúng ta có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về điều thánh, nghĩa là chúng ta xem thánh những điều Ngài cho là thánh.—A-mốt 5:14, 15.

Tại sao chúng ta tôn kính Chúa Giê-su?

4. Tại sao Kinh Thánh gọi Chúa Giê-su là “Đấng Thánh”?

4 Là “Con một” của Đức Chúa Trời thánh, Chúa Giê-su là thánh khi được tạo ra. (Giăng 1:14; Cô-lô-se 1:15; Hê-bơ-rơ 1:1-3) Do đó, ngài được gọi là “Đấng Thánh của Đức Chúa Trời”. (Giăng 6:69) Khi sự sống ngài được chuyển từ trời xuống trái đất, Chúa Giê-su vẫn thánh khiết, vì bởi quyền lực của thánh linh mà bà Ma-ri đã sinh ngài ra. Thiên sứ đã nói với bà: “Thánh-Linh sẽ đến trên ngươi... cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 1:35) Trong lời cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, các tín đồ ở Giê-ru-sa-lem đã hai lần gọi Con của Đức Chúa Trời là “Đầy-tớ thánh của Ngài là Đức Chúa Jêsus”.—Công-vụ 4:27, 30.

5. Khi sống trên đất, Chúa Giê-su thực hiện sứ mạng thánh nào, và tại sao huyết ngài quý báu?

5 Trong lúc sống trên đất, Chúa Giê-su có một sứ mạng thánh để thực hiện. Khi làm báp têm năm 29 CN, Chúa Giê-su được xức dầu làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm để phục vụ trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va. (Lu-ca 3:21, 22; Hê-bơ-rơ 7:26; 8:1, 2) Ngoài ra, ngài còn phó sự sống để làm của-lễ. Ngài đã đổ huyết ra nhằm cung cấp giá chuộc, qua đó loài người tội lỗi có thể được cứu. (Ma-thi-ơ 20:28; Hê-bơ-rơ 9:14) Vì thế, chúng ta xem huyết Chúa Giê-su là thánh, nghĩa là quý báu.—1 Phi-e-rơ 1:19.

6. Chúng ta nên có thái độ nào đối với Chúa Giê-su Christ, và tại sao?

6 Nói về việc chúng ta tôn kính vị Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm là Chúa Giê-su Christ, sứ đồ Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời đã đem [Con Ngài] lên rất cao, và ban cho [Con Ngài] danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus-Christ là Chúa, mà tôn-vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”. (Phi-líp 2:9-11) Chúng ta cho thấy mình có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về điều thánh bằng cách vui lòng vâng phục Đấng Lãnh Đạo và Vua chúng ta là Chúa Giê-su Christ, đấng làm đầu hội thánh tín đồ Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 23:10; Cô-lô-se 1:18.

7. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình vâng phục Đấng Christ?

7 Vâng phục Đấng Christ cũng có nghĩa là chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với những người ngài dùng để dẫn đầu trong công việc mà ngài hiện đang chỉ đạo. Đó là những anh xức dầu hợp thành Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, và những giám thị được họ bổ nhiệm để phục vụ tại các trụ sở chi nhánh, trong các địa hạt, vòng quanh và hội thánh. Chúng ta nên xem vai trò của những người này là trách nhiệm thánh. Vì thế, chúng ta phải tôn trọng và vâng theo sự sắp đặt này.—Hê-bơ-rơ 13:7, 17.

Một dân thánh

8, 9. (a) Dân Y-sơ-ra-ên là một dân thánh theo nghĩa nào? (b) Làm thế nào Đức Giê-hô-va khắc ghi vào tâm trí dân Y-sơ-ra-ên nguyên tắc về sự thánh khiết?

8 Đức Giê-hô-va lập một giao ước với dân Y-sơ-ra-ên. Qua mối quan hệ này, quốc gia mới thành lập có một địa vị đặc biệt. Họ được làm nên thánh, tức biệt riêng ra. Chính Đức Giê-hô-va đã nói với họ: “Đối cùng ta các ngươi hãy nên thánh, vì ta, Đức Giê-hô-va, là thánh; ta đã phân-rẽ các ngươi với các dân, để các ngươi thuộc về ta”.—Lê-vi Ký 19:2; 20:26.

9 Ngay từ lúc mới thành lập nước Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va đã khắc ghi vào tâm trí dân Y-sơ-ra-ên nguyên tắc về sự thánh khiết. Họ không được chạm đến núi nơi Ngài ban Mười Điều Răn, nếu vi phạm thì bị xử tử. Theo một ý nghĩa, Núi Si-na-i lúc ấy được xem là thánh. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:12, 23) Chức thầy tế lễ, đền tạm và đồ đạc trong đó cũng phải được xem là thánh. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:26-30) Còn hội thánh tín đồ Đấng Christ thì sao?

10, 11. Tại sao có thể nói hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu là thánh, và điều này tác động thế nào đến “chiên khác”?

10 Hội thánh tín đồ Đấng Christ, gồm những người xức dầu, được Đức Giê-hô-va xem là thánh. (1 Cô-rinh-tô 1:2) Thật vậy, toàn thể những tín đồ Đấng Christ xức dầu ở trên đất vào bất cứ thời điểm nào cũng được ví như là đền thờ thánh, dù họ không hợp thành đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va ngự trong đền thờ đó qua thánh linh Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết: “Cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp-đặt cách hẳn-hoi, để làm nên một đền-thờ thánh trong Chúa. Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh-Linh”.—Ê-phê-sô 2:21, 22; 1 Phi-e-rơ 2:5, 9.

11 Phao-lô còn viết thêm những lời sau cho các tín đồ xức dầu: “Anh em há chẳng biết mình là đền-thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh-Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?... Đền-thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền-thờ”. (1 Cô-rinh-tô 3:16, 17) Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va “ở” giữa những người xức dầu và “đi lại giữa họ”. (2 Cô-rinh-tô 6:16) Ngài luôn luôn hướng dẫn “đầy-tớ” trung tín của Ngài. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Những “chiên khác” quý trọng đặc ân được kết hợp với lớp người đền thờ này.—Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 25:37-40.

Những điều thánh trong đời sống tín đồ Đấng Christ

12. Những điều gì là thánh trong đời sống chúng ta, và tại sao?

12 Không ngạc nhiên gì khi nhiều điều liên quan đến đời sống những thành viên xức dầu và bạn đồng hành của họ được xem là thánh. Mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va là một điều thánh. (1 Sử-ký 28:9; Thi-thiên 36:7) Mối quan hệ này vô cùng quý báu nên chúng ta không để cho bất kỳ điều gì hay người nào xen vào và làm cho nó suy yếu. (2 Sử-ký 15:2; Gia-cơ 4:7, 8) Cầu nguyện đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ gắn bó với Đức Giê-hô-va. Cầu nguyện là điều vô cùng thiêng liêng đối với nhà tiên tri Đa-ni-ên. Vì thế, dù có thể bị mất mạng, ông vẫn giữ thói quen cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. (Đa-ni-ên 6:7-11) “Lời cầu-nguyện của các thánh-đồ”, tức của những tín đồ xức dầu, được ví như hương dùng trong việc thờ phượng tại đền thờ. (Khải-huyền 5:8; 8:3, 4; Lê-vi Ký 16:12, 13) Điều tượng trưng này nhấn mạnh tính thiêng liêng của lời cầu nguyện. Quả là một đặc ân được liên lạc với Đấng Tối Thượng của hoàn vũ! Không có gì lạ khi xem việc cầu nguyện là điều thánh trong đời sống chúng ta!

13. Lực nào là thánh, làm sao để cho lực đó hoạt động trong đời sống chúng ta?

13 Trong đời sống các tín đồ được xức dầu và những bạn đồng hành, có một lực mạnh mẽ mà chắc chắn họ xem là thánh; đó là thánh linh. Đây là sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va, và vì lực này luôn luôn hành động hòa hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời thánh nên được gọi một cách thích hợp là “Thánh-Linh”. (Giăng 14:26) Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va ban cho tôi tớ Ngài sức mạnh để rao giảng tin mừng. (Công-vụ 1:8; 4:31) Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho những người “vâng lời Ngài” và những người “bước đi theo Thánh-Linh” chứ không theo những điều ưa muốn của xác thịt. (Công-vụ 5:32; Ga-la-ti 5:16, 25; Rô-ma 8:5-8) Lực mạnh mẽ này có khả năng giúp tín đồ Đấng Christ sinh ra “trái của Thánh-Linh”—những đức tính tốt—và “nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở”. (Ga-la-ti 5:22, 23; 2 Phi-e-rơ 3:11) Nếu xem thánh linh là điều thánh, chúng ta sẽ tránh làm bất kỳ điều gì có thể làm buồn thánh linh, hoặc cản trở thánh linh hoạt động trong đời sống mình.—Ê-phê-sô 4:30.

14. Những người xức dầu xem đặc ân nào là thánh, và các chiên khác tham gia vào đặc ân này như thế nào?

14 Đặc ân mang danh Đức Chúa Trời thánh, Đức Giê-hô-va, và làm Nhân Chứng của Ngài cũng là điều chúng ta xem là thánh. (Ê-sai 43:10-12, 15) Những tín đồ Đấng Christ xức dầu đã được Đức Giê-hô-va ban cho khả năng để “giúp việc giao-ước mới”. (2 Cô-rinh-tô 3:5, 6) Với tư cách đó, họ được giao sứ mạng rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” và đào tạo muôn dân thành môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Những người xức dầu trung thành thực hiện sứ mạng này, và hàng triệu người giống như chiên đang đáp ứng, như thể nói với họ rằng: “Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”. (Xa-cha-ri 8:23) Những người như chiên này vui mừng phụng sự theo nghĩa thiêng liêng như kẻ “cày ruộng” và “trồng nho” cho những người xức dầu đang hầu việc Đức Chúa Trời. Bằng cách đó, các chiên khác giúp ích rất nhiều cho những người xức dầu để hoàn tất thánh chức trên toàn cầu.—Ê-sai 61:5, 6.

15. Sứ đồ Phao-lô xem công việc nào là thánh, và tại sao chúng ta có cùng quan điểm đó?

15 Sứ đồ Phao-lô là một trong những người xem công việc rao giảng là điều thánh. Ông xưng mình là người làm “chức-việc của Đức Chúa Jêsus-Christ giữa dân ngoại, làm chức tế-lễ của Tin-lành Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 15:16) Khi viết thư cho tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô gọi thánh chức của ông là “của quí”. (2 Cô-rinh-tô 4:1, 7) Qua công việc rao giảng, chúng ta rao báo “lời sấm-truyền của Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 4:11) Vì thế, dù là những người xức dầu hay thuộc các chiên khác, chúng ta xem công việc làm chứng là đặc ân thánh.

“Lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh”

16. Điều gì giúp chúng ta tránh trở thành người “khinh-lờn điều thánh”?

16 Sứ đồ Phao-lô khuyên những anh em đồng đạo chớ “khinh-lờn điều thánh”. Thay vì thế, ông khuyên họ “tìm theo sự nên thánh” và “coi chừng... kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn-trở và làm ô-uế phần nhiều trong anh em”. (Hê-bơ-rơ 12:14-16) Từ “rễ đắng” ám chỉ một vài người trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, có thể họ đã chỉ trích cách sắp xếp và điều hành trong hội thánh. Thí dụ, họ có lẽ không đồng ý với quan điểm của Đức Giê-hô-va về tính thiêng liêng của hôn nhân hoặc việc cần phải giữ đạo đức trong sạch. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7; Hê-bơ-rơ 13:4) Hoặc họ thảo luận và truyền bá tư tưởng bội đạo, “những lời hư-không phàm-tục” của những người đã “xây-bỏ lẽ thật”.—2 Ti-mô-thê 2:16-18.

17. Tại sao những người xức dầu phải luôn cố gắng phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự thánh khiết?

17 Phao-lô viết cho những anh em xức dầu: “Hỡi những kẻ rất yêu-dấu của tôi,... hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta”. (2 Cô-rinh-tô 7:1) Câu này cho thấy những tín đồ Đấng Christ xức dầu, là “kẻ dự phần ơn trên trời gọi”, cần phải luôn cố gắng phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự thánh khiết trong mọi khía cạnh đời sống. (Hê-bơ-rơ 3:1) Tương tự, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên những anh em được xức dầu: “Anh em đã nên như con-cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm-dục, là sự cai-trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê-muội. Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn-ở mình”.—1 Phi-e-rơ 1:14, 15.

18, 19. (a) Những người thuộc đám đông “vô-số người” cho thấy họ có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va như thế nào? (b)  Đặc điểm thánh nào khác trong đời sống tín đồ Đấng Christ sẽ được xem xét trong bài kế tiếp?

18 Còn những người thuộc đám đông “vô-số người”, tức những người sẽ được sống sót qua “cơn đại-nạn” thì sao? Họ cũng cần phải chứng tỏ là mình có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về điều thánh. Trong sách Khải-huyền, họ được miêu tả như những người đang “hầu việc” Đức Giê-hô-va tại sân trên đất của đền thờ thiêng liêng. Họ đã đặt đức tin nơi giá chuộc của Đấng Christ, biểu trưng việc “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. (Khải-huyền 7:9, 14, 15) Nhờ đó, họ có được một vị thế thanh sạch trước mặt Đức Giê-hô-va. Như vậy, họ cần phải “làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta”.

19 Trong đời sống của những tín đồ Đấng Christ xức dầu và bạn đồng hành của họ, một đặc điểm quan trọng là đều đặn nhóm lại để thờ phượng Đức Giê-hô-va và học Lời Ngài. Đức Giê-hô-va xem các buổi nhóm họp của dân Ngài là điều thánh. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào và tại sao chúng ta cần có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về điều thánh trong lãnh vực trọng yếu này.

Để ôn lại

• Tôi tớ của Đức Giê-hô-va không chấp nhận quan điểm nào của thế gian?

• Tại sao Đức Giê-hô-va là Nguồn của mọi điều thánh?

• Làm thế nào chúng ta cho thấy mình xem trọng sự thánh khiết của Chúa Giê-su?

• Trong đời sống, chúng ta cần phải xem điều gì là thánh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, chức tế lễ, đền tạm và đồ đạc trong đó đều được xem là thánh

[Hình nơi trang 24]

Khi còn ở trên đất, tín đồ Đấng Christ được xức dầu hợp thành một đền thờ thánh

[Các hình nơi trang 25]

Cầu nguyện và công việc rao giảng là đặc ân thánh