Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nguồn hướng dẫn đáng tin cậy để nuôi dạy con

Nguồn hướng dẫn đáng tin cậy để nuôi dạy con

Nguồn hướng dẫn đáng tin cậy để nuôi dạy con

“LÚC ẤY tôi mới 19 tuổi, sống xa gia đình, và hoàn toàn chưa sẵn sàng làm mẹ”, chị Ruth đã nói như thế về lần có thai đầu tiên. Chị lại là con một nên không quan tâm nhiều đến việc làm mẹ. Vậy, chị biết tìm đâu nguồn hướng dẫn đáng tin cậy?

Anh Jan thì ngược lại. Giờ đây khi ba người con đã trưởng thành, anh kể: “Thoạt tiên, tôi rất tự tin. Nhưng sau đó không lâu, tôi bắt đầu nhận ra là mình thiếu kiến thức thực tiễn”. Dù lúng túng ngay từ đầu hoặc mất phương hướng giữa đường, các bậc cha mẹ có thể tìm nơi đâu sự trợ giúp để nuôi dạy con?

Hiện nay, ngày càng có nhiều người tìm lời khuyên trên Internet. Tuy nhiên, có lẽ bạn tự hỏi những thông tin ấy đáng tin cậy đến mức nào. Chúng ta có lý do để thận trọng. Bạn có biết lời khuyên trên mạng là của ai không? Người khuyên thành công đến mức nào trong việc nuôi dạy con? Rõ ràng, chúng ta phải thận trọng đối với những vấn đề ảnh hưởng đến gia đình. Như bài trước đã đề cập, đôi khi những lời khuyên của các chuyên gia cũng không mang lại kết quả mong muốn. Vậy, bạn biết tìm lời khuyên nơi đâu?

Nguồn hướng dẫn tối thượng trong việc nuôi dạy con cái là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng sáng lập gia đình. (Ê-phê-sô 3:15) Ngài thật sự là “chuyên gia” duy nhất trong lĩnh vực này. Kinh Thánh, Lời Ngài, cung cấp những chỉ dẫn đáng tin cậy, thiết thực và hiệu quả. (Thi-thiên 32:8; Ê-sai 48:17, 18) Nhưng, áp dụng là phần của chúng ta.

Khi được mời chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái nên người và kính sợ Đức Chúa Trời, một số bậc cha mẹ cho biết bí quyết của họ là áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Họ nhận thấy lời khuyên trong Kinh Thánh rất thiết thực cho ngày nay cũng như thời Kinh Thánh được viết ra.

Dành thời gian cho con

Khi được hỏi lời khuyên nào giúp chị nhiều nhất trong việc nuôi dạy con, chị Catherine, một người mẹ có hai con, dẫn chiếu ngay Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7. Câu ấy nói: “Khá ân-cần dạy-dỗ [nguyên tắc của Kinh Thánh] cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”. Để làm theo lời khuyên đó, chị Catherine hiểu mình phải dành nhiều thời gian cho con.

Bạn có thể nghĩ: ‘Nói bao giờ cũng dễ hơn làm’. Đối với những gia đình mà cả hai vợ chồng đều phải đầu tắt mặt tối để kiếm sống, làm thế nào họ dành ra nhiều thời gian hơn cho con? Anh Torlief, nay đã là ông nội, cho biết điều quan trọng là làm theo lời chỉ dẫn cụ thể nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký. Nếu đi đâu bạn cũng hay dẫn con theo, cơ hội trò chuyện sẽ đến một cách tự nhiên. Anh nói: “Cha con tôi cùng làm việc nhà. Cả gia đình cùng dùng bữa và đi chơi chung”. Nhờ thế, anh cho biết: “Con trai tôi luôn cảm thấy dễ dàng bày tỏ cảm nghĩ của cháu”.

Tuy nhiên, nếu mối liên lạc giữa cha mẹ và con cái gặp trở ngại và không thể trò chuyện cởi mở thì sao? Điều này thỉnh thoảng xảy ra khi con cái đến tuổi vị thành niên. Một lần nữa, việc dành nhiều thời gian hơn cho con có thể giúp ích. Anh Ken, chồng chị Catherine, cho biết khi đến tuổi vị thành niên con gái anh chị hay than phiền rằng anh không chịu lắng nghe. Đó là lời than phiền thông thường của giới trẻ. Anh có thể làm gì đây? Anh Ken tâm sự: “Tôi quyết tâm dành nhiều thời gian hơn để hai cha con trò chuyện với nhau về những ý tưởng, cảm xúc và bất mãn trong lòng cháu. Làm như thế thật hiệu quả”. (Châm-ngôn 20:5) Tuy nhiên, anh Ken tin rằng sở dĩ phương pháp này thành công là nhờ gia đình anh đã có thói quen trò chuyện với nhau. Anh nói: “Cha con tôi luôn có mối quan hệ thân thiết, do đó, cháu cảm thấy dễ tâm sự”.

Thật thú vị khi biết rằng trong vấn đề cha mẹ và con cái dành cho nhau thời gian quá ít, một cuộc nghiên cứu gần đây cho biết, tỉ lệ trẻ vị thành niên than phiền về điều này cao gấp ba lần so với các bậc cha mẹ. Vậy, tại sao không theo lời khuyên của Kinh Thánh? Hãy cố gắng dành càng nhiều thời gian càng tốt cho con cái—lúc nghỉ ngơi cũng như khi làm việc, lúc ở nhà cũng như khi đi ngoài đường, lúc thức dậy cũng như trước khi đi ngủ. Nếu có thể, đi đâu cũng nên dẫn con theo. Như Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7 khuyên, việc dành thời gian cho con cái là điều không gì có thể thay thế được.

Dạy cho con những chân giá trị

Anh Mario, cha của hai người con, cũng khuyên: “Hãy bộc lộ tình thương với con cái thật nhiều, và đọc cho chúng nghe”. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề kích thích khả năng suy nghĩ của con trẻ. Bạn cần dạy cho chúng biết phân biệt phải trái. Anh Mario nói thêm: “Hãy học Kinh Thánh chung với các con”.

Vì thế, Kinh Thánh khuyên các bậc cha mẹ: “Chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”. (Ê-phê-sô 6:4) Ngày nay, nhiều gia đình thiếu việc hướng dẫn đạo đức cho con cái. Một số người tin rằng khi lớn lên, con cái có thể tự quyết định những giá trị để sống theo. Đối với bạn, điều này có hợp lý không? Cơ thể con trẻ cần dinh dưỡng đầy đủ để phát triển và khỏe mạnh, cũng vậy, lòng và trí non nớt của trẻ cũng cần được uốn nắn thích đáng. Nếu trong khuôn khổ gia đình, con cái bạn không được giáo dục về những giá trị đạo đức, rất có thể chúng sẽ rập khuôn theo quan điểm của các bạn cùng lớp, thầy cô hoặc bị ảnh hưởng các phương tiện truyền thông.

Kinh Thánh giúp cha mẹ dạy dỗ con cái biết phân biệt phải trái. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Anh Jeff, một tín đồ Đấng Christ giàu kinh nghiệm, và giữ chức trưởng lão trong hội thánh, từng nuôi nấng hai con, khuyên nên dùng Kinh Thánh để dạy dỗ những chân giá trị cho con cái. Anh nói: “Việc dùng Kinh Thánh giúp con trẻ ý thức không chỉ có cha và mẹ, mà cả Đấng Tạo Hóa nghĩ thế nào về một vấn đề. Điều đáng lưu ý là Kinh Thánh tác động vô cùng mạnh mẽ trên trí và lòng. Để chỉnh sửa những ý nghĩ hoặc hành vi sai trái của các con, chúng tôi dành thời gian tìm một câu Kinh Thánh thích hợp. Sau đó, khi nói chuyện riêng với con, chúng tôi cho cháu đọc câu Kinh Thánh. Kết cục thường là mắt cháu sẽ ngấn lệ, đôi khi nước mắt tuôn xuống như mưa. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Kinh Thánh tác động mạnh mẽ hơn bất cứ lời nói hoặc hành động nào mà chúng tôi có thể nghĩ ra”.

Hê-bơ-rơ 4:12 giải thích: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm,... xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng”. Thế nên, nội dung Kinh Thánh không phải là quan điểm hay kinh nghiệm của những người phàm đã được Đức Chúa Trời dùng để viết Lời Ngài. Đúng hơn, Kinh Thánh là quan điểm của Đức Chúa Trời về những vấn đề đạo đức. Do đó, Kinh Thánh độc đáo hơn các nguồn hướng dẫn khác. Sử dụng Kinh Thánh để dạy dỗ con cái là bạn đang giúp chúng có quan điểm của Đức Chúa Trời về mọi vấn đề. Cách dạy dỗ của bạn sẽ có sức thuyết phục hơn, và bạn có hy vọng động đến lòng của con trẻ hơn.

Chị Catherine, đã đề cập ở trên, đồng ý quan điểm này. Chị cho biết: “Tình huống càng khó khăn, chúng tôi càng tìm sự hướng dẫn trong Lời Đức Chúa Trời—điều đó thật hiệu quả!” Bạn có thể dùng Kinh Thánh nhiều hơn trong việc dạy dỗ con cái biết phân biệt phải trái không?

Hãy tỏ ra phải lẽ

Sứ đồ Phao-lô cho thấy một nguyên tắc quan trọng khác cũng rất hữu ích trong việc nuôi dạy con. Ông khuyên các anh em đồng đạo: “Hãy cho mọi người đều biết nết nhu-mì [“tính phải lẽ”, NW] của anh em”. (Phi-líp 4:5) Mọi người ở đây cũng gồm con cái. Chúng cần nhận thấy tính phải lẽ của chúng ta. Hãy nhớ rằng, tính “nhu-mì”, tức phải lẽ, phản ánh sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”.—Gia-cơ 3:17.

Tuy nhiên, tính phải lẽ liên quan thế nào đến việc dạy dỗ con? Chúng ta gắng hết sức giúp đỡ con cái, nhưng không điều khiển mọi hành vi của chúng. Như trường hợp anh Mario, một Nhân Chứng Giê-hô-va được đề cập ở trên, cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích các con tiến đến việc làm báp têm, tham gia thánh chức trọn thời gian và các mục tiêu thiêng liêng khác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nói rõ khi đến lúc thích hợp, các cháu sẽ tự quyết định”. Kết quả thế nào? Hiện nay, hai người con của anh đều là nhà truyền giáo trọn thời gian.

Kinh Thánh khuyên các người cha nơi Cô-lô-se 3:21: “Chớ hề chọc giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng”. Chị Catherine rất tâm đắc với câu đó. Khi cha mẹ mất kiên nhẫn thì dễ nổi nóng hoặc trở nên khắt khe. Song, chị cho biết “đừng đòi hỏi con trẻ phải làm được như bạn”. Là một Nhân Chứng Giê-hô-va, chị Catherine nói thêm: “Hãy làm cho con cái cảm thấy vui thích phụng sự Đức Giê-hô-va”.

Anh Jeff, đã được đề cập ở trên, mách cho lời khuyên thiết thực này: “Khi con cái chúng tôi lớn lên, một người bạn thân nói với chúng tôi rằng anh ấy tự nhận thấy mình thường từ chối những yêu cầu của bọn trẻ. Điều đó khiến chúng nản lòng và cảm thấy bị gò bó. Vậy, để tránh tình trạng này, anh khuyên chúng tôi nên tìm cơ hội để nói ‘được’ với các con”.

Anh Jeff nói tiếp: “Chúng tôi nhận thấy đây là lời khuyên khôn ngoan. Thế nên, chúng tôi tìm cơ hội để các con vui chơi với những đứa trẻ khác trong những dịp mà chúng tôi chấp nhận được. Sau đó chúng tôi nói với con: ‘Con có biết bạn A, bạn B sắp làm điều này, điều nọ không? Sao con không cùng đi?’ Hoặc khi bọn trẻ đòi chúng tôi dẫn đi chơi đâu đó, dù mệt mỏi, chúng tôi cũng chịu khó đi với chúng nhằm tránh nói tiếng ‘không’ với con”. Đó chính là tinh thần của tính phải lẽ—công bằng, quan tâm, chiều theo ý muốn con cái nhưng vẫn giữ vững các nguyên tắc Kinh Thánh.

Nguồn hướng dẫn đáng tin cậy mang lại lợi ích

Hầu hết các cặp vợ chồng trên nay đã lên chức ông bà. Họ vui mừng nhận thấy, những nguyên tắc Kinh Thánh từng giúp họ nay cũng giúp con cái họ thành công với trọng trách làm cha mẹ. Bạn có thể hưởng lợi ích từ nguồn hướng dẫn khôn ngoan của Kinh Thánh không?

Khi sinh con và trở thành mẹ, chị Ruth, được nói đến ở đầu bài, đôi khi cảm thấy vợ chồng chị phải một mình vật lộn với trọng trách nuôi dạy con. Nhưng không phải thế. Họ có Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, là nguồn hướng dẫn tối ưu. Nhân Chứng Giê-hô-va đã xuất bản nhiều ấn phẩm tuyệt vời để học Kinh Thánh và trợ giúp các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con. Những ấn phẩm này gồm Hãy học theo Thầy Vĩ Đại, Sách kể chuyện Kinh Thánh, Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Người vĩ đại nhất đã từng sống. Anh Torlief, chồng chị Ruth, nói: “Ngày nay các bậc cha mẹ có cả một kho tàng lời khuyên quý báu trong tầm tay. Chỉ cần đem ra sử dụng, họ sẽ có nguồn trợ giúp để đối phó với mọi vấn đề trong quá trình nuôi dạy con cái”.

[Khung/​Hình nơi trang 5]

Lời khuyên của các CHUYÊN GIA... Lời khuyên của KINH THÁNH

Về việc biểu lộ sự trìu mến:

Trong cuốn The Psychological Care of Infant and Child (Tâm lý trẻ em), xuất bản năm 1928, Tiến Sĩ John Broadus Watson khuyên các bậc cha mẹ: “Đừng ôm ấp và hôn” con trẻ. “Đừng để chúng ngồi trong lòng bạn”. Tuy nhiên gần đây, trong tạp chí Our Children (số tháng 3 năm 1999), các Tiến Sĩ Vera Lane và Dorothy Molyneaux lại nói: “Các cuộc nghiên cứu cho thấy những trẻ thiếu sự vuốt ve âu yếm và những biểu hiện trìu mến thường không phát triển toàn diện”.

Ê-sai 66:12 cho thấy Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương trìu mến của một người cha đối với dân Ngài. Tương tự thế, khi các môn đồ không cho người ta đem con trẻ đến gần Chúa Giê-su, ngài đã sửa quan điểm của họ: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó”. Rồi ngài “bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho”.—Mác 10:14, 16.

Về việc dạy trẻ những chân giá trị:

Năm 1969, tạp chí New York Times Magazine đăng một bài của Tiến Sĩ Bruno Bettelheim nhấn mạnh việc con trẻ có “quyền phát huy lối suy nghĩ riêng, dựa vào kinh nghiệm bản thân, và không phải chịu ảnh hưởng [lời thuyết giáo] khắt khe của [cha mẹ]”. Tuy nhiên không tới 30 năm sau, Tiến Sĩ Robert Coles, tác giả cuốn The Moral Intelligence of Children (Nhận thức đạo đức của trẻ), xuất bản năm 1997, thừa nhận: “Con trẻ rất cần có mục tiêu và phương hướng trong đời sống, một khuôn khổ đạo lý” được cha mẹ và những người lớn khác công nhận.

Châm-ngôn 22:6 khuyên các bậc cha mẹ: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “dạy” cũng có nghĩa là “khai tâm”, và ở đây chỉ về việc bắt đầu dạy dỗ cho con thơ những bài học đầu tiên. Do đó, cha mẹ được khuyến khích nên bắt đầu dạy những chân giá trị cho con từ khi chúng còn thơ ấu. (2 Ti-mô-thê 3:14, 15) Những gì trẻ học được trong những năm hình thành nhân cách, hẳn chúng sẽ không quên.

Về kỷ luật:

Trong cuốn The Strong-Willed Child (Trẻ có cá tính mạnh), xuất bản năm 1978, Tiến Sĩ James Dobson viết: “Trong tay người thương con, roi vọt là phương tiện dạy dỗ nhằm ngăn ngừa những tật xấu”. Trái lại, trong bài báo dựa vào ấn bản lần thứ bảy (1998) của cuốn sách nổi tiếng Baby and Child Care (Chăm sóc trẻ), Tiến Sĩ Benjamin Spock cho biết: “Đòn vọt chỉ làm cho trẻ nghĩ rằng người lớn, người mạnh thì có quyền làm theo ý mình, dù người ấy đúng hay sai”.

Về sự sửa phạt, Kinh Thánh nói: “Roi-vọt và sự quở-trách ban cho sự khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 29:15) Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng cần đến roi vọt. Châm-ngôn 17:10 cho chúng ta biết: “Lời quở-trách thấm sâu vào người khôn-ngoan, hơn là trăm roi đánh vào kẻ ngu-muội”.

[Hình]

Dùng Kinh Thánh để động đến lòng

[Hình nơi trang 7]

Các bậc cha mẹ khôn ngoan biết tổ chức các cuộc vui chơi cho con cái