Thời thịnh suy của các “chuyên gia”
Thời thịnh suy của các “chuyên gia”
NGÀY NAY người ta có thể lên mạng Internet để tìm thông tin về việc nuôi dạy con cái. Chỉ cần gõ vào bàn phím, bạn sẽ có ngay hàng triệu nguồn tài liệu tham khảo. Nếu dành thời gian để xem qua mỗi tài liệu, thì khi bạn chưa kịp đọc hết, con cái đã đủ lông đủ cánh, rời tổ bay xa.
Trước thời của các bác sĩ khoa nhi, các chuyên gia tâm lý trẻ em, và thời của Internet, các bậc cha mẹ tìm nguồn hướng dẫn nơi đâu? Thông thường, họ tìm lời khuyên của những người trong đại gia đình. Cha, mẹ, cô, dì, chú, bác đều sẵn lòng và có thể cho lời hướng dẫn, trợ giúp về tài chính, ngay cả đảm nhận việc trông trẻ. Tuy nhiên tại nhiều xứ, người dân từ nông thôn đổ về thành phố để mưu sinh, làm cho mối quan hệ họ hàng ấy không còn mật thiết. Ngày nay, các bậc cha mẹ thường cảm thấy họ đơn độc trong cuộc vật lộn với trọng trách nuôi dạy con.
Rõ ràng đây là lý do tại sao các dịch vụ hiện đại phục vụ cho nhu cầu nuôi dạy trẻ em lại phát triển nhanh đến thế. Một lý do khác là nhiều người tin nơi khoa học. Vào cuối thập niên 1800, dân Mỹ tin rằng khoa học có thể cải thiện mọi khía cạnh của đời sống. Vì thế, sao không ứng dụng khoa học vào việc nuôi dạy con cái? Do đó, vào năm 1899 khi Hội Các Bà Mẹ Hoa Kỳ báo động về tình trạng “cha mẹ thiếu kỹ năng nuôi dạy con”, nhiều “chuyên gia khoa học” đã nhanh chóng lên tiếng hứa hẹn sẽ giúp các bậc cha mẹ đang lúng túng trong vấn đề này.
Nuôi dạy con theo sách vở
Nhưng các chuyên gia này làm được những gì? Ngày nay, các bậc cha mẹ có bớt lo âu và được trang bị tốt hơn trong việc nuôi dạy con, so với thế hệ trước không? Theo một cuộc thăm dò gần đây ở Anh thì không. Khoảng 35 phần trăm các bậc cha mẹ có con nhỏ vẫn đang tìm nguồn hướng dẫn đáng tin cậy. Những người khác cảm thấy họ chỉ có sự lựa chọn duy nhất là làm theo bản năng.
Trong cuốn Raising America: Experts, Parents, and a Century of Advice About Children (Nuôi dạy thế hệ tương lai Hoa Kỳ: Các nhà chuyên môn, các bậc cha mẹ, và tổng kết một trăm năm lời khuyên về việc nuôi dạy trẻ), bà Ann Hulbert ghi lại lịch sử các tài liệu về đề tài nuôi dạy trẻ. Là mẹ của hai người con, bà nhận xét ít có lời khuyên nào của giới chuyên môn dựa trên cơ sở khoa học vững chắc. Trên thực tế, những lời khuyên ấy dựa trên kinh nghiệm cá nhân hơn là dữ liệu khách quan. Nhìn lại quá khứ, dường như phần nhiều những gì họ viết đã theo quan niệm nhất thời, mâu thuẫn và đôi khi hết sức kỳ quặc.
Thế thì, tình cảnh của các bậc cha mẹ ngày nay ra sao? Thành thật mà nói, nhiều người bối rối vì ngày nay hơn bao giờ hết, có quá nhiều ý kiến, lời khuyên và tranh cãi về vấn đề nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng cảm thấy như vậy. Nhiều bậc cha mẹ trên khắp thế giới đang được lợi ích từ một nguồn khôn ngoan tuy rất lâu đời, nhưng vẫn là nguồn hướng dẫn đáng tin cậy, như bài tiếp theo cho thấy.